Sáng tạo mới từ “di sản công nghiệp”

Phát triển những không gian công cộng và sáng tạo trên nền các “di sản công nghiệp” có thể đạt “mục tiêu kép”: vừa góp phần làm giảm mức ô nhiễm không khí vừa làm đẹp thêm, “sang” thêm diện mạo đô thị. Đây là một hướng đi đầy lãng mạn nhưng khả thi ở Hà Nội.

Sáng tạo mới từ “di sản công nghiệp” - 1 Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom trong lòng khu đất trước kia là Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo Hy vọng lãng mạn đạt “mục tiêu kép”

Theo điều tra và đánh giá của các chuyên gia: “Ô nhiễm không khí” và “Thiếu không gian công cộng” đang là hai vấn đề lớn gây bức xúc và làm giảm chất lượng sống ở Hà Nội. Để giải quyết, kế hoạch di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi khu vực trung tâm thành phố được kỳ vọng sẽ đạt được “mục tiêu kép”: vừa giảm mức ô nhiễm, vừa có thể tăng thêm không gian công cộng cho thành phố trên cơ sở sử dụng những phần diện tích các nhà máy dời đi cho những không gian công cộng và sáng tạo.

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg “Về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội”. Trong quyết định này, Điều 3 xác định việc “Sử dụng quỹ đất sau khi di dời”: “được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, bảo đảm cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch…; Ưu tiên sử dụng các công trình này cho các mục đích công cộng”. Quyết định này mở đường cho ý tưởng chuyển đổi phần diện tích các nhà máy cũ đã di dời cho việc phát triển những không gian công cộng, trong đó những ý tưởng sáng tạo được nhấn mạnh.

Trước mắt, Hà Nội còn có 92 điểm cơ sở công nghiệp sẽ phải chuyển khỏi nội đô. Nhiều nhà máy và những cụm công nghiệp có diện tích khá lớn như Nhà máy Bia Hà Nội, Khu công nghiệp Thượng Đình... Ngoài những điều bị coi là gánh nặng cho đô thị hiện đại, những cơ sở công nghiệp này còn là những “di sản” mang chứa trong đó hình ảnh và cả tình cảm của một thời quá khứ chưa xa. Trên nền (vật chất) của những ký ức này có thể sinh ra những giá trị văn hóa mới. Khi giải phóng các nhà máy cũ sẽ tái tận dụng được đất. Đây có thể coi là nguồn tài nguyên quý giá nhiều mặt: vừa tăng thêm không gian công cộng cho thành phố, tô điểm diện mạo đô thị, vừa góp phần đáng kể hạ các chỉ số ô nhiễm, đồng thời là nguồn hỗ trợ sân chơi cho các nghệ sĩ trẻ. Theo tác giả trẻ Phạm Thị Hương: “Một trong những khó khăn khi người trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, đó là tìm cho mình một không gian làm việc, một không gian khởi nghiệp. Phần lớn họ là những cá nhân hoặc nhóm nghệ sĩ tự do, đặc thù công việc ít ổn định. Chi phí cho việc thuê địa điểm tại các khu vực trung tâm thường khá cao nên dù rất có nhu cầu nhưng họ khó có thể tiếp cận được. Các không gian sáng tạo vì vậy trở thành một giải pháp hỗ trợ thiết thực”. Quỹ đất này sẽ là điểm tựa/bệ đỡ cho văn hóa và công nghiệp sáng tạo qua hỗ trợ nghệ sĩ, tạo không gian trao đổi giới thiệu nghệ thuật, không gian trình diễn sản phẩm và còn có thể kích thích du lịch phát triển, tạo danh tiếng mới cho Hà Nội.

Những kinh nghiệm tốt từ thế giới

Không gian sáng tạo được Hội đồng Anh định nghĩa là “Một địa điểm, có thể là địa điểm thực hoặc địa điểm trực tuyến, là nơi đem những con người sáng tạo đến với nhau. Đó là nơi tụ họp, chia sẻ không gian và hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh và thu hút cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa và công nghệ”.

Các không gian sáng tạo nghệ thuật là một hướng giải quyết để xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, duy trì và tạo ra bản sắc cho đô thị. Nhiều đô thị đã chuyển từ các thành phố công nghiệp bụi bặm, bị ô nhiễm trở thành các địa điểm du lịch, giải trí hấp dẫn nhờ việc hình thành các không gian sáng tạo. Có nhiều kinh nghiệm tốt từ thế giới, song có thể “Tobacco Factory Theatre” Ở Bristol (Vương quốc Anh) là một thí dụ điển hình. Không gian sáng tạo này được hình thành từ việc cải tạo một nhà máy thuốc lá. Sau thời kỳ suy thoái, nhà máy bị bỏ hoang. George Ferguson, một chính trị gia đã mua khu nhà máy cũ này và khuyến khích các nghệ sĩ biến nó thành một địa chỉ nghệ thuật. Dưới bàn tay của họ, khu nhà máy thuốc lá bỏ hoang trước kia trở nên sôi động và hấp dẫn.

Với khối “di sản công nghiệp” phong phú của mình, Hà Nội có thể suy ngẫm từ cách thức mà Bristol đã thực hiện. Sau những “dò dẫm” chưa thành công ở Zone 9 vài năm trước, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), phố bích họa Phùng Hưng, không gian đi bộ quanh Hồ Gươm, phố Trịnh Công Sơn… có thể được xem là những tín hiệu tốt cho thấy các không gian sáng tạo sẽ góp phần vào định hình bản sắc Thủ đô trong tương lai.

Theo Nhân Dân

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.