Trần Tử Văn: Một người viết “rất Sài Gòn”

(Arttimes) - Cầm trên tay hai tập thơ Trôi vào ký ức và Canh bạc đá vàng của tác giả Trần Tử Văn mới được anh gửi tặng vào cữ giêng hai này, thú thực tôi rất xúc động…Dù là trải nghiệm trên một loại hình mới với anh là thơ (thơ thế sự) nhưng anh vẫn là anh, một Trần Tử Văn xông xáo, nặng nỗi niềm với đời, tài hoa văn chương.

Trần Tử Văn: Một người viết “rất Sài Gòn” - 1
Nhà văn Trần Tử Văn

Trần Tử Văn đã từng có trên 30 tác phẩm văn học, 9 bộ phim truyện cùng 10 giải thưởng quốc gia về báo chí, văn học, điện ảnh…Anh được giới văn chương ghi nhận là “Một bút pháp rất riêng, không ai có được, không ai bắt chước được” (nhà văn Đào Hiếu), hay “Một bút pháp hiện đại, nhiều vốn sống” như ghi nhận của nhà văn Trần Văn Tuấn – nguyên Phó tổng biên tập báo Sài Gòn giải phóng, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi có cái duyên được cùng là “láng giềng” của anh ở chung cư Lý Thường Kiệt, quận 11, TP Hồ Chí Minh thuở nào. Chứng kiến anh từ một cảnh sát khu vực hiền khô ít nói, có quê gốc Bến Tre trở thành một phóng viên Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

Thuở đó, nhà báo Huỳnh Bá Thành coi Trần Tử Văn như em út ruột thịt và quyết vun đắp cho anh trở thành một cây bút xung kích, một cây bút “đa di năng” của báo, để rồi từ báo chí, gần như báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh ngày ấy số nào cũng có phóng sự, bút ký hay tin bài của anh, Trần Tử Văn đến với văn học, đến với điện ảnh, và 40 năm sau như hôm nay gặt hái một mùa văn học nghệ thuật bội thu…

Tôi cũng lại có cái duyên được đọc những trang bản thảo văn học đầu tiên của anh, viết bằng bút bi và chữ rất bay bướm, với văn chương vẫn giữ tốc độ, tiết tấu nhanh của báo chí, nhưng câu từ đã trau chuốt, đã nền nã, đã hình tượng không chỉ là những hàm lượng thông tin.

Nếu những phóng sự ngày ấy của Trần Tử Văn luôn hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc từ cái thuở báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng phát hành lớn, thì những truyện ngắn, tiểu thuyết của anh lại mang đến nhiều rung động, những day dứt về số phận con người, dù đó là người tử tù hay những chiến sĩ an ninh, dù đó là bà con lao động thuần phác quanh ta hay những người hoàn lương mới trở về cuộc đời…Và bởi thế, những tác phẩm của anh được các hãng phim, các đoàn kịch đưa lên sân khấu, như phim Đoạn cuối ở Bangkok ngày ấy suất chiếu nào cũng kín rạp, hay đoàn kịch nói từ đất Cảng Hải Phòng xa xôi đã mang tiểu thuyết Linh hồn phán quyết của Trần Tử Văn lên sân khấu. Đoàn trưởng - NSND Ngọc Thủy mong muốn với vở diễn mới này, kịch Hải Phòng sẽ trở lại thời hoàng kim của mình, và rồi mong muốn ấy đã phần nào trở thành hiện thực khi Linh hồn phán quyết thuộc loại vở diễn ăn khách nhất ngày ấy…

Và đó chính là văn chương của Trần Tử Văn, một cây viết rất khỏe, luôn sung sức, gần như mỗi năm có một đầu sách mới (38 năm với hơn 30 tác phẩm). Bên cạnh đó còn là công việc của một nhà báo - nhiều năm anh là phó Tổng biên tập của Báo Công an nhân dân và Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Đúng như nhà văn Trần Văn Tuấn, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh: “Đọc văn của Trần Tử Văn, người ta thấy được cái duyên của sự hào sảng, cương trực thẳng thắn, đôn hậu và giản dị”.

Tôi rất thích lối kể chuyện “ngay hàng thẳng lối”, “từ trong ra ngoài” dễ hiểu, dễ nhớ với những câu văn ngắn, tốc độ nhanh. Giới điện ảnh quan tâm chú ý tới tác phẩm của Trần Tử Văn không chỉ vì đề tài công an có sức hấp dẫn cao, mà chính từ văn phong, tình tiết trong truyện của anh. Ai cũng phải công nhận văn phong Trần Tử Văn giàu chất điện ảnh. Tính cách nhân vật thể hiện qua hành động nhiều hơn là nội tâm.

Trong tiểu thuyết hay truyện ngắn, người ta rất kị thứ văn chương dài dòng, rườm rà “nhiều chữ ít ý”, “nhiều từ ít nghĩa”. Đọc văn của Trần Tử Văn, người ta bị lôi cuốn từ dòng đầu tiên cho tới kết thúc. Không thấy sự dư thừa của câu chữ. Dường như Trần Tử Văn không có ham muốn tác phẩm bề thế, hoành tráng về hình thức. Anh chú trọng tới dung lượng vừa và đủ “nói ít hiểu nhiều”. Cách viết ấy tưởng đơn giản nhưng không dễ thể hiện. Một bút pháp hiện đại, nhiều vốn sống. Nếu có gì cần nói thêm, thì nếu văn chương cần đủ 8 chữ làm bạn đọc “trái tim rung động, trí tuệ ngạc nhiên” thì ngay từ thuở ban đầu, những tác phẩm của Trần Tử Văn đã sẵn mang điều này. Bởi trong văn của Trần Tử Văn nhất quán từ buổi đầu đến nay, đều mang một chữ nhân luôn tỏa sáng.

Và chữ nhân ấy giờ đây lại được anh diễn đạt trong những vần thơ của mình qua hai tập Canh bạc đá vàngTrôi vào ký ức (cùng của NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh xuất bản gần đây). Cả hai tập thơ này Trần Tử Văn đều gọi là thơ thế sự, mang những nỗi niềm suy tư của anh với cuộc đời, với xã hội và đất nước hôm nay. Nhà thơ Lê Minh Quốc - Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh thốt lên: “Tôi đã ngạc nhiên như nhiều đồng nghiệp khác khi hay tin Trần Tử Văn có làm thơ. Lạ chưa? Lạ quá đi chứ. Ai cũng biết rằng thơ là một thứ trời cho, phải có năng khiếu thiên phú chứ không phải cứ mải mê đọc thiên kinh vạn quyển về nghệ thuật làm thơ là có thể phiêu bồng, dan díu cùng nàng thơ.

Trần Tử Văn: Một người viết “rất Sài Gòn” - 2
Tập thơ Canh bạc đá vàng
Trần Tử Văn: Một người viết “rất Sài Gòn” - 3
Tập thơ Trôi vào ký ức

Tôi đọc kỹ và nhận ra rằng, Trần tử Văn đã tinh tế khi “bắt mạch” đúng nội tâm của chính anh, đó là sự đau đáu trăn trở, suy tư đầy trách nhiệm của người cầm bút trước thế sự, hiện thực của cuộc sống. Nói như thế, vì nếu đã đọc văn xuôi của anh, ta nhận ra đó là thế mạnh của cây bút xây dựng tác phẩm bằng chất liệu rất đời, đôi lúc khốc liệt, chứ không phải nơi làm xiếc chữ nghĩa, viển vông trên mây trên gió…" Tôi rất cũng rất thích ghi nhận của nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh về Trần Tử Văn, là “rất Sài Gòn”.

Vâng, đúng như vậy, con người Trần Tử Văn cởi mở, hào hiệp “rất Sài Gòn”, và văn chương anh cũng vậy, Sài Gòn một cây, đầy hấp dẫn, đầy lôi cuốn và luôn truyền nhiều cảm hứng cho bạn đọc. Trong văn xuôi và cả trong thơ ca!

Trương Nguyên Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống