Tác phẩm văn chương chọn đưa vào sách giáo khoa: tinh hoa và phổ cập

(Arttimes) - Không phải là tác giả biên soạn SGK môn Ngữ văn theo chương trình mới, nhưng được Hội Nhà văn Việt Nam mời góp ý trước khi chương trình chính thức thông qua, tôi chú ý đến vấn đề “tinh hoa và phổ cập” đối với các tác phẩm văn chương sẽ được lựa chọn cho việc dạy và học môn học này.

Ngoài những tác phẩm thuộc phần “cứng” (bắt buộc) gồm có: Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sỹ, Bình ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc, Tuyên ngôn Độc lập, phần “mềm” (tự chọn) được mở rất rộng. Rộng nên người dạy có cơ hội lựa chọn, tưởng là dễ, nhưng thực chất là khó vì thiếu sự thống nhất đánh giá khi chúng ta được tự do. Trong số cả trăm tác phẩm tự chọn, khi trình bày quan điểm cá nhân, tôi chỉ dừng lại ở một vài “điểm nhấn” để từ đó mở rộng liên hệ, so sánh. Dẫu chọn tác phẩm nào để dạy và học thì mục đích cuối cùng cũng phải tuân thủ các nguyên tắc chân - thiện - mỹ của nghệ thuật ngôn từ. Trong tương lai gần, sẽ có nhiều bộ SGK để người dạy tự chọn cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Mở rộng tự do lựa chọn quy nạp cả hai mặt thuận lợi khó khăn.

TINH HOA VÀ PHỔ CẬP

Tác phẩm được chọn đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông phải đảm bảo nguyên tắc “tinh hoa” và “phổ cập”. Nhưng khi tiến hành thao tác lựa chọn thì tình hình không hề đơn giản, dễ dàng. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh (được đề xuất trong phần tác phẩm tự chọn), theo ý tôi, tinh hoa nhưng không phổ cập.

Tôi chia sẻ ý kiến cá nhân được nhiều đồng ngiệp (văn giới, giáo giới) đồng tình. Tác phẩm lúc xuất bản lần đầu (1990) có tên Thân phận của tình yêu, đặt thế mới “lọt” được cơ quan chức năng, một năm sau nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1991), cùng với Bến không chồng của Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường. Sau này, khi tái bản tiểu thuyết của Bảo Ninh mới có tên Nỗi buồn chiến tranh. Tính đến năm 2020, nó được dịch và giới thiệu rộng rãi ở nhiều quốc gia, đại diện cho đường hướng xuất khẩu văn chương Việt ra thế giới vì đã chạm được vào “mẫu số chung” nhân loại.

Ở ta, người đọc Nỗi buồn chiến tranh chủ yếu là sinh viên đại học ngành Văn, các viên chức có trình độ, có đầu óc cởi mở, còn người đọc phổ thông, nếu có một cuộc điều tra xã hội học bài bản, tôi nghĩ sẽ không nhiều. Vì sao? Vì cuộc chiến tranh cách mạng trong mười nghìn ngày (1945-1975), tiếp đến hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc sau đó thường được tái hiện trong cái nhìn, quan điểm, tâm thức cộng đồng, trên nền tảng lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Nay, có một tác phẩm lừng lững cái nhìn của một cá nhân/chủ quan tất sẽ gặp phải sự kháng cự của thói quen, của dư luận, của lợi ích chung. Ít có tác phẩm nào về chiến tranh lại được viết bằng một lối văn đẹp như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, với một giọng thống thiết đau đớn như thế. Tác phẩm này, trong các ý kiến góp ý tại cuộc họp của Hội Nhà văn Việt Nam, đều thống nhất cho rằng chỉ nên giảng dạy ở bậc đại học, nơi đó nó hoàn toàn phù hợp với trình độ nhận thức, năng lực mỹ cảm của lứa tuổi sinh viên. Lứa tuổi học trò (THPT) cần những “thức ăn tinh thần” kiểu khác (nhẹ nhàng/thuần khiết/dễ “tiêu hóa”).

Cánh đồng bất tận (2005) của Nguyễn Ngọc Tư (được đề xuất trong phần tác phẩm tự chọn), theo tôi, phổ cập nhưng không tinh hoa. Nói phổ cập vì nó là một hiện tượng văn chương, vì học sinh THPT (Chuyên) cũng đọc nhiều, vì có thể nó là “món lạ” (người đời hay “ham thanh chuộng lạ”), vì nó viết về những “bi kịch chất đống” (từ dùng của tác giả), vì nó “ẵm” Giải hưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2006), Giải thưởng Văn học ASEAN (2008), vì nó được tái bản nhiều lần, vì nó lên phim,... Hầu như dư luận chỉ có khen một chiều. Tôi là một trong số rất ít người phê bình tác phẩm này khi viết Bài học văn chương từ Cánh đồng bất tận (đăng trên Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 7-2006). Không nên nghĩ tác phẩm nhận giải thưởng là “tinh hoa”.

