Trao đổi về bài viết “Gu thẩm mỹ của người sáng tạo nghệ thuật” trên Thời báo Văn học Nghệ thuật

(Arttimes) - Gu (gout) thẩm mỹ, thế nào là có gu, không có gu, thế nào là tốt hay không tốt là một đề tài dễ gây tranh cãi, bởi quan điểm của mỗi người khác nhau, chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố xã hội, giáo dục, trải nghiệm…Tuy nhiên, đều xuất phát từ nhu cầu thẩm mỹ của cả người sáng tạo và người thưởng thức nghệ thuật.

Để mang đến cách nhìn đa chiều, đa dạng về vấn đề này, Thời báo Văn học Nghệ thuật giới thiệu bài trao đổi của tác giả Trần Bá Giao về bài viết “Gu thẩm mỹ của người sáng tạo nghệ thuật” của nhạc sỹ, nhà lý luận phê bình Nguyễn Đình San đăng trên Thời báo Văn học Nghệ thuật số 18 ra ngày 6/5/2021.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San đồng thời là nhà phê bình văn hóa nghệ thuật  đã có nhiều bài phê bình đối với nhiều lĩnh vực văn nghệ bằng sự phê phán cái dở, sự yếu kém của một số văn nghệ sĩ. Quả là rất cần thiết phải có những bài phân tích, phê phán như thế để mọi người có cái nhìn đầy đủ và chính xác hơn về hiện trạng nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Trao đổi về bài viết “Gu thẩm mỹ của người sáng tạo nghệ thuật” trên Thời báo Văn học Nghệ thuật - 1
Bài viết của Nhạc sĩ Nguyễn ĐÌnh San

Trong bài trao đổi này, tôi xin được phát biểu đôi điều về bài viết của ông trên Thời báo Văn học Nghệ thuật số 18 ra ngày 6/5/2021. Tiêu đề bài viết: Gu thẩm mỹ của người sáng tạo nghệ thuật, trong đó ông nhấn mạnh: Muốn đưa được những cảm xúc thẩm mỹ tốt đến công chúng, người làm nghệ thuật sáng tác và biểu diễn, trước hết phải có “gu” thẩm mỹ sành, cao, sang. Có vậy họ mới chọn lựa được những gì là tinh túy, đồng thời gạt bỏ được cái tầm thường, thấp kém”.

Trước hết, ta thấy Nguyễn Đình San đưa ra khái niệm Gu thẩm mỹ và cho rằng: “Gu thẩm mỹ thấp kém kéo tụt nền nghệ thuật ở bất cứ thời đại nào”. Cách đặt vấn đề của ông là cách đặt vấn đề nâng quan điểm: lấy cái tiểu tiết để khái quát cả một nền nghệ thuật. Ông đã có sự cảnh báo. Nhưng những ví dụ ông đưa ra ở bài viết trên có thật sự là toàn thể hay là đa số của một bộ môn nghệ thuật mà ông đã trích dẫn trong bài viết không? Để chứng minh cho luận cứ của mình, ông trích dẫn và phê phán câu thơ của một nhà thơ không đến nỗi xa lạ với bạn đọc) và cho rằng đó là những câu thơ tầm thường dông dài: “Anh yêu em quá em ơi/ Ngày thương đêm nhớ rối bời lòng anh”. Đây là quan điểm riêng ông. Thực đấu đến nỗi như ông nhận định??? Rồi ông phê phán những người viết truyện chỉ “thích khai thác về đời sống tình dục... nhằm câu người đọc...”. Thưa ông! Khuynh hướng này nếu đi sâu, vào từng tác phẩm có sự phân tích thấu đáo thì mới chỉ ra được viết thế nào là câu khách, là thấp kém. Theo tôi để thuyết phục ông cần đưa - tên tác phẩm và những thấp kém cụ thể của tác phẩm nào đó mới có sức thuyết phục với giới văn nghệ sĩ vì tôi thấy ông viết bài này là viết về giới văn nghệ sĩ và cho những người và những cơ quan quản lý về văn hóa, tư tưởng.

Trong lời gợi ý, ông đã viết như sau: “Dễ hiểu là người cùng có học vấn, trình độ văn hóa cao cũng dễ có “gu” sang, sành và ngược lại. Ở nước ta hiện nay, cần dũng cảm, không “sĩ diện” để thấy rõ một sự thực: Những người sáng tác và biểu diễn có trình độ đạt yêu cầu, tầm vóc như trên là có ít...” vân vân và vân vân.

Thưa ông! Người đọc hiểu rằng ông đang đề cao người có học vấn và chê bai người chưa hết phổ thông!?

Trình độ học vấn đâu đã được coi là người có văn hóa cao. Định nghĩa về văn hóa khác với định nghĩa về học vấn. Người có học vấn cao chưa chắc là người có văn hóa cao.

Thế nào là gu thẩm mỹ sành, cao, sang? Cần bàn luận sâu sắc hơn. Ông cứ khơi khơi mà quên mất điều cơ bản “gu thẩm mỹ tốt” cơ bản nhất là có tính nhân văn cao: từ con người, vì con người và cho con người. Để minh chứng cho luận điểm này tôi chỉ xin nêu vài ví dụ về những nhà văn chưa có học vấn cao, nhưng vẫn là những nhà văn tiêu biểu cho văn học Việt Nam hiện đại ngày nay: Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Nhà thơ nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ, Nhà văn Bảo Ninh, Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư... có thể còn có thêm nhiều nhà văn chưa có bằng cấp cao nhưng cũng có gu thẩm mỹ tốt, nhân văn”.

Tôi không thích ca ngợi như ông khi gắn khái niệm: gu thẩm mỹ sành, cao, sang. Mong ông thứ lỗi cho những điều tôi góp ý mà ông chưa hài lòng; vì để đi đến chân lý cần phải trao đổi và bàn luận kiến giải, sao cho thấu tình đạt lý.

Trần Bá Giao

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Người Việt có câu “Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ", trong đó tháng 3 âm lịch giỗ Mẹ là để tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn có từ hàng nghìn năm nay của người Việt.