Truyện ngắn "Một đêm chiến tranh"

(Arttimes) - Năm ấy tôi 20 tuổi, hai năm đời lính, quân hàm binh nhất và liền hai mùa khô cắm chốt ở trọng điểm đèo Ba Cô trên đường vào Cánh đồng Chum. Đến mùa mưa, binh trạm tạm ngưng vận chuyển, đơn vị chúng tôi được lệnh rút về hậu phương để “củng cố lại sức chiến đấu". Thế là lính tráng lôi thôi lếch thếch kéo nhau về một thị trấn nhỏ biên giới, dựng lều dựng lán đóng quân ở đây.

Truyện ngắn "Một đêm chiến tranh" - 1

Minh họa NSND Lê Huy Quang

Rồi thằng được đi phép, thằng đi nhận vũ khí mới, thằng đi học sỹ quan… tưng bừng náo nhiệt. Riêng tôi thì được về quê lấy vợ, lấy một người con gái xinh xắn ở làng bên, bố làm nghề hoạn lợn tên là Niềm!

Nghe tôi về lấy vợ, anh em trong đơn vị cứ như khắp lượt sắp được làm chú rể, thằng nào cũng tay bắt mặt mừng với tôi.

Nói thật bao ngày tháng rồi, chỉ nhõn biết bom đạn chiến trường, tuổi mới lớn có thằng nào không có lúc tơ tưởng đến yêu đương này nọ. Mà có đàn bà con gái nào giữa mặt trận xa xôi ác liệt này đâu.Thế là chỉ kháo chuyện nhau, người có vợ truyền kinh nghiệm cho thằng còn trai tân, cứ râm ran râm ran những lúc rỗi rãi.

Thật lòng ai cũng mong đến ngày ấy để thử xem nó thế nào. Mà ngày ấy thì chỉ có thể là ở ngày tân hôn chứ còn là ngày nào nữa, và tìm ở đâu nữa. Và giờ thì tôi sắp đến ngày ấy, sắp được biết mùi đời! Phải nói là mừng húm!

Hết một ngày một đêm đi xe rồi đi tàu, tôi về đến làng. Chửa kịp mừng thì đã nghe mẹ tôi khóc thút thít: "Nhà người ta trả lại giầu cau ăn hỏi rồi con ạ”. Bố tôi thì đứng giữa nhà, mắt long lên đầy uất ức. Tiên sư bố nhà chúng nó chứ, đúng là lũ hoạn lợn! Ăn giầu ăn cau nhà người ta rồi, sát đến ngày cưới rồi mà còn giở mặt, hỏi có còn là giống người nữa hay không?”.

Rít một điếu thuốc lào sòng sọc, phả khói lên nghi ngút, bố tôi cầm cái se điếu di di: “Mẹ nó, chẳng qua là nó có thằng chú ở tỉnh, xin cho cháu gái được đi học kỹ thuật ở Liên Xô nên nó mới dám lật mặt như thế! Được, để rồi ông xem cái lũ chúng mày tương lai tiền đồ thế nào, còn con ông không lấy chúng mày cũng khắc có khối đứa khác”.

Nói rồi bố tôi giục mẹ tôi thử xem trong làng trong xóm còn cô nào nữa không, tôi nghe thấy thế vội gạt ngay đi: “Thôi bố mẹ ạ, việc chẳng thành thì thôi, con mới ngoài 20 tuổi, tháng năm còn dài, không năm này thì để sang năm cũng được, đợt này con chỉ được về phép ít ngày, giờ mẹ có chấm được cô nào thì cũng chẳng còn thời gian mà cưới xin gì đâu…”.

