Tay bút "nghiệp dư"

(Arttimes) - Tôi và Trần Anh Tuấn biết nhau từ những năm đầu của thập niên tám mươi vì học cùng trường Đại học sư phạm Hà Nội I. Tôi không học cùng khoa với Tuấn nhưng đều là bộ đội được gửi học vào trường sư phạm, nên cũng có nhiều điểm chung tạo sự gần gũi. Mặc dù tôi học khoa Ngữ văn còn Tuấn học khoa Tâm lý - Giáo dục nhưng chúng tôi vẫn liên hệ thường xuyên và luôn cùng “trên tầng cây số”.

Tay bút "nghiệp dư" - 1

Trần Anh Tuấn ( người ngồi sau) thời sinh viên năm 1981

Những năm đầu của thập niên tám mươi, sinh viên chúng tôi sống khó khăn, thiếu thốn đủ đường, nhất là cánh miền Trung như tôi và Tuấn ở xa nhà lại càng khó khăn hơn…Ngoài giờ học chúng tôi xoay xở  để kiếm thêm thu nhập. Lúc thì đạp xe đạp cọc cạch ra ga Hàng Cỏ chở khách xuống bến xe Kim Liên kiếm thêm chút đỉnh, lúc thì nhảy xe bus ra bách hóa tổng hợp Tràng Tiền sắp hàng chờ mua thuốc lá, xà phòng bán lại kiếm lời…Tất cả tiền kiếm thêm cũng chỉ để dành ăn chè đá, kẹo lạc và thuốc lá cuộn. Nhưng kỷ niệm mà tôi nhớ nhất đó là lần bọn tôi đi Thái Nguyên để “tìm kiếm thị trường mới”. Thật không may khi lên tàu chợ, hai thằng ngồi ngủ gật bị kẻ gian lấy hết đồ. Tệ hơn, lúc về mỗi thằng mua được 3 kg chè Thái, khi đi qua ga Trần Quý Cáp (Hà Nội) bị cán bộ thị trường giữ lại tịch thu… Ôi! thế là mấy tháng phụ cấp coi như đi toi…Lần đó về hắn chửi tôi một trận “lên bờ xuống ruộng”: - Tớ đã đi thoát rồi sao ông bị bắt còn gọi lại làm gì để nó tịch thu của cả hai, đồ dỡ hơi, ông để tôi thoát may ra còn vớt vát…

Mà hắn nói cũng có lý, lúc ấy chẳng hiểu sao tôi lại gọi hắn lại…Sau vụ đó, kế hoạch phát triển “ thương trường” của bọn tôi coi như đỗ vỡ…

Đấy là nói về chuyện “làm ăn”, còn chuyện “tình trường” của hai thằng cũng oanh liệt lắm. Hắn nhờ cái mã đẹp trai da trắng, dáng thư sinh lại có “món” kịch câm và giọng hát khá truyền cảm nên cũng được nhiều em chú ý…Nhưng cũng chỉ “hoa lá” chút thôi, chẳng làm được “màu mè” gì vì hắn lớt phớt chẳng có một mục tiêu nào rõ ràng và bám đuổi đến cùng, nên sau bốn năm học cũng chẳng tìm được “bến đỗ” nào. Hồi đó chị em sợ nhất những thằng như hắn tán tỉnh khắp nơi nhưng không để lại “một tý lòng tin nào”… Mãi sau này, khi đã ra trường, quay lại “thăm thú”, hắn mới “vớt vát” được đôi chút…Hắn tán được một em lớp tôi, nhưng sau đó nàng ra trường về quê nên cuộc tình cũng chấm dứt.

