Điện Biên Phủ với hai nhà văn, nhà báo Ba Lan

Họ là những nhà văn, nhà báo, là người bạn thủy chung của nhân dân Việt Nam, đã đến và tận mắt chứng kiến những cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Nhà văn, nhà báo Wojciech Zukrowski, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Ba Lan

Wojciech Zukrowski sinh tại thành phố Krakow, Ba Lan, tốt nghiệp khoa Văn Đại học Jagielonski ở thành phố này. Năm 1939, ông tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Thời chiến tranh ông từng làm phu tại công trường khai thác đá của Công ty Solvay, cùng Karol Wojtyla, sau này là đức Giáo hoàng Gioan Phaolo. Hai người vốn là bạn của nhau từ thời trai trẻ. Ông đã gia nhập Quân đội Ba Lan, từng là phóng viên mặt trận, nhà ngoại giao.

Điện Biên Phủ với hai nhà văn, nhà báo Ba Lan - 1

Nhà văn, nhà báo Wojciech Zukrowski

Là một nhà văn lớn của Ba Lan sau chiến tranh, nhiều năm liền ông đảm đương cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Ba Lan. Gia tài văn học của ông thật đồ sộ với những tác phẩm nổi tiếng được đông đảo bạn đọc mến mộ. Truyện ngắn Chú ngựa Lotna trong tập truyện Từ đất nước lặng im đã được đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Andrzej Wajda dựng thành một bộ phim hay.

Bộ tiểu thuyết hai tập dầy trên 800 trang Những tấm bia đá, viết về mối tình của nhà ngoại giao Hungrari với một nữ bác sĩ người Australia làm việc tại Ấn Độ đã đưa ông lên địa vị một cây bút tiểu thuyết lớn. Bộ phim Ba Lan nổi tiếng Hướng Berlin là bộ phim dựng theo kịch bản của ông. Ông đã đến nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Lào... viết nhiều tác phẩm về những nước này. Cuốn sách Đất nước triệu voi viết về Lào là một trong những tác phẩm hay về đề tài nước ngoài của ông.

Cuối năm 1953 đầu năm 1954, khi nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Wojciech Zukrowski đã có mặt tại Chiến khu Việt Bắc và nhiều vùng rừng núi khác. Từ xứ lạnh châu Âu sang rừng nhiệt đới, ông chẳng sợ gian nan, coi khinh muỗi vắt. Ông cũng trèo đèo, cũng lội suối, cũng luồn rừng, cũng cơm vắt như bất kì chiến sĩ Việt Nam nào. Đổi lại ông được tận mắt chứng kiến nhân dân và quân đội Việt Nam đã tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh như thế nào. Nào là từng đoàn dân công xe đạp thồ chở lương thực, đạn dược ra tiền tuyến. Nào là bộ đội Việt Nam kéo pháo chuẩn bị đánh trận Điện Biên Phủ...

Các cuốn sách Nhà không vách, Đốm lửa trong rừng, Bạn của tôi - chú voi chính là những thành quả văn học ông đã gặt hái được sau những tháng ngày đầy gian khổ trong rừng sâu ở Việt Nam. Trả lời câu hỏi “Tại sao ông lại lặn lội tới vùng rừng núi Điện Biên Phủ?” trong bài phỏng vấn năm 1998 dành cho báo Diễn đàn, ông nói: “Tôi muốn được tận mắt chứng kiến sự thật ở Việt Nam là thế nào. Tôi đã tới được nơi đó và thế là tôi mãn nguyện. Tôi chỉ có một mong muốn - từ đó ngẩng cao đầu trở về và đưa ra những bằng chứng. Đã có lúc chỉ thiếu chút nữa là có thêm một nấm mồ của tôi trong rừng cây bách thắng”.

Dù cho vật đổi sao dời, Việt Nam luôn luôn trong trái tim ông. Dẫu tuổi già sức yếu, ông không vắng mặt trong bất kỳ cuộc gặp gỡ nào về Việt Nam mà ông được mời. Hễ có dịp là ông say sưa kể về đất nước con người Việt Nam “một dân tộc đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu” mà ông từng chứng kiến.

Wojciech Zukrowski qua đời ngày 26 tháng 8 năm 2000 tại Warszawa. Với tư cách là Bí thư Thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, tôi đã mang vòng hoa của Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan đến dự lễ tang, viếng ông, người bạn thủy chung của nhân dân Việt Nam. Hôm đó lễ tang ông diễn ra dưới trời mưa tầm tã, nhưng khi loạt súng của đội danh dự vang lên tiễn biệt ông thì cơn mưa rào bất thình lình tạnh hẳn.

Nữ nhà văn nhà báo MonikaWarnenska

Có một người phụ nữ Ba Lan từng tuyên bố: “Việt Nam là Tổ quốc thứ hai của tôi”. Người phụ nữ đó chính là nhà văn, nhà báo Ba Lan, bà Monika Warnenska.

