Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời phỏng vấn Thời báo Văn học Nghệ thuật

(VHNT) - Tờ báo của Liên hiệp phải làm tốt nhiệm vụ truyền tải thông tin, tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội qua góc nhìn văn hóa, nghệ thuật, phải tạo ra cách tiếp cận thông tin mới, sinh động hấp dẫn, hiệu quả cao hơn nữa. Đồng thời, góp phần đưa các giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi mặt của đời sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nuôi dưỡng nhân cách, tâm hồn con người Việt Nam.

PV: Xin Thủ tướng cho biết chiến lược mới của Chính phủ Việt Nam để khôi phục và phát triển nền kinh tế, đối phó với đại dịch Covid-19 trong tình hình mới như thế nào?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, và các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, chúng ta đã có một chiến dịch chống dịch quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, được toàn dân ủng hộ và quốc tế đánh giá cao.

Ngay sau khi đại dịch Covid-19 đã bước đầu được kiểm soát vào tháng 4/2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đã triển khai Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Chính phủ cũng đã xây dựng, đề xuất một số nhóm giải pháp cụ thể để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. Đồng thời, ngày 29/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2020 cho thấy các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cũng như kế hoạch phục hồi nền kinh tế có những tác động tích cực, giữ vững được ổn định vĩ mô, trật tự và an toàn xã hội.

Với sự xuất hiện trở lại ca lây nhiễm trong cộng đồng từ ngày 24/7 và diễn biến dịch bệnh phức tạp, phương châm chiến lược đặt ra là “thần tốc, dồn mọi nguồn lực xử lý triệt để ổ dịch”, tập trung và kiên trì thực hiện nhiệm vụ kép - vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong triển khai, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, tổng kết tình hình thực hiện các gói hỗ trợ đã ban hành (gồm gói tiền tệ - tín dụng với việc giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, đẩy mạnh tiếp cận tín dụng với tổng cam kết cho vay mới khoảng 600.000 tỷ đồng; gói tài khóa khoảng 180.000 tỷ đồng cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, giảm nhiều loại thuế và phí; và gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn), nắm bắt ngay các hạn chế, vướng mắc phát sinh để kịp thời tháo gỡ, tăng cường khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.

Trước mắt, Chính phủ sẽ tập trung sửa đổi các quy định để chính sách hỗ trợ an sinh xã hội rất nhân văn này đi vào cuộc sống, kéo dài thời gian giãn – hoãn nộp thuế và tiền thuê đất, bổ sung sắc thuế, phí được giảm và mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách. Trong đó có cả khả năng xem xét việc hỗ trợ cho người làm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Đồng thời, Chính phủ sẽ tính toán, cân đối các nguồn lực để đề xuất các chính sách hỗ trợ mới, đặc biệt đối với các doanh nghiệp và nhóm người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Chính phủ đang xem xét một cách tổng thể các giải pháp này trong quá trình rà soát, cập nhật kịch bản phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 cũng như xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm khả thi và ban hành, thực thi trong thời gian sớm nhất.

Ngay trong năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách của các cấp các ngành. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập 7 Đoàn công tác do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn đầu trực tiếp tới các địa phương, bộ, ngành kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời phỏng vấn Thời báo Văn học Nghệ thuật - 1

 

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ họp giao ban trực tuyến hàng tháng với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để đôn đốc, tháo gỡ và giám sát giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đảm bảo đạt mục tiêu, yêu cầu về cả lượng và chất. Mục tiêu đặt ra là giải ngân hết toàn bộ vốn 2020 và các năm trước chuyển sang (khoảng 630 ngàn tỷ đồng) để thúc đẩy tổng cầu, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động.

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, truyền thống văn hóa, đạo đức xã hội tốt đẹp đã được lan toả không ngừng với nhiều gương người tốt, việc tốt đã xuất hiện. Những giá trị cao quý này cần tiếp tục được phổ biến, nhân rộng. Đặc biệt, tấm lòng của người dân, sự tin tưởng, đồng lòng, chung sức của đồng bào, cán bộ, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài trong cuộc chiến với đại dịch chính là nguồn động lực, là sức mạnh to lớn để chúng ta thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra.

PV: Trên cương vị là Chủ tịch luân phiên của khối ASEAN và Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, xin Thủ tướng cho biết những chương trình hoạt động ưu tiên của Chính phủ Việt Nam về đối ngoại và triển khai hiệp định thương mại song phương mới được ký kết?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên cùng lúc đảm nhận 2 trọng trách khu vực và quốc tế có ý nghĩa quan trọng: Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Nhưng vai trò này không chỉ đánh dấu uy tín quốc tế cao của Việt Nam mà còn là cơ hội để chúng ta đóng góp chủ động, tích cực, trách nhiệm vào hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới. Chúng ta đã xác định rõ các mục tiêu ưu tiên, nhất quán thực hiện và đã làm được nhiều việc.

