Văn hóa Việt Nam trường tồn, bất biến

(Arttimes) - Nếu văn minh là lát cắt ngang đồng đại thì văn hóa là độ dày quá khứ, là năm tháng tích tụ, là cái còn lại sau khi đã quên đi rất cả. Dân tộc Việt Nam với hơn bốn nghìn năm lịch sử từ văn hóa Sơn Vi, Sa Huỳnh, Bàu Tró, Bắc Sơn, Hòa Bình… cho đến văn hóa Đông Sơn. Vì thế, văn hóa mang tính quốc gia dân tộc riêng biệt (Nationnal), còn văn minh mang tính toàn cầu, toàn nhân loại (International).

Văn hóa Việt Nam trường tồn, bất biến - 1

Nghệ sĩ, Tiến sĩ mỹ học Thế Hùng

Chúng ta đang xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong cơn lốc của cuộc cách mạng văn minh số. Dân tộc Việt Nam với gần 100 triệu dân dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh đang bước những bước vững chắc, tự tin, bản lĩnh vào thế kỷ XXI, kỷ nguyên của bộ não, của tư duy, của robot, điện toán đám mây, của những xa lộ thông tin đa chiều đa diện… Cả dải đất hình chữ S đang chuyển mình đi lên với một sinh lực mới, tâm thế và tầm cao mới. Công cuộc đổi mới đã có nhiều thành tựu đáng mừng. Chưa bao giờ thế và lực Việt Nam mạnh như hiện nay. Kinh tế Việt Nam liên tục phát triển với mức tăng trưởng đầy khả quan. Chân dung một đất nước hùng cường đang lộ rõ trên những khu công nghiệp bề thế, hiện đại, những công trình kỳ vĩ, các đô thị văn minh, sầm uất, bao khu du lịch hấp dẫn du khách bốn phương ngang tầm thế giới.

Thương hiệu của một quốc gia thời hiện đại phải hội đủ ba hàm lượng: Trí tuệ - công nghệ - văn hóa. Trong đó hàm lượng văn hóa quan trọng nhất bởi nó là nền tảng, là bệ phóng để một dân tộc bay lên. Vì thế, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc” trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là hoàn toàn đúng. Ông đã thắp lên ngọn lửa cho mỗi chủ thể công dân Việt tự tin bước tiếp tới thành công.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, thể hiện tầm cao và chiều sâu về trình độ phát triển của một dân tộc, là sự kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất trong quan hệ giữa người với người, với xã hội và với thiên nhiên. Văn hóa vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vừa là mục tiêu của chúng ta.

Văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. E. Henriotte đã từng nói: “Văn hóa là cái gì còn lại sau khi người ta đã quên đi tất cả, là cái vẫn thiếu sau khi người ta đã học tất cả”. Tóm lại, văn hóa là đặc trưng người, phẩm chất người, là yếu tố quan trọng nhất để hình thành nhân cách văn hóa của con người mới, những chủ thể đưa đất nước, dân tộc đến phồn vinh, thịnh vượng.

Tôi hoàn toàn đồng tình với Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng coi văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Chúng ta xây dựng và phát triển một nền văn hóa vững mạnh, tiên tiến, đâm đà bản sắc dân tộc để tạo ra sức đề kháng văn hóa chống lại sự xâm lăng văn hóa của ngoại bang. Chúng ta hội nhập, hòa nhập chứ không hòa tan, phải giữ lấy hồn cốt của cha ông, của dân tộc. Khẳng định chân lý: Văn hóa Việt Nam trường tồn bất biến.

None

Thế Hùng

Tin liên quan

Tin mới nhất