Thư gửi người mai sau

Tôi đang có trong tay văn bản 60 bức thư của một liệt sĩ quê Hà Nội. Đích đến của toàn bộ 60 bức thư này là cha mẹ, là cả gia đình người lính ấy. Tên anh là Phạm Ngọc Hùng. Anh hy sinh năm 1971 ở chiến trường Kon-Tum khi vừa tròn 20 tuổi.

Từ một bức thư của nhà văn Nguyễn Công Hoan

60 bức thư viết trong 2 năm 2 tháng quân ngũ, cũng là 2 năm cuối đời của liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng. May mắn là gia đình đã giữ lại được cả 60 bức thư, và người em gái của liệt sĩ Hùng đã đánh máy lại như một kỷ vật vô giá của cả gia đình.

Binh nhất - liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng  

Tôi rất ngạc nhiên, khi mở đầu quyển sách mỏng in 60 bức thư này là một bức thư khác, bức thư của nhà văn lớn Nguyễn Công Hoan:

“Kính gửi ông Xứng,

 Tôi đến phòng tìm ông, thấy nói ông nghỉ ở nhà. Tôi về nhà, ông lại đi vắng. Thật tiếc. 

Hôm nọ, ông cho biết về việc cháu Hùng. Nhiều thư của cháu , ông cho nghe, tôi rất cảm động. Và khi ông cho tôi biết tiểu sử của cháu, tôi càng quý cháu. Vì vậy tôi mới nói với ông là nên chọn chữ của cháu mà đề tên cuốn sách. Nhưng nay tôi còn ý kiến nữa , định đề nghị với ông, là ông nên viết kỹ tiểu sử của cháu, những đức tính của cháu, nhất là những đức tính ấy đã có ảnh hưởng đến các bạn đồng ngũ của cháu. Ông nên viết tỷ mỷ, kể cả lần cháu thả bức thư theo dòng nước. Đời cháu, những việc làm, ý nghĩ của cháu sẽ là tấm gương sáng cho các anh em cháu noi theo.

Tiểu sử ấy, ông sẽ đóng lên đầu sách thì trân trọng lắm!

Thân ái

23-2-73

Nguyễn Công Hoan

Nhà văn Nguyễn Công Hoan viết bức thư này gửi ông Phạm Ngọc Xứng năm 1973, thì chỉ một năm sau, ông Xứng qua đời vì quá đau buồn sau khi đứa con trai hiếu thảo hy sinh.

Quả thật, Phạm Ngọc Hùng là đứa con hiếu thảo, vì ở tuổi 18, từ khi mới vào bộ đội, anh Hùng đã liên tục và tìm mọi cách tranh thủ chút thời gian rảnh giữa hai kỳ luyện quân, hai chặng hành quân để viết thư gửi về nhà cho bố mẹ và các anh chị em. Rồi khi lên Trường Sơn và vào tới chiến trường B3 (Tây Nguyên), anh Hùng vẫn tìm được cơ hội gửi thư về thăm bố mẹ và mọi người trong gia đình, không quên một ai. Thời chiến tranh ác liệt nhất, mà chỉ trong hơn 2 năm, anh Hùng đã gửi được 60 bức thư cho gia đình, đó là một kỷ lục.

Một kỷ lục của tình yêu thương, của lòng hiếu thảo. Thú thật, trong 5 năm ở chiến trường Nam Bộ, tôi chỉ gửi được khoảng 5 bức thư về cho thầy má tôi ở Hà Nội. Không cha mẹ nào trách con mình ở chiến trường sao ít gửi thư về thăm bố mẹ, cho bố mẹ đỡ lo buồn, vì bố mẹ hiểu, gửi được một bức thư trong hoàn cảnh như thế là cực khó. Nhà văn Nguyễn Công Hoan, sau khi nghe bạn mình là ông Phạm Ngọc Xứng đọc những bức thư con trai Phạm Ngọc Hùng gửi về gia đình, đã đặc biệt xúc động. Bởi khi đó, anh Hùng đã hy sinh, và cũng bởi những bức thư tha thiết tình yêu thương bố mẹ và gia đình đã khiến nhà văn lớn không thể cầm lòng. Chính Nguyễn Công Hoan đã đề nghị ông bạn mình nên in những bức thư ấy của đứa con trai.

Gia đình anh Phạm Ngọc Hùng  

Bức thư của nhà văn Nguyễn Công Hoan rất chân tình và tha thiết. Nó là sự chia sẻ của một người cha với một người cha có con hy sinh. Và cũng bởi nhà văn Nguyễn Công Hoan có con trai là ông Nguyễn Tài - một trong những cán bộ lãnh đạo của ngành an ninh Trung ương Cục-vào thời gian ấy đã bị bắt và bị biệt giam ở trung tâm thẩm vấn của chế độ Sài Gòn. Chắc chắn, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã bị mất liên lạc hoàn toàn với người con của mình, cũng không biết con mình sống chết ra sao.

Chính hoàn cảnh ấy đã đưa tới sự thông cảm sâu sắc giữa hai người cha. Và cũng bởi ông Phạm Ngọc Xứng từ những tháng năm Hà Nội bị Pháp tạm chiếm, ông làm việc tại Sở căn cước (Service D' ldentite') ở Hà Nội nhưng ông đã là cơ sở của cách mạng. Chính ông đã giúp đỡ một số cán bộ cách mạng làm thẻ căn cước ra vào vùng kiểm soát của Pháp một cách dễ dàng. Trong khi đó, ông Nguyễn Tài - con nhà văn Nguyễn Công Hoanlại là Trưởng Ty Công an Hà Nội, rồi Giám đốc Sở Công an đặc khu Hà Nội (hoạt động bí mật). Chắc chắn, ông Xứng đã hiện diện trong đường dây do ông Nguyễn Tài tổ chức và lãnh đạo. Trong những cán bộ cách mạng được ông Xứng giúp làm căn cước, sau này tiếp tục di cư vào Nam và hoạt động trong đường dây tình báo, có nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ từng nổi tiếng trong vai trò “ông cố vấn” cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Vì những công lao đó, sau khi Thủ đô giải phóng, ông Phạm Ngọc Xứng vẫn tiếp tục làm việc tại Sở Công an Hà Nội, sau chuyển về UBND Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan sinh năm 1903, trong khi ông Xứng sinh năm 1921, nghĩa là họ cách nhau tới 18 tuổi. Nhưng họ vẫn là bạn của nhau, một tình bạn vong niên. Còn ông Nguyễn Tài sinh năm 1926, trong khi Phạm Ngọc Hùng con ông Xứng sinh năm 1951, thuộc hai thế hệ khác nhau. Nhưng đó vẫn là hai người con của hai người cha là bạn bè, một người là nhà văn, một người làm công chức. Tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt nhưng cũng đầy gian nguy, đầy uẩn khúc đau khổ của ông Nguyễn Tài, tôi càng thấy lý do mà nhà văn Nguyễn Công Hoan và ông Phạm Ngọc Xứng thân thiết với nhau, chia sẻ cùng nhau những nỗi niềm về hai người con của mình là dễ hiểu và đáng quí trọng. Trong đau khổ, hai người làm cha ấy đã tìm đến với nhau. 

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ”

Non một nửa trong 60 bức thư của anh lính Phạm Ngọc Hùng gửi về gia đình được anh viết trong thời gian luyện quân và hành quân trên đất Bắc. Đó là thời gian từ ngày 4/9/1969, khi từ Hà Nội hành quân về Thanh Trì (cách Hà Nội chỉ hơn 20 cây số) tới ngày 22/2/1969 khi đơn vị anh Hùng chuẩn bị lên Trường Sơn từ “bệ phóng” Quảng Trạch - Quảng Bình. Anh Hùng cùng đồng đội của mình đã trải qua ngót 7 tháng “luyện quân” và hành quân trên đất Bắc. Đó là thời gian đủ để một tân binh qua huấn luyện trở thành một người lính chiến thực thụ. Sau anh Hùng chừng 2 năm, tôi cũng đã hành quân vào chiến trường theo đúng con đường anh Hùng đã đi, từ Thanh Trì tới Quảng Trạch - Quảng Bình, mà điểm cuối cùng trên đất Bắc “phóng” chúng tôi lên Trường Sơn chính là làng Cự Nẫm từng nổi tiếng một thời trong bài hát Bình Trị Thiên khói lửa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.

Bố mẹ liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng 

Tôi đọc những bức thư của Phạm Ngọc Hùng và nhận rõ một điều: người con trai này luôn biết cách động viên bố mẹ và gia đình mình hãy yên tâm về anh. Những gian khổ của chuỗi ngày đầu hành quân được anh mô tả cụ thể nói lên sự trưởng thành qua từng ngày của người lính, và đó là lời nhắn gửi tới gia đình là anh sẽ vượt qua mọi thử thách phía trước, mọi người đừng quá lo lắng cho anh:

“Sáng thứ hai bắt đầu cuộc hành quân gian khổ, đầu tiên đi từ Đại Từ đến Đồng Văn, đây là cuộc đi đầu tiên của chúng con, vai vác nặng vô cùng mà đường đi lại xa nên chân con rộp cả lên, mọng nước, vai đau ê ẩm. Sang đến hôm thứ hai thì tương đối dễ chịu hơn vì đã hơi quen, mặc dù chân vẫn sưng nhưng vai và lưng đã đỡ hơn. Đến ngày thứ ba thì đã thấy dễ chịu vì trời mát mà đường cũng ngắn hơn. Sang ngày thứ tư thì vất vả nhất, đường thì dốc cao, vượt qua bao nhiêu đồi, núi mà đường thì trơn và mưa lầy lội mệt vô cùng. Đến ngày thứ năm thì mưa và đường đi toàn sỏi đá đau chân lắm. Đến sáng này thì chúng con đi nốt chặng cuối cùng thì thấy nhanh hơn vì vai lúc này đã quen vác nặng, chân thì quen đi đường dài rồi bớt đau hơn.”

Mới tròn 18 tuổi, nhưng trong những bức thư của Hùng gửi về gia đình luôn cho thấy người con trai Hà Nội này đã trưởng thành. Đúng là những năm chiến tranh ấy, con người trở nên từng trải rất nhanh, trưởng thành rất nhanh, và những suy nghĩ cũng như già giặn trước tuổi. Nhiều người ở miền Nam sau này hay nhận xét thơ của “trẻ em” Trần Đăng Khoa và nhiều “nhà thơ nhí” ở miền Bắc thời chiến tranh có vẻ “già” quá so với tuổi của họ. Nhưng sự thực là thơ ấy phản ánh đúng suy nghĩ và cảm xúc của họ, nó trưởng thành hơn tuổi thực của họ rất nhiều. Không ai muốn “lớn trước tuổi” như thế cả, nhưng hoàn cảnh sống khắc nghiệt thời chiến bắt buộc con người phải thích nghi, phải tự nhận thức được những điều mà ở tuổi ấy nếu trong thời bình thì chưa cần phải như vậy. Trong những bức thư của Phạm Ngọc Hùng, ăm ắp những tình cảm giành cho mẹ mình với nỗi âu lo và niềm khắc khoải:

“Nhưng mẹ cứ yên tâm đừng lo nghĩ gì về con nhiều quá mà ảnh hưởng sức khỏe mẹ ạ. Mà mẹ thì già yếu rồi, làm việc bình thường thôi đừng quá sức quá mẹ nhé và buổi tối mẹ đi ngủ sớm đừng muộn mà ảnh hưởng đến sức khỏe.”

Đó thực sự là tình cảm của một người con hiếu thảo, nó nhắc chúng ta một điều, rằng trước khi muốn trở thành một biểu tượng chói sáng hay một con người thành đạt như thế nào, thì hãy là đứa con hiếu thảo với cha mẹ mình. Chỉ vì một lẽ:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ,   Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con” 

(Chế Lan Viên)

Hồi ấy, Hùng mới tốt nghiệp lớp 10 (lớp 12 bây giờ) thì đi bộ đội. Đó là độ tuổi mà ông bà ta hay nói là “ăn chưa no lo chưa tới”. Nhưng qua từng bức thư, tôi cảm nhận anh lính Phạm Ngọc Hùng đã trưởng thành từng ngày. Trong những bức thư, không thấy anh linh cảm về cái chết của mình, có lẽ vì tất cả tình yêu thương của anh đã dồn về cho gia đình, bố mẹ, cho Hà Nội nơi anh sinh ra, cho đất nước mà từ khi vào bộ đội, được đi nhiều nơi, anh mới thấy những hình ảnh sông núi làng quê đẹp tới ngỡ ngàng. Tình yêu Tổ quốc trở nên sâu xa hơn từ đó. Trong rất nhiều bức thư gửi về nhà, cứ nhắc tới mẹ là những dòng chữ lại trở nên tha thiết. Tôi rất hay gặp câu này trong những bức thư của Hùng:  

“Hiện nay con rất béo khỏe (có lẽ cũng gần bằng anh Vượng) công tác rất tốt.  Nói chung là được anh em đồng đội trên cũng như dưới đều tình cảm cả nên mẹ cứ yên tâm đừng lo nghĩ gì về con nhiều quá mà ảnh hưởng sức khỏe mẹ ạ. Mà mẹ thì già yếu rồi, làm việc bình thường thôi đừng quá sức quá mẹ nhé và buổi tối mẹ đi ngủ sớm đừng muộn mà ảnh hưởng đến sức khỏe.” 

Người mẹ nào mà không cảm thấy hạnh phúc khi có được một đứa con yêu thương mẹ mình đến như vậy. Đi bộ đội, rèn quân để đi chiến trường thì vô cùng vất vả, làm sao mà “béo khỏe” cho được. Nhưng Hùng vẫn thường viết như vậy cho mẹ mình an lòng. Đó cũng là tâm lý chung của những người lính miền Bắc ngày ấy khi vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam: chỉ lo cho cha mẹ mình ở quê nhà. Và chỉ muốn sao cho cha mẹ mình được yên lòng, dù sự sống chết của mình là không thể biết được. Hùng đã từng viết một bức thư bỏ trong lọ penexilin rồi thả theo dòng suối khi ở chiến trường Tây Nguyên, với hy vọng mơ hồ là sẽ có người vớt được bức thư và chuyển nó về cho gia đình mình. Vậy mà bức thư ấy đã có người vớt được, và đã chuyển tới tận tay bố mẹ Hùng ở Hà Nội. Nhưng, đau xót thay, lúc bố mẹ anh nhận được bức thư trong cái lọ đựng thuốc ấy thì Hùng đã vĩnh viễn nằm lại ở mảnh đất Kon Tum trong một trận đánh. Đã từng có bao nhiêu người lính ở Tây Nguyên, ở Quảng Trị… gửi những bức thư theo dòng nước với hy vọng sẽ tới tay cha mẹ mình ở miền Bắc? Nhiều lắm. Và không phải tất cả những bức thư ấy đều bị dòng nước cuốn đi mất hút. Có những bức thư đã được vớt lên, và đã được trao về cho gia đình trong khi những người gửi thư đã không còn trên cõi đời này. Những bức thư ấy đã trở thành biểu tượng của nỗi đau chiến tranh không bao giờ nguôi được.

Gửi người mai sau 

Trong chiến tranh, đã có những liệt sĩ để lại những cuốn nhật ký như chị Đặng Thùy Trâm, anh Nguyễn Văn Thạc và nhiều người khác. Nhưng cũng có những liệt sĩ chỉ để lại những bức thư gửi về cho gia đình. Liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng là một trường hợp như vậy. Điều kỳ lạ là số lượng những bức thư mà liệt sĩ Hùng gửi lên tới con số 60, và đủ in thành một quyển sách. Nếu được in, thì đó là một quyển sách chỉ gồm toàn những bức thư. Tôi có cảm giác, khi viết những bức thư ấy, Phạm Ngọc Hùng không chỉ gửi về cho cha mẹ anh em mình, mà anh còn như muốn ký thác một nỗi niềm gì. Bây giờ, 50 năm sau khi anh Hùng hy sinh, đọc lại những bức thư của anh gửi cho gia đình, lại cảm thấy như những bức thư ấy muốn gửi tới cả những thế hệ thanh niên đang sống hôm nay. Và đây là những dòng thư đầy tình cảm mà Phạm Ngọc Hùng gửi về cho em gái:

“Kim Anh thương yêu của Anh!

Anh vừa đi công tác xa đơn vị hơn chục ngày nay rồi hôm nay về nhà nhận được 2 thư của Em: 1 lá tháng 2 - 1 lá tháng 4 và 1 thư của Em Hiệp gửi tháng 4. Anh mừng quá. Hôm nay anh được nghỉ vội viết thư cho em ngay. Mong sao ngọn gió lành của trời Nam đêm nay thổi về phương Bắc cho cô em gái của anh những dòng tình cảm thương nhớ này nhé. Em yêu quí của anh. Đọc thư em, anh cảm thấy rất vui. Kim Anh của anh không còn là một cô gái bé bỏng như ngày nào nữa. Em gái của anh đã lớn lên nhiều, trưởng thành - chững chạc và hồn nhiên. Vì chẳng gì anh em mình cách xa nhau đã gần 2 năm trời rồi và biết đâu thư này đến tay em thì em đã làm xong bài thi tốt nghiệp đã là người của Nhà nước rồi - Ôi! nhanh quá - Bao nhiêu sự đổi thay của 2 năm trời xa cách anh không hình dung nổi nữa - cả nhóc Hiệp nữa anh cũng thấy nó lớn lên nhiều bởi 2 chữ “Soạn văn” mà nó vừa làm trước khi viết thư cho anh. Thế là nhận được thư này của anh thì Hiệp đã là học sinh cấp III rồi còn Yến thì đã đường hoàng là sinh viên của một trường đại học nào đó rồi nhỉ - Anh cũng rất mừng vì tất cả anh chị em nhà ta đã trưởng thành, giúp đỡ Cậu Mợ được nhiều làm cho Cậu Mợ cũng bớt vất vả như trước kia anh ở nhà.”

Có một người con gái cùng học một lớp với Phạm Ngọc Hùng, sau này là một dược sĩ. Bao nhiêu năm sau khi Phạm Ngọc Hùng hy sinh, vào những ngày cuối cùng trên giường bệnh, người nữ dược sĩ ấy bỗng thổ lộ với người thân về mối tình đầu của mình. Một mối tình “học trò” mà chị ấp ủ qua mấy chục năm, qua cái chết của người con trai chị thương yêu. Và người chị yêu đó là Phạm Ngọc Hùng.

Đó là một tình yêu trong trẻo như những giọt sương mai mà ở miền Bắc ngày ấy có bao người đã trải qua, đã cảm nhận. Nó mang màu sắc Thanh giáo, giống như mối tình mà chị Đặng Thùy Trâm đã mang theo từ Hà Nội vào chiến trường Quảng Ngãi. Có thể các bạn thanh niên bây giờ yêu khác với thế hệ thanh niên hồi ấy, nhưng khi đọc lại những cuốn nhật ký, những bức thư của những người yêu nhau thời ấy gửi từ chiến trường về hậu phương hay từ hậu phương ra chiến trường, chúng ta có thể thấy được cái mãnh liệt được nén lại của tình yêu, sự thủy chung đầy chứa chất hiện lên qua mỗi giòng chữ. Đó là tình yêu thời chiến tranh. Mà ai cũng biết, chiến tranh dường như không có chỗ cho tình yêu. Vậy mà những người con trai con gái ngày ấy vẫn yêu nhau, vẫn chờ đợi nhau trong khắc khoải. Rất nhiều “một nửa” của những mối tình ấy đã không bao giờ còn trở về, còn có ngày sum họp. Nhưng vì sao, tình yêu cứ còn sống mãi trong lòng những người đã mất người yêu, mất mối tình gần như duy nhất của mình? Khi được nghe câu chuyện về mối tình sống trong lòng người phụ nữ dược sĩ suốt mấy chục năm, mà trước khi chết chị mới thổ lộ, sinh thời nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã đặc biệt xúc động. Ông đã sống qua thời chiến tranh ấy, và đã biết những mối tình như thế có sức sống ghê gớm như thế nào.

Với 60 bức thư gửi về gia đình, người thân không đọc thấy một dòng nào Phạm Ngọc Hùng viết về người con gái mình yêu. Câu chuyện ấy có thể chìm sâu sau khi Hùng hy sinh. Vậy mà hơn 40 năm sau, đột nhiên nó sống lại qua những lời trăn trối của một người phụ nữ. Khi tôi viết xong trường ca Metro vào năm 2009, tôi cũng gặp một trường hợp rất bất ngờ như vậy. Sau khi trường ca được in trên báo Văn nghệ, một buổi sáng tôi nhận được điện thoại từ một người lạ. Một giọng phụ nữ mà tôi đoán ngay là người Hà Nội. Chị ấy nói, có một nhân vật trong trường ca của tôi tên là T… một dược sĩ đã hy sinh sau khi vượt qua Trường Sơn vào chiến trường Nam Bộ, chị đọc và có cảm giác đó chính là người bạn trai, chính xác hơn là người yêu vốn học cùng lớp dược sĩ cao cấp với chị. Chị nói đúng đặc điểm của người ấy, và tôi công nhận ngay, người bạn dược sĩ cùng đi trên Trường Sơn với tôi, cùng trải qua những ngày sốt rét với tôi chính là người ấy. Rồi 38 năm sau khi người dược sĩ nhân hậu ấy hy sinh, có một người phụ nữ đã thổ lộ đó chính là mối tình đầu của mình. Tôi đã không cầm được nước mắt. Quả thật, ở nước ta thời chiến tranh không hiếm những trường hợp như thế. 

Và đó cũng là câu chuyện mà liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng không nói ra, nhưng anh muốn âm thầm gửi lại cho những người mai sau.

Chúng ta đã từng có một thế hệ thanh niên biết yêu thương, thủy chung, dâng hiến và hy sinh như thế.

None

Thanh Thảo

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Sáng 28/3, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội), PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc).