Văn hóa đại chúng - văn học đại chúng và thái độ của chúng ta

Văn hóa đại chúng từng được hiểu như là những sản phẩm văn hóa được sản xuất ra trên nền tảng thương mại, với đối tượng sử dụng là số đông dân cư không phân biệt địa vị xã hội, giới tính, tuổi tác, quốc tịch, quan điểm chính trị. Văn hóa đại chúng cần đáp ứng hai tiêu chí căn bản: hiệu quả tiêu thụ sản phẩm văn hóa và thị hiếu của đại chúng toàn cầu (vì văn hóa đại chúng là một bước chuẩn bị cho việc thế giới sẽ tiếp nhận một nền v

Có phải chúng ta đang sống trong khí quyển của văn hóa - văn học đại chúng? 

Khái niệm văn hóa đại chúng (Popular Culture), như một thực thể, theo giới nghiên cứu, xuất hiện cách đây vài trăm năm trước ở phương Tây. Văn hóa đại chúng từng được hiểu như là những sản phẩm văn hóa được sản xuất ra trên nền tảng thương mại, với đối tượng sử dụng là số đông dân cư không phân biệt địa vị xã hội, giới tính, tuổi tác, quốc tịch, quan điểm chính trị. Văn hóa đại chúng cần đáp ứng hai tiêu chí căn bản: hiệu quả tiêu thụ sản phẩm văn hóa và thị hiếu của đại chúng toàn cầu (vì văn hóa đại chúng là một bước chuẩn bị cho việc thế giới sẽ tiếp nhận một nền văn hóa toàn cầu có tính lý tưởng, như khi đại thi hào Đức W.Goethe, ngay từ thế kỷ XIX đã từng nói về một “nền văn học thế giới”).

Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc trong công trình đồ sộ Lãng du trong văn hóa Việt Nam (1047 trang, NXB Thanh niên, 2007), đã khẳng định: “Vào thế kỷ 21, một nền văn minh thế giới mới sẽ xuất hiện với hiện tượng tòan cầu hóa ”(globalization). Các quốc gia hòa nhập vào trong một cộng đồng người đọc đánh dấu bởi một “nền kinh tế toàn cầu không biên giới” bị thúc đẩy bởi những tiến bộ không ngừng của công nghệ tin học, giao tiếp, giao thông (...). Sự phát triển bùng nổ của trao đổi quốc tế về người và hàng hóa cùng thông tin vô tuyến đương nhanh chóng tạo ra một nền văn hoá toàn cầu và một ý thức chung cho cả trái đất”. Văn hóa đại chúng đã kích cầu ngành công nhiệp văn hóa tăng trưởng, trong đó có công nghiệp du lịch. Cũng trong cuốn sách chúng tôi vừa dẫn trên, tác giả đã bàn đến “Du lịch văn hóa” và “ Mặt trái của du lịch đại chúng” (trang 184, 211). Nghĩa là cái nhìn biện chứng đã giúp tác giả nhìn ra/rõ hai mặt của một vấn đề.

Văn học đại chúng (Popular Literature), còn được gọi là văn học giải trí, văn học bình dân, hoặc văn học thị trường. Văn học đại chúng có các đặc điểm sau: tính phổ thông/ phổ cập (có nhiều người đọc); thỏa mãn nhu cầu của công chúng về thời gian, tiền bạc và thị hiếu; được sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ truyền thông và hướng tới mục đích/ chức năng giải trí rõ ràng. Văn học đại chúng có thể hiểu là một hiện tượng văn hoá nổi lên trong điều kiện xã hội đang vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường (định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay như một đặc trưng riêng có), song song với quá tình công nghiệp hóa, đô thị hoá, đặc biệt trong quá trình dân chủ hóa.

Chúng ta thường cực đoan hay đổ lỗi cho cơ chế thị trường khi làm hỏng việc. Người Mỹ cũng làm phim thị trường nhưng vì sao vẫn tinh hoa, vì sao vẫn đại chúng. Thiên hạ giỏi cần học hỏi mới là người cầu thị. Tuy nhiên sự phân cực (có tinh cực đoan) về văn học đại chúng và văn học tinh hoa là không có cơ sở. Đại thi hào Nguyễn Du viết kiệt tác Truyện Kiều (như là “linh kinh của người Việt”, nghĩa là nó báo trước đường đi nước bước cho mọi người trong cuộc đời mình, theo nhận xét của Giáo sư Đặng Thai Mai). Tuyệt phẩm này xếp vào “ô” đại chúng hay tinh hoa đều không sai. Như vậy rõ ràng văn hóa - văn học đại chúng xuất hiện và tồn tại như một tất yếu khách quan, thái độ của chúng ta không thể như con cáo trong truyện ngụ ngôn Con cáo và chùm nho của Ezop (nho chín nhưng cứ cho là nho còn xanh)!?

Nhưng theo quan điểm biện chứng, sự vật nào cũng có hai mặt của nó (cả tích cực, cả tiêu cực): văn học đại chúng được sản xuất đại trà (hàng loạt), chú ý đến mục đích giải trí và cố gắng sản xuất ngày càng nhiều sách bán chạy (best-seller), nên không tránh khỏi có sự làm giảm sút trình độ văn hóa của cả người sáng tác và cả người hưởng thụ - công chúng nghệ thuật. Vì thế các khái niệm “tác phẩm đỉnh cao; “để đời”, “ngang tầm thời đại”, “cổ điển”... đều có thể trở nên xa xỉ.

Nhà văn Tô Hoài đã từng nói, viết văn là một nghề (có thể sống bằng nghề này), nên không cần đợi cảm hứng đến mới cầm bút, cứ viết đều mỗi ngày. Còn có một số người thì thần thánh hóa việc viết văn, thậm chí đôi khi phải đốt nén hương khấn vái “báo cáo” với tổ tiên công việc thiêng liêng và có vẻ thần bí của mình.

Nhà văn can dự (tác nghiệp) vào (trong) văn học đại chúng như thế nào?

Từ khi internet vào Việt Nam (từ 1997) thì xuất hiện ngày càng rõ ràng và mạnh mẽ một thực thể văn học mới - văn học mạng (Internet Literature) như là một sản phẩm đặc thù của thời đại công nghệ số. Cóý kiến cho rằng cùng với sự xuất hiện của văn học mạng có thể tạo nên một “cú nhảy đứng” (thậm chí có người cho đó có thể là một cuộc cách mạng nhân sự trong lĩnh vực văn học) về tác giả. Văn học mạng có thể còn có khả năng tái cấu trúc các định nghĩa về những khái niệm cơ bản như: tác giả, tác phẩm, thể loại, cấu trúc, cách viết, cách quảng bá tác phẩm,...

Từ những năm đầu thế kỷ XXI trở đi, ở Việt Nam, trên văn đàn xuất hiện lối tương tác mới giữa người sản xuất và tiêu thụ văn học đại chúng được đánh dấu bằng sự xuất hiện và soán ngôi của các diễn đàn (forum) và sau đó như nấm mọc sau mưa là các trang blog cá nhân cùng các trang văn học điện tử (Evan, Tiền vệ, Talawas, Da Màu, Hợp Lưu, Gió O,....).

Bộ mặt văn học đương đại Việt Nam có vẻ thay đổi khi có liền mấy thế hệ 7X, 8X, 9X làm mưa làm gió, khuấy động văn đàn. Trong lòng văn học mạng (được ví như một đại dương), theo các nhà nghiên cứu, thơ mạng có cơ hội đâm chồi nảy lộc, phát đạt nhất vì phương thức phổ biến đặc dụng của nó nhờ vào các trợ thủ đắc lực là các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Zalo, Istagram, Blog, Website (Việt Nam là một cường quốc nếu tính số người - 70% của 97 triệu dân trong nước - sử dụng internet và mạng xã hội).

Người ta nói cộng đồng mạng là không biên giới, không quốc tịch, không đảng phái. Thơ nảy nở trên một cộng đồng mạng vô biên như thế nhưng trái lại không là điều kiện cần cho sự xuất hiện một “thi nhân mạng” đích thực. Tưởng chừng như thơ mạng có thể “đè bẹp” đối thủ của mình là “văn xuôi mạng” nhưng thực tế cho thấy có sự soán ngôi gần đây.

Cả thơ mạng và văn xuôi mạng (gộp lại trong sinh thể văn học mạng) đều có chung cái căn cước “tự ngã trung tâm” vốn được coi như bảo bối của người trẻ. Người trẻ thích thú, văn học mạng là cơ hội, là “chiến khu”, là vũ đài ngôn từ tha hồ thi thố. Văn học đại chúng với những biệt sắc như đã phân tích ở trên bảo trợ/bảo hiểm cho các thể loại văn học đặc dụng như: truyện hình sự, trinh thám, kinh dị; truyện ngôn tình, sách lãng mạn trữ tình; truyện khoa học viễn tưởng; truyện kiếm hiệp; tự truyện và hồi ký; du ký; đăc biệt là truyện tranh (manga); kịch bản cho phim truyền hình (có hiện tượng các nhà văn luyện công viết thể loại này, như nhà văn Bùi Anh Tấn - tác giả tiểu thuyết và kịch bản phim Một thế giới không có đàn bà - đã viết gần 100 tập kịch bản phim truyền hình).

Tương lai của văn hóa - văn học đại chúng?

Cổ nhân nói “người định không bằng trời định”. Có không ít người nhận xét rằng, văn hóa đại chúng và văn học đại chúng chỉ có tính nhất thời gắn với tư bản, thị trường, công nghệ, số hóa, internet, mạng xã hội,... không phải là căn cơ, sẽ đến lúc văn học trở về điểm xuất phát với phẩm chất “tinh hoa”, “không vụ lợi, với sứ mệnh “giáo hóa”cao cả vốn có của nó. Có người thậm chí còn bảo lưu quan niệm, đại ý, chủ nghĩa tư bản về bản chất thù địch với các giá trị tinh thần, trong đó có thơ ca. Cũng có người thẩm định sản phẩm nghệ thuật, trong đó có văn học, vốn trải qua ba hình thức: vật tế lễ (thời kỳ cổ đại), quà tặng (thời đại phục hưng), cuối cùng là hàng hóa (thời đại tư bản). Nhà mỹ học người Đức thế kỷ XIX Hêghen có nhận định thuyết phục: “Cái gì tồn tại là cái hợp lý”. Chúng ta có thể phụ họa thêm: cái gì có lý cái đó tồn tại.

None

Bùi Linh Cảm

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Sau 8 năm kể từ ngày công diễn vở opera Lá đỏ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trở lại ấn tượng với opera Vầng trăng Him Lam, tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 – 2025.