Công trình nghiên cứu về làng cổ Việt Nam qua tư liệu bảo tồn di tích

(VHNT) - Làng Việt là một tổ chức xã hội vô cùng đặc biệt. Mang trong mình cả kho tàng về văn hóa, phong tục, qua đó, phản ánh rõ nét nhất căn tính con người Việt Nam. Những nét đặc sắc về kiến trúc của sáu ngôi làng cổ đã được Viện Bảo tồn di tích đưa tới công chúng cuốn sách “Kiến trúc làng cổ Việt Nam – Qua tư liệu bảo tồn di tích- tập 1"

Cuốn sách được giới thiệu trong khuôn khổ Triển lãm “Kiến trúc làng Việt truyền thống” diễn ra từ ngày 5/8/2020 đến hết ngày 5/9/2020 tại trụ sở Viện Bảo tồn di tích.

Qua cuốn sách, bạn đọc không chỉ hình dung được không gian kiến trúc của sáu ngôi làng cổ truyền thống: Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang), Cự Đà (Thanh Oai, Hà Nội), Nôm (Văn Lâm, Hưng Yên), Hành Thiện (Xuân Trường, Nam Đình), Phước Tích (Phong Điền, Thừa Thiên-Huế), An Truyền (Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) mà còn có thêm nhiều tư liệu lịch sử, văn hóa của các ngôi làng này.

Được biết, việc nghiên cứu các giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa của các ngôi làng Việt Nam đã được Viện Bảo tồn di tích triển khai từ lâu và đã mang ra mắt nhiều công trình có giá trị.

Tác phẩm mới - Công trình nghiên cứu về làng cổ Việt Nam qua tư liệu bảo tồn di tích

Một số công trình nghiên cứu đã được Viện Bảo tồn di tích giới thiệu tới bạn đọc

GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính viết trong lời mở đầu cuốn sách: “Làng Việt cổ truyền là một cấu trúc chặt chẽ về tổ chức và về điều hành cộng đồng xã hội, gắn chặt đến khó bề nhúc nhích những quan hệ chằng chịt, mà lại mạch lạc bởi hệ mạch dòng tộc huyết thống, bởi luật và lệ thành văn và bất thành văn, bởi sự sắp đặt tôn ti từ vai vế con người đến thứ hạng kiến trúc, cùng vô vàn những ràng buộc khác mà con người đặt ra, cứ thế mà tuân thủ. Cấu trúc xã hội ấy kết tinh mô hình tổ chức không gian ngôi làng Việt, mô hình tổ chức không gian khuôn viên và nếp nhà thôn quê...”

Tác phẩm mới - Công trình nghiên cứu về làng cổ Việt Nam qua tư liệu bảo tồn di tích (Hình 2).

Cuốn sách “Kiến trúc làng cổ Việt Nam qua tư liệu bảo tồn di tích – Tập 1” là công trình nghiên cứu tiếp theo Viện Bảo tồn di tích đưa tới người đọc 

Ẩn chứa sau không gian ngôi làng là cả một đời sống văn hóa được cha ông ta lưu giữ. Những di tích tín ngưỡng như đình, đền, chùa cho tới mỗi ngôi nhà cổ, mỗi cây đa, giếng nước đều mang trong nó những giá trị của lịch sử, là một phần không thể tách rời trong cấu trúc làng Việt Nam. 

Trong cuốn sách, ngoài những di tích tín ngưỡng như đình, đền, chùa; các ngôi nhà cổ cũng được giới thiệu tới bạn đọc nhằm tái hiện không gian sinh hoạt của người dân xưa.

Cuốn sách là thành quả của quá trình nghiên cứu lâu dài do Viện Bảo tồn di tích triển khai từ nhiều năm nay. Qua cuốn sách,  nói như GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính “Viện Bảo tồn di tích đã vượt qua khuôn khổ của một cơ quan nghiên cứu bảo tồn di sản”. Những tập tiếp theo của cuốn sách được xuất bản trong thời gian tới chắc chắn sẽ mang tới nhiều nghiên cứu giá trị về làng cổ Việt Nam.

Quang Minh

Link nội dung: https://arttimes.vn/tac-pham-moi/cong-trinh-nghien-cuu-ve-lang-co-viet-nam-qua-tu-lieu-bao-ton-di-tich-c49a5135.html