Cũng vì nhà kia lật lọng, không được dự đám cưới thằng cháu đích tôn mà bà nội tôi đột ngột ngã bệnh, mồm miệng méo xệch, cấm khẩu mất mấy ngày, tưởng phải khiêng ra đồng. Thương bà, ba ngày phép tôi chẳng đi đâu, chẳng gặp đám bạn nào, cứ loanh quanh bên giường bệnh của bà, phụ giúp thuốc men chăm sóc cho bà, mãi cho đến sát ngày đi mới nháo nhào khoác ba lô chạy một mạch ra đường quốc lộ, vẫy xe tải năn nỉ bác tài xin đi nhờ để lên Hà Nội xuôi tàu về đơn vị.

 

Thế mà vận đen vẫn chưa buông tha. Có lẽ do vội vàng, luýnh quýnh, lại thêm trời Hà Nội ngày ấy chiến tranh nhập nhoạng ánh đèn, hầm hố lại đào dọc đào ngang trên những con phố, nên đang bước thấp bước cao, tôi bị sụt xuống một cái hố, cổ chân bị ngoẹo sang một bên đau nhói lên tận óc. May thay lúc ấy có một bác lớn tuổi sà ngay đến, xốc nách tôi lên: "Đi đâu mà vội vội vàng vàng sa xuống hố thế này”.

Tôi giả nhời bác rằng: "Cháu là bộ đội, đang vội ra ga để kịp giờ tàu về đơn vị bác ạ”. Ông nhìn tôi mũ mãng quân phục chỉnh tề nên cảm thông: “Vậy thì lên đây”, rồi dìu tôi ra chiếc xe xích lô kề bên, đỡ tôi lên xe. Hóa ra ông là một người đạp xích lô. Ông nhảy phắt lên yên, ngoáy mông đạp xe như bay về phía nhà ga. Rồi ông phanh kít xe một cái, nhảy phắt xuống đỡ tôi vào phòng đợi, tìm một chỗ ghế trống dìu tôi tới ngồi.

Ông bảo: "Thấy chú là bộ đội nên tôi giúp thôi, rồi đi đâu về đâu thì cứ nói với bà con ở đây họ giúp cho nhé”. Dường như vẫn chưa thấy yên tâm, ông đập đập tay người phụ nữ ngồi bên cạnh tôi gửi gắm: “Chú bộ đội này bị hụt chân xuống hố, sái cả cổ chân rồi, các bác về đâu thì giúp chú ấy mua vé, với lại dìu chú ấy lên tàu với nhé”. Nói rồi ông hối hả đi ngay ra cửa, chẳng kịp cho tôi trả tiền hay cảm ơn một câu…

“Thế chú đi đâu?” - Người đàn bà ngồi bên cạnh tôi hỏi. Nói thật lúc ấy cổ chân tôi đang sưng tấy lên, hết sức nhức nhối, làm tôi đang rất phân vân, chưa biết đi đâu về đâu cả:

- Em giả phép về đơn vị. Nhưng chân đang đau quá.

Chị nhìn xuống cổ chân tôi, thốt lên: “Chết thật, sưng to thế này à? Để tôi xem thế nào”. Chị nâng chân tôi lên, ngắm nghía một hồi rồi nói: “Có lẽ bong gân nặng. Phải băng cố định lại chú ạ”. Chị đặt chân tôi gác lên đùi chị, rồi lấy cuốn băng trong chiếc túi mang bên mình, quấn chặt lấy cổ chân tôi. Chị làm thuần thục làm tôi hết sức ngạc nhiên:

- Chị làm ngành y à? - Tôi hỏi chị.

- Không, hồi ở đội dân quân xã, ai cũng phải học cứu thương để lỡ có chuyện gì trong chiến đấu phải cứu chữa cho nhau. Chân chú thế này, làm sao mà đi đâu được. Giá như ở làng chị thì có ông lang Vượng, ông ấy bó thuốc cho chỉ mấy ngày là khỏi. Ông ấy tài lắm.

- Thế làng chị ở đâu ạ…

- Làng Trung mãi tận trong Thanh kia...

- Ồ, thế chị đi đâu đây?

