Lưu Cơ - nhân vật lịch sử xứng đáng tôn vinh

Lưu Cơ là một khai quốc công thần của triều Đinh, nhưng còn ít được biết đến, không chỉ trong nhận thức đại chúng, mà ngay cả đối với giới sử học. Một trong những lý do quan trọng là triều đại mà ông có nhiều đóng góp, trong một thời gian dài chưa được nghiên cứu đầy đủ, vị trí của nước Đại Cồ Việt chưa được nhìn nhận xứng đáng. Mặt khác, tư liệu về vị Thái sư họ Lưu cũng như toàn bộ giai đoạn lịch sử này còn lại khá hiếm hoi, nên việc nghiên cứu để có nhận thức thức sâu sắc về vai trò của ông là điều không đơn giản.

Để đánh giá đúng cống hiến của Lưu Cơ đối với nhà nước Đại Cồ Việt và vị trí của ông trong lịch sử Việt Nam, cần làm rõ một số vấn đề của giai đoạn lịch sử này.

Các đại biểu chụp ảnh sau hội thảo Lưu Cơ tại Hoàng thành Thăng Long trưa 15/5/2022. Hàng trước: Đứng giữa đeo kính: GS.TSKH Vũ Minh Giang (chủ trì hội thảo), bên tay trái GS Giang là TS Trịnh Thị Thuỷ (Thứ trưởng Bộ Văn hoá), GS Hà Đình Đức, PGS.TS Trần Đức Cường (CT Hội KH Lịch sử Việt Nnam). Phía tay phải GS Giang là TS Chử Xuân Dũng (Phó CT Hà Nội), TS Nguyễn Việt. Hàng sau GS Giang: Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, nhà sử học Dương Trung Quốc cùng các đại biểu khác

Nhận thức mới về thời Đinh và Tiền Lê

Cách đây chưa lâu, trong phần lớn các bộ thông sử cũng như sách chuyên khảo, nhân vật Đinh Bộ Lĩnh thường được gắn với chiến công “dẹp loạn 12 sứ quân” và thống nhất đất nước. Triều Đinh và nhà nước Đại Cồ Việt hình thành là thành quả tất yếu của sự nghiệp nói trên.

Vì quá nhấn mạnh vào tính chất “dẹp loạn” trước đó nên đã dẫn tới quan niệm: nhà nước này chỉ tồn tại hơn 40 năm (968 - 1009) chưa làm được gì nhiều ngoài chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống vào năm 981. Nhận định như vậy có phần đúng, nhưng nếu nghiên cứu sâu thêm bối cảnh lịch sử trước và sau thời kỳ lịch sử đó thì cách nhìn nhận này chưa đủ và chưa thật thỏa đáng.

Trở lại thời kỳ đầu thế kỷ X, sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc, với chiến thắng Bạch Đằng năm 938, người Việt đã chính thức khẳng định quyền tự chủ của mình trước cac triều đại phong kiến phương Bắc. Công lao lớn của Ngô Quyền là diệt trừ được mối họa chia rẽ nội bộ, hướng lực lượng của các hào trưởng vào công cuộc chống quân Nam Hán.

Chiến thắng Bạch Đằng là một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm, và hơn thế, còn có ý nghĩa khẳng định ý chí và khả năng bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Trong thời gian ngắn ngủi, trên đỉnh cao của chiến thắng, Ngô Quyền mới chỉ kịp xưng Vương vào năm 939, khẳng định vị thế của một chính quyền hoàn toàn độc lập và cho dời thủ phủ từ Tống Bình về Cổ Loa, thể hiện ý chí nối lại truyền thống mà nhân dân Âu Lạc đã xây dựng dưới thời An Dương vương.

Đáng tiếc, vị anh hùng dân tộc đã qua đời khi mới vừa 47 tuổi. Dưới thời trị vì của ông và những năm sau đó không thấy có tài liệu nào nói về việc nhà vua đặt quốc hiệu, thiết lập hệ thống hành chính từ trung ương đến địa phương, bao gồm cả việc xác định cương thổ, biên giới. Trong  suốt thời gian từ năm 939 đến năm 968 niên hiệu Trung Quốc vẫn được sử dụng.

