NSƯT Minh Vân - Nữ nghệ sĩ múa tài sắc, thành đạt

Những năm tháng Đoàn văn công Công an Nhân dân Vũ trang chúng tôi từng đi biểu diễn khắp mọi miền đất nước, và nhiều lần bôn ba ngoài quốc tế với những tác phẩm xuất sắc là những năm tháng chúng tôi đều không thể nào quên.

Minh Vân (Trần Thị Minh Vân) của Đoàn văn công Công an Nhân dân Vũ trang (Đoàn văn công) chúng tôi khi ấy sinh trưởng trong một gia đình khá đặc biệt. Ông bà thân sinh của chị, lúc còn trẻ đẹp như nam vương, hoa hậu nơi núi Thúy sông Vân, thị xã ninh bình, tỉnh ninh bình, cố đô phát tích ba triều đại Đinh, Lê, Lý.

Cha chị, ông Trần Văn Nghiêm là Trung tướng, Tư lệnh trưởng Quân khu 9, đã rất nhiều năm chiến đấu ở chiến trường tây Nam Bộ và nước bạn Căm-pu-chia. Mẹ chị là cán bộ nhà nước bình thường, nhưng một vai gánh vác giang sơn nhà chồng, đảm đang nuôi dạy ba người con khôn lớn, bỗng lìa đời trong lúc người chồng gắn bó từ thuở tào khang vẫn chỉ huy chiến đấu ở chiến trường xa... Em trai chị là một danh thủ bóng đá Công an Hà Nội nhiều năm vô địch miền Bắc. Em gái chị là viên chức nhà nước làm dâu một tướng lĩnh quân đội, gia đình riêng giữ được gia phong.

Phải chăng, gia đình giàu truyền thống, có của ăn của để đã hun đúc để Minh Vân trở thành nghệ sĩ múa xuất sắc, cùng từng đồng đội bốn lần bôn ba khắp ba châu lục.

NSƯT Minh Vân (ngoài cùng bên phải) cùng bạn diễn gặp gỡ nữ anh hùng quân đội Tạ Thị Kiều

Năm 1965, Vân cùng đồng nghiệp giành được những giải thưởng cao nhất của Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc tổ chức ở Hà Nội cho bốn tác phẩm múa, trong đó có Ong vò vẽ. Lúc ấy, cấp trên chưa ban hành thể lệ trao tặng các loại huy chương, nếu có, chắc chắn Vân giành được huy chương vàng cùng với hai diễn viên nam.

Thành công bất ngờ và vang dội nên Đoàn văn công chúng tôi được nhà nước cho tốc hành sang nước bạn trung quốc để bổ sung bốn siêu phẩm múa nói trên cho Đoàn văn công Nhân dân Trung ương, lần ấy mang danh nghĩa quốc gia vì được bổ sung những ca sĩ nổi tiếng nhất như Qúy Dương, Ngọc Dậu, Trung Kiên, dù đã có Trần Hiếu, Thanh Huyền, Kiều Hưng, Vũ Dậu. Bốn điệu múa nổi tiếng một thời ấy đã chiếm lĩnh hầu hết chương trình múa của “đội tuyển nghệ sĩ toàn quốc”, còn lại chỉ là múa sạp và trích đoạn kịch múa ngắn Theo cờ giải phóng.

Đặc biệt, vai ong chúa của Minh Vân trong Ong vò vẽ xuất sắc đến mức, lập tức nổi tiếng toàn ngành múa, bức ảnh bán thân với áo mũ ong chúa được treo bán ở nhiều hiệu sách.

Minh Vân (hàng đứng, ngoài cùng bên trái) và đồng đội tập “Ong vò vẽ” tại nhà dân  thời sơ tán, tránh chiến tranh phá hoại.

Minh Vân chỉ được học khóa đào tạo 4 năm tại trường Trung cấp Nghệ thuật Quân đội, tiền thân của trường Đại học Văn hóa và Nghệ thuật Quân đội nhưng chưa tốt nghiệp vì năm này qua năm sau phải cùng Đoàn, cùng Đội biểu diễn ở biên giới, hải đảo. Nhưng, với năng khiếu bẩm sinh, vóc dáng “rất múa”, lại khổ luyện, Vân đã thực thi được những kĩ xảo chỉ có nam diễn viên làm được. Hơn nữa bạn là diễn viên có sở trường làm được những động tác uyển chuyển, mượt mà, hơn hẳn các diễn viên nữ còn lại của Đoàn văn công.

Năm 1970, Đoàn chúng tôi dự Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc tổ chức tại Hải Phòng với kịch múa Rừng thương núi nhớ. Lại một lần nữa nổi tiếng vì vở kịch múa đồ sộ ba màn ấy đoạt được 4 huy chương vàng cho biên đạo và diễn viên, trong đó có Vân, thời điểm ấy là một kỷ lục quốc gia.

Vì thế, sau đó ít lâu Minh Vân được phong tặng danh hiệu nsưt cao quý. Thật tiếc cho người bạn một thời hoàng kim, một thời oanh liệt ấy, vì vướng bận với những việc ngoài nghệ thuật nên không tiếp tục cống hiến cho nghiệp múa, nếu có, rất có thể Vân sẽ có danh hiệu NSND.

NSƯT Hồng Hạnh thay NSƯT Minh Vân múa vai Ong chúa, đóng vai ông già nuôi ong vẫn là diễn viên/ nhà giáo Trần Đức Viễn

Rừng thương núi nhớ của Đoàn chúng tôi là một vở kịch hoành tráng bằng. Trong vở kịch múa dài ba chương ấy, Minh Vân được phân vai nữ chính Chu Chà Mây, vai nữ thứ yếu Chu Chà My giao cho một diễn viên nữ nhiều tuổi hơn Vân, lại chưa một buổi, một giờ được đào tạo chính quy. Sau mấy buổi dàn tập, nhà biên đạo Trần Minh đang thời thăng hoa nhất của sự nghiệp, có nhiều kinh nghiệm nên đã chuyển trường đoạn múa Kể khổ (với các chiến sĩ công an biên phòng) từ Chu Chà My sang Chu Chà Mây.

Sau đó, trong mọi buổi công diễn, Minh Vân với mái tóc dày và rậm phủ kín tấm lưng vốn thon thả, hai tay chắp như niệm Phật sau lưng, ngang tầm mỏ ác, hai gối quỳ, lưng ngả ra sau, xuống thấp đến chạm sàn sân khấu, thân hình uốn lượn dọc ngang rồi bất ngờ nhấn hai gối, dùng sức của hai đùi nâng thân lên cao, cho vuông góc với sàn, lưng uốn cong, mái tóc buông xuống che gần kín hai chân, hai tay ngửa và thẳng, dang rộng hai bên thân, mặt ngửa, thân lại ngả ra sau tạo thành một góc 45o với sàn, thân và hai tay lại đu đưa theo chiều ngang, mặt nghiêng theo.

Nếu người xem tập trung có thể nhận biết, cô gái ưu tú nhất bản đã thay mặt dân làng than thở nỗi thống khổ cho thấu đến trời xanh. Chi tiết chắp hai tay sau lưng của Minh Vân, các diễn viên nam và rất nhiều diễn viên nữ không làm được vì nó đòi hỏi hai tay phải rất dẻo, từ hai cánh tay trên và dưới, cổ tay, bàn tay đến ngón tay, hai bả vai cũng dẻo không kém thì hai tay mới quặt được ra sau lưng đến như vậy.

Chuyện thay vai đổi múa này, không thấy ai trong đội múa nhắc lại, có lẽ mọi người vì tế nhị hoặc cho là chuyện bình thường, hơn nữa, rất hợp lý. Dường như, chỉ riêng người viết bài này thấu tỏ, Minh Vân vẫn thi thoảng, đâu đó vẫn vấn vương nỗi niềm ái ngại cho người nữ diễn viên đàn chị bản chất nhu mỳ, nhẫn nhịn. Thế đấy, Vân giỏi chuyên môn lại nghĩa tình với đồng đội, bạn bè nên dù bạn đã vài ba lần vì chuyện riêng tư mà gây phiền toái cho đoàn nhưng tự trung, mọi người trong và ngoài Đoàn đều cảm thông, vẫn quý mến người nghệ sĩ tài hoa ấy.

Minh Vân còn đặc biệt ở một cá tính khác biệt. Vân không chỉ phản kháng lễ giáo phong kiến, chị còn bước qua mọi dị nghị trong và ngoài Đoàn “trâu đi tìm cọc”, để mưu cầu cho được điều mình mong muốn.

Hình như, mọi lẽ đời đều được cái này phải mất cái kia, Minh Vân cứ sống vô tư, phóng khoáng, lãng mạn đến độ, những cá tính vừa hay vừa dở ấy đã chuốc cho bạn nhiều đa đoan.

Năm 1975, Minh Vân đưa gia đình riêng vào sống cùng cha ở miền Nam, bạn bổng trở thành một doanh nhân thành đạt lúc nào không hay, làm ngạc nhiên mọi đồng đội cũ. Thời trước, Vân mê say nghệ thuật, ít vướng bận cơm áo gạo tiền, nói gì đến buôn bán mưu sinh. Dĩ vãng, bạn ham mê nghệ thuật múa đích thực, đương thời Vân mê mải với khiêu vũ. Người bạn, người đồng chí được cả Đoàn quý mến ấy, vẫn lưu trú tận phương Nam xa xôi nhưng vẫn thường trở lại, để trùng phùng, hàn huyên với cố nhân.

Phải là bạn diễn cũ mới nhận ra Minh Vân vẫn trẻ như xưa

"Với năng khiếu bẩm sinh, vóc dáng “rất múa”, lại khổ luyện, Vân đã thực thi được những kĩ xảo chỉ có nam diễn viên làm được. Hơn nữa Vân là diễn viên có sở trường làm được những động tác uyển chuyển, mượt mà, hơn hẳn các diễn viên nữ còn lại của Đoàn văn công.

Trần Trúc Linh

Link nội dung: https://arttimes.vn/san-khau-dien-anh/nsut-minh-van-nu-nghe-si-mua-tai-sac-thanh-dat-c17a6287.html