Tôi viết có căn cứ khoa học và sự công bằng trong cảm xúc khi tiếp nhận tác phẩm. Cánh đồng bất tận mắc một lỗi không nhỏ khi chỉ “thấy cây mà không thấy rừng”. Biểu tượng “cánh đồng chết” mà tác giả tạo nên bằng ngôn từ văn chương, lúc tác phẩm mới ra có vẻ như bắt mắt người đọc. Nhưng bây giờ, khi Việt Nam đứng hàng nhất, nhì thế giới về xuất khẩu lúa gạo thì liệu những “cánh đồng chết” làm nên trò trống gì? Hình ảnh những cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng Nam Bộ và Bắc Bộ hiện nay với lối canh tác hiện đại, sản phẩm thu hoạch làm mát lòng mát dạ hàng triệu nông dân, liệu có là hình ảnh ngụy tạo, hay là sự thật khó chối cãi. Khi đó, liệu những “cánh đồng chết” còn có thể nỉ non về nỗi đắng cay của đời người làm nông nghiệp - nông dân? Tầm nhìn hạn hẹp có nguyên nhân sâu xa từ căn cốt văn hóa của nhà văn. Tôi còn chưa nói đến vấn đề thể hiện thiếu tiết chế cái ác trong tác phẩm (trận trả thù hội đồng man rợ một người phụ nữ, như cách tác giả miêu tả, khác nào thời trung cổ). Dường như đang có khuynh hướng “có mới nới cũ” trong tâm thế một bộ phận xã hội nói chung, cũng như người đọc văn chương, hễ động chạm đến truyền thống là lập tức kêu lên “xưa rồi Diễm ơi” (!?).

Chúng ta có thật sự “mắc nợ Nguyễn Huy Thiêp”? Cách nay chưa lâu, một chuyên viên cao cấp giáo dục đã cảm thán mà viết: “Chúng ta còn mắc nợ Nguyễn Huy Thiệp!”. Có thể do quá yêu nhà văn này mà nói/ viết những “lời có cánh” như thế. Không sai nhưng chưa thật thuyết phục triệt để. Không ai mắc nợ ai trong câu chuyện tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp chưa được chọn đưa vào SGK? Bây giờ thì đã “cửa mở” (như nhan đề tập thơ của Việt Phương ra đời cách đây gần năm mươi năm). Tác phẩm của nhà văn này cũng lọt vào danh mục lựa chọn (phần “mềm”). Thiên truyện Muối của rừng có lẽ nhận được sự đề cử cao nhất vì nó đề cập đến vấn đề “sinh thái” (đang là thời thượng trong nghiên cứu, sáng tác văn học), rộng ra là về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Một thời gian dài chúng ta đối xử tàn nhẫn với bà mẹ tự nhiên vĩ đại, nay đã hối hận. Chậm còn hơn không như cổ nhân nói. Riêng tác phẩm này được đưa vào SGK, theo tôi, là chấp nhận được, còn về sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp nói chung, với học trò phổ thông thì cần phải có cái nhìn toàn diện về tư tưởng, tình cảm nghệ thuật của nhà văn, về giá trị mới mà nó đem lại có hữu dụng thực sự, cần có sự thử thách của thời gian.

ĐỔI MỚI CÓ NGUYÊN TẮC

Nếu đúng với từng người thì không cần đến SGK, là ý kiến đóng góp đáng quan tâm khi có một chuyên gia giáo dục hăng hái cổ súy quan điểm cá nhân, cho rằng “văn đúng với từng người” (hiểu là từng cá thể tiếp nhận), vì thế “tiếp nhận văn chương là tự nguyện”, nên “dạy văn là dạy cho từng học sinh”,... Ngẫm kỹ, đây là một ý kiến khó đi tới thống nhất. Thực tiễn giáo dục cho thấy, kể cả các nước có nền giáo dục tiên tiến (như Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nga...), cũng không hề áp dụng phương pháp dạy học cho từng cá thể học sinh. Đó có thể là câu chuyện hoang đường của những người hoang tưởng. Không riêng lĩnh vực giáo dục và SGK, bất cứ lĩnh vực xã hội nào cũng có những “cương thường”, “phên giậu” của nó.

Tự do là tất yếu, chân lý vốn giản dị. Có nhà văn đề xuất phương pháp dạy văn, cách chọn tác phẩm là dẫn dắt học trò đến tự do, nhưng không thuyết phục khi cho rằng tự do là để đối khángvới mất tự do (khi văn chương bị chính trị hóa, nhà văn chỉ viết theo mệnh lệnh, tạo nên thứ văn chương “phải đạo”). Ngay ở Hoa Kỳ, nơi được coi là “thế giới tự do” thì Bắt trẻ đồng xanh (xuất bản lần đầu 1951), tiểu thuyết xuất sắc của nhà văn J. D. Salinger cũng từng bị kiểm duyệt và cắt bỏ nhiều phần (từ 1961-1982), khi đưa vào dạy ở bậc THPT và các thư viện, sau đó mới được hồi phục, chiêu tuyết.

Điểm và diện cần hài hòa khi chọn tác phẩm văn chương đưa vào SGK. Nhiều ý kiến thống nhất cho rằng phần “cứng” (6 tác phẩm) có thể là hẹp và ít trong khi phần “mềm” lại mở quá rộng, ở đây liên quan đến vấn đề then chốt lựa chọn “tinh hoa” hay “phổ cập”. Tôi thấy, chúng ta đang nghiêng về “phổ cập”, nhẹ về “tinh hoa” chăng?

Từ Dự thảo chương trình đến Chương trình chính thức đã được bàn thảo, góp ý kiến khá toàn diện và thấu đáo từ nhiều cơ quan chức năng (Bộ GD&ĐT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà văn Việt Nam,...). Dư luận xã hội đang lấy lại tâm thế tin tưởng, kỳ vọng vào kết quả sẽ tốt hơn. Nói về quan hệ “tinh hoa” và “phổ cập” khi chọn tác phẩm đưa vào SGK, thiết nghĩ không phải là chuyện làm/ gây khó các chuyên gia giáo dục và những người thực thi vì chúng hiển hiện dưới thanh thiên bạch nhật theo nguyên lý “sức mạnh của cái đúng”.

BÙI VIỆT THẮNG None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống