Sân khấu - "Nhà tắm" của tâm hồn

"Arttimes" - Hàng ngày, thân thể bị bám bụi bặm nên chuyện tắm gội thường xuyên là tất nhiên. Hơn cả thân xác, tâm hồn cũng cũng dạo chơi trong đời sống và tránh sao được những cáu bẩn bám vào. Tâm hồn cũng cần được tẩy rửa thường xuyên và một trong cách làm sạch tâm hồn ấy là sân khấu.

KHÁN GIẢ CÓ QUAY LƯNG?

Văn học nghệ thuật nói chung cũng đều có nhiệm vụ làm sạch tâm hồn nhưng sân khấu có một đặc trưng rất riêng như một loại dầu gội, sữa tắm đặc biệt. Ấy là sự cộng hưởng. Người ta có thể đọc thơ, đọc truyện xem phim một mình nhưng chắc chắn không ai ngôi một mình xem sân khấu. “Tắm” một mình, mỗi người có cách tắm khác nhau, hiệu quả khác nhau nhưng khi xem sân khấu, nhận thức và cảm xúc thường được điều chỉnh bởi không khí trong khán phòng dẫn đến một giá trị chung. Sân khấu cũng như sân cỏ là thành phần sáng tạo và thành phần thưởng thức cùng trong một thời gian nhất định, giao lưu trực tiếp và không thể vì lý do nào đó mà tạm nghỉ, mai xem tiếp. Sân khấu và sân cỏ còn là chất keo gắn những người không quên biết xích lại gần nhau hơn trong sự chia sẻ. Không hiếm những khán giả cầu trường chẳng quen biết bỗng ôm chầm lấy nhau sau những niềm vui và cũng không hiếm khán giả sân khấu trước khi mở màn là người xa lạ nhưng khi ra chỗ gửi xe bỗng thành thân thiết qua những trao đổi, khen chê như quen biết từ lâu.

Nhiều người nói sân khấu tối đèn do khán giả quay lưng vì không hay, không hấp dẫn. Người chê mạnh nhất lại là người chẳng bao giờ đến sân khấu. Tất nhiên, thời đại công nghệ, phương tiện giải trí vào tận phòng ngủ, thơ, truyện, ti vi đến được ngay đầu giường còn sân khấu không thể nên rét mướt, nóng nực và chuyện lộn xộn ngoài đường cướp đi không ít đối tượng thưởng thức của sân khấu. Chưa kể chuyện mưu sinh không thể tranh thủ lúc rảnh rỗi để tẩy rửa tâm hồn mà muốn tẩy rửa phải dành thời gian nhất định cùng với chuyện phải rủ ai đi cùng (hiếm ai đi xem sân khấu một mình). Nói điều này để thấy một số tác phẩm VHNT có thể tìm đến đối tượng tiếp nhận song công chúng muốn thàn khán giả phải chủ động tìm đến sân khấu.

Khán giả có quay lưng không phải những nhìn vào những đợt Liên hoan sân khấu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức. Khác với từng vở diễn đơn lẻ, những đợt liên hoan sân khấu như ngày hội có tính vẫy gọi, đánh thức nhu cầu thưởng thức trong công chúng. Tôi thấy Liên hoan nào cũng chật rạp, khán giả ngồi chật lối đi, tràn sát tận mép sân khấu. Kể cả những ngày Covid giãn cách chỉ được 50% khán giả trong khán phòng nhưng hình như quy định 50% thường bị “vi phạm” bởi tình yêu sân khấu của công chúng.

Sân khấu - "Nhà tắm" của tâm hồn - 1

Khán giả sân khấu

Xưa, khi khó khăn, phương tiện giải trí ít nên buổi chiều sân vận động xã cắm 2 cây tre căng phông chiếu phim hoặc “có văn công về” là bà con ăn cơm sớm rủ nhau tối đi xem. Thành phố có hiện tượng “phe vé” xem sân khấu. Nay không còn đâu phải tình yêu nghệ thuật trong công chúng bị nhạt nhòa. Với sân khấu, xã hội càng phát triển, nhu cầu thưởng thức càng đa dạng và so sánh số lượng khán giả hôm nay với khán giả xưa trong khán phòng là thiếu cách nhìn khoa học và thực tế. Sân khấu cần phục vụ mọi đối tượng và nhu cầu khán giả nên vở “hay” không có nghĩa phải đông khách. Bên ca nhạc có những buổi biểu diễn tại sân vận động nhưng cũng có những buổi diễn mà khán giả chỉ vài chục người. Sân khấu không tránh được quy luật nhu cầu trong một xã hội phát triển như cuộc sống có cơm bình dân và nhà hàng đặc sản.

CÁCH NHÌN MỚI CỦA CÁC NHÀ QUẢN LÝ

Nhiều năm trước đây các liên hoan sân khấu có quy định mỗi kỳ liên hoan có 1/3 vở diễn tham gia được giải thưởng và giải Vàng chiếm 1/3 tổng số giải thưởng có lẽ ngại dư luận nghĩ “mưa huy chương” như một dạng bệnh thành tích. Quy định này nhìn từ góc độ khoa học và thực tế có nhiều bất cập. Trước hết giải thưởng không bắt đầu từ giá trị thật và dường như thành… hàng phân phối thời bao cấp. Liên hoan chưa tiến hành sao biết kết quả? Nếu số vở diễn tham gia gấp đôi hay giảm nửa số tiết mục hiện có thì giá trị giải thưởng cũng thay đổi Bạc lên Vàng hoặc Vàng xuống Bạc sao và giá trị thực không còn.

Sân khấu - "Nhà tắm" của tâm hồn - 2

Cảnh trong vở "Kẻ trộm" - Huy chương vàng Liên hoan sân khấu Công an Nhân dân 20211 

Mỗi kỳ liên hoan sân khấu là một kỳ nhìn lại sân khấu rất cần một sự đánh giá khách quan. Nếu “chấm” khoảng 100-200 tác phẩm sân khấu trong 3 năm, quy định “1/3” sẽ thành “mưa huy chương” thật nhưng ở đây , các đơn vị nghệ thuật đem những sản phẩm tinh túy nhất của mình được đầu tư và chọn lọc kỹ càng lẽ nào lại thành hàng phân phối.

Rất mừng là từ Liên hoan sân khấu Chèo tại Bắc giang năm 2019, chủ trương đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thay đổi: Đánh giá theo giá trị thật tác phẩm. Cả liên hoan sân khấu chỉ có 1 huy chương vàng hay nhiều cũng không sao miễn là trao giải đúng giá trị thật. Quy định “1/3” bất cập đã bị dỡ bỏ dù trước liên hoan, quy chế liên hoan sân khấu đã “chốt” chặt. Sự thay đổi ấy cho thấy các nhà quản lý không máy móc mà chỉ đạo theo tình hình thực tế. Ngày ấy chưa có giải Đồng nhưng thực tế vở diễn không có giải cũng là sản phẩm chọn lọc của đơn vị  nghệ thuật nên BTC có các giải phụ dể khẳng định và động viên những sáng tạo mới.

Cho đến cuối năm 2021, Liên hoan sân khấu kịch nói tại Hải Phòng xuất hiện giải Huy chương Đồng tuy khác trước nhưng trước nữa đã có. Thời NSND Dương Ngọc Đức, NSND Trọng Khôi làm Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tham mưu với Bộ với tư cách Hội nghề nghiệp cũng đã có 3 hạng Vàng, Bạc, Đồng. Tất nhiên, thay đổi này cũng là mới như thể đã cắt tóc, thời gian sau sinh bất cập, lại cắt như cũ cũng là có “đầu mới”!

Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam lần này với tư cách lo chuyên môn cũng tham mưu tích cực với BCĐ và BTC và giá trị thật của tác phẩm được bảo vệ. Không còn chuyện quy định bất thành văn tồn tại như “một đơn vị không nên có 2 Giải thưởng” mà căn cứ vào tác phẩm nên Nhà hát Kịch Việt Nam nhận luôn 2 giải Vàng. Các tác phẩm thật sự có giá trị cao đều được khẳng định. Những đóng góp lớn nhỏ trong sáng tạo đều được ghi nhận. Điều này thật sự là động lực cho đội ngũ sân khấu trong sự phát triển .