Nhưng tôi cũng rất nể phục hắn ở sự chịu khó. Hắn đã thích cái gì thì làm bằng được. Tôi nhớ một lần tôi và hắn đi ra câu lạc bộ Thanh Niên ở hồ Thiền Quang xem biểu diễn. Sau khi xem nghệ sĩ Phúc Dĩ biểu diễn tiểu phẩm kịch câm “Quả bóng kỳ lạ” về, hắn cứ tấm tắc mãi, và sau đó đến câu lạc bộ xin được học kịch câm. Hắn và Trần Kỳ Trung bên lớp cao học Khoa Sử mỗi tuần 3 tối kỳ cạch đạp xe đến câu lạc bộ Thanh Niên học đều như vắt chanh…Kết thúc khóa học hắn và Kỳ Trung biểu diễn thành công tiểu phẩm kịch câm: “Chống Bành trướng Trung Quốc” hay đáo để, được Trường Sư phạm Hà Nội I đưa đi biểu diễn nhiều nơi. Hắn vừa là “nghệ sĩ” kịch câm vừa tham gia tốp ca nam của trường với nhóm chúng tôi như Cái Văn Thái, Đinh Đức Lập, Nguyễn Văn Hiệp…và từng tham gia nhiều Hội diễn của Ngành giáo dục. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cả lời và giai điệu bài: “ Hát về mái trường sư phạm” của thầy giáo Văn Nhân mà tốp ca nam chúng tôi biểu diễn: “Từ mái trường này ta ra đi mang theo niềm mơ ước/Từ mái trường này ta ra đi mang theo những ước mơ/ của tình yêu, của tuổi trẻ/của những tháng năm sống dưới mái trường/ Ta yêu những mái trường/Thân thương bao đàn em/Ta đem nguồn văn hóa/Chiếu sáng khắp muôn nhà/… Có thể nói đây là khoảng thời gian mà hắn thể hiện khả năng của mình, một vài em “diễn viên” múa nghiệp dư của trường cũng  muốn “xin chết”…

Ra trường, tôi và Tuấn đều giảng dạy ở các Học viện của quân đội.. Đến năm 1995, hắn chuyển ngành về làm cán bộ giảng dạy Khoa Chính trị Nhạc viện Hà Nội. Năm 1996, tôi cũng “theo chân” hắn về làm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Thời trang trẻ. Gặp lại tôi với bao dự định làm báo, viết văn, hắn nghe háo hức lắm. Hình như sự nhiệt tình cháy bỏng của tôi “lây” sang hắn, máu viết báo của hắn bắt đầu nổi lên, hắn bắt tôi phải giúp hắn viết  báo. Tôi chiều theo sở thích của hắn. Hắn có năng khiếu nên tiếp thu rất nhanh và thực hành viết luôn (nghe nói hồi học cấp ba hắn từng đoạt giải học sinh gỏi môn văn của tỉnh). Ban đầu tôi gợi ý hắn viết về chân dung nghệ sĩ (vì hắn ở môi trường đó). Quả thật, tôi hơi ngạc nhiên khi hắn đưa tôi bản thảo một số bài  viết về chân dung NSND Trần Hiếu, NSND Trần Thu Bạch Hà, NSND Trung Kiên…để đăng trong chuyên mục: “Những người nổi tiếng”. Chất lượng bài viết của hắn khá tốt nên tôi biên tập và cho đăng ngay. Bài viết của hắn được nhiều bạn đọc yêu thích và có thư hồi âm khen ngợi. Những năm tiếp theo, như đã bắt trúng mạch nguồn, hắn viết nhiều về một số ca sĩ trẻ như Trọng Tấn, Mỹ Linh, Lan Anh, Anh Thơ… và được đăng trên rất nhiều báo. Trong đó tôi vẫn thích nhất bài “Khánh Linh - Họa mi hót trong mưa” của hắn viết đăng trên báo Người Lao động…

