Giữa mùa sen, chị em không cắt gốc bỏ bình mà đưa cả đầm sen ngát hương vào nhà

Tạo hình đầm sen mini có phần cầu kỳ hơn cách cắm hoa thông thường nhưng lại mang đến hiệu ứng vô cùng bắt mắt.

"Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại xen nhị vàng". Từ lâu những đầm sen ngát hương xinh đẹp đã gắn liền với quang cảnh đồng quê Việt Nam, đi vào trong thơ ca nghệ thuật. Ngày nay, đầm sen còn là nguồn cảm hứng cho hội yêu hoa thoả sức sáng tạo, đưa thiên nhiên vào nhà mình bằng chính đôi tay khéo léo, cắm hoa đầy nghệ thuật.

Mùa sen năm nay, nhiều chị em chọn cách tạo hình đầm sen mini để trang trí nhà cửa, tạo một góc thơ mộng để vừa thưởng sen, vừa "sống ảo" đẹp mê ly. 

Đầm sen mini tô điểm cho góc nhà thêm lung linh.

Tạo ra sự khác biệt bằng lá sen

Khác với việc cắt gốc thả bình chủ yếu cắm hoa, lá sen đóng vai trò quan trọng trong việc tạo hình, góp phần tạo nên một đầm sen mini tự nhiên. Chị Thảo Anh (Lộ Nghĩa, Yên Bái) chia sẻ: "Mình chọn lá sen to để kê bình tạo cảm giác tươi mới và cũng giúp bình sen nổi hơn. Lá sen thường rất nhanh khô lên mình thường cắt dự trữ thêm vài lá, bọc kín cất tủ lạnh để thay lá mỗi ngày".

Tuỳ vào từng góc nhà sẽ có cách bày trí đầm sen khác nhau. Chị Thảo Anh đặt đầm sen ở góc bàn uống trà để tối ưu không gian, tránh gió từ quạt để giữ hoa tươi lâu hơn. Yêu hoa và có 4 năm "chơi" sen, cô gái xinh đẹp quê Yên Bái rút ra một số kinh nghiệm dưỡng hoa: "Phải giữ cho sen lúc nào cũng đủ nước. Khi mình cắm có thể cho vài viên đá lạnh vào bình cho sen được tươi lâu hơn. Mỗi sáng mình đều phải cho thêm nước vào bình vì sen là thân rỗng lên hút nước rất nhanh".

Chị Thảo Anh chêm thêm lá để biến bình hoa thành đầm sen mini.

Chị Võ Ngọc Bông (Hà Nội) cũng là thành viên kỳ cựu trong hội đam mê cắm hoa. Mùa sen năm ngoái, mẹ đảm đưa đầm sen hoành tráng hơn 60 bông vào nhà. Sen nở rộ, toả hương ngát thơm, khoe sắc xinh đẹp làm ai cũng xuýt xoa. Năm nay, chị thử nghiệm giống sen mới là sen Nghi Lương có cánh hoa hơi giống bông sen đơn (sen quỳ) nhưng  nhiều lớp cánh hơn, và các lớp cánh to đều chứ những lớp cánh trong không nhỏ li ti như sen Bách Diệp hay Bạch Liên.

Một số đầm sen hoa xen lá chị Bông từng thực hiện.

"Sen Nghi Lương này là một giống sen mới,  hè năm nay mới xuất hiện, và rất ít người bán, vì là giống mới nên nhiều nhà trồng sen chưa tiếp cận. Mình mua được 20 bông, giá không đắt hơn sen Hồ Tây là bao. Nhận hoa sen về mình cũng dưỡng cẩn thận như các loại sen khác, dốc ngược cành hoa và phun nước trực tiếp lên cuống hoa khoảng 15 phút, sau đó thì cắm hoa vào thùng nước thật to để dưỡng cho hoa được hút đủ nước mới đẹp và bền. 

Hoa sen Nghi Lương này không tự nở  được, sau khi dưỡng hoa cả đêm, sáng hôm sau mình sẽ dùng tay khẽ vuốt và tách từng cánh hoa ra. Và từng lớp, từng lớp cánh mỏng manh cứ xoè dần ra, ngắm bông sen nở xoè yêu ơi là yêu", chị Bông cho biết thêm.

Đầm sen Nghi Lương nhà chị Bông hài hoà về màu sắc và bố cục.

Để tạo hình, mẹ đảm Hà Nội cắm hoa và lá vào bình gốm màu xanh lá có hình như chiếc bình để rót sữa có quai cầm để đầm sen mini thêm sinh động. Khi cắm hoa sen, chị Bông cắm từng lớp hoa cao thấp khác nhau và có khoảng cách giữa các bông hoa, có bông quay mặt ra phía trước, bông quay nghiêng và cả những bông quay ra phía sau, để mọi người có thể ngắm những bông sen cánh mỏng trong veo ở mọi góc độ. 

Bắt trọn khoảnh khắc tuyệt đẹp của hoa sen

Mang đầm sen mini vào nhà có phần vất vả hơn so với cách cắm thông thường vì lá sen rất mong héo, cần được dưỡng kỹ và thay mới thường xuyên. Tuy nhiên thành quả lại vô cùng xứng đáng.

Chị Mai Phương hào hứng chia sẻ: "Thật ra, việc tạo ra một đầm sen thu nhỏ sẽ vất vả và khó hơn rất nhiều so với việc cắm một bình hoa sen đơn giản vì lá sen rất nhanh héo, và hoa rất cồng kềnh. Mình thường nhận hoa vào sáng, sau đó đem về dưỡng. Buổi chiều khi đi làm về, mình vào đầm và cắt lá trực tiếp, dìm sâu mặt lá xuống nước. Nếu là hoa sen trợ nở thì có thể cắm bất cứ lúc nào, còn với các dòng sen nở tự nhiên mình thường cắm trước khi đi ngủ, đặt máy quay timelapse, sáng ra sẽ bất ngờ vì độ đẹp của các em khi nở rộ".

Mang đầm sen vào nhà, chị Phương tận hưởng quá trình những bông hoa nở rộ xinh đẹp,

Về bí quyết tạo hình đầm sen mini, chị Phương chọn lá đủ hình dạng, cả non cả già, cắm sen cả đài và nụ hoa để khi cắm sẽ có độ đa dạng nhất định. Chị bật mí: "Chúng mình cứ lựa theo dáng sen để cắm, có thể cắm theo kiểu tự do   hoặc có thể cắm tạo kiểu nếu dáng hoa cứng. Nếu bạn mới bắt đầu tập cắm thì đừng quên những trợ thủ đắc lực như xốp cắm hay miếng định hình". 

Một số đầm sen mini mẹ đảm đã thực hiện.

Với chị Dung (Tùng Đỗ Hoàng), sen nở hay sen tàn đều mang một nét đẹp đầy thi vị. Chị tâm sự: "Bên cạnh ý tưởng về một đầm sen nở rực rỡ mình còn thực hiện cả đầm sen tàn. Để thấy được vẻ đẹp của hoa sen trong mọi khoảnh khắc. Hoa sen không chỉ đẹp ở tạo hình, xếp cánh mà còn là biểu tượng tiềm thức, thể hiện cốt cách con người, ý nghĩa nhân sinh, ý chí mãnh liệt. Sen tàn vẫn cuốn hút, đượm buồn nhưng mang tính hồi sinh".

Sen nở hay sen tàn đều mang nét đẹp riêng.

Để tạo hình đầm sen thu nhỏ, chị chuẩn bị 65 bông bạch liên, 20 đài sen, 20 búp non và rất nhiều lá sen. Theo chị, để cắm một đầm sen trong nhà, cần xác định vị trí và diện tích để tính số lượng hoa, lá, đài phù hợp. Đối với hoa sen, bước dưỡng hoa vô cùng quan trọng, cần ngâm hoa trong bể nước hoặc xô to ngập gần hết cuống hoa, lá xếp trong thùng xốp đổ đầy nước để tưới lâu. Cắm bình nhiều nước, không quá dày để hoa có không gian nở.

Một số bình sen chị đã thực hiện.

Huyền Đỗ

Link nội dung: https://arttimes.vn/gia-dinh/giua-mua-sen-chi-em-khong-cat-goc-bo-binh-ma-dua-ca-dam-sen-ngat-huong-vao-nha-c59a6979.html