Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ Joe Biden - gừng càng già càng cay

(Arttimes) - Nói đến tấm lòng thủy chung: “Gừng cay muối mặn, xin đừng quên nhau”. Nói đến bền bỉ, dẻo dai, tích tụ trí lực của người từng trải, già dặn, trường đời, các cụ dạy: “GỪNG CÀNG GIÀ, CÀNG CAY”. Tổng thống Joe Biden là trường hợp như vậy.

Ông Joe Biden sinh năm 1942 (năm Nhâm Ngọ, tuổi con ngựa), tên đầy đủ Joseph Robinette Biden Jr., trúng cử Tổng thống ở tuổi gần 80, sẽ nhậm chức ngày 20/1/2021 ở tuổi 79, bằng tuổi cụ Hồ. Vị Tổng thống già nhất nước Mỹ trong lịch sử 245 năm lập quốc (1776-2021). Ông có một chân dung chính trị đồ sộ: 6 lần là Thượng nghị sỹ trong 36 năm, 8 năm là Phó Tổng thống cho Tổng thống Obama. Ông là nhà chính trị dày dạn kinh nghiệm của Đảng Dân chủ, của nước Mỹ và Thế giới. Những biến cố, thăng trầm của nước Mỹ và thế giới từ Chiến tranh lạnh, cuộc chiến Việt Nam, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, những cuộc xung đột trên toàn cầu, rồi kỷ nguyên số, chiến tranh thương mại Mỹ Trung... đều có dấu ấn của ông. Và bây giờ khi Đại dịch COVID-19 đang tàn phá thế giới, trong đó Tổ quốc ông đang lâm vào đại thảm họa, ông lại dấn thân gánh vác sứ mệnh đặc biệt này: Tổng thống Mỹ. 

Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ Joe Biden - gừng càng già càng cay - 1 Joe Biden và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng 

Trong cuộc đời hoạt động chính trị chuyên nghiệp, ông đã từng hai lần tham gia ứng cử vào vị trí Tổng thống. Ở thời điểm thách đố của lịch sử này, người dân Mỹ đã lựa chọn ông. Họ tin chắc rằng với tài trí, kinh nghiệm, trải nghiệm, bản lĩnh được tôi luyện trong môi trường chính trị khốc liệt đầy biến động, Biden sẽ mang lại cho người dân Mỹ, nước Mỹ an ninh và thịnh vượng. An ninh và thịnh vượng là lợi ích tối thượng và cốt lõi của Mỹ. Vì vậy ông đã đưa ra bốn nhiệm vụ cấp bách: Chống đại dịch COVID-19, khôi phục tăng trưởng kinh tế, khắc phục bất bình đẳng sắc tộc và chống biến đổi khí hậu. Mặt khác, ông còn phải tiếp nhận di sản về đối nội và đối ngoại mà Tổng thống Trump để lại. 

Với chủ nghĩa Dân túy có phần hơi táo bạo và cực đoan, Tổng thống Trump khi nhậm chức đã có những chính sách xa rời các định chế quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới, Hiệp ước Khí hậu Toàn cầu, Tổ chức Thương mại Toàn cầu, xét lại các cam kết với NATO, phát động cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, rút khỏi TPP, v.v. 

Toàn cầu hóa là nền văn minh trí tuệ của nhân loại, sau văn minh nông nghiệp - làng xã, văn minh công nghiệp đô thị. Nó gắn với các cuộc cách mạng công nghiệp từ 1.0 tới 4.0, đã mang lại cho thế giới, trong đó có Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Nhưng quá trình toàn cầu hóa cũng đã làm cho một bộ phận người Mỹ bình dân, người da đen, da màu, người Mỹ La-tinh nhập cư, một bộ phận của tầng lớp trung lưu mất việc làm. Toàn cầu hóa còn kéo luồng đầu tư trong nước Mỹ chảy ra nước ngoài. Và những định chế quốc tế mà Mỹ tham gia đã quá cũ, gây cho Mỹ những thiệt thòi. Tổng thống Trump đã đòi xem xét lại tất cả, khiến nước Mỹ có thêm được 4 triệu rưỡi việc làm, GDP cao nhất từ trước đến nay, v.v... Nhưng nước Mỹ bị cô lập, mất bạn bè, đồng minh, mất thị trường. 

Trong lúc nhân loại bị đại dịch tàn phá, nước Mỹ bước vào bầu cử Tổng thống. Lẽ ra ông ưu tiên chống dịch, hy sinh lợi ích kinh tế và cùng cộng đồng thế giới thực hiện mục tiêu kép như Việt Nam. Ông sẽ thành tổng thống thứ 46. Ông sẽ tái cân bằng lợi ích và địa vị nước Mỹ như mục tiêu là làm cho nước Mỹ mạnh hơn bao giờ hết. Vai trò của xới sáo tất cả, đảo lộn tất cả đã xong. Ông xuất hiện trong nền chính trị Mỹ không phải là ngẫu nhiên, mà là tất yếu. Là một mắt xích trong lộ trình toàn cầu hóa của Mỹ. 

Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ Joe Biden - gừng càng già càng cay - 2  

Để giải quyết di sản của Trump, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 toàn cầu là một công việc vô cùng to lớn, nặng nề và phức tạp, đây là cuộc chiến đấu cam go mà người dân Mỹ đã trao cho Joe Biden - vị Tổng thống dày dạn trận mạc, đầy bản lĩnh, thần kinh thép. Vì trong đời sống gia đình, Biden đã trải qua 2 bi kịch khủng khiếp. Năm 29 tuổi, sau 8 tuần làm Thượng nghị sỹ, thì vợ và con gái thiệt mạng, cả hai con trai đều bị thương trong một tai nạn xe hơi ngay trước Giáng sinh. Năm 2016, khi chuẩn bị ra tranh cử Tổng thống, thì con trai bị ung thư và ra đi, khiến Biden rút lui không ra tranh cử. Nhưng năm 2020, khi đại dịch gieo rắc tai họa lên toàn cầu, tác hại còn khủng khiếp hơn cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933 và cuộc Đại chiến 2, Đảng Dân chủ cử ông ra tranh cử. Không những ở tuổi nhân sinh thất thập cổ lai hi (70) mà còn gần 80, Biden đã dũng cảm gánh vác bằng trí tuệ, kinh nghiệm, sự dày dặn và bản lĩnh vững vàng. Nhìn lại lịch sử cận đại của Mỹ, những năm đại khủng hoảng năm 1933, Roosevelt, ứng cử viên đảng Dân chủ đã đánh bại đương kim Tổng thống của Đảng Cộng hòa Herbert Hoover và trong 4 nhiệm kỳ liên tiếp (1933 - 1945), dù sau bị bại liệt, phải ngồi xe lăn, Roosevelt đã lãnh đạo nước Mỹ thoát khỏi cuộc Đại khủng hoảng, cùng khối Đồng minh và các dân tộc đánh bại chủ nghĩa phát xít, trong đó có ủng hộ và hỗ trợ Việt Minh trong cuộc giành độc lập (1944-1945). 

Trong lịch sử chính trị của Hoa Kỳ liệu có phải ngẫu nhiên, sự chọn lựa của người dân Mỹ hay định mệnh, mà vào những lúc khó khăn, nguy nan nhất, Đảng Dân chủ lại có những vị tổng thống vĩ đại và tài ba ra gánh vác. 

Sau cuộc đại suy thoái, Mỹ tập trung chấn hưng kinh tế, không tham gia chống chủ nghĩa phát xít đang xâm lược khắp châu Âu, châu Á. Nhưng ở châu Âu, phát xít Đức bội ước tấn công Liên Xô. Tại mặt trận Thái Bình Dương, Nhật tấn công Trân Châu Cảng. Nước Mỹ không thể khoanh tay nhìn ngoài cuộc Đại chiến Thế giới. Tổng thống Roosevelt trong diễn văn nhậm chức thời đại chiến thế giới thứ hai đã nói: “Chúng ta không thể sống đơn độc trong hoà bình như con chó già nằm gặm xương. Cuộc chiến này đã dạy người Mỹ rằng an toàn và thịnh vượng của chúng ta phụ thuộc vào an toàn và thịnh vượng ở những miền xa xôi nhất trên Trái Đất.” Và nước Mỹ đã cùng đồng minh tham chiến chống phát xít vì lợi ích của chính mình và giúp đỡ các dân tộc thoát khỏi hiểm họa phát xít, giành độc lập. 

Ở Việt Nam, sau khi Hồ Chí Minh được Tưởng Giới Thạch trả tự do (tháng 8/1944), Người trở về Cao Bằng. Và nhân có viên phi công Mỹ William Shaw nhảy dù xuống Nước Hai, Cao Bằng, khi đang ném bom, bị Nhật bắn rơi và được Việt Minh cứu thoát. Khi gặp Bác, Bác đã hỏi thăm: Tên chú là gì? Quê ở bang nào? Đã có vợ chưa? Có muốn về Mỹ không?... Sao cảm động vô cùng! Và với thiên tài ngoại giao, Bác đã cùng với đồng chí Phùng Thế Tài, Đinh Đại Toàn đưa Shaw về Trung Quốc - nơi Sư đoàn Cọp Bay đóng quân. Người đã biến sứ mạng nhân đạo cứu vớt viên phi công bị nạn thành sứ mệnh ngoại giao: đặt quan hệ với Đồng Minh: Việt Minh - Hoa Kỳ. Người thường nói: “Thiếu một sức mạnh nhất trí trong cả nước, thiếu sự ủng hộ mạnh mẽ từ bên ngoài, thì công cuộc giải phóng khó mà thành công.” Sau khi giao trả viên phi công cho Mỹ, Bác đã tới Côn Minh gặp Tướng Chennault (Sê-nôn), Tư lệnh Sư đoàn Cọp Bay, Cơ quan Tình báo Chiến lược Mỹ (OSS). Việt Minh và Hoa Kỳ chính thức bên nhau chống phát xít Nhật. Mỹ đã cử 2 nhân viên điện đài cùng trang thiết bị theo Bác về thẳng Tân Trào (tháng 4/1945). 

 Vào tháng 7/ 1945, Mỹ cử toán Đặc nhiệm mật danh Con Nai nhảy dù xuống Tân Trào, cùng Việt Minh xây dựng sân bay Lũng Cò (hiện nay được gắn biển là Sân bay Quốc tế đầu tiên của Việt Nam, là nơi các máy bay L5 chở súng ống đạn dược, thuốc men cung cấp cho Giải phóng quân Việt Nam, chở các phi công được ta cứu về căn cứ Trung Quốc. Trong các chiến dịch giải cứu, Việt Minh đã cứu được 17 phi công Mỹ, toán Con Nai cùng với cụ Đàm Quang Trung lập đại đội Việt - Mỹ. Đại đội này được trang bị nhiều vũ khí mới của Mỹ, được các sĩ quan Mỹ chỉ bảo tận tình. Đặc biệt, tình báo Mỹ qua điện đài đã cung cấp cho Bác thông tin Mỹ đã ném bom nguyên tử và Nhật đầu hàng phe Đồng Minh, để Bác ngay lập tức cùng Trung ương phát lệnh Tổng khởi nghĩa, giành Độc lập vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 (nếu muốn tìm hiểu kỹ hơn hơn, bạn đọc có thể tìm kiếm phim tài liệu “Cuộc gặp gỡ lịch sử Việt Nam - Hoa Kỳ” đã được phát sóng trên kênh VTV1).

Với sự giúp đỡ vô cùng đặc biệt của Tổng thống Roosevelt, Tổng thống Truman đã cử những người lính anh hùng của toán Con Nai tới hỗ trợ Việt Nam giành độc lập từ tay phát xít Nhật, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Sau khi giành độc lập, dân ta chưa tự do xây dựng hạnh phúc được bao nhiêu! Ngày 2/9/1945 ở Sài Gòn, tiếng súng gây hấn của thực dân Pháp đã nổ thẳng vào đoàn biểu tình của chúng ta. Ngày 23/9, Nam Bộ kháng chiến. Với dã tâm muốn chiếm nước ta một lần nữa. Thực dân Pháp đã đưa vấn đề châu Âu ra mặc cả với các nước thắng trận, hòng tự do lập lại chế độ thực dân ở Đông Dương, cùng với sự ấu trĩ tả khuynh của một bộ phận lãnh đạo Nam Bộ đã để chiến tranh nổ ra, phá vỡ chiến lược gìn giữ nền hòa bình mong manh của Hồ Chí Minh. Rồi sau đó cuộc đối đầu Đông - Tây trong chiến tranh lạnh, đẩy Việt Nam trở thành một điểm nóng của xung đột Đông - Tây. 50 năm chiến tranh và bao vây cấm vận vô cùng cam go, khốc liệt, nhưng toàn dân Việt Nam kiên quyết theo con đường của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hy sinh, ủng hộ cách mạng không giới hạn để giành độc lập, tự do, để xây dựng hạnh phúc cho chính mình. 

Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ Joe Biden - gừng càng già càng cay - 3  

Ngày 11/7/1995 bằng sự dũng cảm, nỗ lực, vượt qua khó khăn của sự đối đầu, vì lợi ích của Mỹ và Việt Nam, Tổng thống Bill Clinton đã tuyên bố bình thường hoá quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam, mối quan hệ song phương bước sang trang sử mới: “Bước đi này cũng sẽ giúp đất nước chúng ta tiến lên phía trước về một vấn đề chia rẽ người Mỹ với nhau quá lâu rồi. Chúng ta hãy hướng về tương lai. Chúng ta có quá nhiều việc phải làm ở phía trước. Đây là lúc tạo cho chúng ta cơ hội để hàn gắn các vết thương. Những vết thương này đã không chịu lành quá lâu rồi. Giờ đây chúng ta có thể tiến tới một cơ sở chung. Bất kể những gì đã chia rẽ chúng ta trước đây, chúng ta hãy xếp vào quá khứ. Hãy để cho giây phút này, theo từ của Kinh thánh, là một thời điểm để hàn gắn và thời điểm để kiến tạo”. Năm 2000, tại buổi chiêu đãi khi sang thăm Việt Nam, Tổng thống Bill Clinton bất ngờ lẩy Kiều: 

Sen tàn Cúc lại nở hoa

Sầu dài, ngày ngắn, Đông đà sang Xuân. 

Quá khứ băng giá đang tan dần, một tương lai ấm áp đang tới với Việt Nam và Hoa Kỳ. Tiếp đó trong các chuyến thăm Việt Nam liên tiếp của Tổng thống Bush, Tổng thống Obama, Tổng thống Trump (Tổng thống Trump tới thăm Việt Nam hai lần, ngay trong nhiệm kỳ đầu của ông), đáp lại các nguyên thủ của Việt Nam đã thăm Mỹ. Các chuyến thăm này đã đưa quan hệ Việt - Mỹ từ cuộc gặp gỡ lịch sử 1945, rồi 5 năm (1945-1950) khoảng trống, 45 năm (19501995) máu lửa và băng giá và cuối cùng là 25 năm “Hàn gắn và Kiến tạo”, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ chưa bao giờ mạnh mẽ như ngày hôm nay. Đặc biệt với chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ năm 2015, rất thú vị trong buổi chiêu đãi, Phó Tổng Thống Joe Biden kết thúc bài diễn văn bằng câu Kiều: 

Trời còn để đến hôm nay Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời 

Trời đã rạng, Việt Nam - Hoa Kỳ đã trở thành đối tác toàn diện (quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ không có giới hạn nào!) - điều cụ Hồ đã tiên liệu từ ngày Độc lập (chúng tôi muốn độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ) - Thư của Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Truman, 16/2/1946. 

Năm 2016, khi đến thăm Hà Nội, Tổng thống Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận Thương mại của Hoa Kỳ đối với Việt Nam và Tổng thống Obama đã lảy một câu Kiều thật ý nghĩa: 

Rằng trăm năm cũng từ đây Của tin gọi một chút này làm ghi 

Năm nay 2020, Joe Biden sắp bước sang tuổi 79 (ở tuổi này Bác yêu quí của chúng ta đã ra đi) giữa đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, người lính già trận mạc dạn dày Joe Biden lại đứng ra gánh vác trọng trách với nước Mỹ và thế giới, cùng với toàn nhân loại xây dựng để trái đất an toàn, thịnh vượng và hạnh phúc bền lâu. 

Nhân dân Việt Nam mong Tổng thống khỏe, dẻo đai, minh mẫn, bản lĩnh để gánh vác bổn phận và trách nhiệm là Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, mong chờ chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam và được nghe ông lẩy một câu Kiều thật đắt cùng bác Trọng như cách đây 5 năm tại thủ đô Washington. Truyện Kiều, Nguyễn Du đã là sứ giả của hoà bình, đã kết nối hai đất nước, hai dân tộc chúng ta cho HÒA BÌNH, THỊNH VƯỢNG và BỀN LÂU. 

HẠ CHÍ NHÂN - NGUYỄN XUÂN THU  

None

Tin liên quan

Tin mới nhất