Sức sống bền bỉ của tranh cổ động

Suốt mấy chục năm nay, tranh cổ động luôn thể hiện vai trò và sức sống bền bỉ đối với những sự kiện quan trọng của đất nước. Không chỉ là trang trí, tranh cổ động còn được coi như một loại hình nghệ thuật đồ họa, mang nét độc đáo riêng, phản ánh hiện thực của đất nước và thời đại.

Vai trò của tranh cổ động được thể hiện rõ trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động vào những ngày lễ quan trọng, thực hiện những nhiệm vụ chính trị - xã hội của Đảng và Nhà nước. Tranh cổ động là loại hình mỹ thuật ứng dụng cao.

Sức sống bền bỉ của tranh cổ động - 1 Tranh cổ động trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ

Bên cạnh đó, tranh cổ động còn phục vụ cho việc kinh doanh thương mại, đồng thời góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết, truyền cảm hứng cho những người lao động nơi làm việc. Đặc biệt, tranh cổ động còn thể hiện được thế mạnh tạo nên sức sống bền bỉ trong bối cảnh xã hội hiện nay.

Đó là tính thời sự, tính thẩm mỹ và giáo dục, tính hấp dẫn và thuyết phục, tính ngắn gọn và biểu cảm, không chỉ có khả năng tập hợp và tổ chức quần chúng mà còn có khả năng hướng dẫn dư luận.

Tại buổi tọa đàm và trưng bày với chuyên đề: “Nghệ thuật tuyên truyền và đời sống đất nước trong tranh cổ động”, họa sĩ Thành Chương chia sẻ: “Trong nghệ thuật, những họa sĩ vẽ tranh cổ động là những chiến sĩ xung kích hàng đầu.

Hiệu quả của tranh cổ động không chỉ được chứng minh qua thời kỳ chiến tranh mà hầu hết những lĩnh vực chúng ta cần tuyên truyền thì tranh cổ động là mũi nhọn hiệu quả nhất”.

Là người có thời gian gắn bó lâu dài với tranh cổ động, nắm được hệ thống xuyên suốt của tranh cổ động, họa sĩ Thành Chương cho rằng: Tranh cổ động là mảng nghệ thuật hội họa phong phú, đa dạng, thậm chí có thể tách rời thành một nghệ thuật riêng: “Tôi thấy tất cả những kỷ niệm và sự kiện của đất nước đều được tranh cổ động phục vụ nhanh và cực kỳ hiệu quả. Tranh cổ động nước nào cũng có nhưng tôi thấy Việt Nam là số 1”.

Sức sống bền bỉ của tranh cổ động - 2

Suốt mấy chục năm, tranh cổ động đã đồng hành cùng dân tộc trên con đường đấu tranh cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tranh cổ động Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình. Đồng thời góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử, văn hóa của đất nước.

Tại buổi tọa đàm, họa sĩ Đào Hải Phong cũng đưa ra những nhận xét của mình về tiến trình phát triển và đặc biệt là vai trò của tranh cổ động: “Tôi được biết khách nước ngoài sang Việt Nam, họ đã sưu tầm nhiều những bức tranh cổ động.

Vậy thì chúng ta phải coi đây là một loại hình nghệ thuật độc đáo với nghệ thuật hội họa của thế giới. Bên cạnh tranh cổ động là mảng tranh đả kích những mặt trái của xã hội. Tôi hy vọng bảo tàng có cả những bức tranh như vậy. Đó có thể là tranh đả kích vui có sự châm biếm nhẹ nhàng có văn hóa để những thói hư tật xấu không tồn tại ở xã hội.

Tôi nghĩ điều đó rất có ích và có ý nghĩa. Điều đó xuyên suốt được cả thời gian dài chúng ta có gì hay, cái gì dở thì đó là điều để chúng ta khắc phục làm cho xã hội tốt đẹp hơn”.

Với mục đích tuyên truyền các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước, tranh cổ động phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của đông đảo công chúng. Tranh cổ động có mặt ở nhiều nơi, có tác động sâu tới nhận thức con người, và trở thành một thể loại nghệ thuật đồ họa độc đáo riêng, thành một chứng nhân phản ánh hiện thực phong phú của đất nước và thời đại.

Sức sống bền bỉ của tranh cổ động - 3

Đánh giá vai trò của công nghệ trong tranh cổ động thời đại 4.0 hiện nay, Nhà báo, nhà nhiếp ảnh Vũ Huyến cũng đưa ra những lưu ý để tranh cổ động phát triển bền vững: “Đây là một thể loại không cần đòi hỏi cầu kỳ về chất liệu nhưng bộc lộ được ý tưởng của tác giả.

Nhưng hiện nay người ta đưa phần mềm vào vẽ tranh cổ động. Tôi ủng hộ việc dùng phần mềm đúng chỗ, đừng lạm dụng phần mềm quá nhiều trong một bức tranh”.

Giai đoạn hiện nay, tranh cổ động vẫn có một ví trí riêng, góp tiếng nói kịp thời và sinh động trong nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Điển hình như khi đại dịch Covid-19 nổ ra, các họa sĩ vẽ tranh cổ động đã vào cuộc khá sớm. Hàng chục bức tranh của những họa sĩ được lựa chọn để in ấn, phổ biến trên toàn quốc nhằm tiếp sức cho cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.

Nhà báo Nguyễn Đăng Tiến, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, người đã đóng góp hơn 1.000 bức tranh cổ động do ông sưu tầm cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ: “Tôi xin được gửi gắm hơn 1.000 bức tranh đã sưu tầm hơn hai mươi năm qua vào đúng địa chỉ tin cậy là Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Đây là vinh dự lớn của tôi và gia đình. Tôi gửi vào đây hy vọng mọi người có thể chia sẻ, đọc được đất nước mình qua những bức tranh”. 

Theo Đại Đoàn Kết None

Tin liên quan

Tin mới nhất