Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh (Ba Tỉnh) vẽ chân dung văn nghệ sĩ

Không chọn văn chương, hội họa làm nghiệp, Đinh Quang Tỉnh (Ba Tỉnh) đến với nghệ thuật như một cuộc chơi không toan tính. Thế nên, nhà thơ Nguyễn Duy từ Sài Gòn “bay” ra Hà Nội dự lễ khai mạc triển lãm “Bản Diện Kim Cương Bất Hoại” của Đinh Quang Tỉnh đã tặng một câu thơ làm chứng rằng: “Trăm năm một cuộc chơi này/ Phải là Ba Tỉnh, bảy say mới thành” - quả đúng là Ba Tỉnh. Riêng nhà văn Trung Trung Đỉnh có phần “ghen tỵ” với ông khi liên tục khen: “Sướng như Ba Tỉnh”...

Trước khi đến với thể loại vẽ tranh chân dung, họa sĩ Đinh Quang Tỉnh là một người có tên tuổi trong làng biếm họa. Trong số những bức tranh biếm họa rất nổi tiếng và để lại ấn tượng với nhiều người ngày ấy, phải kể đến bức "Bao giờ cho đến ngày xưa?" đăng trên báo Văn Nghệ.

Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh

Nhưng nhắc đến Ba Tỉnh là phải nhắc đến thể loại tranh chân dung của ông trong hội họa. Đến nay, hoạ sỹ đã có một gia tài khổng lồ tranh chân dung với hơn hai trăm bức, độc đáo ở chỗ, đa phần nhân vật trong tranh đều là văn nghệ sỹ, trí thức nổi tiếng, hầu hết là tranh sơn dầu.

Bộ sưu tập "Bản Diện Kim Cương Bất Hoại" gồm 108 tác phẩm hội họa của họa sỹ Đinh Quang Tỉnh đã được giới thiệu trong triển lãm cá nhân của ông tại Bảo Tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhân kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là một sự kiện văn hoá đáng nhớ.

Đinh Quang Tỉnh có một thời gian dài sống ở miền Nam, biệt danh Ba Tỉnh cũng bắt đầu từ đó. Trong khoảng thời gian đó do tính chất công việc, ông hay đến các quán rượu, cà phê ở Sài Gòn và Vũng Tàu để tiếp khách. Khi rượu đã đủ ngà ngà say, chủ quán thường nhờ ông ký họa bằng bút phớt, điểm màu bằng cà phê cho những vị khách mê nghệ thuật, mỗi bức vẽ trên khăn trắng trải bàn cắt nhỏ bằng hai bàn tay cũng bán được chút đỉnh để ông vui vẻ cùng bạn…

Nhưng cuộc chơi hội họa của Ba Tỉnh chỉ thật sự mở ra khi ông chuyển công tác ra Hà Nội, vào những năm 1980, khi gặp hoạ sỹ Thành Chương, hai ông đã trở thành đôi bạn thân và thường xuyên đi vẽ cùng nhau. Thành Chương khuyên Ba Tỉnh: “Ông nên thiên về vẽ chân dung”. Và ông Chương cũng gợi ý luôn: “Ông nên vẽ văn nghệ sỹ” với lí do giản dị rằng: “Văn nghệ sỹ mặt hầm hố, râu ria xồm xoàm rất dễ vẽ”.

Từ đó Ba Tỉnh đã tìm ra con đường riêng cho cuộc chơi trăm năm của mình. Xuân 2001, ông hoàn thành bức chân dung đầu tiên chính là chân dung Thành Chương. Sau đó liên tiếp “thai nghén” và “sinh nở” những “đứa con tinh thần” đầy ấn tượng về những tên tuổi lớn của làng văn nghệ: Họa sỹ Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, nhạc sỹ Văn Cao, nhà thơ Hoàng Cầm, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, nhà phê bình Mỹ thuật Thái Bá Vân…

Nhạc sỹ Văn Cao (1923-1995), Giải thưởng Hồ Chí Minh - Tranh sơn dầu của Đinh Quang Tỉnh

Nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2003), Giải thưởng Hồ Chí Minh - Tranh sơn dầu của Đinh Quang Tỉnh

Năm 2004, Ba Tỉnh tổ chức cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên tại 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) - ngôi biệt thự này đã từng là nơi ở của vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, nay là Trụ sở của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Triển lãm gồm 21 bức chân dung văn nghệ sĩ được chia ra thành 3 nhóm: 7 người đã qua đời, 7 người luống tuổi và 7 người còn trẻ. Những tác phẩm trong triển lãm ngày ấy nay hầu hết đã nằm trong bộ sưu tập trong và ngoài nước. Triển lãm vinh hạnh được thi sỹ Hoàng Cầm đến dự và đọc thơ tình “Kinh Bắc” thay cho lời dẫn chương trình.

Kỷ niệm đẹp nhất của Ba Tỉnh trên con đường rong chơi với hội họa có lẽ là bức vẽ nhà văn Nam Cao. Gia đình đã giới thiệu người cháu họ có gương mặt hao hao nhà văn Nam Cao để làm mẫu cho Ba Tỉnh vẽ.

Sau đó ông được TS.Trần Mai Thiên - con trai của nhà văn mời về nhà riêng. Trên bàn thờ có bức hình Nam Cao, đó là một tư liệu rất quý để xây dựng tác phẩm. Niềm vui thật bất ngờ khi cả hai tác phẩm: Chân dung nhà văn Nam Cao và Làng Vũ Đại ngày ấy của họa sĩ Ba Tỉnh được trưng bày trong triển lãm “Nam Cao và những tác phẩm tạo hình” đã được gia đình nhà văn Nam Cao chọn mua.

Nhà văn Nam Cao (1917-1951), Giải thưởng Hồ Chí Minh - Tranh sơn dầu của Đinh Quang Tỉnh

Nhạc sỹ Đỗ Nhuận (1922-1991), Giải thưởng Hồ Chí Minh - Tranh bút sắc, mực nho của Đinh Quang Tỉnh

Không ít người nổi tiếng đã dành lời khen cho chân dung hội họa của Ba Tỉnh. Có thể là lời khen tự đáy lòng, cũng có thể là lời động viên ông. Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng khi được mời ra dự triển lãm, đã đội rượu lên trên đầu và hạ một chữ: Tuyệt, khi ông ngắm chân dung Nguyễn Gia Trí, Văn Như Cương… vậy, đâu là điểm độc đáo trong lối vẽ chân dung của Ba Tỉnh? Tôi thắc mắc.

Ông cười: “Tôi vẽ sơn dầu nhưng bạn có thể lấy kính lúp soi đếm từng sợi râu của cụ Văn Như Cương…”Một người cầu kỳ hình thức như nhạc sỹ Hồng Đăng được Ba Tỉnh miêu tả cực kỳ chuẩn xác: kính nhất định phải mạ vàng, bút nhất định phải có thương hiệu… “Mỗi bức tranh tôi vẽ là cuốn tiểu thuyết rất chỉn chu, miêu tả đến tận chi tiết nhỏ nhất ví như cái mác trên cổ áo phông của danh hoạ Nguyễn Gia Trí chẳng hạn...”.

Hoạ sỹ Nguyễn Gia Trí (1908-1993), Giải thưởng Hồ Chí Minh - Tranh sơn dầu của Đinh Quang Tỉnh

Đối với những văn nghệ sỹ ông được tiếp xúc và trực tiếp vẽ thì không có trở ngại gì. Nhưng khi vẽ những bậc tiền bối đã qua đời, không có cơ hội gặp mặt như: Danh hoạ Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn; nhạc sỹ Văn Cao, Đỗ Nhuận; nhà văn Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi... khi thể hiện chân dung của họ thì những di ảnh đen trắng ngày xưa luôn là niềm cảm hứng khám phá vô tận.

Niềm tin và khát vọng đã giúp Ba Tỉnh chưng cất từng chi tiết, đặc tính từ những bức ảnh quý hiếm để rồi hình dung ra nhân vật của mình và ông đã “chép” lên toan dung mạo những danh nhân ấy trong men say và mỹ cảm hội họa của người nghệ sĩ để hoá thành những tác phẩm để đời.

Hoạ sỹ Bùi Xuân Phái (1920-1988), Giải thưởng Hồ Chí Minh - Tranh sơn dầu của Đinh Quang Tỉnh

Hơn 50 năm Đinh Quang Tỉnh gắn bó với hội hoạ, rồi chuyên vẽ tranh chân dung, mà chủ yếu là chân dung văn nghệ sĩ. Ông quan niệm vẽ tranh chân dung bằng màu dầu cũng giống như nhà văn viết tiểu thuyết về thân phận con người vậy. Nhà văn có thể mặc sức khai thác mọi ngóc nghách thân phận con người, còn người họa sỹ thì bằng gam màu, sắc màu tối sáng có thể mặc sức miêu tả trạng thái nhân vật, trực tiếp hoặc ẩn dụ, bay bổng phóng khoáng hay trầm lắng suy tư, thậm chí có thể vẽ từ trong khóe mắt đến sâu thẳm tâm hồn nhân vật mà mình yêu thích. Chỉ sợ có cảm xúc nhưng tài năng lại vơi cạn, hoặc có tài năng nhưng không có cảm xúc thì không thể sáng tạo ra tác phẩm, còn tiềm năng của màu dầu là vô tận.

Hoạ sỹ Trần Văn Cẩn (1910-1994), Giải thưởng Hồ Chí Minh - Tranh sơn dầu của Đinh Quang Tỉnh

Hàng trăm chân dung văn nghệ sĩ do ông sáng tác được giới thiệu, minh họa cho: phim tài liệu, sách, báo, tạp chí, website… trong và ngoài nước như một sự chọn lựa hình ảnh tiêu biểu cho nhân vật nổi tiếng. Những bức chân dung như: Nguyễn Tuân, Nam Cao, Văn Cao, Nguyễn Gia trí, Nam Sơn-Nguyễn Vạn Thọ, Sơn Nam, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Quang Sáng, Bùi Giáng, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê,…được phổ biến rộng rãi. Đặc biệt, tranh chân dung nhà nghiên cứ Mỹ thuật Thái Bá Vân của Đinh Quang Tỉnh được giới thiệu trong Wikipedia (bách khoa toàn thư mở)…

Hoàng Minh Tường - một trong những nhà văn hiện đại, đã viết về Ba Tỉnh: “Tranh đã kỳ khu, trác tuyệt, nhưng khung tranh cũng kỳ vĩ không kém, nhiều chiếc khung tới bạc triệu. Những người được Ba Tỉnh ngắm đặt trên toan, nếu không là bậc kỳ tài trong giới văn sỹ, họa sỹ, kịch sỹ, nhạc sỹ… thì cũng là những nhà văn hóa trứ danh, những “tay chơi” văn nghệ thượng thặng…

Tôi nghiệm ra ông là người rất mực liên tài (liên tài với hàm ý yêu mến, nể trọng, nâng niu người tài, mà từ sáu trăm năm trước trạng nguyên Nguyễn Trực và phó súy Tao đàn nhị thập bát tú thời vua Lê Thánh Tông là Thân Nhân Trung đã đặc biệt lưu ý: Hiền tài - Nguyên khí quốc gia). Người làm văn nghệ mà liên tài mới đủ nhãn lực nhìn ra những Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Nam Cao, Hữu Loan, Trịnh Công Sơn…

Vì liên tài, Ba Tỉnh thích tiếp cận, giao du, kết bạn với những tài hoa tính cách khác thường, hoặc với những số phận lận đận, bị dập vùi, tài năng và thân phận có cơ bị khuất lấp. Và ông dành nhiều thời gian để vẽ về họ. Nhân dịp chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông đã tổ chức một triển lãm mang tên “Bản diện kim cương bất hoại” (Những gương mặt đẹp như kim cương thời gian không bị phai mờ), phục dựng hàng trăm gương mặt văn nghệ sỹ mà ông cam đoan sự nghiệp của họ, cùng với tranh của ông sẽ sống cùng hậu thế…”.

Đinh Quang Tỉnh là người rất mực liên tài

Đinh Quang Tỉnh là người quảng giao, đam mê vẽ, rồi tổ chức triển lãm, tặng tranh, bán tranh… Ngoài ra viết văn và uống rượu là một phần không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần của ông./.

Nhàn Vũ

Link nội dung: https://arttimes.vn/my-thuat/hoa-si-dinh-quang-tinh-ba-tinh-ve-chan-dung-van-nghe-si-c15a6117.html