Mùa xuân năm 1962, bà sang Việt Nam lần đầu tiên, khi Việt Nam đang bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc và kết quả của chuyến đi này là tác phẩm Cầu trên sông Bến Hải. Sau chuyến đi năm đó bà có cảm tình đặc biệt với Việt Nam, qua lại Việt Nam rất nhiều lần, thời chiến cũng như thời bình. Một người phụ nữ châu Âu nhỏ nhắn như bà mà dám lặn lội tới những vùng chiến sự ác liệt nhất, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nhất ở Việt Nam. Bà đã từng ngồi trong địa đạo Vĩnh Linh viết bài dưới làn pháo địch, đi khắp vùng Khu Bốn ngổn ngang đổ nát do bom thù gây nên. Năm 1965, bà vượt tuyến (sông Bến Hải) vào Nam, bà đi xuyên rừng, bất chấp bom rải thảm của pháo đài bay B52, coi khinh muỗi vắt và gai nhọn của cây rừng, thăm vùng giải phóng.

Bà táo bạo tới độ, có lần từ rừng sâu bà đi cùng các chiến sĩ quân giải phóng đột nhập vào tận cửa ngõ Sài Gòn. Chưa hết, năm 1969 bà đổi họ tên Ba Lan, mang danh một nhà báo Pháp, thâm nhập vào tận Đô thành Sài Gòn để săn tin, viết bài. Đối phương chẳng hề hay biết, người nữ phóng viên ngoại quốc này cách đó không lâu đã từng hiện diện ở Hà Nội, được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi từ Bắc đã vượt tuyến vào Nam, đi khắp vùng giải phóng.

Điện Biên Phủ với hai nhà văn, nhà báo Ba Lan - 2

Nữ nhà văn nhà báo MonikaWarnenska

Không kể một số lượng lớn các bài báo, tin tức cập nhật tình hình Việt Nam mà bà đã gửi về nước cho báo chí Ba Lan và cả châu Âu, bà Monika Warnenska đã viết hàng chục cuốn sách về Việt Nam. Trong số đó phải kể đến các cuốn: Cầu trên sông Bến Hải (1962), Việt Nam trong trái tim tôi, Mặt trận trong rừng (1965), Khu Bốn (!967), Cuộc hành quân Phục sinh (1968), Người Mỹ không yên lòng (1968 – 1970), Múa lửa (1969 – 1970), Ánh hồng trước bình minh (1972 – 1973), Con gái Ngài thượng quan (1975), Không có hòa bình cho đồng quê (1987) và Mắt hổ (1988). Khi tuổi cao sức yếu bà vẫn không dừng tay viết về Việt nam. Cuốn sách cuối cùng của bà về Việt nam có tiêu đề: Vương quốc bị lãng quên - viết về Vương quốc Champa từng tồn tại ở vùng đất phía nam nước ta.

Đánh giá cao những tình cảm và đóng góp của bà đối với công cuộc đấu tranh và xây dựng của nhân dân ta, năm 1995 nhà nước ta đã mời bà sang Việt Nam dự lễ kỉ niệm lần thứ 50 Quốc khánh Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Năm 2004 bà Monika Warnenska lại được nhà nước ta mời sang Việt Nam dự lễ kỉ niệm lần thứ 50 chiến thắng Điện Biên Phủ. Dẫu tuổi cao, sức yếu, bà vẫn quyết định sang Việt Nam, bởi vì như bà nói: Tôi lại được đến với Việt Nam thân thương, Tổ quốc thứ hai của tôi.

Trong cuộc gặp gỡ với các cựu chiến binh chiến trường Điện Biên Phủ, tổ chức ngày 6/5/2004, bà say sưa kể về những kỉ niệm không bao giờ quên của mình tại Việt Nam. Bà đã hai lần thăm Điện Biên Phủ (1962 và 1967) và chính chiến thắng lẫy lừng này đã là động lực thôi thúc bà sang Việt Nam tới hàng chục lần. Bà lấy làm tự hào khi là một nữ nhà báo và nhà văn, trong thời gian cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt nam bà đã có mặt ở cả ba vùng khác nhau: miền Bắc Việt Nam, tức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vùng giải phóng miền Nam Việt nam và thành phố Sài Gòn.

Trả lời câu hỏi về cái tên “Chị Ba” bà nói: “Tên Chị Ba là do các chiến sĩ giải phóng quân miền nam Việt Nam đặt cho tôi, thể hiện tình cảm thân thương của họ với tôi. Chị Ba còn có nghĩa là Chị Ba Lan. Phóng viên hỏi, trong số hàng chục cuốn sách bà viết về Việt Nam cuốn sách nào bà tâm đắc nhất, bà trả lời: “Đó là cuốn Việt Nam trong trái tim tôi”. Bà Monika Warnenska mãi mãi là người bạn thủy chung thân thiết của nhân dân Việt Nam.

Tôi đã dịch một số tác phẩm của bà sang tiếng Việt. Một số đoạn trích của các cuốn sách Mặt trận trong rừng, Múa lửa Con gái Ngài thượng quan viết về chuyến đi thăm vùng giải phóng và hai chuyến đến Sài Gòn của bà (trước và sau giải phóng), do tôi dịch, đã được nhận tặng thưởng của báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam. Bản dịch tác phẩm Cầu trên sông Bến Hải do tôi dịch cũng đã được Tạp chí Văn nghệ Quân đội tặng thưởng (năm 2008).

Bà Monika Warnenska sinh ngày 4 tháng 3 năm 1922 tại Myszkow Ba Lan, mất ngày 9 tháng 4 năm 2010.

Lê Bá Thự

Tin liên quan

Tin mới nhất