Venise thành phố nữ hoàng bên bờ Địa Trung Hải

Nếu đi thăm Venise (nước Ý) bằng đường bộ, ta có thể đến từ hướng Bắc nước Ý qua thành phố Treviso, hoặc từ hướng Tây, Tây Nam qua các thành phố Padova, Milano hoặc Bologna. Nhưng cho dù từ hướng nào, cuối cùng ta cũng phải tới thành phố Mestre, đô thị cuối cùng trên đất liền đứng trước biển Adriatic và đối diện với Venise.

Từ trung tâm Mestre, chạy chừng 3km là ô tô đã đưa du khách đi vào con đập cầu cảng dài khoảng 1km và rộng tới chục làn xe. Xe dừng lại ở đoạn cuối con đập để ngay sau đó bạn sẽ được mời lên một chiếc tầu thủy nhỏ nhắn màu trắng nào đó trực sẵn bên cầu tầu. Chiếc du thuyền như người đại diện được chủ nhà phái đến tận bờ biển đón bạn sang thăm Venise. Và từ đây, xa mờ sau những con sóng nhấp nhô trên làn nước xanh như cẩm thạch của Địa Trung Hải, ta đã có thể nhận ra những tháp chuông nhà thờ vượt lên trên những mái nhà lô xô hồng tươi của thành phố đảo Venise.

GRAND CANAL Dòng kênh lớn nhất ở Venise. Ảnh Nguyễn Đắc Như

Venise vốn là nột quần đảo hợp thành bởi 118 hòn đảo lớn nhỏ. Nhìn trên bản đồ, hình thù tổng quan cả quần đảo Venise chẳng khác nào hình một con cá khổng lồ đang quẫy đuôi bơi thẳng từ biển khơi vào bờ. Quần đảo hình con cá này có chiều dài từ Tây sang Đông là 4.260 mét; rộng từ Bắc xuống Nam là 2.790 mét; diện tích là 7,062 km2 và chu vi quanh đảo là 13.700 mét. Có điều kỳ thú là hầu hết các hòn đảo thành phần lớn nhỏ này đều nằm nép bên nhau ngay ngắn và trùng khớp như có một bàn tay vô hình nào đó của tạo hóa sắp đặt.

Để dễ hình dung ra diện mạo cái thành phố quần đảo này, các bạn cứ thử tưởng tượng, ta đang cầm trên tay một tấm phù điêu bằng đá hình con cá đang bơi, bỗng vô tình đánh rơi xuống đất. Tấm phù điêu không vỡ tung tóe thành từng mảnh mà chỉ bị nứt vỡ thành 118 miếng riêng biệt, giữa chúng chỉ là những kẽ nứt rộng hẹp, khiến cho các mảnh vỡ không còn kết dính với nhau, nhưng cũng không rời nhau quá xa, nhờ thế mà tấm phù điêu vỡ vẫn còn giữ được hình dáng ban đầu của con cá đang bơi.

Còn trên thực địa, mỗi mảnh vỡ dù to hay nhỏ mà ta ví von đó đều là một hòn đảo, những kẽ nứt rộng hẹp khác nhau lại chính là những kênh rạch chi chít của thành phố này.Theo cách tưởng tượng như thế, khi bước chân tới thành phố Venise ta dễ nhận ra ngay mỗi cụm nhà cửa dân cư ở đây dù lớn hay nhỏ đều là một hòn đảo riêng biệt được bao quanh bốn bề kênh rạch.

Nhờ vào hình thể và kết câu địa hình độc đáo, lại nằm ở vị trí giao thương thuận tiện mà Venise từ trên hai nghìn năm trước đã sớm trở thành một trung tâm thương mại của  cả vùng Đông Bắc bán đảo Italy. Nhà cửa, chợ búa, nhà thờ, các công trình công cộng dân sinh dần được xây dựng trên nền đá mấp mé mặt nước sát bờ những dòng kênh, những thủy lộ tự nhiên chạy ngang dọc khắp quần đảo.

Nhờ việc qui hoạch và xây dựng dựa trên nền tảng địa hình tự nhiên vững như bàn thạch đó mà trải qua hai nghìn năm phát triển, Venise đã sở hữu hàng trăm con phố thủy tọa độc đáo có một không hai trên thế giới. Rồi cũng lại qua hàng nghìn năm biến đổi khí hậu, trái đất dần nóng lên, băng giá hai cực và các đỉnh núi cao bị tan dần, nước biển các đại dương vì thế cũng dâng cao lên, kết quả là rất nhiều ngôi nhà xây bên các dòng kênh mép nước các hòn đảo dần dần bị ngập nước.

Cứ thế, hết năm này qua năm khác, hàng trăm rồi hàng nghìn ngôi nhà cao ráo ở Venise đã biến thành những ngôi nhà thủy tọa. Nhiều ngôi nhà xây trên nền đảo thấp thì đến nay cả tầng trệt đã bị nhấn chìm trở thành tầng hầm ngập nước, sàn nhà gác hai biến thành tầng trệt và người ta phải xây cầu thang bằng đá từ ngoài mặt nước dòng kênh lên thẳng cửa chính mới được trổ ra từ bức tường tầng hai. Cách khắc phục điều chỉnh như thế vô hình trung đã trở thành một nét kiến trúc độc đáo khá phổ biến ở cái thành phố thơ mộng này.

Kết nối 118 hòn đảo lớn nhỏ trong thành phố lại với nhau là 400 cây cầu được xây dựng rải rác qua hai nghìn năm, chất liệu chủ yếu bằng đá với đủ hình dáng kích thước khác nhau, chúng quây quần bên những dòng kênh để trở thành một bộ sưu tập các cây cầu cổ độc đáo có một không hai trên thế giới.

Venice - Thành Phố Lãng Mạn Nhất Thế Giới

Venise ngày nay thật sự đã trở thành một báu vật văn hóa và kiến trúc của nhân loại. Trên một diện tích chật hẹp chừng 7km2, thành phố hiện có khoảng 30 nhà thờ, 10 viện bảo tàng, hàng trăm lâu đài, 10 nhà hát và rạp chiếu bóng, 10 ngân hàng, hàng trăm khách sạn nhà hàng, 1 casino... Và ấn tượng hơn cả là hàng nghìn ngôi nhà lớn nhỏ mang những phong cách kiến trúc khác nhau qua nhiều thời kỳ, chúng chen vai thích cánh xếp hàng soi bóng bên bờ các kênh rạch dọc ngang trong thành phố, đã làm nên một nét đẹp kiến trúc đô thị ấn tượng kỳ diệu chỉ riêng có ở Venise.

Qua hơn hai nghìn năm phát triển và không ngừng hoàn thiện, đến nay Venise đã trở nên lộng lẫy, kiều diễm đến độ, du khách khắp nơi trên thế giới đã không tiếc lời ngợi ca tôn vinh là thành phố nữ hoàng bên bờ Địa Trung Hải.

 Đến Venise bạn không thể không đi thăm thành phố theo tuyến dòng Kênh Lớn (Kanal grand), mà người Venise vẫn thường gọi bằng cái tên trìu mến là Canallazzo. Dòng kênh rộng từ 30 đến 70 mét, dài 3.800 mét uốn lượn và cắt chéo thành phố theo hướng Tây Bắc - Đông Nam.

Trên hai bờ kênh này hiện còn lưu giữ khá nhiều công trình kiến trúc cổ xây dựng từ thời Trung kỳ (thế kỷ thứ V-XV) và thời Phục Hưng (thế kỷ XV-XVI), trong đó nổi tiếng là nhà mạ vàng Ca’ d’Oro thế kỷ XV, lâu đài Vedramin Calergi thế kỷ XVI, lâu đài Grassi thế kỷ XV, lâu đài Rezzonico thế kỷ XVII… và đặc biệt nổi tiếng hơn cả là nhà thờ Đức Bà Santa Maria Della Salute. Nhà thờ này là một công trình kiến trúc đặc sắc xây dựng từ năm 1634 đến 1654 và kéo dài đến năm 1687 mới hoàn thiện toàn bộ. Nhà thờ được xây dựng trên lô đất hình bát giác, với hai mái vòm trên đỉnh có bầu đèn thông sáng rất độc đáo và do kiến trúc sư nổi tiếng Longhena (1598-1682) thiết kế.

Cứ đi theo dòng Kênh Lớn về phía trung tâm thành phố, ta sẽ bắt gặp các công trình kiến trúc khác nổi tiếng không kém. Đó là quảng trường Sant Marco và tiểu quảng trường Piazzeta. Xung quanh quảng trường có nhiều kiến trúc đẹp như lâu đài các pháp quan (Palaise des procuraties) thế kỷ XV, nhà thờ lớn Sant Marc thế kỷ XI, Điện chấp chính thế kỷ XIII, tháp chuông và tháp đồng hồ thế kỷ XV…

Trên dòng Kênh Lớn, ca nô, thuyền bè và đặc biệt là những con thuyền mái chèo có mũi cong vút gọi là Gông-đôn xuôi ngược nhộn nhịp ngày đêm. Thuyền bè chở khách tham quan ngắm cảnh phố thị. Thuyền bè chở khách tạt ngang vào bờ mua sắm hàng hóa và đồ lưu niệm hoặc ghé vào các tiệm cà phê, các nhà hàng ăn uống mấp mé ven dòng nước. Lại cũng không ít những chiếc ca-nô chỉ làm nhiệm vụ chở khách quá giang tại những bến đỗ cố định xa những cây cầu.

