Tranh bìa 'Việt Nam danh tác' được thiết kế như thế nào?

Bằng cách xử lý lại tranh cũ, đội ngũ thiết kế bìa bộ sách "Việt Nam danh tác" đã thổi một làn gió mới, hiện đại cho các tác phẩm kinh điển một thời.

Tranh bìa 'Việt Nam danh tác' được thiết kế như thế nào? - 1

Việt Nam danh tác là bộ sách tuyển chọn các tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20, được in lại dựa trên những ấn bản toàn vẹn nhất, thường là các bản gốc hoặc gần với bản gốc nhất. Bộ sách có thiết kế đồng bộ theo format chung từ bìa sách đến ruột sách. Đặc biệt, bìa sách hầu hết được thiết kế lại từ tranh minh họa xưa khi truyện được đăng trên ấn phẩm báo và tạp chí. Các thiết kế này do Tạ Quốc Kỳ Nam thực hiện.

Tranh bìa 'Việt Nam danh tác' được thiết kế như thế nào? - 2

Bìa sách tác phẩm Bốn-mươi-năm "nói láo" của Vũ Bằng được thiết kế dựa trên tranh kẽm của họa sĩ Tạ Tỵ. Tranh được tô màu lại, tên sách và tên tác giả được cách điệu theo phong cách cổ điển, cùng với cách sắp xếp trang bìa giống với hình thức trang nhất của các tờ báo xưa. Trên bìa sách, độc giả có thể đọc được hai tác phẩm Chiếc lư đồng mắt cua của Nguyễn Tuân và Lều chõng của Ngô Tất Tố được giới thiệu như một tờ báo đích thực.

Tranh bìa 'Việt Nam danh tác' được thiết kế như thế nào? - 3

Sợi tóc là một trong bốn tác phẩm được giới thiệu mới trong bộ Việt Nam danh tác đầu năm 2021. Tranh bìa được xử lý tô màu từ tranh gốc được đăng cùng truyện ngắn của Thạch Lam trên báo Ngày nay (1938 - 1940). Bức tranh trên được minh họa cho truyện ngắn Tình xưa.

Tranh bìa 'Việt Nam danh tác' được thiết kế như thế nào? - 4

Tranh bìa Tiếng thu của Lưu Trọng Lư được tô màu mới từ tranh cũ của Ng.Đ, minh họa cho tập thơ được Librairie Centrale xuất bản năm 1939. Bức tranh được lấy từ ý thơ "Con nai vàng ngơ ngác / Đạp trên lá vàng khô".

Tranh bìa 'Việt Nam danh tác' được thiết kế như thế nào? - 5

Anh phải sống là tập truyện viết chung của Khái Hưng và Nhất Linh, được xuất bản lần đầu năm 1934 do nhà xuất bản Đời nay phát hành. Tranh minh họa cũ trong sách được xử lý tô màu lại, bỏ bớt mưa và thêm sóng cao. Bức tranh thể hiện lại tình cảnh ngặt nghèo của đôi vợ chồng chèo thuyền ra giữa sông khi nước lên cao để vớt những khúc gỗ trôi sông.

Tranh bìa 'Việt Nam danh tác' được thiết kế như thế nào? - 6

Bản sách Số đỏ của Vũ Trọng Phụng sử dụng lại hình vẽ trong tranh dân gian Đông Hồ và đã được tô màu. Bìa sách được vẽ thêm quả bóng, gợi nhớ đến hình ảnh Xuân Tóc Đỏ đánh bóng quần trong truyện. Ngoài ra tên sách cũng được cách điệu với màu sắc hài hòa với màu vẽ của tranh gốc.

Tranh bìa 'Việt Nam danh tác' được thiết kế như thế nào? - 7

Tập thơ Mê hồn ca của Đinh Hùng được thiết kế bìa từ chính tranh bìa gốc do Đinh Hùng vẽ. Tranh này được sử dụng cho bản in của Nhà sách Khai Trí ở Sài Gòn cũng như Tiếng Phương Đông ở Hà Nội. Tạ Quốc Kỳ Nam đã tô màu lại cho tranh với hai màu sắc tương phản.

Tranh bìa 'Việt Nam danh tác' được thiết kế như thế nào? - 8

Tranh trên bìa sách Đoạn tuyệt được vẽ mới lại, dựa trên một cảnh và tranh minh họa của Nhất Linh dưới bút danh Đông Sơn minh họa cho tác phẩm của mình. Hình ảnh nhân vật Thị Loan tự minh oan cho mình trước tòa Thanh Nhàn vẽ lại với khuôn mặt ngẩng cao hơn, không chịu bất khuất.

Tranh bìa 'Việt Nam danh tác' được thiết kế như thế nào? - 9

Tập thơ của Hàn Mặc Tử được thiết kế bìa đơn giản mà ấn tượng, sử dụng lại tranh của Phạm Tú. Tranh cũ được tô màu lại thành hai màu vàng và xanh tím trở nên hiện đại và phù hợp hơn với bản in ở thế kỷ 21.

Tranh bìa 'Việt Nam danh tác' được thiết kế như thế nào? - 10

Một số tác phẩm thuộc bộ Việt Nam danh tác được vẽ mới bìa hoàn toàn dựa trên những phân cảnh nổi tiếng trong truyện. Bìa của Giông tố và Tôi kéo xe do họa sĩ Tạ Huy Long vẽ tranh và Tạ Quốc Kỳ Nam thiết kế.

 

Theo Zing

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Sau 8 năm kể từ ngày công diễn vở opera Lá đỏ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trở lại ấn tượng với opera Vầng trăng Him Lam, tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 – 2025.