Có thể nói sau chiến thắng Bạch Đằng, một chính quyền độc lập đã được thành lập, nhưng một quốc gia hoàn chỉnh vẫn chưa hình thành. Không phải vô tình mà các bộ biên niên sử thời phong kiến đều chép thời nhà Ngô vào phần Ngoại kỷ (Đại Việt sử ký toàn thư quyển 5), hoặc Tiền biên (Việt sử thông giám cương mục quyển 5). Sau cái chết của Quyền Ngô vương, những người kế nghiệp không giữ được quyền lực của chính quyền trung ương, vùng đất Tĩnh Hải quân bị cát cứ bởi các thủ lĩnh địa phương, lâm vào cục diện sử sách thường gọi là loạn 12 sứ quân.

Sự nghiệp tái lập quốc còn đang dang dở, chính quyền độc lập vừa mới giành lại từ tay phong kiến phương Bắc đứng trước nguy cơ tan rã. Sứ mệnh khôi phục thống nhất và xây dựng một quốc gia hoàn chỉnh đặt trên vai Đinh Bộ Lĩnh và những sự thân tín, trong đó có Lưu Cơ.

Sự nghiệp thống nhất mà Đinh Bộ Lĩnh đã tạo ra không đơn thuần chỉ là kết cục của một cuộc chiến phe phái trong đó người mạnh nhất giành chiến thắng mà là thắng lợi của một xu thế. Công cuộc tái lập quốc và bảo vệ nền độc lập non trẻ sau khi chính quyền độc lập sau một thời kỳ đấu tranh bền bỉ mới giành lại được, cần một nền tảng thống nhất vững chắc.

Sứ quân là danh xưng được các sử gia thời phong kiến dùng để chỉ các hào trưởng “nổi dậy chiếm cứ quận ấp để tự giữ”. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do sự rạn nứt trong chính quyền sau sự kiện Dương Tam Kha tiếm ngôi vương, nhưng quan trọng hơn là vì trước đó chính quyền Cổ Loa được tạo dựng chủ yếu dựa vào uy tín và dũng lược của Ngô Quyền.

Những người kế tục sự nghiệp của ông không có đủ tài năng và đức độ để các hào trưởng tuân phục. Nhiều người trong số họ từng phò giúp Dương Đình Nghệ và chiến đấu dưới cờ ông đã lần lượt bỏ về làm thủ lĩnh địa phương, “không ai chịu thống thuộc vào ai” tạo nên cục diện 12 sứ quân. Những kết quả nghiên cứu mới nhất về thời kỳ lịch sử này cho thấy quan niệm cho rằng cục diện này giống như thời Ngũ đại ở Bắc triều rồi đi tới những nhận định rằng sự thống nhất quốc gia vào nửa sau thế kỷ X là kết quả của công cuộc“dẹp loạn” là không thật thỏa đáng.

Cách nhìn nhận này thực ra chưa phản ánh hết tầm vóc của sự nghiệp tạo dựng nền tảng thống nhất cho một quốc gia, cái mà trước đó chưa có. Hơn nữa, quan niệm này không thật đúng với thực tế lịch sử lúc đó. Trước khi các hào trưởng hưởng ứng lời kêu gọi của Ngô Quyền góp sức cùng đánh quân Nam Hán, họ đã là những người có ảnh hưởng rất lớn ở các địa phương (chứ không phải là các thế lực cát cứ làm một đất nước thống nhất bị tan rã thành nhiều phần như mô tả của nhiều tác giả sau này).

Ban điều hành Hội thảo khoa học " Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ". Từ trái sang: TS Nguyễn Việt, nhà sử học Dương Trung Quốc, GS Vũ Minh Giang (chủ trì), PGS, TS Trần Đức Cường

Khi nền tảng thống nhất quốc gia chưa được tạo dựng, những người nắm chính quyền lại không đủ uy đức để thu phục thì các thủ lĩnh trở về hùng cứ ở địa phương mình là điều khó tránh khỏi như một lẽ tự nhiên. Vì vậy, cách gọi là “loạn 12 sứ quân” là không phù hợp. Hầu như có rất ít sử liệu mô tả những trận chiến giữa các sứ quân gây nên cảnh loạn lạc. Hầu hết các sứ quân đều là những nhân vật được nhân dân địa phương tôn kính, trân trọng như những anh hùng. Họ được dân tôn làm làm thành hoàng, phúc thần và lập đền miếu thờ phụng.

Với ý nghĩa đó, công cuộc thống nhất đất nước cần được hiểu là một sự nghiệp lớn lao, trong đó Đinh Bộ Lĩnh và những người cùng chí hướng không phải chỉ là tướng lĩnh giỏi chiến trận mà hơn thế, còn là những người có tầm nhìn chiến lược và tài ba, mưu lược trong ngoại giao. Không phải ngẫu nhiên mà sự nghiệp thống nhất đất nước, chấm dứt tình trạng các sứ quân hùng cứ một phương đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi vì đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo dân chúng.

Như vậy, sự kiện Đinh Bộ Lĩnh thu phục được các sứ quân vào năm 967 để trên cơ sở đó, xây dựng một chính quyền trung ương tập quyền vững chắc, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt với đầy đủ thiết chế hoàn chỉnh đã tạo nên sức mạnh của một quốc gia thống nhất. Thiết chế tập quyền trên nền tảng thống nhất được khời dựng từ triều Đinh là mô hình phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam đã được duy trì và phát triển hầu như trong suốt tiến trình lịch sử Việt Nam. Đây có thể là một mốc son trong  lịch sử dân tộc.

Đánh giá đúng về tầm vóc của công cuộc thống nhất đất nước giúp chúng ta hiểu sâu hơn về tài năng và đóng góp với lịch sử dân tộc của Lưu Cơ, người có mối quan hệ đặc biệt và luôn sát cánh với Đinh Bộ Lĩnh trong từng quyết sách.

Vị thế của Đô hộ phủ Sỹ sư Lưu Cơ

Sự kiện có ý nghĩa đầu tiên sau khi hoàn thành sự nghiệp thống nhất là việc định đô chính thức đặt tên nước và xưng đế. Sử cũ chép: “Mậu Thìn, năm thứ 1 [968]. Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời Kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế”. Đây là cột mốc lịch sử cực kỳ quan trọng đánh dấu thời điểm tái lập quốc với đầy đủ tiêu chí của một quốc gia hoàn chỉnh. Trong các bộ chính sử, tên Lưu Cơ xuất hiện gắn với sự kiện này.

GS. TSKH Vũ Minh Giang - Chủ trì hội thảo Thái sư Lưu Cơ

Vào năm 970, sau thiết lập triều chính và đặt niên hiệu là Thái Bình, triều Đinh bắt đầu quy định các bậc quan lại văn võ và tăng đạo. Trong sự kiện này Lưu Cơ là nhân vật thứ hai được kể đến sau Định quốc công Nguyễn Bặc. Những nhân vật kiệt xuất như Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, Khuông Việt đại sư Tăng thống Ngô Chân Lưu…đều ở vị trí xếp sau ông. Chức vị ông được phong khi ấy, theo Đại Việt sử ký toàn thư  là Đô hộ phủ sĩ sư.

Câu hỏi Lưu Cơ là ai từng được đặt ra và được giải đáp khá kỹ càng. Ghi chép về Lưu Cơ trong các bộ chính sử không nhiều, nhưng phân tích kỹ thông tin ít ỏi này cũng tìm ra khá nhiều lý thú. Tham khảo các điển chế thời Đường, sĩ sư là chức quan an coi việc hình án. Đô hộ phủ là danh xưng do nhà Đường đặt ra để chỉ phạm vi một đơn vị hành chính nằm ngoài Trung Nguyên, trong số đó có An Nam đô hộ phủ.

Tổng hợp các tư liệu hiện có, hình dung Lưu Cơ là một đại thần khai quốc được giao trọng trách coi việc luật pháp và xử án của cả nước. Tuy nhiên có một điều rất đáng lưu ý là cùng sự kiện này, khi nói về Lưu Cơ sách Việt sử lược, lại chép rằng ông được giao làm Đô hộ phủ Thái sư (都護府太師).