Nhờ khả năng viết lách tốt, Trần Anh Tuấn được điều về Bộ Văn hóa-Thông tin để làm thư ký cho Thứ trưởng NSND Nguyễn Trung Kiên. Lúc này Tuấn tha hồ thả sức để viết không chỉ giới hạn trong Nhạc viện Hà Nội mà toàn ngành Văn hóa…Báo Nhân dân hàng tuần đặt Tuấn viết nhiều bài về mục Văn hóa phát triển. Tôi vẫn thích nhất bài “ Bắc Hà mùa mận chín” và “ Làng văn hóa Khe Ván” mà hắn viết khi đưa đoàn nhà báo đi thực tế ở Lào Cai và Yên Bái… Có lẽ do Tuấn tổ chức nhiều đoàn nhà báo đi thực tế nên hắn “học mót” nhiều chiêu của các nhà báo kỳ cựu như Trần Bảo Hưng (Báo Đại Đoàn kết, Nguyễn Văn Hùng (Báo Phụ nữ Việt Nam), Mai Nam Thắng (Báo Quân đội Nhân dân)… để viết tốt hơn. Hắn làm cộng tác viên cho nhiều báo như Nhân dân, Tiền phong, Thanh niên, Hà Nội mới, Người Lao động, Văn hóa, Điện ảnh Kịch trường…Trong giới báo chí nhiều người biết và yêu quý đặt bài cho Tuấn.

Đến lúc nghỉ hưu, do có năng khiếu viết báo, lại là thạc sĩ khoa xã hội và nhân văn, đã từng  là cán bộ  ở  Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông, hiểu biết nhiều về truyền thông về công nghệ thông tin, nên Trần Anh Tuấn được cơ quan báo chí của Hội Truyền thông số Việt Nam mời về làm phóng viên. Hàng tuần, hàng tháng bài vở của hắn ra khá đều. Nhiều bài viết của Tuấn rất được độc giả đánh giá cao và cho nhiều like…

Trong thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, Trần Anh Tuấn không chỉ tham gia làm báo mà hắn còn viết lời cho nhiều bài hát được các nhạc sĩ của Học viện âm nhạc Việt Nam phổ nhạc. Ấn tượng nhất với tôi là bài: “Hát về Can Lộc quê ta” do Huy Loan phổ nhạc và NSND Thanh Hoa biểu diễn (về sau NSUT Tố Nga cũng biểu diễn). Tuấn cũng viết lời cho bài hát “Hành khúc Trường Đại học phòng cháy chữa cháy” do nhạc sĩ Minh Khang phổ nhạc, đến nay bài hát vẫn được các thế hệ học sinh Trường Đại học phòng cháy chữa cháy coi đó là “ Trường ca”. Tôi vẫn nhớ mấy câu kết của bài hát thật ấn tượng: Vinh quang thay người chiến sĩ phòng cháy chữa chaý/Tạm biệt mái trường đi khắp muôn nơi/Đem tuổi xuân hiến dâng cho đất nước/Cho em thơ vui bước đến trường/Cho mùa xuân về trong niềm vui mới/Tổ quốc mến yêu ơi/Nguyện tiếp bước cha anh/Vì hạnh phúc mọi người/Ở đâu có giặc lửa/Là có chúng tôi…

Chưa bao giờ tôi thấy hắn viết văn cả, ấy vậy mà trong một năm vừa qua, có lẽ do Covid, nên thời gian ở nhà nhiều, hắn bắt đầu lao vào viết văn. Tôi thấy hắn gọi điện mon men hỏi mượn tôi các cuốn sách lý luận viết văn. Tôi ngạc nhiên nói với hắn: “Ông còn định kiêm thêm nghề viết văn nữa hay sao mà hỏi, khó lắm. Ông muốn đâm đầu vào đá à?”. Nói vậy nhưng tôi lại nghĩ: “Thằng này đã nói là hắn làm”… Lúc đầu hắn viết bút ký đơn giản như “Ký ức Vị Xuyên”; “Dòng sông tuổi thơ” rồi sau đó bắt đầu viết truyện ký, truyện ngắn… Quả thực tôi hơi lấy làm ngạc nhiên về khả năng viết văn của Trần Anh Tuấn. Tôi coi đây như một “ hiện tượng”, bởi trong một thời gian ngắn, hắn cho ra đời nhiều bút ký và truyện ngắn. Những bút ký và truyện ngắn hắn viết ra đều được đăng trên Thời báo Văn học Nghệ thuật. Hắn viết rất lên tay, truyện sau chắc tay hơn truyện trước. Truyện ký “ Đêm chia muỗi” hắn viết khá xúc động, hấp dẫn về một cô gái Quảng Bình mồ côi cha mẹ sống một mình, nhưng với tấm lòng bao dung dám bỏ màn để cùng chia muỗi với bộ đội… Đặc biệt truyện ngắn “ Hào đoàn phí thấm máu” lại càng xúc động hơn. Trần Anh Tuấn đã dựa trên một cốt chuyện có thật và khai thác một cách sáng tạo làm cho độc giả thấy được một giá trị nhân văn mà chưa một tác phẩm văn học nào đề cập đến. Một người lính pháo binh trước lúc hy sinh vẫn rút trong ngực áo mình một hào bạc (mệnh giá lúc bấy giờ) nhờ anh em đồng đội đóng đoàn phí…Đó là một chi tiết hết sức xúc động phản ánh tinh thần trách nhiệm trước tập thể của người chiến sĩ… Hay Truyện ngắn “ Kỷ vật của người đã khuất”, Trần Anh Tuấn viết về một chiến sĩ chiến đấu ở mặt trận biên giới, mặc dù rất ác liệt, nhưng vẫn tranh thủ mài dũa những mảnh đạn pháo làm thành những chiếc nhẫn, chiếc lược để gửi về tặng người yêu. Trước lúc hy sinh vẫn băn khoăn : “ Không biết món quà đã đến tay người yêu chưa”… Mới đây, nhất nhân ngày nhà giáo Việt Nam, Trần Anh Tuấn viết truyện ngắn: “ Chuyện tình cô giáo vùng cao” như một món quà tri ân những thầy cô đã xung phong lên miền núi, miền biên giới để mang những “con chữ” cho các em nhỏ… Trần Anh Tuấn có vốn sống khá phong phú, đặc biệt là những năm tháng đời lính đã cho hắn những chi tiết hiện thực sống động, có thể nói là rất đắt. Truyện ngắn cần chi tiết sống động để bồi đắp cho cốt truyện, làm cho truyện “sống” được, Tuấn đã có đầy đủ điều đó. Đọc truyện của Tuấn viết, tôi thấy nó rất hấp dẫn và cũng rất thực, vì nó tươi nguyên sự sống… Bên cạnh đó, văn của Trần Anh Tuấn mộc mạc chân thật, đã gây xúc động mạnh cho người đọc. Mới viết hơn năm, Trần Anh Tuấn đã cho in gần mười truyện ngắn và bút ký. Đó là một thành công đáng kể. Hắn đang say viết. Hy vọng, viết càng nhiều, hắn càng đúc rút được nhiều kinh nghiệm, để cho ra đời những tác phẩm hay hơn, hấp dẫn hơn!

Tôi viết bài này để động viên, khích lệ Tuấn viết lách tìm một niềm vui có ý nghĩa trong cuộc đời. Chúc cho tay bút “nghiệp dư” cho ra đời nhiều tác phẩm hay. Tôi cũng kỳ vọng rằng, biết đâu nay mai, bạn mình trở thành nhà văn!

None

Trần Quang Đạo

Tin liên quan

Tin mới nhất

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

“Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật” là một hội thảo ý nghĩa được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), giúp lan tỏa những giá trị của Điện Biên Phủ trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Đồng thời, thúc đẩy sự thăng hoa, bền bỉ, nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo cho các văn ng

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

Trong khuôn khổ chương trình “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”, đoàn đại biểu là các văn nghệ sĩ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có dịp đến thăm và tặng quà cho học sinh Trường Tiểu học Him Lam, đồng thời phát động cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Hoan Hô chiến sỹ Điện Biên”. Sự kiện do Thời báo Văn học nghệ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điệ