Truyện ký: Kỷ vật người đã khuất

(Arttimes) - Quang gục xuống trên tay của tiểu đội trưởng Hoạt với những lời trăng trối: Sau này nếu còn sống trở về anh nhớ đến thăm mẹ giùm em và nói với mẹ là em nhớ mẹ lắm… anh hỏi Mai đã nhận được quà của em chưa?

Sau tháng 2 năm 1979, Quân Bành trướng Trung Quốc không  rút quân hoàn toàn mà vẫn duy trì lực lượng vũ trang, áp sát biên giới, quấy phá lãnh thổ nước ta. Nhiều làng quê của các tỉnh biên giới phía Bắc điêu tàn vì hàng loạt đạn pháo của quân địch từ trên các điểm cao bắn xuống, đất đá thường xuyên bị cày lên, xới lại nhiều lần, cây cối nghiêng ngã hai bên đường…

Bây giờ khu vực Nghệ Tĩnh đang độ vào hè, nắng nóng như thiêu, như đốt, thỉnh thoảng từng cơn gió Lào khô rang hắt vào mặt rát như bỏng. Trung đoàn 214, pháo cao xạ Sông Gianh, thuộc Quân khu IV được lệnh hành quân thần tốc ra bảo vệ vùng trời biên giới phía Đông Bắc, Tổ quốc. Mệnh lệnh hành quân của Trung đoàn trưởng vừa dứt, từng đoàn xe Zin - 157 kéo những cỗ pháo 57 mm nặng hàng trăm tấn được ngụy trang kín đáo rầm rập lên đường... Lần đầu tiên các chiến sĩ pháo cao xạ hầu hết mới tròn 2 tuổi quân được ra chiến trường với tâm trạng háo hức… Ngồi trên xe họ hát vang bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do” của nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới/ Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới/ Quân xâm lược bành trướng giã man/ Đang giày xéo mảnh đất tiền phương/ Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương…”. Bài hát như lời hiệu triệu thôi thúc các chiến sĩ hăm hở lên đường… nhưng thỉnh thoảng vẫn có một vài chú lính trẻ thút thít không dấu được những giọt nước mắt vì chưa kịp chia tay với gia đình bạn bè và người thân…

Đoàn xe pháo cao xạ đi đến đâu, cũng thấy nhân dân đứng hai bên đường vẫy tay chào đón. Khi đi qua cầu Long Biên, nhiều người còn chạy theo đưa lên xe những gói bánh kẹo, thuốc lá và hoa quả… cảnh tượng thật xúc động…

Suốt 3 ngày, 3 đêm, hành quân thần tốc, không ngơi nghỉ, Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn  đã đến vị trí tập kết, kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa ở vùng núi Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Không gian đầu tiên đập vào mắt các chiến sĩ là một vùng núi non trùng điệp vô cùng hiểm trở. Nơi đây có nhiều bà con các dân tộc Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ, Tày, Nùng, Cao Lan… sinh sống từ nhiều đời nay.

Hầu hết cánh chiến sĩ trẻ  mới lần đầu tiên đi xa, lại sống ở một vùng hoang vu như vậy nên cũng không khỏi nhớ nhà. Nhất là những đêm đầu nhớ quê, nhiều người lính không sao chợp mắt được, cứ mong trời sáng để được ra ngắm suối. Những con suối trong xanh uốn quanh qua những tảng đá lớn chạy từ trên núi cao tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ.

Hàng ngày, cứ sau thời gian huấn luyện sẵn sàng chiến đấu vất vả, những người lính trẻ thường kéo nhau xuống suối Luông, khe Lạnh để tắm. Đúng như cái tên đồng bào đặt cho, khe Lạnh từ trong chân núi chảy ra mang theo cái lạnh tê tái cả bốn mùa, hòa lẫn với lá lim xanh rụng xuống, gây ngứa toàn thân rất khó chịu. Nhiều chiến sĩ chân, tay bị sưng và đỏ mọng nước. Cuộc sống của người chiến sĩ biên cương, nơi tuyến đầu lâu dần rồi quen với khí hậu khắc nghiệt đó.

Cứ mỗi buổi chiều khi ánh hoàng hôn từ từ rơi xuống núi, Nguyễn Văn Quang tiểu đội một lại tranh thủ hì hà, hì hục mài dũa trên những hòn đá bên khe Lạnh chiếc vỏ đạn súng 14,5 mm và vỏ đạn pháo 37 mm.  Thấy vậy, Anh Hoạt tiểu đội trưởng hỏi Quang:

- Chú kỳ cạch làm gì mà chiều nào cũng ra đây ngồi vậy?

Quang chỉ mỉm cười không giấu giếm điều gì:

- Em làm một chiếc nhẫn cưới và một chiếc vòng cầu hôn để sau này hoàn thành nghĩa vụ quân sự đem về tặng người yêu anh ạ…

Nguyễn Văn Quang có dáng người cao to, da xạm nắng với đôi mắt đen, linh lợi và giọng nói chắc nịch (đặc trưng cho vùng dân biển).Quang sinh ra và lớn lên ở vùng biển huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, một vùng quê hiếu học, giàu truyền thống cách mạng. Mùa thu năm 1976, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Nguyễn Văn Quang nhập ngũ vào Trung đoàn Sông Gianh một đơn vị pháo cao xạ anh hùng của Quân khu IV. Tuổi thơ của Quang gắn với đồng ruộng khô cằn về mùa hạn và ngập úng về mùa mưa vất vả và lam lũ…Người dân quê anh ngoài việc đồng áng còn có nghề đánh cá biển. Bố anh một ngư dân thực thụ hầu như quanh năm đi biển. Những hôm chớp bể, mưa nguồn, trời giông bão, suốt cả đêm hai mẹ con Quang đội áo mưa ra tận bờ biển ngóng chờ tin cha… Những con sóng hung dữ tung bọt lên trắng xóa, rồi như một định mệnh, trong một cơn bão lớn ở miền Trung bất thần ập đến, sóng biển đã nhấn chìm thuyền của cha anh…từ đó ông không bao giờ trở về với mẹ con Quang nữa.

Ngày nhập ngũ mẹ đưa anh lên thị trấn huyện, hai mẹ con Quang đi bộ gần 10km vì không có xe đạp. Mẹ dặn anh:

- Là người con của quê hương xô viết anh hùng, con phải gắng học tập, rèn luyện, quyết xứng đáng với truyền thống quê hương nhé.

Quang ngậm ngùi dấu đi những giọt nước mắt chực trào ra trên đôi gò má và nói:

- Mẹ cứ yên tâm ở nhà giữ gìn sức khỏe con sẽ cố gắng hết sức mà…

Đơn vị Quang khi nhập ngũ đóng quân ở một thung lũng bên chân núi Hồng Lĩnh, nơi đây là bãi cát trắng được người dân thường gọi lại bãi Phôi Phối. Từ nơi đóng quân đến nơi ở của nhà dân chừng 3 km. Vì vậy, đơn vị của anh thường tổ chức đi gặt lúa giúp dân hoặc chống bão lụt…Chi đoàn thanh niên của Quang kết nghĩa với chi đoàn xóm 5. Nhiều đêm liên hoan văn nghệ “kết nghĩa tình quân dân”, Quang đã được Mai - Bí thư chi đoàn yêu thầm, nhớ trộm....

Với dáng người dỏng dỏng cao, nước da trắng và hàm răng ngà ngọc, mỗi khi cười có lúm đồng tiền lại ăn nói nhẹ nhàng nên cánh lính trẻ cậu nào cũng ao ước được nói chuyện với Mai… mỗi lần cô xuất hiện là cả tiểu đội cứ xúm xít…

Nhà Mai neo người, khi Mai còn bé mẹ cô tần tảo sớm hôm lo việc đồng áng, ngoài ra chăn nuôi thêm con bò để kiếm thêm thu nhập.Cuộc sống cả nhà chỉ trông vào người mẹ.Bố của Mai, trong chiến tranh chống Mỹ, đi dân công hỏa tuyến, bị thương khi máy bay ném bom trên đường 20 - Quyết Thắng, tỉnh Quảng Bình.Nay về quê hương, được hưởng chế độ thương binh. Những hôm trái gió, trở trời, mẹ phải xoa, bóp cho bố vượt qua những cơn đau đó.

Từ lâu Mai đã trở thành người thân của cả Tiểu đội một, vì vậy vào những ngày nghỉ, Quang cùng với bạn bè trong tiểu đội thường đi vào rừng chặt củi, trồng sắn, gánh lúa giúp gia đình Mai. Khi nhìn Quang gánh lúa về nhà Mai, mọi người trong tiểu đội thường trêu đùa:

- Quang ơi! Tiếp sức cho người yêu đấy à…

Quang thẹn thùng đáp luôn:

- Tình quân dân đấy mà, yêu với đương gì đâu.

Tình yêu của Quang và Mai ngày càng gắn bó thì cũng là lúc đơn vị Quang đượclệnh hành quân lên biên giới. Đêm chia tay Mai khóc thút thít nhưng vẫn động viên Quang:

- Anh cứ yên tâm lên đường làm nhiệm vụ. Đồng bào biên giới đang hàng ngày bị quân xâm lược xày xéo. Nếu được lên đường cùng anh em cũng xung phong…Hết nghĩa vụ anh về em sẽ mãi chờ anh…

Quang kéo Mai vào lòng thổn thức:

- Chờ anh em nhé, lần đầu trong đời được yêu em anh mới biết thế nào là tình yêu. Giờ xa em thật là một thử thách quá lớn với anh nhưng chúng ta cố gắng cùng vượt qua em nhé…

Nhìn đồng hồ lúc này đã là 21 giờ rồi, Quang vội đứng dậy để về doanh trại, Mai vội vàng chạy theo dúi vào tay anh chiếc túi đựng quà trong đó có chiếc gối thêu đôi chim bồ câu và dòng chữ “Trăm năm tình nghĩa vuông tròn”…

Đến Ba Chẽ được gần tám tháng, chiến sự ở Quảng Ninh xảy ra ngày càng ác liệt, Quang và một số chiến sĩ khác được lệnh của Đặc khu điều động tăng cường cho Sư đoàn 395, tại mặt trận Bình Liêu. Sáng hôm sau, trước lúc chia tay, như có linh tính, Quang gửi lại hộp quà nhờ anh em trong đơn vị chuyển về cho Mai một hộp đựng kỷ vật, trong đó có một chiếc nhẫn và một chiếc vòng đeo tay làm bằng vỏ đạn pháo,họa tiết chạm khắc rất tinh xảo và kỳ công. Mặt chiếc nhẫn có in dòng chữ lồng “hạnh phúc”. Trên vòng tay vỏ đạn màu đồng óng ánh có khắc hình đôi chim bồ câu: “Trăm năm hạnh phúc”. Trong bức thư gửi người yêu, Quang có viết: “Mai em yêu quý! Ở biên giới giờ này chiến sự  đang diễn ra ác liệt lắm, ngày nào bọn chúng cũng bắn pháo vào làng mạc. Nhiều lúc muốn tranh thủ viết thư về thăm em và gia đình nhưng tiếng pháo địch như không bao giờ ngớt, đến nỗi chẳng có cây cối nào sống được. Đơn vị anh phân công nhiều mũi đưa nhân dân đi sơ tán, cứu người sập hầm, bị thương, đồng thời chống trả những đợt tấn công của kẻ thù. Có những lúc nghĩ về em mà lòng đau xót…nhưng  càng yêu em, anh càng phải xông pha nơi trận mạc để xứng đáng với em… Rất có thể rồi đây anh sẽ phải chết giữa chiến trường, đôi môi tươi đạn xé, chưa bao giờ được hôn nhưng anh vẫn tự hào được làm người yêu của em…”.

Trong bức thư gửi cho mẹ mình trước khi vào chiến trận, Quang viết những dòng rất khảng khái: “Mẹ kính mến! Con đã gắng học tập, luyện rèn, hai năm đạt danh hiệu chiến sĩ Quyết thắng của Trung đoàn. Ngày mai chúng con vào trận chiến đấu với quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh, bảo vệ vùng biên cương - nơi tuyến đầu Tổ quốc. Máu của đồng bào các dân tộc vùng biên giới phía Bắc đang từng ngày đổ xuống… Lịch sử đã giao sứ mệnh cho chúng con… Mẹ đừng buồn, ở đây lúc nào cũng có bàn tay chăm sóc của đồng đội. Mong mẹ cố giữ gìn sức khỏe ngày thắng lợi con sẽ về bên mẹ…”

Quang rời Ba Chẽ đi Bình Liêu  được mấy tháng, đồng đội báo tin anh đã hy sinh khi đang tấn công lên một điểm cao nơi quân địch chiếm giữ. Quả đạn pháo của quân Trung Quốc xâm lược đã găm vào người cướp linh hồn anh và nhiều đồng đội. Quang gục xuống trên tay của tiểu đội trưởng Hoạt với những lời trăng trối:

- Sau này nếu còn sống trở về anh nhớ đến thăm mẹ dùm em và nói với mẹ là em nhớ mẹ lắm…anh hỏi Mai đã nhận được quà của em chưa?

Tiểu đội trưởng Hoạt đôi mắt đỏ hoe, ngấn nước khẽ gật đầu:

- Em cứ yên tâm…

Trong giây phút trái tim Quang ngừng đập… anh đã ra đi mãi mãi. Máu đào của anh và đồng đội đã thấm vào từng tấc đất biên cương để làm nên màu xanh sông núi.

Mấy năm sau khi chiến sự ở vùng Quảng Ninh bớt căng thẳng, tiểu đội trưởng Hoạt đã về tận quê nhà để gửi lại di vật của Quang.Trong một buổi chiều cuối Đông, trời se se lạnh, mẹ của Mai cầm lấy di vật như hiểu ra điều gì và ôm chặt tay những người đồng đội mà không sao cầm nổi nước mắt:

- Quang ơi… đứa con mẹ đang ở đâu?

Tiếng kêu của mẹ như bao người mẹ khác của dân tộc Việt Nam.Có nỗi đau nào khi mẹ không còn nhìn thấy đứa con ngày ấy.Mọi hình ảnh của Quang cứ ùa về, cứ nhạt nhòa trong đôi mắt buồn  thẳm sâu của mẹ. Khi hỏi về Mai, mẹ nghẹn ngào:

- Bây giờ em là Y sĩ, công tác tại Bệnh viện Quân khu IV và cũng chưa tính đến chuyện chồng con. Em nó bảo: “ không nghĩ đến chuyện lấy chồng vì đến bây giờ Mai vẫn không thể nào quên được anh Quang”… 

Nguyễn Văn Quang cùng anh em đồng đội đã nằm lại nơi mảnh đất biên cương, trong tiếng gió của đại ngàn và đâu đây vang vọng tiếng hát: “Ngày ra đi hướng biên cương, có em tiễn đưa mà mắt lệ ướt/ Về đi em nếu yêu nhau hãy yêu rộng hơn cả non nước cuộc đời/ Cầm bàn tay em nào anh nói gì nhiều đâu/ Cuộc đời đang xuân mà thôi nhé tạm biệt…”. Đường về Ba Chẽ hôm nay dường như rộng hơn, bầu trời cao hơn. Suối Luông vẫn ngày đêm rì rào chảy ra sông Cái, khe Lạnh ngày nào giờ đây vẫn nhắc tên anh - người chiến sĩ của Trung đoàn Sông Gianh anh hùng./.

None

Anh Tuấn - Duy Hiếu

Tin liên quan

Tin mới nhất

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

“Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật” là một hội thảo ý nghĩa được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), giúp lan tỏa những giá trị của Điện Biên Phủ trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Đồng thời, thúc đẩy sự thăng hoa, bền bỉ, nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo cho các văn ng

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

Trong khuôn khổ chương trình “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”, đoàn đại biểu là các văn nghệ sĩ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có dịp đến thăm và tặng quà cho học sinh Trường Tiểu học Him Lam, đồng thời phát động cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Hoan Hô chiến sỹ Điện Biên”. Sự kiện do Thời báo Văn học nghệ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điệ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Tết, dẫu ngày thường không hay rượu thì, chí ít mỗi người dù già trẻ, gái trai, đều có thể nâng một ly rượu thơm nồng mừng xuân, mừng năm mới. Người ta nói đến “văn hóa rượu”, vì rượu là một trong những phát minh quan trọng của loài người (nhiều ý kiến còn cho là sau việc phát minh ra lửa!?). Muốn cảm nhận được cái nhã thú của văn hóa rượu, thiết nghĩ có một cách, hãy tìm đ