Triết lý nhân sinh từ “Điểm tựa cuộc đời”

(Arttimes) – “Điểm tựa cuộc đời” là tiểu thuyết đáng đọc và là một thành công mới cần ghi nhận trên hành trình văn chương của nhà văn Phạm Minh Hằng.

Chuyện rằng, hai chàng trai ấy hơn kém nhau một tuổi, sinh ra và lớn lên ở hai miền đất rất xa nhau. Chàng trai hơn tuổi người Mông, tên Giàng A Sua, cất tiếng chào đời ở bản Seo Bí Tỷ, huyện Tủa Chùa, tỉnh Lai Châu. Anh chàng kém tuổi tên Phong, người Kinh, trai Nông Cống, Thanh Hóa. Đến tuổi bay nhảy vào đời, chẳng hẹn mà gặp, hai anh chàng cùng đến với ngành giao thông Lai Châu, cùng tạm làm nhân viên bảo vệ ở Văn phòng Ty. Và, cũng như nhiều chàng trai thời ấy - thời của những thập niên 60, 70, 80 thế kỷ XX, Phong và Giàng A Sua đều ước ao được làm người lái xe ô tô để thỏa chí vi vu trên các con đường.

Triết lý nhân sinh từ “Điểm tựa cuộc đời” - 1

Điểm tựa cuộc đời - NXB Hồng Đức, 2022, Phạm Minh Hằng

Riêng Giàng A Sua thích lái ô tô đến mức, hết hai năm nghĩa vụ quân sự, cấp trên có ý cử Sua đi học trường sĩ quan, Sua hỏi học sĩ quan có được học lái ô tô không, cấp trên lắc đầu bảo “Không!”, thì Sua cũng lắc đầu không theo học trường sĩ quan, trở về Seo Bí Tỷ tìm cách đi học lái xe ô tô.

Về bản, gặp bác Giàng A Phình vốn là trung tá quân đội chuyển sang làm Phó Ty Giao thông, Sua nói ý nguyện với bác. Bác Phình nhìn Sua soát xét, rồi bảo: Lái xe ô tô vất vả và nguy hiểm lắm đấy, cháu làm được không? Sua gật: Cháu làm được! Và Sua nói thêm: Mình là người Mông mà bác, người mông đã nói là làm, đã làm thì làm bằng được! Vậy là Sua khoác ba lô theo bác Phình về Ty Giao thông, vui vẻ làm nhân viên bảo vệ, chờ dịp thành người lái xe.

Bác Phình không gửi Sua vào trường mà dẫn Sua xuống Công ty ô tô, gặp Giám đốc Công ty nhờ dạy cháu ông thành người lái xe tốt, thành một lái xe thực thụ, một lái xe tốt, chứ không chỉ là người có cái bằng lái đút túi mà lái ẩu, lái dốt. Thế là Sua thành một phụ xe làm việc vặt. Phải khi gặp đến lái chính thứ ba, Sua mới được ông cẩn thận dạy từng ngày từ kiểm tra xe đến công việc bảo dưỡng, bảo quản thường nhật. Sau khi Sua đã làm tốt mới dạy lái xe. Vào dịp Công ty ô tô cùng trường lái xe tổ chức thi sát hạch, Giàng A Sua không chỉ đỗ đầu mà tiếp đó còn được tin cậy giao làm thầy hướng dẫn cho cả tổ học viên dự thi môn kỹ thuật dồn số lùi chuồng. Lúc ấy, mọi người mới thấy cách rèn con cháu của Phó Ty Giàng A Phình là hay, và cảm phục ý chí của chàng trai Mông Giàng A Sua.

Trong khi đó, Phong thành lái xe theo một đường khác. Và… Phải đọc đến trang cuối sách, người đọc mới hay người trai Nông Cống xứ Thanh đến được bến bờ nào của cuộc đời.

Trong một chuyến xe về qua bến xe trung tâm thị xã, Phong thấy một cô gái trẻ đứng cạnh đống đồ bên gốc cây me, vẻ ngóng chờ ai. Phong đỗ xe sát bên cô làm quen. Thì ra hai người là đồng hương. Mà đồng hương gặp nhau ở chốn rất xa quê này thì dễ đồng cảm, thương quý nhau. Lan rất xinh đẹp, đẹp đến mức Phong chưa gặp cô gái nào xinh đẹp như Lan. Lại thêm, bậc cha bác của Lan và Phong không chỉ cùng cơ quan mà còn là hai lãnh đạo rất gần gũi. Trưởng Ty và Trưởng phòng Tổ chức của Ty cơ mà. Chỉ sau ba tháng kể từ hôm gặp nhau ở gốc cây me bên bến xe, Phong và Lan đã làm lễ cưới. Ai cũng mừng cho đôi trẻ. Cháu ông Trưởng phòng Tổ chức lấy cháu ông Trưởng Ty, rõ là môn đăng hộ đối. Chàng lái xe điển trai kết duyên cùng cô gái bán vé xe khách ở bến xe Trung tâm thị xã có sắc đẹp, khiến ai cũng xuýt xoa. Rõ là đủ đầy mọi thứ cho một gia đình trẻ hạn phúc hơn người.

Phong ngất ngây thỏa mãn với hành trình dựng xây tổ ấm thì Giàng A Sua vẫn cần mẫn học nghề. Sua đã dành cái sự nhớ và ước ao cho cô giáo tên Sao, đã dạy Sua học mấy năm ở trường nội trú trước ngày Sua nhập ngũ vào bộ đội theo chế độ nghĩa vụ quân sự. Hạnh phúc lứa đôi của hai chàng trai này thế nào, cùng phải đọc đến cuối sách người đọc mới rõ.

Đồng hành với chuyện nghề, chuyện đời của hai chàng trai là một số chuyện khác nữa, như chuyện thằng bé Dương có bố là lái xe ô tô, mẹ là thợ sửa chữa, được bố mẹ cưng chiều và các chú lái xe dạy cái hay thì ít, dạy cái dở thì nhiều, mới tí tuổi đầu đã biết uống rượu đến say, nói năng lếu láo, cãi bố cãi mẹ, không sợ ai, chỉ cất tiếng chào khi được cho quà theo ý thích. May nhờ có bác thiếu tá công an là Trưởng phòng Cảnh sát giao thông có tấm lòng nhân hậu, cùng với cái uy con chó béc giê, đã nhận kèm cặp, dạy dỗ đúng 20 ngày, nhờ thế bé Dương mới trở lại ngoan ngoãn, hiền lành. Cùng chuyện cứu được con hư, ấy là chuyện một bà mẹ nông dân Thái Bình. Nhà một mẹ một con, và con trai là bà đã lập gia đình, bà đã lên chức bà thì gia đình gặp họa: Con trai bà sa vào nghiện hút nặng. Để cứu con trai bà mẹ nông dân đã cho con dâu và cháu về bên ngoại, rồi nhân lúc con trai chưa lên cơn nghiện, bà đưa cho anh ta con dao bầu, nước mắt chảy dài, nghẹn giọng nói với con: Vì nghiện, mày phá tan, bán hết gia sản, giờ vợ con mày cũng đã bỏ đi, thôi thì dao đây, mày giết mẹ đi, rồi mày muốn hút muốn nghiện gì mặc mày… Người con trai thất kinh giao kèo tự nguyện quyết tâm cai nghiện, và mẹ con bà đã thành công.

Nhưng chuyện nhà ông Trưởng Ty Xây dựng thì không thế. Vợ chồng ông chỉ có một con trai đã lớn khôn, đẹp trai, có học, làm chuyên viên phòng thẩm định. Vậy mà rồi cái anh chàng con ông cháu cha sắp được đề bạt lên làm lãnh đạo cấp phòng để rồi nương bóng bố mà lên tiếp ấy đã dính vào ma túy. Kết cục, anh chàng con quan ấy đã cắt cổ tay nằm trong nhà tắm mà đi vào cõi chết, để cho người đọc nhiều nghĩ ngợi.

Trong Điểm tựa cuộc đời cũng không ít chuyện vui, chuyện lạ. Ví như chuyện ông Trung Tá - Phó Trưởng Ty Giàng A Phình tự mình phá lệ, cứ về bộ nhận kế hoạch vật tư là phải mang của ngon vật lạ về lót tay, biếu xén. Chuyện ông được chuyển nhà về thị xã nhưng đã tự mình tìm đất, dựng nhà trên một quả đồi giữa rừng cách thị xã đến bảy cây số. Rồi chuyện tục lệ văn minh của người Mông không uống rượu bữa trưa, chỉ uống vào bữa tối. Chuyện nửa năm trời bị cầm chân giữa núi cao hoang vắng, không được dạy học, và cuộc trốn chạy tìm về tự do, tìm về với bảng đen phấn trắng của cô giáo Sao - sau này là vợ Giàng A Sua, thật hấp dẫn…

Những chuyện trên đây được kể đan xen, như những vệ tinh xoay quanh trục chuyện chính lập thân lập nghiệp của hai chàng trai coi như đồng tuổi, nhằm nói lên điều cốt lõi của tiểu thuyết mà nhà văn muốn nhắn gửi người đọc, và ông viết ra ở câu cuối cùng của sách.

Ta vừa khảo sát nội dung tiểu thuyết Điểm tựa cuộc đời và nhận thấy: cùng với câu chuyện rường cột về lập thân, lập nghiệp của Phong và Giàng A Sua là những câu chuyện vệ tinh xoay quanh. Tuy mỗi câu chuyện ấy dài ngắn khác nhau, nói những vấn đề khác nhau, nhưng ngẫm kỹ lại ta thấy đó đều là những câu chuyện đụng đến các khía cạnh của vấn đề giáo dục, xây dựng nhân cách con người. Và như vậy, những chuyện vệ tinh có mặt chính là để phụ họa, làm sáng rõ thêm câu chuyện cốt lõi để nổi bật lên ý tưởng nhà văn gửi gắm vào tác phẩm, và ý tưởng đó đến câu văn cuối cùng của tiểu thuyết ông mới viết ra: “Hạnh phúc chỉ có và thật sự vững bền khi nó được xây dựng bằng cái đầu và đôi chân của bản thân ta - đó chính là Điểm tựa cuộc đời thấm đẫm triết lý nhân sinh của mỗi con người khi được sinh ra và sống ở cõi người!”. Một câu kết về nghệ thuật thể hiện, viết tiểu thuyết mới này, nhà văn Phạm Minh Hằng vẫn sử dụng thi pháp tiểu thuyết cổ điển. Đó là tiểu thuyết có cốt truyện, người đọc đọc xong có thể kể lại câu chuyện, được người viết sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau trong một bố cục chặt chẽ, hợp lý. Về xây dựng nhân vật, tác giả hầu như không miêu tả ngoại hình, mà chú tâm cho nhân vật bộc lộ tâm lý, tính cách qua hành động và ngôn ngữ của họ. Nhờ vậy, gấp sách lại, tâm trí người đọc không chỉ thấy hiện lên Phong và Giàng A Sua, mà còn thấy hiện rõ Phó Ty Giao thông Giàng A Phình. Thấy một cô Lan xinh đẹp nhưng hồng nhan bạc phận và cô giáo Sao trong cuộc trốn chạy để được trở lại với bảng đen phấn trắng. Thấy thiếu tá Tân và con béc - giê trong việc rèn dạy một trẻ hư, và bà nông dân Thái Bình chứa chan nước mắt ngồi quạt cho người con trai đang thiếp đi sau cơn nghiện. Và, thấy cả sự chết lặng trong ân hận của vợ chồng ông Trưởng Ty Xây dựng trước cái chết của người con trai mắc nghiện quá nặng đã cắt cổ tay tự vẫn…

Tuy nhiên, ngẫm kỹ, vẫn thấy có đôi điều trao đổi lại với tác giả: Tiểu thuyết với 264 trang in, rất cần những trang miêu tả đẹp và hay, những câu chữ mới lạ để cuốn hút người đọc, nhưng trong Điểm tựa cuộc đời chưa có nhiều.

Đức Long

Tin liên quan

Tin mới nhất