Tổng thống Sri Lanka rời đất nước nhưng không từ chức: Người biểu tình cảnh báo

Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka thông báo, tình trạng khẩn cấp được ban bố sau khi Tổng thống nước này – ông Gotabaya Rajapaksa – rời khỏi đất nước mà không từ chức.

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa (trái) và Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe (phải) (ảnh: Aljazeera)

Hôm 13.7, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã rời khỏi đất nước bằng máy bay quân sự, Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka xác nhận. Ngay sau thông tin trên được công bố, người biểu tình đã cố gắng xông vào Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka để gây sức ép, buộc Thủ tướng và Tổng thống nước này nhanh chóng từ chức.

Người phát ngôn Quốc hội Sri Lanka cho biết, ông Gotabaya vẫn chưa gửi đơn từ chức sau khi rời đất nước đến Maldives. Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka thông báo ông Gotabaya sẽ từ chức vào hôm nay.

“Chúng tôi vẫn chưa nhận được đơn từ chức của Tổng thống. Theo dự kiến, ông ấy phải gửi nó vào hôm nay. Chúng tôi sẽ thông báo cho truyền thông và nhân dân ngay khi nhận được (đơn từ chức)”, người phát ngôn Quốc hội Sri Lanka thông báo.

Người biểu tình ở thủ đô Colombo cảnh báo, sẽ có “một cuộc chiến” nếu cả ông Gotabaya và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe không từ chức trong chiều ngày 13.7 (giờ địa phương).

Lực lượng không quân Sri Lanka cho biết, vợ chồng Tổng thống Gotabaya đã lên máy bay rời đến Maldives. Ông Gotabaya sử dụng quyền hành pháp để ra lệnh cho quân đội.

“Theo quy định của hiến pháp và đề nghị từ chính phủ, chúng tôi đã cấp một máy bay để chở Tổng thống và phu nhân tới Maldives”, Lực lượng không quân Sri Lanka thông báo.

Trước đó, nhiều người biểu tình và luật sư ở Sri Lanka đã kêu gọi bắt giữ Tổng thống Gotabaya với cáo buộc tham nhũng, vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, khi vẫn còn là Tổng thống Sri Lanka, ông Gotabaya có quyền miễn trừ và không thể bị bắt giữ.

Aljazeera đưa tin, các cuộc biểu tình nổ ra dữ dội ở Colombo khi người dân tỏ ra mất kiên nhẫn vì Tổng thống Gotabaya chưa từ chức. Cảnh sát đã sử dụng đạn hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông bên ngoài Văn phòng Thủ tướng.

Tuần trước, ông Gotabaya đã bác bỏ đề nghị từ chức trong bối cảnh Sri Lanka rơi vào khủng hoảng kinh tế, nhiên liệu trầm trọng. Kể từ khi người biểu tình tràn vào dinh Tổng thống hôm 9.7, ông Gotabaya chưa từng lộ diện trước truyền thông.

Theo hiến pháp, nếu ông Gotabaya từ chức, Thủ tướng Wickremesinghe sẽ nắm quyền Tổng thống. Tuy nhiên, người biểu tình ở Sri Lanka không nhất trí với điều này.

Người biểu tình tụ tập bên ngoài Văn phòng Tổng thống Sri Lanka, kêu gọi ông Gotabaya từ chức (ảnh: Aljazeera)

Nếu ông Gotabaya từ chức đúng kế hoạch (vào ngày 13.7), Quốc hội Sri Lanka sẽ nhóm họp vào ngày 15.7 để bỏ phiếu bầu ra Tổng thống mới. Tuy nhiên, Quốc hội Sri Lanka đang rơi vào tình thế khó xử khi ông Gotabaya rời khỏi đất nước mà không từ chức.

“Chúng tôi có hơn 1.500 người. Chúng tôi yêu cầu Tổng thống và Thủ tướng từ chức ngay lập tức”, Shabeer Mohamed – lãnh đạo một nhóm biểu tình ở Colombo – nói với Aljazeera.

“Nếu họ không từ chức, chúng tôi sẽ không bàn giao lại các tòa nhà hành chính mà chúng tôi đang kiểm soát. Cuộc biểu tình sẽ tiếp tục”, Shabeer Mohamed cảnh báo.

Vương Nam – Aljazeera

Link nội dung: https://arttimes.vn/the-gioi/tong-thong-sri-lanka-roi-dat-nuoc-nhung-khong-tu-chuc-nguoi-bieu-tinh-canh-bao-c14a7312.html