- Tôi ra Hà Nội dự một lớp tập huấn cán bộ, bây giờ trở về nhà…

Buộc chặt băng cho tôi rồi, chị nhẹ nhàng đặt chân tôi xuống ghế:

- Chú muốn mau khỏi thì phải bất động một thời gian nhé…

Chị nói làm tôi phát hoảng, vì tôi còn phải về đơn vị, phải đi lại, chứ đâu ngồi mãi một chỗ ở nhà ga này…

Đoán được lo âu của tôi, chị hỏi:

- Thế đơn vị chú ở mãi đâu?

- Tận bên Lào chị ạ. Em phải đi vào ga Si, Nghệ An, rồi còn đi thêm 200 cây số nữa…

- Ồ, tôi biết rồi – Chị chép miệng - Mà chân cẳng thế này thì đi làm sao…

Lúc này đã tối. Phòng chờ của nhà ga đèn đỏ quạch, bốn góc tường nhân viên phải treo thêm bốn cái đèn bão. Nhốn nháo đủ loại người, đứng có, ngồi có, lại có cả người trải nilon nơi góc tường nằm ngáy ầm ầm. Tiếng gọi nhau, tiếng quát tháo, lại tiếng gà tiếng vịt quang quác làm nên một âm thanh hết sức hỗn tạp và ồn ào. Tôi thì ngồi lặng im một góc, lo âu bởi không biết nên thế nào, không biết đi đâu, về đâu. Có lúc nghĩ hay quay về nhà, đơn vị có khiển trách kỷ luật gì cũng thây kệ, vì chân sưng to thế này thì đi đứng ra sao…

- Thôi thế này vậy, chú thử xem sao nhé. Đằng nào chú cũng phải trở về đơn vị gấp. Trên đường về đơn vị, chú cứ về làng tôi, rồi tôi nhờ ông lang Vượng sang bó lá cho chú. Đằng nào chị em mình cũng đi chung một chuyến tàu…

Nhìn vào ánh mắt trìu mến của chị, tôi thấy khá yên lòng. Hơn nữa với tình cảnh của tôi lúc này, thì còn có thể có cách nào khác hơn…

Nhưng dù vậy tôi vẫn ngần ngại:

- Em chỉ sợ phiền chị thôi.…

Chị cầm lấy tay tôi:

- Có gì đâu chú. Làng tôi đêm nào cũng rầm rập bộ đội đi qua, hành quân vào mặt trận. Có cơm ăn cơm, có nước uống nước, bà con trong làng ai cũng hết lòng chăm sóc bộ đội, ai cũng hết lòng với tiền phương... Kể như chú bị thương trên đường ra trận mà làng xóm tôi có nghĩa vụ phải hết lòng chăm sóc.

Tôi siết bàn tay chị, xúc động lạ thường:

- Vâng. Trăm sự em nhờ chị…

*

Ngôi nhà của chị là một nếp nhà ngói ba gian cũ kỹ, rêu đã phủ xanh mờ trên những bức tường. Chị tên là Thảo, ở cùng một bà mẹ già đã hơn 70 tuổi, như một chiếc lá khô sắp rụng, suốt ngày đêm chỉ quanh quẩn trong buồng, tai lại điếc nặng, nên mọi việc cơm nước chị phải chăm sóc bà tận giường. Trước đây chị bảo những việc này có cô con gái phụ chị, nhưng giờ em nó đang đi học lớp thủy lợi trên tỉnh, chủ nhật mới về thăm nhà. Còn như chồng chị thì cũng là bộ đội, đã đi mặt trận nhiều năm nay. Thi thoảng chị cũng được gặp anh ấy, nhưng chỉ gặp trong những giấc mơ…

Ngay buổi sáng hai chị em từ ga về nhà, sắp xếp nơi nghỉ cho tôi xong, chị đạp vội xe đi, một lát sau chở về một ông già người nhỏ thó, cặp mắt rất tinh ranh nhưng chữa bệnh lại cứ nghe bằng tai. Đó là ông lang Vượng. Ông cầm lấy cổ chân tôi đã sưng phù, đặt sát tai vào nghe, rồi nhìn chị Thảo lắc đầu: “Chết chết, chân với tay thế này thì làm sao mà chú có thể trèo đèo lội suối được. May mà chú gặp tôi đấy. Nhưng chí ít cũng phải năm ba ngày may ra mới nhúc nhích được".

Nói đến đấy ông giật cổ chân tôi đến rụp một cái, khiến tôi buốt lên tới đỉnh đầu, rồi lấy nắm lá mang theo bên người, bảo chị Thảo xuống bếp hơ hơ lên ngọn lửa rơm, rồi đưa lên để ông đắp vào chân cho tôi, lại lấy tấm băng cũ buộc chặt lại.

Hớp ngụm nước chị Thảo đưa, ông phán một câu xanh rờn: “Thế là ổn rồi đấy, ba ngày nữa đi lại được. Nhưng từ nay đến hôm ấy chú cứ phải ngồi im bất động trên giường, ngứa ngáy chân tay mà nhúc nhích thì có mồng thất mới khỏi”.

Mắt chị Thảo sáng lên hy vọng là tôi sẽ sớm khỏi. Còn tôi thì ngoan ngoãn vâng ạ theo lời ông dặn, nhưng trong bụng cũng nửa mừng nửa lo. Mừng vì ba ngày nữa mình có thể trở về đơn vị, mà lo vì phải bất động trên giường thì việc ăn uống, rồi đi vệ sinh thế nào. Không nhẽ bất cứ việc gì cũng lại phải phiền chị Thảo?

- Chú cứ yên tâm, chú cứ coi nhà chị đây như cái trạm xá, mà chú là thương bệnh binh - Chị Thảo động viên tôi.

Tôi cũng lại chỉ biết vâng ạ ngoan ngoãn. Còn ông lang Vượng thì chào chị Thảo ra về khiến tôi giật mình: "Tôi về bà Chủ tịch nhé”.

- Ồ, chị là Chủ tịch xã à? - Tôi tròn xoe mắt nhìn chị. Chị nở một nụ cười dịu dàng:

- Đàn ông đàn ang đều đi mặt trận hết, mọi việc ở nhà phụ nữ các chị phải gánh vác thôi em...

Rồi chị nói thêm:

- Em cứ yên tâm chữa bệnh, thật khỏe rồi hãy đi. Chiều nay chị lên Ủy ban xã làm cho cái giấy xác nhận em bị thương, phải ở lại quê chị điều dưỡng nên có thể về trả phép muộn.

Tôi thở phào sung sướng:

- Thế thì cảm ơn chị quá. Mọi lo âu của em tan biến rồi… Em chỉ lo không có gì xác thực, về đơn vị trả muộn phép sẽ bị kỷ luật…

Chị đạp xe đi làm, còn mình tôi ở nhà. Cứ nằm nghĩ quẩn nghĩ quanh bao điều. Nhất là vì sao lúc tai bay vạ gió, lúc hết sức đen đủi này lại được gặp chị... Cho đến chiều chị về, đưa cho tôi tờ xác thực của Ủy ban xã. Tôi mừng quá, ôm chầm lấy chị, không ngớt nói lời cảm ơn chị. Chị ơi, sao chị tốt thế. Sao đời em lại được gặp chị may mắn thế? Thấy tôi quá xúc động, chị cũng cứ để yên trong vòng tay tôi như vậy. Một hồi lâu chị mới gỡ tay tôi ra, nói rằng chị đi nấu cơm nhé…

*

Bữa cơm chiều ấy thật ngon lành, dù cũng chỉ rau dưa. Ăn xong, chị bảo tôi đi nghỉ sớm đi, vì ban tối ở đây lệnh phòng không không cho thắp đèn, lỡ máy bay trên trời nó phát hiện hay pháo của nó từ ngoài khơi bắn vào. Còn chị thì vào đút cơm cho mẹ ăn, rồi đi rửa chén bát, dọn nhà, cho mãi tới tận khuya lại xuống bếp. Chị gọi tôi xuống cùng nướng khoai với chị cho vui. Sau một ngày nhọc mệt, có lẽ đây là khoảng thời gian thư thái của chị…

Thế là đêm ấy, dưới bếp lửa, hai chị em ngồi tâm tình. Chị thì nướng khoai, còn tôi thì cứ ngồi bên chị, hết nhìn bếp lửa rồi lại nhìn gương mặt chị, một gương mặt có đuôi mắt rất nhiều chân chim, nhưng riêng nụ cười thì niềm nở, tươi tắn. Chẳng hiểu sao tôi lại vui miệng kể chị nghe chuyện đợt rồi về quê lấy vợ hụt của tôi. Chị bỗng phá lên cười khi nghe đến đoạn bố tôi giục mẹ tôi đi tìm ngay một cô gái khác trong làng làm đám cưới gấp.. .

Rồi tôi lại kể chị nghe chuyện đơn vị tôi có mấy thằng lính cũng sàn sàn tuổi tôi, đợt này đều được đơn vị cho về lấy vợ. Là bởi tiểu đoàn tôi có ông tiểu đoàn trưởng hay lắm, tên là Lý Đa Sự, cứ biết thằng lính nào trong đơn vị thuộc diện con một hay độc đinh là ông ấy hỏi mày có muốn về lấy vợ không, và xua về cho đi lấy vợ.

"Chiến tranh còn dài lắm, còn ác liệt lắm, để bố mẹ chúng mày yên tâm mà cho con cái tiếp tục lên đường chiến đấu chứ!”. Nghe thế, chị Thảo bỗng thốt lên: "Cái ông này hay thật. Tâm lý thế thì rất nên cho làm thủ trưởng”.  Một lúc sau chị nói thêm: "Anh nhà chị ngày trước cũng tâm lý với chiến sỹ lắm. Chính vì thế cho nên một lần dẫn quân đi đánh một cao điểm, anh ấy xung phong vào đội cảm tử thay chân một chiến sỹ khác là con một, và rồi được mấy trận thì anh ấy hy sinh…”.

Tôi sững sờ nhìn chị, thế có nghĩa là anh ấy, chồng chị đã hy sinh rồi. Ánh lửa hắt lên mắt chị ngân ngấn nước. Bao nhiêu năm rồi hả chị? Tôi hỏi - Cũng hơn 5 năm rồi em ạ. Cái người lính được chồng chị trám vào đội cảm tử thay, sau này đã tìm về tận làng này, xin thay anh ấy chăm sóc mẹ con chị. Nhưng chị cắn răng từ chối, nói rằng mẹ chồng chị đã già, nếu biết chuyện anh ấy không còn nữa bà sẽ chết mất, cho nên xin anh đừng nói cho ai biết, và cũng xin anh ấy cho chị được sống vậy nuôi mẹ chồng, nuôi con… Sau đó anh ấy lại đi vào mặt trận, và nghe nói sau rồi cũng hy sinh…

Tôi cầm lấy tay chị: "Thế hơn 10 năm nay, chị chỉ ôm gối ngủ một mình thôi à, không lúc nào chị thấy tủi thân à?". Chị nhìn vào bếp lửa đang âm ỉ: “Có chứ em. Chị cũng như mọi người đàn bà khác. Cũng có lúc… Nhưng"... Chị gạt dòng nước mắt tứa ra từ lúc nào. Rồi lấy que cời lại gẩy gẩy vào bếp lửa, như để ngọn lửa bùng cao thêm, như để không gian ấm áp hơn…

Rồi chị khẽ khàng:

- Nói thật đến bây giờ, chị chỉ còn khao khát ít năm nữa con gái chị nó trưởng thành, dựng vợ gả chồng cho nó, rồi nó đẻ cho chị một đàn cháu. Chị cũng lớn tuổi rồi…

- Không chị ạ - Một sự xúc động dâng trào làm tôi siết lấy bàn tay chị- Em nói thật nhé, em thấy chị vẫn trẻ lắm, vẫn đẹp lắm.

Tôi nhìn đăm đắm vào mắt chị:

- Cũng có lúc chị phải sống cho chị chị ạ. Có thể em được gặp chị là một cái duyên, bây giờ chị muốn gì, khao khát gì, em cũng sẵn sàng chiều lòng chị… Em sẽ chiều chị, như chị đã chiều em…

Tôi kéo chị sát vào người, nghe ngực chị phập phồng, nghe hơi thở chị gấp gáp, có lẽ chị cũng đang xúc động mạnh mẽ:

- Em cũng chưa bao giờ biết phụ nữ chị ạ... Chỉ nghe các anh ấy kháo nhau thôi. Đây chính là lần đầu của em...

Trong ánh lửa than mờ ảo nhưng nóng bỏng, tôi ôm ghì lấy chị, và ngả xuống ổ rơm ngay bên. Như trong tôi cũng trào lên ngọn lửa, tôi tìm môi chị và hôn ngấu nghiến. Đang tê mê thế mà bất chợt chị đẩy tôi ra. "Đừng, đừng em…”.  Chị hốt hoảng nói, rồi vùng dậy chạy ra cửa. Tôi phát hoảng, sợ chị chạy lên nhà hay đi đâu mất. Nhưng may thay đến cửa, chị bỗng quay lại nhìn tôi. Có lẽ ánh mắt như thèm muốn, như năn nỉ của tôi đã làm chị thương cảm, chị cứ đứng hồi lâu nơi cánh cửa...

Rồi tay chị run run cài then cửa, miệng thổi tắt ngọn đèn dầu, và rồi quay lại… Tôi kéo tay chị, ghì chị xuống ổ rơm, run rẩy cởi khuy áo ngực chị, nút vô hồi đầu vú của chị. “Em, em ơi…” - Chị rên khe khẽ… Thực sự tôi chưa biết chị bao tuổi, nhưng bầu vú chị vẫn căng tràn, tôi áp mặt vào như một đứa trẻ con nút lấy nút để, trong khi chị cứ như mê đi trong sự táo tợn và mãnh liệt của tôi…

*

Sáng hôm sau, khi tôi tỉnh dậy, chị đã đi làm tự lúc nào, chỉ thấy trên bàn có một đĩa khoai luộc dành cho tôi ăn sáng… Buổi sáng thật thanh bình, ngoài vườn có tiếng chim kêu và bóng lá rập rờn vào tận cửa sổ. Tôi vẫn còn bổi hổi vì đêm qua, bổi hổi vì chị, và bổi hổi về chuyện ấy mà lần đầu trong cuộc đời tôi được biết…

Đang miên man nghĩ, bất chợt có tiếng e hèm, ông lang Vượng với nắm lá bước vào. Cởi băng chân tôi ra, lại còn cẩn thận lấy tai nghe ngóng hồi lâu, ông hết sức ngạc nhiên vì chỗ phồng rộp đã xẹp xuống, tay ông nắn nắn mà cũng chẳng thấy tôi kêu đau. “Sao mà rút nhanh thế nhỉ? Cứ như có thuốc tiên ấy…”. Tôi thưa với ông: "Chiều qua cháu còn thấy đau nhức, nhưng đến đêm thì dịu hẳn ông ạ…”.

"Nói thật chứ hôm qua khám cho cậu, tôi cứ tưởng cậu bị gãy xương mác, vã hết cả mồ hôi, đã định bảo cô Thảo cáng cậu lên bệnh viện tỉnh bó bột. Ai dè hôm nay đã rút hết, thánh thật! Nhưng dù vậy thì hôm nay cũng phải bó thêm nắm lá này, theo đà này thì chỉ ngày mai cậu đi lại được”.

Ông hoan hỷ xuống bếp, hơ nắm lá lên lửa, rồi lại lên bó lại cho tôi. Nói thật thì cho đến lúc này tôi chẳng còn đau nhức gì nữa, và chỉ muốn nhảy phóc xuống giường, đi tìm chị Thảo, báo tin cho chị rằng chân tôi đã khỏi, đã đi lại được, và xin phép chị cho trở về đơn vị ngay thôi…

Chiều chị về, thấy chân tôi gần như đã khỏi, chị mừng lắm. Nhưng nghe tôi nói tôi muốn trở về đơn vị ngay, không thì đơn vị, anh em đợi chờ, chị có phần sững lại, nhìn đăm đắm vào mắt tôi hồi lâu, như muốn nói với tôi một điều gì đó, nhưng chị kìm lại. Một lát sau mới khẽ khàng:

- Đúng là vì nhiệm vụ, em phải đi thôi…

Rồi chị hối hả đi nấu cơm, giã cối vừng cho tôi ăn, rồi lấy xe chở tôi ra ga. Vì sẩm tối sẽ có tàu đi vào Vinh, và nếu kịp chuyến tàu ấy thì chiều mai tôi có thể có mặt ở đơn vị…

Ở sân ga trước khi lên tàu, tôi nói với chị:

- Em rất cảm ơn chị những ngày qua đã hết lòng chăm sóc cho em, đã xua đi giúp em bao nhiêu đen đủi nhằng nhẵng theo em bao ngày. Và nhất là chị đã tạo điều kiện cho em sớm trở lại đơn vị, mặt trận... Sau này hết giặc, nếu còn sống trở về, thế nào em cũng về thăm chị, thăm xóm làng quê hương…

Chị cầm tay tôi:

- Đừng nói gở thế em. Thể nào em cũng sẽ trở về. Chúc em đi chân cứng đá mềm em nhé...

Một dòng nước mắt lại lăn trên gò má chị. Tôi xúc động quá, muốn ôm choàng lấy chị, nhưng chung quanh còn có biết bao nhiêu người… Tôi lên tàu. Chị nhìn theo từng bước tôi đi, bàn chân đã vững chãi rồi. Chị ơi, không chỉ bởi thuốc của thầy lang Vượng, mà còn chính bởi tình cảm của chị, bởi chính ngọn lửa bếp đêm qua, bởi chính sức sống của chị đã giúp em mau khỏi, đã giúp em có thể có những bước đi vững vàng hôm nay…

Lên tàu rồi, ngoái nhìn ra cửa, vẫn thấy chị đứng lặng nhìn theo. Tôi biết ít nhất đời chị đã có hai lần tiễn đưa người thân ra trận. Và cả hai anh ấy đều đã không trở về… Chiến tranh đúng là mấy người đi mà đã trở lại! Có thể kể cả tôi – người mà chị đưa tiễn hôm nay - rồi cũng sẽ không có ngày trở lại! Cũng có lẽ vì thế chăng, mà chị đã dành cho tôi tất cả, nhất là đêm qua, cho tôi biết thế nào là thịt da người phụ nữ, thế nào là hương vị cuộc đời, để rồi truyền cho tôi không chỉ tình cảm mà cả nhựa sống để tôi có thể sớm hồi phục như hôm nay…

Hậu phương thân yêu những năm chiến tranh là thế… Đã dành tất cả cho những người lính chúng tôi ra trận, đã không từ chối người lính bất cứ điều gì… Rồi suốt cuộc đời sẽ không bao giờ tôi quên chị, sẽ không bao giờ tôi quên hậu phương ấm áp này… 

Theo Thời báo Văn học Nghệ thuật số 17/2021

None

Châu la Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất