Văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa

(Arttimes) - Văn hóa là lĩnh vực vô cùng rộng lớn, là hoạt động sáng tạo trong quá khứ và hiện tại liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội cả về vật chất và tinh thần của con người.

Văn hóa hình thành nên hệ thống các gíá trị, truyền thống, thị hiếu, những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc. Văn hóa mang tính nhân văn phổ quát, tính đặc thù của mỗi cộng đồng, bản sắc riêng của từng dân tộc và có tính giai cấp. Sản phẩm văn hóa tạo ra từ năng lực sáng tạo của con người như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”. Ngày nay, muốn có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc phải xây dựng và phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa…

Văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa - 1

Ảnh minh họa. Nguồn Thanhnien.vn

Sáng tạo của quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm, dịch vụ văn hóa

Ở nước ta, các ngành nghệ thuật có sự phát triển khá tốt nhưng do nền kinh tế phát triển chậm, các ngành công nghiệp văn hóa bị lệ thuộc nên chưa định hình, chưa phát triển mạnh mẽ.

Công nghiệp văn hóa là một phần của công nghiệp sáng tạo được hình thành từ sự kết hợp quá trình sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ thuộc về văn hoá, được bảo vệ bởi các quyền sở hữu trí tuệ. Không gian phát triển của công nghiệp văn hóa chính là nền văn hóa - nghệ thuật, song quá trình tạo ra sản phẩm công nghiệp văn hóa không dừng lại ở sự sáng tạo tác phẩm, mà bắt đầu từ quá trình sản xuất, phân phối lưu thông tạo ra nguồn doanh thu, đem lại lợi ích kinh tế - xã hội. Nó phát triển trên nền tảng sử dụng tài năng sáng tạo, kết hợp với kĩ năng kinh doanh để có được các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Công nghiệp văn hóa hội tụ bởi các thành tố: Tài năng sáng tạo; vốn văn hóa; công nghệ, kĩ năng kinh doanh và dịch vụ. Ví dụ: Công nghiệp điện ảnh phải có sự liên kết đồng bộ, chuyên nghiệp giữa đạo diễn, biên kịch, diễn viên, công nghệ tiên tiến và kĩ năng kinh doanh mới xây dựng nên thương hiệu cho bộ phim hay để đến với công chúng. Từ sản xuất đến thị trường bộ phim mới trở thành sản phẩm của công nghiệp điện ảnh.

Phát triển công nghiệp văn hóa là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia. Ở khu vực châu Á điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Tại Nhật Bản, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP (thu hút 5% số lao động) từ những sản phẩm “Made in Japan”. Còn Hàn Quốc đóng góp hơn 6% GDP từ những sản phẩm văn hóa mang nhãn hiệu “Made in Korea”,v.v...

Theo “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (Quyết đinh số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/9/2016) thì mục tiêu đến năm 2020, các ngành công nghiệp văn hóa phải đóng góp khoảng 3% GDP, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Đến năm 2020 một số ngành đạt kết quả đáng mừng về doanh thu: Điện ảnh đạt 150 triệu USD; nghệ thuật biểu diễn đạt 16 triệu USD; mĩ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt 80 triệu USD; quảng cáo, truyền hình đạt 1.500 triệu USD; du lịch văn hóa đạt 180-190 triệu USD,v.v... Có những sản phẩm văn hóa chiếm lĩnh thị trường thu lợi nhuận “khủng” như 29 bộ phim đạt doanh thu 3.475,5 tỉ đồng (151triệu USD) trong đó nổi trội là các bộ phim Hai PhượngBố già, góp phần làm cho doanh thu màn ảnh năm 2019 đạt 4.100 tỉ đồng (178 triệu USD). Bộ phim Bố già đạt doanh thu 420 tỉ đồng trong nước và 1,08 triệu USD ở nước ngoài. Về cơ sở vật chất chỉ có hai không gian văn hóa là Bảo tàng Hồ Chí Minh và phố đi bộ Hồ Gươm được đánh giá ở mức phát huy khá tốt. Kết quả từ công nghiệp văn hóa dóng góp đáng kể vào thu nhập quốc dân: Năm 2015 đạt 2,68 % GDP, năm 2019 đạt 3,42 % GDP,v.v…

Phát triển công nghiệp văn hóa để đạt 7% GDP vào năm 2030

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường quốc dân đi”. Xây dựng để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, góp phần tăng trưởng kinh tế và bảo vệ Tổ quốc, cần đẩy mạnh công nghiệp văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Công nghiệp văn hóa với tư cách là một lĩnh vực công nghiệp, ngành kinh tế đặc biệt, lợi ích là rất rõ nên cần được đầu tư phát triển. Để đạt mục tiêu, Nhà nước phải đột phá về thể chế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, xây dựng các doanh nghiệp và xây dựng đội ngũ doanh nhân văn hóa, hình thành thị trường công nghiệp văn hóa ngang với các ngành chế tạo máy, chế biến thực phẩm, dược phẩm,v.v…

Trong chiến lược này, quan điểm và đường lối của Đảng là nhất quán. Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khóa XI ra Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đề ra cụ thể “Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa”; khẳng định “Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới”. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nêu nhiệm vụ:“Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa”. Đến Đại hội XIII Đảng nhấn mạnh trong Nghị quyết:“Khẩn trương triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam,vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kĩ thuật, công nghệ của thế giới”. Qua đó, biến văn hóa trở thành sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Công nghiệp văn hóa đòi hỏi sự bứt phá trong đổi mới, một sự cải tổ toàn diện để có thể nâng cao hiệu quả và vươn tới các thị trường trong và ngoài nước.

Hiện nay, văn hóa nước nhà có nhiều thế mạnh: Độc đáo, giàu tiềm năng; con người tài năng, sáng tạo; lịch sử có bề dày, thích ứng, đổi mới và Nhà nước rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa. Song, công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều điểm yếu và đứng trước những thách thức như thị trường kém phát triển; hệ thống quản lí và các mô hình đầu tư chưa phù hợp; thiếu hụt và yếu kém về kĩ năng quản lí, kĩ năng chuyên môn; các cơ chế vận hành lỏng lẻo; thiếu sự hợp tác đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị; chưa có những doanh nghiệp văn hóa mạnh; sức tiêu dùng của người dân đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa thường “ưu tiên” dùng hàng “ngoại” nên chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, khiến sản phẩm văn hoá của một số cường quốc xâm lấn thị trường.

Một nền văn hóa phát triển phải đồng thời đi đôi với phát triển công nghiệp văn hóa, bao gồm các loại hình sản phẩm: Kiến trúc, phần mềm, quảng cáo, trò chơi giải trí, thủ công mĩ nghệ, xuất bản, thời trang, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mĩ thuật, thiết kế, triển lãm, nhiếp ảnh, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa, ẩm thực,v.v… trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, bảo đảm chất lượng, đóng góp tăng trưởng kinh tế và thu hút lao động, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng của Nhân dân trong nước và xuất khẩu, quảng bá hình ảnh đất nước. Chủ trương là phải có trọng tâm, trọng điểm nhưng phương châm là phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sáng tạo sản phẩm đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu.

Để công nghiệp văn hóa phát triển phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, đồng thời đạt mục tiêu chương trình quốc gia, Nhà nước cần hoàn thiện khung thể chể, tạo cơ sở pháp lí, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, rào cản, vướng mắc cho các lĩnh vực hoạt động đồng bộ. Hoàn thiện thị trường văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành có tiềm năng, lợi thế như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mĩ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa, nâng cao năng lực cạnh canh. Đồng thời, đổi mới cơ chế đầu tư tài chính, tạo ra “không gian sáng tạo” của nền tảng số hóa, tăng cường kết nối truyền thống với hiện tại, phát huy sức mạnh mềm văn hóa,v.v…

Văn hóa là những giá trị vật thể do con người sáng tạo ra trên nền của thế giới tự nhiên. Nó biểu hiện cho toàn bộ nội dung và bản chất được hình thành và phát triển trên cơ sở kinh tế, chính trị, tư tưởng của giai cấp thống trị trong từng giai đoạn lịch sử. Các ngành công nghiệp văn hóa phát triển tốt sẽ làm cho văn hóa cất cánh, ngày càng đặc sắc, phong phú, đa dạng, góp phần làm cho đất nước phồn vinh, Nhân dân hạnh phúc.

None

Kim Quốc Hoa

Tin liên quan

Tin mới nhất