Qua đối chiếu văn bản, không khó để nhận ra: với cùng một sự kiện, những nội dung được chép trong sách Việt sử lược phần nhiều phản ánh gần thực trạng hơn Đại Việt sử ký toàn thư, một sử biên soạn sau hơn một thế kỷ. Theo đó, rất có thể chức vụ của Lưu Cơ là Thái sư thay vì Sĩ sư.  Thái sư là chức quan đầu triều, dưới một người và trên tất cả các quan còn lại.

Đoạn chép về việc thiết đặt các chức quan trong triều trong ngày định niên hiệu,  Lưu Cơ được chép đầu tiên trong các chức quan, nguyên văn như sau: 辛未太平二年,置文武僧道階品。以劉某為都護府太師,阮匐為定國公,黎桓為十道將軍 (Năm Tân Mùi Niên hiệu Thái Bình thứ hai, đặt các quan văn, võ và tăng đạo. Lấy Lưu Mỗ (Cơ) làm Đô hộ phủ Thái sư, Nguyễn Bặc làm Định Quốc công, Lê Hoàn làm Thập đạo Tướng quân).

Tuy nhiên, dưới triều Đinh chức Thái sư còn mang nhiều ý nghĩa vinh phong hơn là điều hành chính quyền thực chất như thời Lý (Lê Văn Thịnh) hay Trần (Trần Thủ Độ) về sau. Dù thế nào, đoạn ghi chép đáng tin cậy này của Việt sử lược cũng cho thấy vị trí đặc biệt của Lưu Cơ trong giai đoạn lịch sử Đại Cồ Việt.

Một trong những công lao lớn của Lưu Cơ được ghi nhận trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long là việc ông đã giữ vai trò là người đứng đầu  Đại La - cựu thủ phủ của Đô hộ phủ An Nam. Theo ghi chép của thần phả, thần tích thì ông đã trông coi tòa thành này cho đến khi về hưu. Ông chính là người đã chỉ huy việc tu sửa Đại La thành một tòa thành chuẩn bị mọi điều kiện cơ sở hạ tầng cho cuộc dời đô của Lý Công Uẩn. Một việc làm có ý nghĩa lớn là trong quá trình tu sửa, ông đã cho chuyển cổng thành từ chính Bắc sang chính Nam. Đây chính là biểu hiện sâu sắc của ý thức dân tộc.

Toà thành Đại La sau hơn 1.000 năm đã không còn dấu vết kiến trúc, chỉ tên Đại La (cực lớn, bao la) và vòng thành ngoài là đê đắp đất. Khi vua triều Nguyễn đầu tiên là Gia Long (Nguyễn Ánh) chuyển kinh đô vào Huế năm 1802, kinh đô Thăng Long chỉ còn là Bắc thành. Từ năm 1838 mang tên Hà Nội, trong đời vị vua thứ hai của triều Nguyễn - Minh Mạng (trị vì 1820 - 1840).

Lưu Cơ, người chuẩn bị toà thành Đại La cho Lý Công Uẩn từ Hoa Lư về tiếp nhận kinh đô, đã chuyển cổng thành từ chính Bắc (có khả năng là Cửa Bắc) sang chính Nam (có khả năng là Cửa Nam).

Quay cổng hướng Bắc, tức là chầu về kinh đô Hoa Lư. Những sửa sang cải tạo này vẫn được lưu giữ trong tầng văn hóa của Hoàng thành Thăng Long: gạch ngói thời Hoa Lư như gạch "Đại Việt quốc quân thành chuyên", "Giang Tây quân".

Lịch sử chỉ diễn ra một lần, nhưng nhà khoa học Lịch sử luôn liên tục bổ sung bằng các nhân chứng, tư liệu mới. Đó là chủ trương nghiên cứu lịch sử của tôi trong nửa thế kỷ qua.

Công lao, đức độ của ông đã được nhân dân những nơi có sự hiện diện của ông hoặc biết đến ông ghi nhận qua hệ thống rất nhiều đền thờ, các gia phả, thần phả... Với tầm vóc và công lao đóng góp của mình, Thái sư Lưu Cơ xứng đáng có vị trí tôn vinh trong di tích Hoàng thành Thăng Long và ở Thủ đô Hà Nội.

Vũ Minh Giang

Link nội dung: https://arttimes.vn/kien-truc-quy-hoach/luu-co-nhan-vat-lich-su-xung-dang-ton-vinh-c9a6970.html