Dòng Kênh Lớn ở đây chẳng khác nào một đại lộ chính chạy dọc khu trung tâm của một thành phố nào đó trên bờ, mà từ thủy lộ này, hàng chục con kênh rạch chia nhánh chảy ngoằn ngoèo có thể đưa du khách tới bất cứ nơi nào trong cái thành phố thủy tọa này bằng những chiếc Gông-đôn đủ kích cỡ. Nếu không muốn đi thuyền thì du khách có thể vượt qua Kênh Lớn bằng một trong ba cây cầu, đó là cầu Raillway, cầu Academy và cầu Rialto, trong đó nổi tiếng nhất là cầu Rialto. Cầu Rialto được xây bằng đá từ năm 1440 và xây lại vào năm 1592 với một vòm đá nguyên khối khổng lồ nối liền hai bờ dòng kênh. Đây là cây cầu cổ nhất, lớn nhất và cũng là nổi tiếng nhất của thành Venise ngày nay.

Có một điều kỳ thú nữa khi tạo hóa ban tặng viên ngọc quý Venise cho loài người, đó là thành phố đảo Venise và biển Adriatic được phân cách nhau bởi một số dải đất hẹp chạy dài mà người Ý gọi là Li-đô. Li-đô thực chất là những doi cát tự nhiên nối tiếp nhau dài chừng 12 km và cách mỏm đảo phía Đông thành phố chừng 1 hải lý, nó nổi lên như một con đê chắn sóng thiên nhiên bảo vệ cho thành Venise trước sự tấn công của sóng nước Địa Trung Hải. Nếu trước kia Li-đô chỉ có tác dụng như những pháo đài chắn sóng bão, thì hiện nay trên đó, đã xuất hiện những bãi tắm dài rộng, những khu nghỉ dưỡng sang trọng, những khu thể thao tổng hợp và cả những khách sạn cao cấp.

Ngày nay, Venise đã trở thành một trung tâm du lịch hấp dẫn bậc nhất thế giới với lượng du khách mỗi năm lên tới trên hai chục triệu người, đem về những khoản thu khổng lồ cho thành phố và công ăn việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động. Không những thế, vai trò và uy tín của một trung tâm văn hóa lớn vẫn được toàn thế giới ngưỡng mộ, tôn vinh và ưu ái dành cho Venise.

Thành phố đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Tại đây, hai năm một lần liên hoan phim quốc tế Venise, một liên hoan phim vào loại danh giá nhất thế giới vẫn được đều đặn tổ chức. Và hàng năm không ít những hội nghị quốc tế về văn hóa nghệ thuật vẫn thường xuyên diễn ra ở thành phố thơ mộng này.

 Đi thăm Venise có lẽ không gì thú vị bằng khi bạn đến đây đúng vào dịp tuần trăng của những tháng mùa hạ. Bạn hãy thử tưởng tượng, sau một ngày hòa mình giữa những phong cảnh ảo huyền như trong truyện cổ tích; đắm đuối trong hương vị mặn mòi của nắng gió Địa Trung Hải; được thưởng thức những chiếc bánh piza hoặc một đĩa mỳ spagetty có phong vị thuần Ý, do những cô gái trẻ tươi tắn và hiếu khách với nước da nâu đặc trưng vùng Địa Trung Hải phục vụ tại bàn, để rồi khi màn đêm phủ xuống, trong ánh sáng vàng tươi như hổ phách của mặt trăng vừa nhô lên từ mặt biển, bạn sẽ lại được ngồi trên một chiếc Gôngđôn nhỏ xinh nào đó, do một người lái đò trai trẻ mặc áo phông lính thủy, đội mũ nan rộng vành,và chàng thủy thủ vui tính đó sẽ chèo thuyền đưa ta len lỏi trên những dòng kênh nhỏ hẹp, để được nghe chính chàng “Trương Chi xứ Địa Trung Hải ” đó hát cho nghe những ca khúc trữ tình tuyệt vời nước Ý, Trở về Suriento, Ánh mặt trời của tôi, Mùa hè nước Ý…, hết bài này tiếp nối bài khác.

Thời gian như dừng lại, lòng ta như chùng xuống, hồn ta như nhẹ nhàng chìm vào một khoảng không gian xa vời, nơi vắng bóng những bộn bề thường nhật áo cơm. Khoảnh khắc, chỉ khoảnh khắc thôi, nhưng chỉ ngần ấy cũng đủ cho ta ngộ ra một điều, được sống trong cái thế giới đầy bất trắc hôm nay, thì những phút giây thanh bình dù chỉ khoảnh khắc cũng thật trân quí lắm thay!

Và thưa các bạn, có lẽ đấy lại chính là những nét đẹp diệu kỳ của sự hòa trộn giữa thực và mộng, giữa Đông và Tây, giữa tân kỳ và cổ điển mà thượng đế chỉ ban cho loài người trái đất có một lần, ở một nơi, và may mắn thay, người dân tài hoa và lãng mạn của đất nước Italy hình chiếc ủng này đã biết cách giữ gìn và phát triển.

Và cái báu vật mà con người đã biết nâng niu quí trọng không phụ lòng ưu ái thượng đế đó chính là Venise, thành phố nữ hoàng bên bờ Địa Trung Hải.

Nguyễn Đắc Như

Link nội dung: https://arttimes.vn/goc-nhin/venise-thanh-pho-nu-hoang-ben-bo-dia-trung-hai-c14a6972.html