SÂN KHẤU HÔM NAY

Sân khấu hôm nay đang đi cùng sân khấu thế giới trong phương thức đến với khán giả từ hai phía Nhà nước và tư nhân. Trong  kinh tế thị trường, sân khấu đáp ứng nhu cầu công chúng, có bán vé thì cũng là một loại hàng hóa tinh thần, thành dịch vụ văn hóa. Sân khấu các nước tiên tiến có sân khấu tư nhân tự đăng ký thành đon vị nghệ thuật lớn nhỏ. Ở ta gọi là đơn vị “xã hội hóa” vì có sự bảo trợ tinh thần của các Hội đoàn. Cách gọi khác nhau nhưng phương thức hoạt động giống nhau khi các đơn vị tư nhân hay “xã hội hóa” không có kinh phí ngân sách, tự bỏ tiền hoặc vận động tài trợ làm vở và thu lại qua vé bán. Bên cạnh lực lượng này là sân khấu ở nước ngoài được nhà nước đặt hàng, ở ta Nhà nước cũng đặt hàng thông qua các đơn vị sân khấu công lập có biên chế và kinh phí nhất định.

Sân khấu phía Nam “xã hội hóa” từ lâu, tự thu tự chi để tồn tại, mỗi đơn vị nghệ thuật có lượng khán giả riêng đã bước đầu tạo được tiền đề của phong cách nghệ thuật hay nói nôm na là theo được “gu” khán giả. Tự hạch toán, theo thị hiếu khán giả tất nhiên kịch mục thường mang tính giải trí. Tuy nhiên, phẩm chất nghệ sĩ và trách nhiệm công dân với sự phát triển sân khấu trong các đơn vị nghệ thuật cũng xuất hiện không hiếm những vở hoành tráng, đầu tư công phu và có giá trị lớn. Điều này thấy rất rõ qua các đợt liên hoan sân khấu. Sân khấu phúa bắc từ lâu cũng có những nhóm nghệ sĩ tự lập nhưng tự tan sau mỗi vở diễn song gần đây xuất hiện Sân khấu Lệ Ngọc duy trì sự tồn tại thành một đơn vị sân khấu ổn định. Kịch mục của đơn vị này phong phú  theo cả nhu cầu số đông khán giả và khán giả chọn lọc, có những vở diễn được khẳng định qua liên hoan sân khấu là điều đáng mừng.

Sân khấu công lập phía Bắc có giai đoạn chạy theo khuynh hướng giải trí là chủ yếu trong kịch mục với những tác phẩm hài. Sân khấu có “Nhà hát Hài kịch” là điều đáng mừng song khi “hài” chỉ là chuyện tình thế,  ăn đong từ mục đích bán vé nên nhiều khi hài kịch thành hề kịch. Khán giả bội thực hài khiến kịch mục trở thành nghèo nàn và gần đây, rất mừng khi nhiều nhà hát đã điều chỉnh, có chiến lược xây dựng phong cách riêng của đơn vị mình.

Công bằng mà nói, sân khấu hôm nay đã có những chuyển biến tích cực khi kịch mục bắt đầu bám sát đời sống hơn , phản ánh một cách nghiêm túc những điều dân nghĩ, dân mong với rất nhiều vở diễn có giá trị trong cả kịch nói và kịch hát. Khi sân khấu đồng hành cùng Nhân dân của mình thì sân khấu nhất định phát triển là tất yếu. Khán giả không bao giờ quay lưng với sân khấu, chỉ e chính người làm sân khấu quay lưng với sân khấu vì những tính toán lợi ích riêng không bắt đầu từ sân khấu.

Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý nên trao quyền tự quyết cho các đơn vị nghệ thuật và họ phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Khâu đầu tiên quan trọng của sân khấu là kịch bản cần được đầu tư hình thành đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp thông qua đặt hàng, đầu tư trực tiếp qua các trại sáng tác, các cuộc vận động hoặc chính các dơn vị sân khấu đặt hàng kịch bản phù hợp khả năng và nhiệm vụ cụ thể của chính mình. Bên cạnh đó, nên chăng cần đầu tư xứng đáng  cho cả sân khấu công lập và sân khấu xã hội hóa với những vở có yếu tố sáng tạo mới đóng góp vào sự phát triển của sân khấu nước nhà.

Xã hội ngày càng phát triển với rất nhiều hình thức thưởng thức nghệ thuật nhưng sân khấu chắc chắn không bị chia sẻ thị phần và sẻ đáp ứng được mọi nhu cầu của mọi tầng lớp khán giả bởi chính mục đích và đặc trưng lớn nhất của sân khấu là sự tẩy rửa, là nhà tắm của tâm hồn mỗi người khi bước vào khán phòng.

None

Lê Quý Hiền

Tin liên quan

Tin mới nhất