“Vang bóng một thời” – Thành công mới của sân khấu Lệ Ngọc

(Arttimes) - Mấy năm gần đây, tại Hà Nội nổi lên một địa chỉ sân khấu do NSND Lệ Ngọc thành lập. Chị vốn là diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam đứng ra tạo nên “gánh hát” và mang luôn tên mình. Trung tâm sân khấu này dần trở nên một thương hiệu với hàng loạt vở diễn gây được ấn tượng tốt đẹp, được công chúng rất ưa thích.

Hiệu quả từng vở diễn và sự xuất hiện của Sân khấu Lệ Ngọc (SKLN) ở khắp cả nước và trên thế giới đã trở nên vượt trội so với sân khấu “quốc doanh”, là niềm mơ ước của bất cứ một đơn vị nghệ thuật nào.

Bên cạnh những vở diễn về đề tài hiện đại, SKLN còn dựng nhiều vở từ sự khai thác các tác phẩm văn nghệ dân gian hoặc của những nhà văn nổi tiếng trong quá khứ (Tấm Cám; Cây tre trăm đốt; Dế Mèn; Chí Phèo, Thị Nở…). Vở nào cũng thành công ở những mức độ khác nhau, đem lại cho khán giả niềm tin về một thương hiệu sân khấu tư nhân.

Tiếp đà đó, tối 1/3/2022 vừa qua, tại Nhà hát lớn (Hà Nội), SKLN lại cho ra mắt vở diễn mới có tên Vang bóng một thời của Nguyễn Hiếu, phóng tác từ một số truyện ngắn trong tập truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Tuân – một tên tuổi lớn trong nền văn học hiện đại Việt Nam.

“Vang bóng một thời” – Thành công mới của sân khấu Lệ Ngọc - 1
Một cảnh trong vở "Vang bóng một thời"

Thú thực là tuy biết SKLN bước đầu có uy tín với những vở đã được trình làng trước đó nhưng khi nghe tin đơn vị này sẽ dàn dựng một kịch bản từ tác phẩm của Nguyễn Tuân, tôi vẫn bán tín bán nghi, chưa hình dung hết hiệu quả cuối cùng sẽ như thế nào mặc dù biết người chuyển thể từ tác phẩm văn học sang kịch nói là Nguyễn Hiếu – một nhà biên kịch không xa lạ với giới sân khấu, lại đã thành công ở vở Tấm Cám trước đây cũng do đơn vị sân khấu này dàn dựng. Bởi tác phẩm của Nguyễn Tuân giàu chất văn, nhưng ít chất kịch, đọc thì thích nhưng không nhiều tính hành động nên tôi không thể hình dung các nhân vật khi lên sân khấu sẽ hành động, đối thoại ra sao mà sân khấu lại trông cậy chủ yếu vào lời thoại của các nhân vật.

Vậy nên, khi sân khấu mở màn, tôi đã tập trung cao độ và hồi hộp theo dõi thì thấy rất mừng là cho đến phút tấm màn khép lại, kết thúc vở kịch, sự hồ nghi của tôi tan biến để nhường chỗ cho sự tâm đắc, có phần thán phục sự cao tay, thông minh của trước hết là tác giả kịch bản rồi đến đạo diễn và tất cả các diễn viên từ chính đến phụ đã đem đến cho khán giả một tác phẩm sân khấu hoàn chỉnh ở tất cả các khâu.

Trước hết nói đến sự dũng cảm và thông minh của Nguyễn Hiếu khi dám tìm đến một tác phẩm văn học nổi tiếng của một nhà văn lớn nhưng không dễ thành một vở kịch nói. Bất cứ ai muốn chuyển thể một tác phẩm đã quá nổi tiếng từ loại hình nghệ thuật này sang một loại hình khác thì luôn phải coi chừng một điều: Đó là “cái bóng” quá lớn của tác phẩm đã nổi tiếng sẽ trùm lấp, trở thành áp lực cho người chuyển thể. Nhìn sang lĩnh vực điện ảnh sẽ thấy rõ điều này. Có lẽ trường hợp như bộ phim Chị Tư Hậu chuyển thể từ tiểu thuyết Một chuyện chép ở bệnh viện là trường hợp hiếm hoi phim hay hơn tác phẩm văn học. Truyện của Bùi Đức Ái trước khi được làm thành phim đã không mấy người để ý. Nhưng bộ phim thì xuất sắc, trở thành một trong những bộ phim hay nhất của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Còn lại, hàng loạt phim làm từ truyện hoặc tiểu thuyết đều khiến người xem thấy đọc tác phẩm văn học vẫn thích hơn, “đã” hơn: Vợ chồng A Phủ (Từ Truyện Tây Bắc của Tô Hoài), Chí Phèo (Từ truyện cùng tên của Nam Cao), Số đỏ, Đêm giông tố (từ truyện cùng tên của Vũ Trọng Phụng), Mùa lá rụng (từ truyện Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng)…

Tiếp nối thành công từ vở Tấm Cám là kịch bản đầu tiên chuyển thể từ câu chuyện cổ tích dân gian, lần này Nguyễn Hiếu lại tự tin để “tấn công” vào Vang bóng một thời. Và ông tỏ ra thông minh khi nhặt nhạnh, rồi nhào nặn thêm nhiều chi tiết để tâp trung nêu bật chủ đề xuyên suốt vở kịch: Con người hãy hướng thiện, hãy tìm về thiên lương, hãy là tổng hoà của những giá trị chân, thiện, mỹ. Và ông đã thành công. Bằng hệ thống các hình tượng mà nhiều nhân vật vốn dĩ không có trong nguyên tác của Nguyễn Tuân, Nguyễn Hiếu đã khoét sâu vào vở kịch chủ đề rất giàu tính nhân văn trên. Tuy truyện của Nguyễn Tuân mang đậm chất hiện thực phê phán nhưng không chỉ dừng lại ở việc phản ánh chế độ cũ ở nước ta mà đạt được tính nhân văn, tính vĩnh hằng sâu sắc bởi khát vọng về chân, thiện, mỹ, thiên lương là điều con ngời muôn thuở cần hướng tới.

Nguyễn Hiếu đã khéo léo khai thác ba truyện ngắn trong tập Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân là Chém treo ngành (còn có tên là Bữa rượu máu), Những chiếc ấm đất, Chữ người tử tù để tạo nên kịch bản của mình. Nhiều nhân vật và chi tiết cũng được ông thay đổi khác với truyện khá thuyết phục. Ví như trong truyện, nhân vật quản ngục khi biết tử tù Huấn Cao có tài viết chữ rất đẹp đã cho cấp dưới thết rượu với hy vọng sẽ lấy lòng, ve vãn anh, mong anh cho chữ để y treo ở nhà. Để cho thêm kịch tính, có thêm “cái để xem” và cũng góp phần đấy kịch thêm “căng”, hút khán giả theo dõi, Nguyễn Hiếu đã sai lính đem Huấn Cao ra tra tấn với những đòn cực hình dã man sau khi có lời nhờ tử tù nhưng không được. Y đã không ngờ người tử tù vẫn giữ nguyên khí tiết, vẻ cao ngạo của một kẻ sỹ. Hành vi của quản ngục khiến tất thảy mọi người đều bất bình, phản ứng: Ông thày đồ trước đây cho y chữ “Nhẫn” và dạy hai con của y nay quyết định không dạy nữa. Người giúp việc nhà y ra chợ mua hàng nhưng không ai bán. Y bị nhạc phụ quở trách. Y cùng gia đình bị những người xung quanh tẩy chay trong khi đã tra tấn Huấn Cao nhưng vẫn không được việc. Thực tế đó khiến viên Quản ngục phải suy nghĩ lại. Sự dằng xé, đấu tranh nội tâm giữa một bên là việc hoàn thành công vụ và một bên là lương tâm của kẻ có học, được coi là “kẻ sỹ” dần khiến y ngả sang xu hướng thiên lương. Bởi vậy mới dẫn đến bữa rượu y mở để thể hiện lòng ngưỡng mộ, trân trọng người tử tù dẫn tới cuối cùng y đạt được mong muốn: Y đã được tử tù Huấn Cao cho chữ.

Tất nhiên từ kịch bản văn học dẫn tới thành công của vở diễn là cả một vấn đề đáng kể nữa. Nhà văn Nguyễn Hiếu cho biết, ông rất cảm ơn đạo diễn trẻ Bùi Như Lai đã tâm đắc, cùng một nhận thức, quan niệm với ông trong việc đưa kịch bản này lên sân khấu. Giữa hai người có sự ăn ý, đồng cảm, thống nhất cao để những ý tưởng tác giả kịch bản tâm đắc đã được đạo diễn giữ nguyên và nhấn thêm để toả sáng.

Từng có một thực trạng không mấy hay ho: Giữa người biên kịch và đạo diễn đã từng có tình trạng “cơm không lành, canh chẳng ngọt” khi người dàn dựng hay thay đổi kịch bản theo ý mình và đưa thêm những “miếng” này khác để mong hấp dẫn khán giả. Rất nhiều khi chỉ là những trò “rẻ tiền” mong đánh vào hiếu kỳ của một bộ phận công chúng. Vở diễn Vang bóng một thời ngoài những lời thoại và những hành động tất yếu của nhân vật theo sự phát triển của truyện kịch, không cần có thêm bất kỳ một “trò”, “miếng” nào khác mang tính thủ pháp, tiểu xảo. Vở kịch hấp dẫn bởi bản thân vấn đề đặt ra đầy tính nhân văn, tính hướng thiện từ việc đề cao cái đẹp, đề cao tính thiên lương vốn dĩ luôn có giá trị cứu dỗi con người ở mọi thời đại. Vở kịch như một cô gái có vẻ đẹp tự nhiên, vừa giản dị, không một chút trang điểm, son phấn mà vẫn kiêu sa, đài các. Tuy nhiên để tiếp cận được, dẫn tới chinh phục trái tim cô thì không dễ chút nào. Không phải vì cô kênh kiệu, hợm hĩnh gì mà vì kẻ si tình không đủ tự tin để “hãy cầm lấy vũ khí” khi tiến hành “xâm lược” cô ta. Tôi muốn nói vở kịch đích thực hay, có giá trị nghệ thuật rất đáng trân trọng, là sản phẩm của một tập thể tài năng được thực hiện công phu, trau chuốt. Nhưng không dễ xem với những người xa lạ với Nguyễn Tuân, không thẩm thấu được mọi giá trị nhà văn tiền bối gửi gắm vào mỗi con chữ, nhân vật của mình.

Thành công lớn của Vang bóng một thời một lần nữa khẳng định tính vượt trội của một đơn vị nghệ thuật tư nhân có cơ chế hoàn toàn độc lập, tự chủ trong tất cả các khâu để tạo nên một vở diễn. Hy vọng sẽ có thêm nhiều “Lệ Ngọc” trong các loại hình nghệ thuật khác để làm phong phú thêm đời sống văn nghệ nước nhà.

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất