Suy ngẫm từ những câu ca xưa

Trong 12 con giáp, rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng, lại được cho là uy quyền của nhà vua, không gần gũi với dân chúng, nên rất ít ca dao, thành ngữ mượn con rồng để bàn chuyện thế sự. Tuy vậy, có mấy câu sau đây, nhân ngày Xuân năm Thìn, đàm luận một chút cũng vui.

“Một ngày dựa mạn thuyền rồng

Cũng bằng muôn kiếp ở trong thuyền chài”

Chưa ai khẳng định câu ca được dân gian truyền tụng ấy xuất xứ từ đâu, nhưng có lẽ là từ thời phong kiến. “Thuyền rồng” có thể là phương tiện du hý của nhà vua (như đội thuyền rồng chuyên phục vụ ca Huế trên sông Hương hiện nay?), nhưng trong câu ca xưa chiếc thuyền chủ yếu là hình ảnh để miêu tả hai cảnh đời trái ngược, có thể là một lời khuyên, là kinh nghiệm chọn bạn đời cho người phụ nữ.

Quả là đã có những cô gái xuất thân bình dân, nhưng nếu may mắn được chọn vào cung vua thì cả gia tộc sẽ được sung sướng hết đời này sang đời khác. Mà đâu chỉ là chuyện thời phong kiến. Hôm nay, cũng có những cô gái quê “làng chài” hay nông thôn hẻo lánh, nhờ có chút nhan sắc, lọt vào tầm ngắm các “ông vua”, các đại gia nắm quyền và tiền, thì chỉ sau “một ngày” sống dựa vào họ, đã có “thu nhập” bằng cả “muôn kiếp” người lao động kiếm tiền một cách khó khăn.

Nhưng… ở đời luôn có chữ “nhưng” để nhắc nhở con người ta phải luôn tỉnh táo, đừng tưởng cứ “dựa mạn thuyền rồng” là sẽ được sung sướng. Chuyện xưa thì có nàng Vũ Thị Duyên (1828-1902) được vua Tự Đức sủng ái hơn tất cả cung tần mỹ nữ, cuối đời được phong là Lệ Thiên Anh hoàng hậu, nhưng làm vợ một ông vua “bất lực” như Tự Đức, đã không có được quyền thiêng liêng nhất của người phụ nữ là làm mẹ, suốt đời lại phải giam mình trong cung cấm thì dù được ăn sơn hào hải vị, được bao bọc trong lụa là gấm vóc, phỏng có gì là sung sướng? Thời nay thì không ít ‘kiều nữ”, nhờ “dựa mạn thuyền rồng” bán “vốn tự có”, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn hưởng cuộc sống vương giả, đến lúc các “ông vua”, các đại gia làm ăn gian dối, thua lỗ phải vào tù thì không chỉ phải “trắng tay” làm lại cuộc đời mà còn mãi đau xót vì cái “ngàn vàng” đã mất!

Cuộc đời là thế đó. Đừng tưởng hễ được “dựa mạn thuyền rồng” là đời lên hương, cũng như đừng thấy “rồng đến nhà tôm” mà mừng. “Quan nhất thời, dân vạn đại” mà! 

***

Một câu ca xưa nữa cũng có điều đáng suy ngẫm. 

“Trứng rồng lại nở ra rồng

Liu điu lại nở ra dòng liu điu”

Hẳn là có bạn sẽ dẫn sách vở cổ-kim-đông-tây rồi quả quyết kết luận: Người xưa “ca” vậy là đúng quá đi chớ! Thì đó, như F. Engels (triết gia, một trong hai lãnh tụ cách mạng vô sản thế giới) là con của một chủ tư bản lớn, rồi đại văn hào L. Tolstoi là con của một bá tước….; ở Việt Nam ta thì vua Lê Thánh Tông chẳng phải là con cháu của anh hùng dân tộc Lê Lợi đó sao; thời cận-hiện đại thì còn có thể kể ra vô vàn dẫn chứng - dù triều đại phong kiến từng “đẻ” ra câu ca “con vua thì lại làm vua...” đã bị vùi xuống đất đen từ lâu.

Suy ngẫm từ những câu ca xưa - 1

Rất ít ca dao, thành ngữ mượn con rồng để bàn chuyện thế sự.

Vì “tế nhị” và “nhạy cảm”, xin không nêu dẫn chứng trên chính trường mà người dân đều biết, chỉ nêu vài cặp “bố-con”, “mẹ-con” trong lĩnh vực văn nghệ cho… vui: nhà thơ Hằng Phương - họa sĩ Vũ Giáng Hương; NSND Bảy Nam - NSƯT Kim Cương; Nhạc sĩ Thuận Yến - ca sĩ Thanh Lam; nhà văn Nguyễn Đình Thi - nhà văn Nguyễn Đình Chính; nhà thơ Chế Lan Viên - nhà văn Phan Thị Vàng Anh; nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú - nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ; NSND Thanh Hoa - nhà thơ Phan Huyền Thư…

Vậy nhưng… lại phải dùng đến chữ này để cảnh tỉnh những ai quá “mê tín” vào chuyện “dòng dõi”. Chính vua Minh Mạng nghiêm minh (chứ không phải vua Đồng Khánh yếu nhược hay vua Bảo Đại ham chơi) lại có một hoàng tử chơi bời lêu lổng tên là Nguyễn Phúc Miên Tằng, “ham đá gà và mê hát bội đến phải tán gia bại sản. Không còn một chốn nương thân, ông đành phải chui xuống ở trong một chiếc đò nuôi lợn. Và cuối cùng ông đã chết giữa sân đá gà…”.

Nói có sách, mách có chứng, chính là nhà “Huế học” Nguyễn Đắc Xuân đã viết như thế trong cuốn 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế (NXB Trẻ, 2009). Còn ngày nay, trong giới này, ngành nọ, cũng không ít “rồng” lại đẻ ra dòng “liu điu”. Đó là nghịch cảnh, là nỗi đau của cả gia đình, họ tộc, chẳng nên dẫn tên họ cụ thể làm chi, nhưng chỉ cần hỏi giám thị trại giam các “quái xế” hoặc dân nghiện hút, sẽ thấy trong đó có không ít kẻ thuộc loại “con rồng”. Đó là chưa nói đến các quan chức ra tòa mấy năm gần đây cũng nhiều kẻ là “con rồng”. Ngược lại, báo chí từng nêu gương rất nhiều con em “dòng liu điu”, nhưng nhờ chịu khó học hỏi, có ý chí rèn luyện bền bỉ đã trở thành nhân tài đất Việt.

Đời nó có khi nghịch tặc thế đó! Xin đừng thấy “con rồng” mà vội trao thân gửi phận, càng không thể vội trao chức quyền, tài sản cho họ. Mà “mê tín” dòng dõi thì có khác chi “chủ nghĩa thành phần” đã gây ra bao thiệt hại cho đất nước trước đây. Đã đành khoa học từng chứng minh di truyền “gen” là có thật, nhưng hạt giống tốt có trở thành cây cao bóng cả, đem lại hoa trái cho đời còn tùy thuộc vào sự chăm bón ngày ngày và thời tiết, môi trường nữa. 

***

Xin dẫn thêm một câu nữa cũng rất đáng suy ngẫm:  

“Trong lưng chẳng có một đồng, 

Lời nói như rồng, chúng chẳng buồn nghe. 

Vai mang túi bạc kè kè,

Nói quấy, nói quá, người nghe ầm ầm.”

Câu ca xưa có thể hình dung như là một vở kịch vui có hai cảnh tương phản. Có thể đạo diễn sẽ chia sân khấu làm đôi. Một bên, diễn giả com-lê cà-vạt nghiêm chỉnh, vung tay ban “lời rồng” (đại thể như: “Chúng ta một đất nước từng tự hào con Rồng cháu Tiên, có 4000 năm văn hiến, với ý chí dời non lấp biển, nhất định sẽ hóa Rồng nay mai…); nhưng thính giả toàn ngồi ngủ gật hoặc tán tỉnh nhau… Bên kia, diễn giả bụng bự, miệng nhờn mỡ, ăn mang thoải mái, nói năng thì bỗ bã: “Này, tôi nói thật, đừng có hy vọng nhất thân nhì thế, ai hứa chi đậm phần trăm hoa hồng thì trúng! Hề hề, tôi nói vui đó, đây trong sạch vững mạnh 100%...”; Trên bàn, một cạc-táp căng phồng chìa ra những chiếc thẻ ghi từ “Dự án A" cho đến “Dự án Z"; thính giả thì không ngồi mà ai cũng như chồm lên, các hàng ghế đã chật nhưng người còn chen đầy ở khung cửa… 

Suy ngẫm từ những câu ca xưa - 2

Tranh đông hồ Múa Lân

Màn kịch tương phản cũng là cảnh đời thật đang diễn ra nơi này, chỗ khác. Như thế, kể cũng đáng buồn phải không các bạn? Cái “túi bạc kè kè” thật ra chỉ là biểu tượng của sức mạnh vật chất (nó có thể là “đô la”, mà cũng có thể là các “dự án” béo bở hay các thông tin dễ biến thành tiền, ví như thời điểm tăng giá để găm hàng, quy hoạch mở đường để xí phần đất mặt tiền…); cũng như anh chàng “trong lưng chẳng có một đồng” chỉ là cách diễn tả loại người rỗng tuếch cả vật chất lẫn tinh thần, những kẻ ăn theo nói leo, nhưng thường cao đàm khoát luận, ưa tuyên ngôn những “lời rồng”, những điều to tát. 

Thực ra, chỉ là buồn cho những kẻ không làm ra tiền (hoặc là mang khối tiền có dấu “âm” như các ông chủ luôn kinh doanh sản xuất thua lỗ), trí tuệ thì cùn mòn mà vẫn nuôi ảo tưởng ở những “lời rồng” đã… lỗi thời như uy quyền vua chúa ngày xưa. Còn mừng cho công chúng đã tỉnh ngộ, không “thèm nghe” những “lời rồng” rỗng tuếch nữa. Còn “túi bạc”, bản thân nó có chi là đáng chê trách - ngược lại, có thể nói: đồng tiền là một sáng tạo kỳ diệu của nhân loại. Bây giờ, lắm sự tha hóa vì đua đòi hưởng thụ, nên đã có người kêu lên: “Ước gì trở lại ngày xưa”. Đó là một cách phản ứng tự vệ, hoặc là cách nói cực đoan, chứ giả như cho “anh” sống lại cái “ngày xưa” khi nhân loại chưa biết dùng đồng tiền, bắt “anh” phải “vác” hàng tấn lúa vào…

TP Hồ Chí Minh chẳng hạn, cho con vừa đậu vào đại học (thay vì chỉ ra bưu điện gửi tiền, gọn nhẹ hơn nữa là mở một tài khoản) thì trăm phần trăm “anh” sẽ vái lạy để được hưởng cuộc sống tiện lợi hôm nay nhờ đồng tiền mà có. Vậy nên cảnh “người nghe ầm ầm” cái anh chàng “mang túi bạc” - mặc dù anh ta “nói quấy nói quá”, xét về một khía cạnh nào đó cũng là điều đáng mừng. Đó là những con người đã vượt qua thời kỳ mê “lý thuyết suông”, biết nhìn vào thực chất, thực tài. Và tất nhiên, lúc đó “nói quấy nói quá” chỉ là cách diễn tả khiêm tốn hoặc phóng đại lối giao thiệp đơn giản, có khi là xuề xòa. 

Điều đáng cảnh tỉnh là cái “túi bạc” đem ra ban phát ấy phải chính đáng - tức không thể là “tiền bẩn” mang đi “rửa” - và người ban phát phải chính danh, chứ đừng ấm ớ kiểu “xôi làng ơn lý trưởng”, càng không thể là loại tiền… ăn gian như kiểu mấy vụ “tín dụng đen” hàng trăm tỷ vừa bị vỡ nợ, ôm cục tiền của thiên hạ mà dám “nói quấy nói quá” để bà con tưởng lầm, “ầm ầm” chạy theo gửi thêm hòng kiếm lãi cao…

Mùa Xuân năm Thìn đang gõ cửa, hy vọng là sẽ bớt những kẻ huyên thuyên vẽ những “lời rồng” đầy ảo tưởng, cũng như sẽ diệt trừ được bọn ôm “túi bạc” to đùng của công quỹ, mạo danh đi ban phát lợi lộc cho loại người hám lợi dễ “mờ mắt” hay mê mẩn vì đồng tiền, bất kể nó “sạch” hay “bẩn”. Cũng cầu mong người người - dù là dòng giống “rồng” hay “liu điu”, trước hết xin hãy dựa vào sức lực và ý chí của mình, dựa vào nhân dân, khai thác tiềm năng vật chất, tinh thần của dân tộc, cả ở trong và ngoài nước, chứ không phải chỉ nhăm nhe kiếm dịp dựa “thuyền rồng” hay núp bóng hào quang của quá khứ, để đủ sức vượt qua mọi thử thách, góp phần đưa đất nước sớm được “hóa rồng”…

Nguyễn Khắc Phê

Tin liên quan

Tin mới nhất