Một là, Việt Nam đã và đang chủ động và tích cực tham gia, đóng góp thực chất vào việc thảo luận, xây dựng các quyết định, nghị quyết, triển khai các hoạt động của Hội đồng Bảo an. Tháng 1/2020 chúng ta đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐBA LHQ, trong thời gian tới sẽ ưu tiên tham gia theo hướng: (i) Thúc đẩy đối thoại, giảm căng thẳng, đối đầu, tìm giải pháp công bằng, hợp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc cho các cuộc xung đột, điểm nóng có thể bùng phát thành xung đột ở các khu vực, trong đó có các vấn đề ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương;

(ii) Đề cao các nỗ lực, biện pháp ngăn ngừa xung đột, kiến tạo hòa bình, tăng cường cách tiếp cận đa phương và các thể chế đa phương, trong đó có vai trò của Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực; tuân thủ các nguyên tắc cơ bản và phổ quát của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, nhất là về bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ chính trị - xã hội, không can thiệp vào công việc nội bộ, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; bác bỏ hành vi cường quyền, áp đặt, gây căng thẳng và thù địch trong quan hệ quốc tế.

Hai là, các ưu tiên thúc đẩy triển khai năm Chủ tịch ASEAN 2020 theo phương châm xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, “gắn kết và chủ động thích ứng”.

Các hoạt động trọng tâm là: (i) Phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; (ii) Thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực thông qua thích ứng và tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0; (iii) Thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; (iv) Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hoà bình và phát triển bền vững; (v) Nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN; và (vi) Hợp tác, chia sẻ trong phòng chống và đẩy lùi Covid 19 với nhiều sáng kiến về chia sẻ thông tin y tế, nhập quỹ ứng phó, kho vật tư y tế,...

Ba là, Hiệp định EVFTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích, là “tuyến đường cao tốc” quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam.

Ngày 06/8/2020, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA, trong đó phân công nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương để triển khai hiệu quả nhất các cam kết, tập trung vào 5 nhóm công việc: (i) công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; (ii) công tác xây dựng pháp luật, thể chế; (iii) các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; (iv) chủ trương, chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; và (v) chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Theo đó, ưu tiên trước mắt là đẩy nhanh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực thi Hiệp định; xây dựng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành hàng; khuyến khích, đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để giải tỏa những nút thắt về nguồn nguyên liệu đầu vào; thiết kế những chương trình hỗ trợ thiết thực và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm đầu ra; đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến về hội nhập các FTA nói chung và EVFTA nói riêng theo hướng đa dạng hóa về hình thức tuyên truyền và chuyên môn hóa về nội dung, hướng tới từng hiệp hội ngành hàng, nhóm các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu.

PV: Ngày 4/6/2020 Bộ Chính trị đã ra Kết luận 76 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 (2014) về xây dựng văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Xin Thủ tướng cho biết chương trình cụ thể của Chính phủ tới đây để đưa nghị quyết vào đời sống, nhất là đời sống văn học nghệ thuật? Và Thủ tướng có đánh giá như thế nào về việc ra đời tờ báo của giới văn nghệ nước nhà trong bối cảnh hiện tại?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời phỏng vấn Thời báo Văn học Nghệ thuật - 2

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ kính yêu đã từng nói rất sâu sắc rằng: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Đảng ta đã kế thừa các giá trị văn hóa của cha ông và luôn coi văn hóa - nghệ thuật là bản sắc của sự phát triển bền vững, trường tồn.

Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 với mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng trong kết nối nguồn lực, gắn kết toàn dân hướng đến bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33 này. Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định phát triển kinh tế đồng thời phải chăm lo phát triển văn hóa, con người.

Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quản lý về hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Đầu tư nguồn lực thoả đáng cho sự nghiệp xây dựng văn hóa, giáo dục và con người trong thời kỳ mới. Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật có phẩm chất, năng lực và trình độ chuyên môn phù hợp.

Tiếp tục chú trọng đến phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc trong các giai đoạn phát triển đất nước là một yêu cầu thời đại của bất kỳ dân tộc nào. Hiện nay Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh hội nhập, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong Quý III năm 2020.

Liên Hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam là nơi tập hợp, đoàn kết các tổ chức thành viên, các Hội Văn học nghệ thuật trực thuộc để phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động nghề nghiệp, hoạt động xã hội nhằm xây dựng, phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chính vì vậy, tờ báo của Liên hiệp phải làm tốt nhiệm vụ truyền tải thông tin, tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội qua góc nhìn văn hóa, nghệ thuật, phải tạo ra cách tiếp cận thông tin mới, sinh động hấp dẫn, hiệu quả cao hơn nữa. Đồng thời, góp phần đưa các giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi mặt của đời sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nuôi dưỡng nhân cách, tâm hồn con người Việt Nam.

Dương Dương Hảo 

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Tết, dẫu ngày thường không hay rượu thì, chí ít mỗi người dù già trẻ, gái trai, đều có thể nâng một ly rượu thơm nồng mừng xuân, mừng năm mới. Người ta nói đến “văn hóa rượu”, vì rượu là một trong những phát minh quan trọng của loài người (nhiều ý kiến còn cho là sau việc phát minh ra lửa!?). Muốn cảm nhận được cái nhã thú của văn hóa rượu, thiết nghĩ có một cách, hãy tìm đ

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.