Truyện ngắn: Hào đoàn phí thấm máu

(Arttimes) - Chiến gượng dậy, cố gắng hết sức mình lấy trong túi áo ra tờ tiền một hào (mệnh giá tại thời điểm đó). Tay anh nắm chặt tay anh Thắng - Tiểu đội trưởng và nghẹn ngào nói: “… Em không thể tiếp tục sống, chiến đấu cùng anh và đơn vị nữa, em còn nhớ chưa đóng tiền Đoàn phí tháng này. Nhờ anh nộp hộ cho chi đoàn…” nói dứt lời, Chiến gục xuống trên tay người đồng đội…

Để sẵn sàng đương đầu với không quân Mỹ trong những năm địch leo thang đánh phá miền Bắc nước ta, trận địa pháo cao xạ 57 mm của đoàn Sông Gianh được xây dựng bí mật và ngụy trang kín đáo trên đỉnh núi Dũng Quyết (hay còn gọi là Núi Quyết) nằm trong quần thể Lâm viên Núi Quyết, thuộc địa bàn phường Trung Đô, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Từ xa xưa, Núi Quyết đã được đánh giá là có thế Long, Ly, Quy, Phượng, nơi đây được Quang Trung chọn là nơi đóng đô gọi là Phượng Hoàng Trung Đô. Với địa thế núi non hiểm trở, đường lên đỉnh núi ngoằn ngoèo xen lẫn nhiều tảng đá lớn nên việc đưa pháo cao xạ lên đỉnh núi Quyết không phải dễ dàng, nhưng với lòng quyết tâm của các chiến sĩ Trung đoàn Sông Gianh cùng sự trợ giúp của đại đội công binh quân khu IV nên chỉ sau một thời gian ngắn, những con đường trên núi hiểm trở đã được hoàn thành để kéo những cỗ pháo nặng hàng trăm tấn vào trận địa.

Truyện ngắn: Hào đoàn phí thấm máu - 1

Núi Quyết

Từ ngày đơn vị pháo về đóng quân trên đỉnh núi Quyết, nơi đây bỗng nhiên không còn nghe tiếng chim vốn quen thuộc, và tiếng xào xạc trong những bụi lau lách… dường như mọi hoạt động của chúng đã bị xáo trộn bởi “chiến tranh”. Chỉ có tiếng hát về những bài ca truyền thống của các chiến sĩ trẻ, những đoàn viên thanh niên đêm đêm vẫn được cất cao hòa cùng tiếng vỗ tay: “ Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh anh em ơi/Vì nhân dân quên mình/”… “ Kết liên lại thanh niên chúng ta cùng nhau đi lên/ Giơ nắm tay thề, gìn giữ hòa bình, độc lập, tự do/ Kết liên lại thanh niên chúng ta cùng quyết tiến bước/ Đánh tan quân thù, xây đắp cuộc đời hạnh phúc, ấm no/ Đi lên thanh niên có ngại ngần chi, đi lên thanh niên làm theo lời Bác…”. Quả thật, phong trào văn hóa văn nghệ “tiếng hát át tiếng bom” và những buổi sinh hoạt Đoàn đã có sức thu hút lan tỏa và cổ vũ mạnh mẻ, động viên các chiến sĩ Đoàn pháo cao xạ Sông Gianh kiên cường bám trận địa chiến đấu bảo vệ vùng trời, biển của quê hương…

Trưa hè, mảnh đất miền Trung nắng như đổ lửa, các chiến sĩ của khẩu đội 1 ngồi trên mâm pháo để luyện tập, họ có cảm giác như đang ngồi trong một chiếc chảo rang. Khi bóng nắng gần tới đỉnh đầu, hạ sĩ trực ban tiểu đội Nguyễn Trung Chiến với dáng người gầy cao dỏng dỏng với nước da sạm đen, mồ hôi nhễ nhãi hô to:

- Toàn tiểu đội nghỉ ăn trưa!

Bữa cơm thời chiến thật đạm bạc, mỗi người chưa đủ một ăng gô (một dụng cụ thay bát ăn cơm của bộ đội) chan với canh bí xanh, có khi một khúc cá kho, hoặc vài lát thịt lợn thái mỏng. Các chiến sĩ trong tiểu đội đang tuổi ăn, tuổi ngủ nên xong bữa cơm họ vẫn thấy thòm thèm…Những lúc như thế người bí thư chi đoàn Nguyễn Trung Chiến luôn động viên anh em cố gắng chịu đựng…

Nguyễn Trung Chiến sinh ra và lớn lên tại miền Tây, tỉnh Nghệ An. Tuổi thơ của anh cũng lam lũ như bao trẻ em của một vùng quê nghèo. Hàng ngày, một buổi Chiến đi học còn một buổi phải phụ giúp gia đình công việc đồng áng. Ở cái tuổi mới lớn hầu như ít khi Chiến được bữa cơm no vì gia đình nghèo, neo người. Bố của Chiến là Liệt sĩ, hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Đầu năm 1966, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Chiến xung phong nhập ngũ. Ban Chỉ huy quân sự xã biết anh là con Liệt sĩ nên hoãn nhập ngũ và ưu tiên cho anh đi học nghề công nhân kỹ thuật ở nước ngoài. Nhưng với tinh thần “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, khi cả nước có chiến tranh, anh đã tình nguyện viết đơn bằng máu để được xin vào bộ đội. Ngày ấy, Trung đoàn pháo cao xạ Sông Gianh đã về tuyển quân và anh được nhận vào Trung đoàn, đơn vị pháo cao xạ anh hùng thuộc quân khu IV, đây là một niềm tự hào to lớn đối với anh và gia đình cũng như làng xóm.

Trước đêm nhập ngũ, bà con dân làng đến rất đông, chúc mừng và vui liên hoan với gia đình. Đêm liên hoan rộn ràng tiếng hát trong xóm nhỏ của nam thanh, nữ tú. Dưới ánh đèn dầu với vài đĩa lạc rang và bát nước chè xanh nhưng đượm tình quê hương… người cho thuốc lá, người cho bao thư, bút viết, không khí căn nhà tràn ngập niềm vui tiễn người con lên đường nhập ngũ. Trong niềm vui hân hoan của mọi người, dường như không lúc nào Chiến dấu được nỗi buồn day dứt khi sắp phải tạm biệt quê hương, người thân. Trong nỗi buồn đó, lúc nào Hoa cũng ngồi bên cạnh để động viên anh.

Đêm đó, khi mọi người đã về hết, chỉ còn lại Chiến và Hoa người bạn gái xinh xắn, rất giỏi nghề dệt thổ cẩm, cái nghề mà bà ngoại truyền lại cho Hoa. Bố mẹ của Hoa cùng là giáo viên trường làng. Dưới ánh trăng và làn gió thu man mác, hai người lặng lẽ ngồi nép vào hàng hiên nhà, bỗng nhiên Hoa khe khẽ hỏi:

- Mai lên đường nhập ngũ anh có vui không? Chiến nắm chặt tay Hoa trong niềm xúc động lâu lâu mới bật thành tiếng nói:

- Anh vui, vì lý tưởng thiêng liêng cao cả nhất của người thanh niên lúc này đã được toại nguyện…nhưng anh cũng buồn vì phải xa nhà, xa mẹ và em…

Hoa xích lại gần Chiến với khuôn mặt nũng nịu:

- Anh buồn vì xa em thật à…

Chiến đặt nhẹ bàn tay lên vai Hoa với giọng trầm ấm:- Lại còn không à…Đêm về khuya, không gian càng tĩnh mịch hơn. Cứ như vậy, Chiến và Hoa say sưa tâm sự cho đến khi trăng sắp lặn, sương rơi lạnh ướt hai bờ vai họ mới ra về...

Nguyễn Trung Chiến khoác áo lính được gần hai năm, nhưng chiến tranh lúc này rất ác liệt nên anh không có dịp về thăm mẹ và Hoa như lời hẹn ước đêm chia tay. Hàng ngày, đơn vị luôn ở trong tư thế báo động sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ mục tiêu cầu Bến Thủy và nhà máy điện Vinh. Đặc biệt đơn vị của Chiến được giao nhiệm vụ chốt trên Núi Quyết nhằm đánh chặn máy bay Mỹ hướng từ biển vào. Nhiều trận chiến đấu ác liệt đã diễn ra…

Mùa khô 1966 - 1967, bị thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt ra miền Bắc. Từ Thanh Hóa trở vào đến Bình Trị Thiên là mục tiêu đánh phá liệt nhất, trong đó có cầu Bến Thủy, nhà máy điện Vinh…

Một buổi chiều, khi mặt trời khuất sau rặng Núi Quyết, có nhiều tốp máy bay Mỹ lao vào oanh tạc trên bầu trời thành phố Vinh. Do có yếu tố bất ngờ và sự cảnh giác, chuẩn bị từ trước nên đại đội của Chiến đã sẵn sàng nhả đạn để bắn hạ máy bay… Tiếng khẩu đổi trưởng Trần Anh Thắng hô lên đanh thép:

- Khẩu đội chú ý, hướng 34 có 2 máy bay địch, cử li …, tốc độ…, góc tà…

Nhận lệnh từ người chỉ huy, khẩu đội một liên tục bám sát mục tiêu, các pháo thủ đã chuẩn bị sẵn sàng: Hạ sĩ Nguyễn Trung Chiến là pháo thủ số 1, dõi theo mục tiêu, điều chỉnh góc tà sẵn sàng đợi lệnh đạp cò, pháo thủ số 4 cũng đã lấy đường ngắm chính xác, pháo thủ số 5 đã nạp đạn lên nòng…

Từ trong đám mây đen, chiếc phản lực A4 tăng độ cao và bổ nhào xuống chuẩn bị ném bom, tiểu đội trưởng Thắng phất cờ ra mệnh lệnh: “ Nhằm thẳng mục tiêu số 1… bắn”. Cả khẩu pháo rung lên. Ngay từ loạt đạn đầu, khẩu đội 1 đã bắn trúng một máy bay Mỹ đang bổ nhào. Chiếc máy bay bị trúng đạn, nổ tung, bốc cháy dữ dội, kèm theo những đám khói đen bao phủ một vùng trời thành phố Vinh. Cả trận địa cùng reo lên: “ máy bay cháy rồi… cháy… cháy rồi…”… Tiếp đó là hàng loạt tiếng pháo dồn dập của các khẩu đội khác trong đại đội cùng hiệp đồng tác chiến. Trong trận chiến đấu này, đại đội 2 đã bắn rơi hai máy bay Mỹ, trong đó tiểu đội 1 của Chiến đã lập công trận đầu bắn rơi một chiếc máy bay A4.

Đêm hôm đó,Trung đoàn đã thưởng cho đơn vị một con bò để ăn mừng chiến thắng. Không ai bảo ai, mọi người cùng hát vang bài ca truyền thống: “Từ thành Vinh, Đô Lương, cầu Cấm/ Sân bay còn ghi đậm chiến công/ Nơi đây sông Gianh đoàn pháo ta anh dũng kiên cường/ Phà đêm đêm vẫn vượt đưa xe tới tiền phương/ Đẹp bao tấm gương kiên cường trên tuyến lửa/ Đẹp như Nguyễn Sĩ Hùng, như anh Mão, anh Long/ Bám trận địa đến cùng đánh quân thù khiếp sợ/ Long Đại đây C10 rạng rỡ bao chiến công/ trên quê hương ấp ủ trong lòng/ Mối tình dân đẹp như ánh trăng rằm…” (Nguyễn Sĩ Hùng, Nguyễn Viết Mão, Hồ Thăng Long là chiến sĩ của Trung đoàn pháo cao xạ 214, được Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân” - năm 1972). Với Chiến, đây là trận đầu khẩu đội anh bắn rơi máy bay Mỹ nên anh vô cùng sung sướng và lần đầu tiên anh nhìn thấy máy bay rơi trên bầu trời quê hương. Anh thầm nghĩ: chiến công này chắc làm vui lòng linh hồn người cha ở nơi chín suối…Anh cầm bút viết vội những dòng tâm huyết gửi về cho mẹ báo tin vui: “Mẹ kính yêu! Hôm nay giặc Mỹ đưa máy bay ném bom đánh phá ở thành phố Vinh, làm chết bao nhiêu người dân vô tội, chúng muốn phá hủy cả nhà máy điện, phà Bến Thủy hòng làm lung lay ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của nhân dân ta. Với ý chí quyết tâm sắt đá “không có gì quý hơn độc lập tự do”, đơn vị chúng con đã bắn rơi 2 chiếc máy bay Mỹ. Chắc ở quê nhà, mẹ và em cũng biết tin vui của chúng con. Mẹ ơi, đêm nào máy bay cũng lượn vòng dòm ngó, quần thảo trên bầu trời thành phố, chúng thả pháo sáng để soi từng đoàn xe vào tiền tuyến, nhưng không thể soi được tâm hồn của những người lính chúng con đang dồn căm thù lên nòng pháo chờ giặc đến…”. Trong bức thư gửi người yêu, Chiến thả mình nhẹ nhàng, sâu lắng và kín đáo: “Hoa em yêu! Khi biết yêu em, anh đã phải ra trận và niềm vui cứ thế được nhân lên, anh của em ngày xưa bây giờ là một pháo thủ cừ khôi, vừa rồi đơn vị anh lập công xuất sắc bắn rơi hai chiếc quạ đen – A4 của Mỹ. Nếu như lúc ấy có em bên cạnh thì niềm vui càng vỡ òa bất tận. Hoa em yêu quý! Anh mong sau này đất nước thống nhất, Nam – Bắc sum họp một nhà, anh sẽ làm chiếc lược bằng mảnh xác máy bay để tặng em. Ngày đó sẽ không xa…hôn em nhiều”.

Một buổi sáng mùa Đông 1967, gió mùa Đông - Bắc tràn về, nhiều đám mây đen kéo theo những cơn mưa phùn lạnh buốt. Nòng pháo cũng lạnh như lòng chiến sĩ.Từ trong những đám mây đen xuất hiện 3 chiếc máy bay F105 (mệnh danh là thần sấm Mỹ).Chúng không lượn vòng như mọi ngày mà bất ngờ trút bom ầm ầm xuống cầu Bến Thủy.Toàn đơn vị đã nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu, pháo ngẩng cao nòng nhả đạn vào mục tiêu máy bay ở hướng dãy núi Hồng Lĩnh đến. Bổng có một chiếc máy bay từ hướng Hưng Nguyên dội hàng loạt bom trúng trận địa của Chiến. Một quả bom nổ bên cạnh công sự đã làm Chiến và hai chiến sĩ khác bị thương nặng.Chiến bị một mảnh bom trúng gần ngực và ngất đi.Chiến gục xuống khi trên tay còn ôm vòng quay của khẩu pháo, máu ướt đẫm ngực áo. Y tá đơn vị đến băng bó vết thương cho anh nhưng Chiến đã không qua khỏi. Trước lúc hy sinh, Chiến gượng dậy, cố gắng hết sức mình lấy trong túi áo ra tờ tiền một hào (mệnh giá tại thời điểm đó). Tay anh nắm chặt tay anh Thắng - Tiểu đội trưởng và nghẹn ngào nói: “… Em không thể tiếp tục sống, chiến đấu cùng anh và đơn vị nữa, em còn nhớ chưa đóng tiền Đoàn phí tháng này. Nhờ anh nộp hộ cho chi đoàn…”. Nói dứt lời, Chiến gục xuống trên tay người đồng đội. Hào đoàn phí trên tay hai người cùng với dòng máu của những người con trên quê hương Xô Viết anh hùng đã hóa vào Núi Quyết, sông Lam để tạc nên tượng đài thế kỷ. Chiến đã hy sinh khi mới tròn tuổi đôi mươi và 2 năm tuổi quân. Tinh thần chiến đấu, gan dạ, hy sinh anh dũng của của hạ sĩ Nguyễn Trung Chiến, người bí thư chi đoàn là tấm gương cho toàn Trung đoàn noi gương, học tập.

Thế là chiếc lược làm bằng xác máy bay giặc Mỹ không thể đến được với Hoa, người yêu hằng ngày đêm mòn mỏi đợi chờ. Nén mọi đau thương, cuối năm đó, Hoa đã gia nhập vào Tổng đội Thanh niên xung phong - đường Trường Sơn huyền thoại để viết tiếp truyền thống cha, anh trên tuyến đầu chống Mỹ.

None

Anh Tuấn - Duy Hiếu

Tin liên quan

Tin mới nhất

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

“Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật” là một hội thảo ý nghĩa được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), giúp lan tỏa những giá trị của Điện Biên Phủ trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Đồng thời, thúc đẩy sự thăng hoa, bền bỉ, nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo cho các văn ng

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

Trong khuôn khổ chương trình “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”, đoàn đại biểu là các văn nghệ sĩ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có dịp đến thăm và tặng quà cho học sinh Trường Tiểu học Him Lam, đồng thời phát động cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Hoan Hô chiến sỹ Điện Biên”. Sự kiện do Thời báo Văn học nghệ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điệ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Tết, dẫu ngày thường không hay rượu thì, chí ít mỗi người dù già trẻ, gái trai, đều có thể nâng một ly rượu thơm nồng mừng xuân, mừng năm mới. Người ta nói đến “văn hóa rượu”, vì rượu là một trong những phát minh quan trọng của loài người (nhiều ý kiến còn cho là sau việc phát minh ra lửa!?). Muốn cảm nhận được cái nhã thú của văn hóa rượu, thiết nghĩ có một cách, hãy tìm đ