Sách ảnh ‘Hà Nội 1967 – 1975’ của Thomas Billhardt (Kỳ 2): Một ống kính nghĩa tình sâu nặng

(Arttimes) - Đối với ông Trần Ngọc Quyên - nguyên Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, người bạn thân thiết của nhiếp Thomas Billhardt tại Việt Nam, Thomas Billhardt là một người nặng tình nghĩa với đất nước và con người Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Quyên quen biết với nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt nhân một Tuần lễ phim Việt Nam tại Berlin năm 2000. Khi ấy, Thomas Billhardt đến tham dự ra mắt bộ phim Iced Lemonade for Hong Ly (tạm dịch: Một ly nước chanh cho Hồng Lý).

Sách ảnh ‘Hà Nội 1967 – 1975’ của Thomas Billhardt (Kỳ 2): Một ống kính nghĩa tình sâu nặng - 1 Nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt gặp lại nữ thanh niên xung phong Hồng Lý

Bộ phim bắt nguồn từ việc, “trong chiến tranh, Thomas Billhardt vào Quảng Bình chụp ảnh thanh niên xung phong, ông đã chụp được bức chân dung một nữ thanh niên xung phong tên Hồng Lý. Thomas Billhardt có hỏi người nữ thanh niên xung phong ấy: “Nếu hòa bình, nguyện vọng của chị là gì?” Hồng Lý nói đơn giản rằng: “Tôi chỉ muốn ra Hà Nội và uống một cốc nước chanh”. Từ câu nói này, Thomas Billhardt đã làm một bộ phim về nữ thanh niên xung phong ấy, với tư cách là một người chụp ảnh. Đó là tình nghĩa của Thomas Billhardt dành cho nhân vật trong ảnh của mình rất sâu nặng” – ông Trần Ngọc Quyên kể lại.

Trong chiến tranh, nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt đến Việt Nam 6 lần, 2 lần đầu với vai trò ẩn danh là người trong một hãng phim của Cộng hòa Dân chủ Đức chỉ để đi chụp các tù binh phi công Mỹ trong nhà tù Hỏa Lò. 4 lần sau sang Việt Nam, Thomas Billhardt chụp ảnh chiến tranh Việt Nam là chính.

Sách ảnh ‘Hà Nội 1967 – 1975’ của Thomas Billhardt (Kỳ 2): Một ống kính nghĩa tình sâu nặng - 2 Bức ảnh em bé tại nhà xác ở triển lãm năm 1999 của Thomas Billhardt - Ảnh: Manzi

Năm 1999, nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt nảy ra một ý tưởng muốn tìm lại các nhân vật trong các bức ảnh mà mình đã chụp. Thomas Billhardt đã phối hợp cùng với Bộ Văn hóa tổ chức một triển lãm ảnh cỡ lớn ở Quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục với khoảng 40 bức ảnh. Được lắng nghe trực tiếp những lời tâm sự của Thomas Billhardt, ông Trần Ngọc Quyên kể: “Khi ấy người xem triển lãm rất đông, có người nhận ra ngay chính mình, có người nhận ra bạn của mình, có người nhận ra hàng xóm của mình, người nọ truyền người kia đến gặp Thomas Billhardt. Từ đó, Thomas Billhardt tìm lại được rất nhiều nhân vật trong ảnh của mình. Có những người làm thương nhân, có những người trở thành sĩ quan quân đội,… tất cả họ đều có cuộc sống ổn định tốt sau thời chiến”.

Thomas Billhardt là một người tình nghĩa, chụp ảnh nhưng đầy nghĩa tình với những nhân vật trong ảnh, muốn biết cuộc sống của họ sau này như thế nào. Nếu có thời gian sang Việt Nam, Thomas Billhardt đều cố gắng thăm hỏi những nhân vật của mình.

Trong hành trình tìm lại những nhân vật của mình, với nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt có quá đỗi những kỉ niệm để lại trong ông những dấu ấn đặc biệt về một thời chiến mất mát, đau đớn của Việt Nam, cho đến giờ khi gợi nhắc lại trong ông vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi bấm máy. Nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt nhớ lại: “Bức ảnh cho tôi ấn tượng mạnh nhất có lẽ là bức ảnh tôi chụp tháng 10 năm 1972. Đó là bức ảnh một người bà bên cạnh người cháu chết do bom rơi trúng tại nhà xác. Đó là bức ảnh mà cho đến giờ khi xem lại tôi vẫn có một sự xúc động mạnh.

Bản thân tôi không muốn chụp ảnh người chết, cảnh tàn phá để sau này có thể được nổi tiếng hay để khoe khoang. Tôi không hề muốn. Nhưng tôi không thể nào làm khác được khi chứng kiến người bà khóc bên cạnh người cháu bị bom đánh chết. Tôi bắt buộc phải chụp. Bản thân tôi lúc chụp cũng khóc. Khi ấy tôi vẫn bấm máy ảnh và nói chuyện với người bà, mặc dù người bà không hiểu tôi nói gì nhưng tôi vẫn nói và hứa với người bà ấy: “Tôi sẽ đăng bức ảnh này hàng triệu lần để để cho tất cả thế giới phải nhìn thấy, giống như bản cáo trạng người Mỹ đã làm những gì ở Việt Nam”.

Sách ảnh ‘Hà Nội 1967 – 1975’ của Thomas Billhardt (Kỳ 2): Một ống kính nghĩa tình sâu nặng - 3 Thomas Billhardt gặp lại gia đình của em bé chết do bom rơi trúng

Năm 1999, khi trưng bày bức ảnh này tại triển lãm ở quảng trường, tôi đã gặp một người đàn ông với vẻ mặt đầy giận dữ tìm đến tôi. Nhờ phiên dịch tôi biết được đó là người cha của đứa trẻ đã chết. Sau đó, ông đã mời tôi đến thăm nhà. Gia đình họ cũng có một bức ảnh treo trong nhà do chính tôi chụp. Đó là tạp trí họa báo của Đông Đức ngày đó ảnh của tôi được đăng trên trang giữa. Nhờ một người sinh viên học tại Đức quen biết gia đình đã biết và đưa bức ảnh về Việt Nam. Ông bố của đứa trẻ đã nói với tôi rằng: “Đứa trẻ này là đứa trẻ cuối cùng đã chết trong chiến tranh phá hoại ở Hà Nội”.

Cho đến ngày hôm nay, khi chiến tranh đã mãi lùi xa, đối với nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt vẫn luôn tự giao cho mình một nhiệm vụ đặc biệt. Nhiệm vụ của một người chụp ảnh đất nước và con người Việt Nam bằng tình nghĩa sâu nặng. “Nhiệm vụ của tôi là tiếp tục trưng bày những bức ảnh mà tôi chụp để mọi người biết Việt Nam thực sự như thế nào. Tôi hi vọng khi nhìn thấy những bức ảnh tài liệu của tôi, họ sẽ hiểu Việt Nam, yêu Việt Nam như chính tôi là người đã qua Việt Nam nhiều lần, từ đó mà yêu người Việt Nam. Tôi đã gặp những người Việt Nam rất hiếu khách, chăm chỉ, tôi muốn đưa những ấn tượng đó ra thế giới” – nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt nói.

Tử Văn  

None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

“Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật” là một hội thảo ý nghĩa được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), giúp lan tỏa những giá trị của Điện Biên Phủ trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Đồng thời, thúc đẩy sự thăng hoa, bền bỉ, nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo cho các văn ng