Tôi viết kịch bản "Kiều" như thế nào?

(Arttimes) - Vở kịch "Kiều" được Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn trong hai năm 2016 và 2017 được coi là vở diễn “bom tấn” của sân khấu và giành nhiều giải thưởng lớn của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Có thể nói, nhà văn Nguyễn Hiếu là người đầu tiên chuyển thể "Truyện Kiều", đưa hình ảnh Kiều lên sân khấu kịch nói Việt Nam.

Tháng 7 năm nay, kịch nói Kiều sẽ tiếp tục được đến với công chúng. Thời báo Văn học Nghệ thuật giới thiệu chia sẻ của Kịch tác gia Nguyễn Hiếu về kịch bản Kiều.

Tôi viết kịch bản "Kiều" như thế nào? - 1
Một cảnh trong vở kịch "Kiều"

Tôi nhớ khi xuân 2016 vừa mãn lối độ vài hôm, thì tôi nhận được cú điện thoại của NSND Anh Tú, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam mời tôi lên. Sau tuần trà giao đãi, Anh Tú đột ngột hỏi tôi:

- Theo anh thì vấn đề trung tâm, nổi bật nhất của truyện Kiều là gì?

Tôi buột miệng trả lời ngay:

- Theo anh là cái đẹp bị dập vùi.

Vị đạo diễn đang độ sung sức và sáng tạo, người vừa làm nên bản dựng Hăm - Lét được giới chuyên môn đánh giá cao, vỗ tay phấn khích:

- Thật tuyệt vời. Chuẩn quá. Em đã không nhầm khi chọn anh là tác giả để thực hiện nhiệm vụ Bộ Văn hóa vừa giao cho Nhà hát Kịch Việt Nam, đưa Kiều lên sân khấu kịch nói.

Nghe Anh Tú nói tôi hơi sững người. Danh tác Truyện Kiều đã từ hàng trăm năm nay được đủ các loại hình kịch hát dân tộc như tuồng, chèo, cải lương… chuyên thể dàn dựng. Vở cải lương Kiều lừng danh với cặp tài tử vợ chồng Tiêu Lang - Kim Xuân của Đoàn Chuông vàng thủ đô đã về làng tôi diễn từ những năm cuối thập niên 50 thế kỉ trước giờ đây vẫn in đọng trong tôi. Nay lại hiện ra trong kịch nói. Tôi thoáng băn khoăn. Truyện Kiều là một truyện thơ, chất trữ tình và tự sự rất khác biệt nếu không muốn nói là không phù hợp với kết cấu lấy mâu thuẫn làm trung tâm và phát triển chuyện kịch…

Sau ba ngày suy nghĩ, và trước sự tha thiết, nồng nhiệt và tin tưởng của Phó Giám đốc Anh Tú, tôi hạ quyết tâm, chấp nhận đơn đặt hàng của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Làm thế nào chỉ vẻn vẹn trong một vở diễn chưa đầy 2 giờ đồng hồ có thể chuyển tải được khối lượng chuyện mang tầm sử thi với hàng loạt nhân vật đa dạng, điển hình về tính cách của Nguyễn Du? Làm thế nào trong một thể loại kịch rất khác biệt với truyện thơ không đánh mất thần thái của danh tác Truyện Kiều đã định hình trong văn chương, trong lòng người Việt sau vài thế kỉ. Cuối cùng cùng những suy tư, sau ba lần hoàn chỉnh đề cương, hai lần viết kịch bản với hàng loạt thay đổi từ tên gọi kịch bản (từ Thân phận nàng Kiều, Khúc hát nàng Kiều, Kiều…) có sự góp ý của NSND Anh Tú, kịch bản kịch nói Kiều của tôi đã ra đời và được Hội đồng Nghệ thuật Nhà hát Kịch Việt Nam và đạo diễn - Phó Giám đốc Nhà hát chấp nhận dàn dựng.

Để có thể biến truyện thơ Truyện Kiều thành kịch bản kịch nói, tôi đã thử nghiệm nhiều thủ pháp và cách thể hiện. Cuối cùng tôi chọn cách kể theo phong cách cổ điển mà đã từ lâu sân khấu kịch nói của ta không sử dụng. Đó là dùng dàn đồng ca trong bi kịch cổ Hi Lạp - hao hao tiếng đế trong chèo. Dàn đồng ca này khi là toán người đi du xuân trong tiết thanh minh, khi là đám kĩ nữ trong lầu xanh của Tú Bà, khi là binh sĩ của Từ Hải, Hồ Tôn Hiến, khi là đám sai nha… Nhờ dàn đồng ca này, Truyện Kiều vẫn được tôn trọng nhưng tiết tấu nhanh hơn, phù hợp với xung đột kịch. Nhạc sĩ Giáng Son tỏ ra đồng cảm với tác giả kịch bản nên đã soạn ra những bản ca thực phù hợp cho dành đồng ca này trong từng hoàn cảnh. Đạo diễn Anh Tú đã làm nổi bật thông điệp của danh tác Truyện Kiều “cái đẹp bị vùi dập” khi ông lấy hình đoá sen trắng làm phông chủ đạo của vở diễn. Thoại của nhân vật trong vở này khi là thơ nguyên bản Kiều, khi là cốt lỗ của thơ Kiều và cả những lời thoại được viết theo phong cách của Nguyễn Du…

Tôi viết kịch bản "Kiều" như thế nào? - 2
Vợ chồng "Thằng bán tơ" trong vở diễn "Thân phận nàng Kiều"

Nhưng với tất cả những thủ pháp đó sẽ chỉ làm cho vở Kiều kịch nói là sự minh họa thuần túy danh tác của Nguyễn Du, nếu kịch bản không mô tả, phát hiện ra MÂU THUẪN KỊCH trong Kiều. Và việc tôi tìm ra nhân vật tạo nên mâu thuẫn vở đó là thằng bán tơ, chính là điều tôi tâm đắc nhất khi viết kịch bản Kiều.

Đoạn Trường tân thanh của Thanh Tâm Tài Nhân cho đến nay chỉ được coi là thứ tiểu thuyết ngôn tình dường như không ai nhớ. Đôi khi nó được nhắc lại chỉ vì tiểu thuyết này là nguồn gốc, xuất xứ để thiên tài Nguyễn Du viết nên Truyện Kiều bất hủ. Đây là trường hợp hiếm hoi của văn học thế giới mà bản biến tấu trở thành một danh tác trong khi bản gốc chỉ là một ấn phẩm loàng xoàng.

Truyện Kiều của Nguyễn Du mặc dù là một tiểu thuyết thơ (thường kị và không hợp với những chi tiết hiện thực trần trụi trong thực tiễn cuộc sống mà văn xuôi là thế mạnh). Song, với khả năng thiên tài của mình, thông qua Truyện Kiều, Nguyễn Du đã tạo ra một bức tranh về những thân phận và tính cách con người đến độ không ít nhân vật đã trở thành điển hình trong cuộc sống thường nhật. Câu cửa miệng từ hàng trăm năm nay người Việt ta thường nói "đa đoan, khốn khổ như nàng Kiều", "đa tình như Kim Trọng", “chết đứng như Từ Hải”... Và nhất là những nhân vật phản diện thì ta gặp hàng ngày những so sánh "ghen như Hoạn Thư", "tráo trở như Sở Khanh", "sợ vợ như Thúc Sinh",…

Trong hệ thống nhân vật kì tài của Nguyễn Du thì nhân vật thằng bán tơ mặc dù có vai trò khởi đầu cực kì quan trọng, nói theo ngôn từ sân khấu thì đó là một nhân vật trung tâm tạo ra mâu thuẫn kịch nhưng Nguyễn Du lại xây dựng nhân vật này đúng nghĩa là một nhân vật trong thơ. Thậm chí, đến cái tên cũng không có mà chỉ như một phiếm chỉ về một kiểu, một loại người lúc nào cũng có thể xuất hiện trong cuộc sống.

Trong Truyện Kiều, thằng bán tơ chỉ được nói đến gần như thoảng qua trong đúng nửa câu thơ “Phải chăng xưng xuất là thằng bán tơ”, sau đó mất hút ngoài sự nhắc lại của Kiều khi kể lại sự trầm luân của mình cho Từ Hải nghe. Người đọc không hề biết thân thế, cha mẹ, quê hương bản quán của gã. Tóm lại thằng bán tơ chỉ như một kí hiệu nhỏ nhoi, mờ mịt về một con người giữa hàng trăm nhân vật của truyện Kiều. 

