Nhìn lại hai "sự biến" chấn động khiến Thủ tướng, cựu Thủ tướng Nhật Bản tử vong

Đây là những vụ sát hại lãnh đạo quốc gia cuối cùng xảy ra ở Nhật Bản, trước khi cựu Thủ tướng Abe Shinzo bị bắn tử vong hôm 8.7.

Vụ ám sát Thủ tướng Inukai Tsuyoshi đánh dấu thời kỳ đầy biến động trong lịch sử Nhật Bản (ảnh: Republicworld)

1. “Sự biến ngày 15.5”

Inukai Tsuyoshi – Thủ tướng thứ 29 của Nhật Bản – là nạn nhân nổi tiếng nhất của giới quân phiệt Nhật.

Sinh năm 1855 trong một gia đình có truyền thống là võ sĩ đạo (samurai), ngay từ khi còn nhỏ, ông Tsuyoshi đã nổi tiếng là hiếu học và có tinh thần cứng cỏi. Thời thanh niên, Inukai là nhà báo và từng bước tham gia vào các phong trào chính trị. Đây cũng là thời điểm cuộc cải cách Minh Trị của Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều thanh niên Nhật tham gia chính trường.

Năm 1898, Inukai được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản. Năm 1913, ông lãnh đạo phong trào đấu tranh chống sự chuyên quyền của Thủ tướng Katsura Taro – người xuất thân là tướng lục quân và từng 3 lần giữ chức Thủ tướng Nhật. Dưới sức ép của giới chính trị gia, Katsura Taro buộc phải từ chức và Inukai trở thành “cái gai” trong mắt quân đội Nhật.

Năm 1922, Inukai thành lập đảng Cách tân. Mục tiêu chính của đảng này là vận động để các chính trị gia nắm quyền nước Nhật, thay vì các tướng lĩnh quân đội như trước đây.

Nhật Bản chiếm Mãn Châu (ảnh: History)

Năm 1931, Nhật Bản chiếm vùng Mãn Châu của Trung Quốc. Uy tín của quân đội lúc này tăng cao và chính quyền của Thủ tướng Nhật Wakatsuki Reijiro – người có xuất thân là quý tộc – không thể chịu nổi sức ép. Tháng 12.1931, Wakatsuki Reijiro từ chức, dọn đường để ông Inukai trở thành Thủ tướng.

Ngay sau khi nắm quyền, ông Inukai đã bãi bỏ “bản vị vàng” (chính sách kinh tế quy định giá trị tiền tệ được bảo đảm bằng vàng, không thể in tiền nếu thiếu vàng). Để vực dậy kinh tế Nhật trong cuộc Đại khủng hoảng, ông Inukai chủ trương cắt giảm chi tiêu của quân đội, tăng trợ cấp và cải cách kinh tế. Quan điểm của ông Inukai đối chọi gay gắt với giới quân phiệt Nhật, vốn cho rằng chỉ có cách cướp đoạt tài nguyên nước ngoài mới có thể phát triển kinh tế.

Kiên trì với chính sách cải cách của mình, ông Inukai cử người đến Trung Quốc đàm phán nhằm chấm dứt chiến sự ở Mãn Châu. Ông cũng chủ trương cắt giảm quy mô của hải quân Nhật. Hành động của Thủ tướng Inukai vấp phải phản ứng dữ dội của quân đội Nhật và là nguyên nhân chính dẫn đến “Sự biến ngày 15.5”.

“Sự biến ngày 15.5” là âm mưu đảo chính làm chấn động Nhật Bản. Vụ việc do các phần tử phản động thuộc hải quân Nhật phát động nhằm vào mục tiêu chính là Thủ tướng Inukai.

Ngày 15.5.1932, 11 sĩ quan hải quân trẻ tuổi Nhật Bản thuộc hội “Huyết huynh đệ” đã xông vào dinh Thủ tướng Nhật và bắn chết ông Inukai. “Huyết huynh đệ” là một hội kín, được thành lập với mục tiêu khôi phục quyền lực chính trị của quân đội Nhật Bản. Trong vụ ám sát ngày 15.5, các thành viên của hội này dường như nhận được sự giúp đỡ từ các thế lực “tay trong” trong dinh Thủ tướng Nhật.

Những kẻ ám sát ông Inukai Tsuyoshi bị đưa ra xét xử (ảnh: Britannica)

Sau khi ám sát ông Inukai, 11 sĩ quan của “Huyết huynh đệ” tự đi đầu thú. Trong phiên tòa xét xử, 11 người này liên tục tuyên bố sự trung thành của họ với Thiên hoàng Nhật và quân đội. Nhóm này cũng cáo buộc chính quyền của ông Inukai khiến kinh tế Nhật sa sút và chỉ có quân đội mới cứu vãn được tình hình. Bất ngờ là những lời khai trên lại nhận được sự ủng hộ lớn của nhiều người dân Nhật – vốn có niềm tin mạnh mẽ vào quân đội.

Vào phiên xét xử cuối cùng, hơn 110.000 đơn đề nghị khoan hồng được gửi đến tòa án. Trước sức ép của cả người dân và quân đội, tòa án buộc phải đưa ra hình phạt rất nhẹ đối với 11 hung thủ. Những kẻ tham gia vụ ám sát ông Inukai chỉ bị tuyên phạt tù vài năm. Chính sự thiếu răn đe này đã gieo mầm mống cho “Sự biến ngày 26.2”, khiến 2 cựu Thủ tướng Nhật bỏ mạng.

2. “Sự biến ngày 26.2”

Thủ tướng Nhật Bản Keisuke Okada – mục tiêu chính trong vụ ám sát ngày 26.2.1936 (ảnh: Curistoria)

Chưa đầy 2 năm sau cái chết của Thủ tướng Inukai, “Sự biến ngày 26.2” xảy ra khiến 2 cựu Thủ tướng Nhật thiệt mạng, Thủ tướng Nhật đương nhiệm thoát chết chỉ nhờ may mắn.

Tháng 5.1932, sau cái chết của ông Inukai, Saito Makoto – người xuất thân là sĩ quan cao cấp thuộc hải quân Nhật Bản – được chỉ định làm Thủ tướng. Đây là kết quả của cuộc điều đình chóng vánh giữa hoàng gia Nhật và quân đội.

Trong thời gian ông Makoto nắm quyền, Nhật Bản dựng chính phủ bù nhìn ở Mãn Châu và rút khỏi Hội quốc liên (tiền thân của Liên hợp quốc). Trong các mối quan hệ quốc tế, Nhật Bản tỏ rõ thái độ hiếu chiến.

Tuy nhiên, vào tháng 4.1934, ông Makoto và nhiều quan chức Nội các bất ngờ vướng vào vụ bê bối cổ phiếu Teijin. Bằng những chứng cứ không mấy thuyết phục, Bộ Tư pháp Nhật Bản cáo buộc ông Makoto và nhiều quan chức thuộc Bộ Tài chính Nhật Bản nhận hối lộ để giúp cổ phiếu của Công ty dệt may Teijin duy trì đà tăng mạnh mẽ trên thị trường.

Tháng 7.1934, ông Makoto quyết định giải tán chính phủ sau khi Thứ trưởng Bộ Tài chính bị bắt giữ. 13 quan chức khác thuộc chính quyền của ông Makoto cũng bị bắt giữ ngay sau đó.

Sau thất bại của ông Makoto, Keisuke Okada – người đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Thuộc địa – được chỉ định làm Thủ tướng Nhật Bản. Ông Okada từng nắm giữ nhiều vị trí cao trong hải quân Nhật và lập nhiều công trạng trong Chiến tranh Thanh – Nhật (1894 – 1895) và Chiến tranh Nga – Nhật (1904 - 1905).

Sau khi nắm giữ vị trí Thủ tướng, ông Okada chủ trương bồi dưỡng quân đội nhưng không gây chiến tranh. Trước sức ép của các thế lực quân phiệt, ông Okada thể hiện thái độ ôn hòa và từ chối một chính phủ độc đoán. Đây cũng là nguyên nhân khiến một số phần tử cực đoan trong quân đội Nhật đưa ông Okada vào tầm ngắm.

Binh sĩ phe đảo chính đóng ngoài dinh Thủ tướng Nhật trong “Sự biến ngày 26.2” (ảnh: Britannica)

Rạng sáng ngày 26.2.1936, hơn 1.400 binh sĩ, sĩ quan trẻ của hải quân Nhật Bản và đội cận vệ Hoàng gia số 3 phát động binh biến với mục tiêu thanh trừng những quan chức chính phủ “chống đối quân đội”. Nhóm này tự nhận mình là “Chính nghĩa quân”.

“Chính nghĩa quân” xông vào dinh Thủ tướng Nhật và giết Denzo Matsuo (Thư ký của ông Okada) do nhận nhầm ông này là Thủ tướng. Ông Okada may mắn sống sót nhờ trốn trong tủ quần áo.

Cựu Thủ tướng Saito Makoto bị giết tại nhà riêng trong sự kiện này. Ông bị nhóm gây binh biến cáo buộc là “tham nhũng”.

Takahashi Korekiyo – người giữ chức Thủ tướng Nhật từ năm 1921 đến 1922 – cũng bị sát hại trong binh biến. Khi đó, ông Korekiyo đang giữ chức Bộ trưởng Tài chính Nhật. Quan điểm cải cách kinh tế, cắt giảm chi tiêu quân sự khiến ông Korekiyo bị “Chính nghĩa quân” coi là mục tiêu hàng đầu.

Sai lầm của “Chính nghĩa quân” trong “Sự biến ngày 26.2” là kiểm soát Cung điện Hoàng gia Nhật. Lo lắng cho an nguy của Thiên hoàng, các cánh quân bảo vệ Tokyo kéo về Cung điện Hoàng gia.

Sáng ngày 29.2, “Chính nghĩa quân” bị hơn 20.000 quân bao vây và phải đầu hàng.

Khác với vụ ám sát Thủ tướng Inukai Tsuyoshi trước đó, những sĩ quan, binh sĩ tham gia “Sự biến ngày 26.2” bị xử nghiêm. 19 kẻ cầm đầu vụ binh biến lãnh án tử hình.

Chỉ vài ngày sau khi “Chính nghĩa quân” đầu hàng, ông Keisuke Okada từ chức Thủ tướng, Nhật Bản từng bước dấn sâu vào lò lửa chiến tranh.

Vương Nam – Britannica, Curistoria, Republicworld

Link nội dung: https://arttimes.vn/the-gioi/nhin-lai-hai-34su-bien34-chan-dong-khien-thu-tuong-cuu-thu-tuong-nhat-ban-tu-vong-c14a7066.html