Trong các biến tác của các loại hình nghệ thuật dựa theo danh tác Truyện Kiều điển hình như vở cải lương lừng danh của Đoàn Chuông vàng Thủ đô tôi đã nhắc đều trung thành với Nguyễn Du về sự sơ sài của nhân vật thằng bán tơ.

Không chỉ lờ mờ trong chính tác phẩm Truyện Kiều mà dư luận cũng ít đả động đến nhân vật thằng bán tơ, họa chăng nó chỉ được nhắc sơ qua trong bài thơ Kiều bán mình của Tam Nguyên Yên Đổ, nhân chuyện mượn nhân vật này để nói về sự tham nhũng của quan lại thời Nguyễn Khuyến.

Chỉ đến Kiều đầu tiên lên sân khấu kịch nói của Nhà hát Kịch Việt Nam (2016), và dựa trên kịch bản kịch nói Kiều của tôi, vở diễn Thân phận nàng Kiều của Nhà hát Múa rối Việt Nam (2019), thằng bán tơ mới được mô tả, tô đậm thành một nhân vật, một số phận, một thế lực tương đối rõ ràng.

Nhưng ở hai bản diễn của hai Nhà hát, nhân vật này cũng có những khác biệt. Trước hết ở vở diễn Kiều của Nhà hát Kịch Việt Nam thì chẳng những xuất hiện thằng bán tơ (NSƯT Phú Đôn đóng) mà còn cả vợ thằng bán tơ (NSND Lan Hương thủ vai). Thằng bán tơ của vở diễn này có số phận rõ ràng. Hắn vốn là thằng đánh xe ngựa, sau một vụ tai nạn gẫy chân, vì buồn rầu, vì cảm thấy thua thiệt với thiên hạ nên thấy bất kì ai hơn hắn về sự bình yên, hạnh phúc dù chẳng liên quan đến mình, hắn cũng nổi cơn ghen ghét, tỵ hiềm từ đó tìm mưu sâu, kế hiểm để hại người, bất chấp cả sự khuyên can, nài nỉ, cầu xin của người vợ trung hậu. Mặc dù có một thân phận như vậy, Thằng bán tơ trong Kiều kịch nói chỉ xuất hiện ở đầu vở với tư cách là một nhân vật tạo ra nguyên nhân nỗi bất hạnh của nhà Vương ông, khởi nguồn cho sự chìm nổi khốn khổ của Thúy Kiều, một thành phần cơ bản cho mâu thuẫn vở diễn. Còn thằng bán tơ của Nhà hát Múa rối thì xuất hiện như một nguyên nhân những biến cố và cao hơn như một mặc định của lòng tỵ hiềm, ghen ghét, ghen ăn ghét ở của kẻ bụng dạ hẹp hòi không muốn ai hơn mình và luôn khó chịu trước thành công của người khác. Vì là nhân vật mặc định như vậy nên thằng bán tơ của Nhà hát Múa rối tuy không có lý lịch như ở sân khấu kịch nói mà nó xuất hiện không chỉ trong một tình huống mà còn ở nhiều trạng huống gần như xuyên suốt vở diễn. Tuy vậy cũng có một nét chung của nhân vật thằng bán tơ ở hai vở diễn của hai nhà hát kịch vì nó đều thoát thai từ ý đồ của tác giả khi mặc định nhân vật này. Bằng sự lột tả và nhấn nhá tài hoa như vậy, nhân vật thằng bán tơ của Nhà hát rối Việt Nam tôi tin sẽ bước ra ngoài đời và sớm muộn sẽ trở thành khẩu ngữ "ghen ghét, tỵ hiềm, bụng dạ hẹp hòi như thằng bán tơ". Phải chăng đây chính là một trong những thông điệp mà vở diễn muốn gửi tới, báo động cho người xem cần cảnh giác về thằng bán tơ - một loại người đáng sợ gây nhũng nhiễu và làm vẩn đục cuộc sống yên lành của chúng ta trong xã  hội hiện nay.

Lời cuối xin được thưa, Nhà hát Cải lương Việt Nam đang dàn dựng kịch bản Nguyễn cầm ca từ kịch bản của tôi cảm hứng từ danh tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, xin được nói về Nguyễn cầm ca khi vở diễn này được công diễn.

Nguyễn Hiếu

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Sau 8 năm kể từ ngày công diễn vở opera Lá đỏ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trở lại ấn tượng với opera Vầng trăng Him Lam, tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 – 2025.