Viết bằng trái tim nồng ấm và chan chứa nhân văn…

(Arttimes) - Nhiều năm tháng qua, Châu La Việt tập trung hoàn toàn cho niềm đam mê sáng tạo của mình. Anh viết khỏe, ít ai bì kịp. Đều đặn mỗi năm Châu La Việt xuất bản một, hai cuốn sách, ở nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, truyện dài, truyện ký, tiểu thuyết… Nhưng có thể nói ký chân dung của anh là thể loại được bạn đọc yêu thích nhất.

Tôi đã đọc những ký chân dung của Châu La Việt trong cuốn: Giai điệu mùa đông (NXB VH, 2018) và hầu hết những tác phẩm anh phát hành trực tuyến trên Facebook một cách thích thú. Qua lớp câu chữ ăm ắp cảm xúc của tác giả, chân dung những người nghệ sĩ ngôi sao "một đời đam mê, một đời giông tố ", chân dung cả một thế hệ thanh niên thời chống Mỹ mà anh yêu mến, ngưỡng mộ được hiện lên một cách sinh động và cuốn hút. Nếu văn là người, thì những tác phẩm ký còn được coi là một cuốn chân dung kép, bởi từ những bài viết ấy, vẻ đẹp tâm hồn nghệ sĩ Châu La Việt cũng được hiện hữu một cách rõ nét. Không ít tác phẩm của anh là những ký sự chân dung văn học theo đúng nghĩa. Nó mang rõ đặc trưng của ký, một thể loại giao thoa giữa văn học và báo chí: Viết về người thực việc thực và đong đầy cảm xúc của chủ thể sáng tạo. Vốn là con nhà nghệ sĩ nòi, nên hầu hết những câu chuyện của anh được triển khai từ điểm nhìn của người trong cuộc. Mọi tình tiết đi vào tác phẩm, đều được anh trực tiếp chứng kiến, chứ không phải nghe lại, hay đọc được đâu đó trên báo chí, sách vở. Nhân vật là những gương mặt thân quen, những nghệ sĩ mà anh yêu thương, cảm mến và đã để lại trong anh những ấn tượng tốt đẹp. Họ là những bạn văn, những nghệ sĩ anhđã gặp, đã hiểu và mãi yêu vì đức, mãi trọng vì tài: Phạm Tiến Duật, Ngọc Tân, Quang Lý, Lê Dung, Phạm Tuyên, Nguyễn Tài Tuệ, Chế Lan Viên, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Đỗ Chu, Y Phương, vợ chồng Tất Bình- Lan Hương, Trần Hiếu, Ngọc Khuê, Phó Đức Phương, Hoàng Nhuận Cầm, Thế Ngữ, Minh Quang, Vũ Mão, những trai đẹp phố cổ Triệu Việt Vương( Lê Gia Hội, Bảo Chung, Ngọc Đoán), cô ca sỹ tên Vũ Thi người Đà Lạt …đặc biệt là mẹ Tân Nhân, bố Lê Khánh Căn và nghệ sĩ tài danh Hoàng Thi Thơ cha đẻ của anh.

Anh cũng dành những bài viết thật cảm động cho những người bình thường nhưng có tâm hồn nghệ sĩ, có những hành vi đẹp: anh bộ đội Bùi Văn Dung, tác giả ca từ của các bài hát Gửi nắng cho em, Con kênh ta đào, Giá em đừng yêu anh (Nhạc Phạm Tuyên), sỹ quan Phạm Trung nhân và những người bạn ở Binh trạm phía Tây, những cô gái thời tiếng hát át tiếng bom ở trạm giao liên Trường Sơn; chị Mai Hương bút danh Thảo Phương, người có bài thơ hay cho phần lời Nỗi nhớ mùa đông của nhạc sĩ Phú Quang; hai người bạn có thời thơ ấu nhọc nhằn - cùng cảnh ngộ với anh đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là H và Côi ; rồi nữ giảng viên trẻ của khoa Ngữ văn Đại học Sư Phạm sau này trở thành nhà thơ Phạm Thu Yến; thầy Phạm Văn Thanh - giáo vụ khoa văn rất nghèo nhưng suốt đời đắm đuối vì thơ; danh thủ Nguyễn Trọng Giáp của đội Thể Công chơi đá bóng như một nghệ thuật… Dĩ nhiên, không phải bài viết nào của Châu La Việt cũng hay, nhưng có không ít chân dung xuất sắc, người văn đã rút ruột ra mà viết. Chúng được dệt bằng những hồi ức đẹp, ăm ắp cảm xúc và đã không ngừng tạo nên dư âm, dư ảnh trong lòng bạn đọc. Đó là những bài chỉ anh mới viết được như thế. Tiêu biểu là các bài về Phạm Tiến Duật (Anh Duật), Trương Nhuận (Một cuốn sách, một số phận…), Ngọc Tân (Nhớ Ngọc Tân), Quang Lý (Chim én của anh, bay đi, bay đi mãi…), Trần Tiến (Người viết bài ca chim én), Đỗ Chu (Truyện nhà văn Đỗ Chu), Trần Hiếu (Ông kể thì cười còn tôi thì khóc), Y Phương (Con ngựa hoang, cánh đại bàng của núi), Minh Quang và Phạm Thu Yến (Thì thầm mưa), cô bạn gái cùng học ở trường cấp 2 Tân An, Yên Dũng, Hà Bắc tên Côi (Có một lần tôi đã xin anh Trần Tiến ), cô ca sỹ tên Vũ Thi (Truyện tình người ca sỹ tên Thi), nghệ sỹ Cello nổi tiếng Kim Quang (Trái tim mùa đông). Và hai bài về số phận oan nghiệt trớ trêu của chính gia đình anh: Lá thư của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ gửi đứa con sau 35 năm chưa biết mặt, Khúc hát cuối cho một mối tình buồn...

Khác với các nhà nghiên cứu phê bình, Châu La Việt không đi sâu vào phân tích, đánh giá, không viện dẫn lý luận, không hệ thống những điều mọi người đã viết, mà thường bắt đầu bằng thứ ngôn từ giản dị mang hơi thở đời sống đương đại (trai đẹp phổ cổ, khốn đốn một đời trai, thôi rồi Lượm ơi…) và những tình tiết được khéo léo lẩy ra từ những năm tháng mà anh đã trải nghiệm để dựng lại không khí thời đại và thổi hồn cho nhân vật của mình. Lối dẫn truyện của Châu La Việt thật tự nhiên, nên vô cùng lôi cuốn bởi sự bất ngờ. Bất ngờ mà chân thật, chân thật hơn cả sự thật ngoài đời. Tài quan sát, linh giác của người làm thơ, sự nhanh nhạy của người làm báo đã giúp anh luôn có được những tình tiết vô cùng đắt giá, nhờ thế mà chuyện kể của anh luôn hấp dẫn. Ví dụ bức chân dung Phạm Tiến Duậ t- gương mặt đại diện cho những người lính trí thức, “một đỉnh cao của thơ ca chống Mỹ, con đại bàng của Trường Sơn” đã được anh phục dựng chỉ cần qua tình tiết các thủ trưởng đơn vị hồn nhiên giao nhiệm vụ chéo ngoe cho chàng thi sĩ: lần 1 làm quản lý kho quân dụng; lần 2, thuyết minh phim. Nhưng chỉ thế đã đủ khắc họa nên một Phạm Tiến Duật chân thực và sinh động, đủ cả thần khí và hồn vía: thi sĩ họ Phạm tuy vụng về trong chuyện bếp núc, củi lửa nhưng nhà văn hóa Phạm Tiến Duật lại hết sức hoạt ngôn. Khi thuyết minh phim, anh đã linh hoạt chuyển dịch hai nền văn hóa một cách hài hước và rất đời. Rồi sự hài hước, hóm hỉnh - thứ dầu bôi trơn của ngôn ngữ được tỏa sáng từ trí tuệ người thơ đã làm cánh lính không chỉ kính nể mà còn khoái chí cười vỡ bụng. Khi kể về nghệ sỹ cello Kim Quang anh chọn chi tiết, một hôm Kim Quang lặng lẽ dẫn Hoài (tên của Châu La Việt) đến một ngôi chùa để gặp người mẹ đang tu hành tại đây của Quang. Chi tiết độc đáo này làm tác giả quá bất ngờ vì trước đó anh chỉ biết, bạn mình mồ côi cha từ rất sớm, hiện đang ở cùng vợ chồng người cô ruột là nghệ sỹ Thanh Nga - NSND Trung Kiên. Anh bỗng hiểu vì sao Kim Quang tài hoa là thế mà lại cô đơn đến thế.

Chi tiết cuốn sổ tay quý chép những bài thơ tình nước ngoài Trường Phước tặng Hoài trước lúc lên đường ra trận, nhưng biết mình đi làm nhiệm vụ e khó trở về, anh đã tặng bảo vật ấy cho anh Chấp và anh lại tặng quý vật cho người lính thi sỹ Thái Kế Toại… đã làm sáng lên vẻ đẹp tâm hồn của những người lính sinh viên những năm chống Mỹ. Mỗi chân dung nghệ sĩ được anh cá thể hóa một cách. Nếu Phạm Tiến Duật uyên bác với trữ lượng văn hóa lớn, thì Trần Tiến được nhấn mạnh về phương diện đa tài và khả năng ngẫu hứng: “Trong con người nghệ sĩ của anh có ba con người: một con người ca sỹ, một con người sáng tác, một con người nhà thơ. Con người nghệ sỹ của Trần Tiến là một thực thể âm nhạc hoàn chỉnh, vừa là nhà thơ tạo nên những ca từ, vừa là nhạc sỹ hát lên những dòng thơ ấy bằng nhịp phách, bằng giai điệu, rồi lại vừa là bằng chính vòm ngực, cổ họng của mình - người ca sỹ hát lên, để chuyển tải nó đến với rừng với suối, với non cao biển rộng và với những trái tim con người… Rồi để làm nổi bật cái tính cách tếu táo, sự thông minh một cách ngây thơ và hóm hỉnh một cách dại khờ đáng yêu như trẻ nít rất nghệ sĩ của Trần Tiến, Châu La Việt đã đưa ra một cách đắc địa lời giới thiệu rất có duyên của người nghệ sĩ nhiều năm du ca trên đồng nội: “Bài hát chim én do giọng chim én Quang Lý song ca cùng tôi - chim cú”

Còn với Ngọc Tân, “Một giọng hát Terno sang trọng, truyền cảm, sáng và ấm. Âm vực rộng. Xuống âm khu trầm thì nồng nàn, mà lên âm khu cao thì mạnh mẽ thiết tha” tác giả lại quan tâm tới chi tiết làm đốn tim bạn đọc, sau cú vượt biên không thành, trong tù Ngọc Tân bị bọn anh chị đánh đập thừa sống thiếu chết, rồi khi biết anh là ca sỹ nổi tiếng, bọn chúng bắt anh hát suốt đêm trong cảnh “Vợ mới chết, con bơ vơ, tấm thân tù tội. Thế mà cứ phải hát, một chiều mùa hè, gặp nhau trên bến cảng… Hát mà ứa nước mắt. Kép Tư Bền cũng đến thế là cùng. Chi tiết ấy, góp phần làm nổi bật cái nghịch lý đớn đau xảy ra trong cuộc đời người nghệ sĩ sở hữu chất giọng đẹp và quý hiếm, người hát về biển khơi hay nhất bấy giờ: nếu những khúc ca về biển đã bầu lên tên tuổi của chàng trai Hà Nội Ngọc Tân trong làng giải trí thì chuỗi bi kịch định mệnh của cuộc đời anh cũng được bắt đầu từ hệ lụy của một chuyến vượt biển khơi không thành! Rồi khi vượt qua những đắng cay của số phận, tìm lại được chính mình thì anh phải ra đi vì một cơn bạo bệnh… Trong khi ấy, phẩm cách đáng trọng của tác giả Xa khơi Nguyễn Tài Tuệ được anh kể rất tự nhiên qua cách ứng xử đàng hoàng, tử tế của ông với một người lính trẻ viết văn: tận dụng thời gian tàu thời chiến chậm giờ, chàng binh nhì Lê Khánh Hoài (tức Châu La Việt) rủ bạn vào nhà hát và bất ngờ họ được xem nhạc cảnh Mùa xuân lên nương, mùa xuân lên đường mà anh là tác giả kịch bản. Tên Lê Khánh Hoài không chỉ được xướng lên giữa sân khấu sang trọng rực rỡ ánh đèn mà người nhạc sĩ còn mang nhuận bút đến tận nhà giao cho mẹ Tân Nhân của anh.

Đọc ký chân dung của Châu La Việt, ta dễ dàng nhận thấy, ký của anh thật giàu cảm xúc, rất có tình và rất có văn. Đó là cái tình nghệ sĩ đẹp, nồng hậu, là những mối chân cảm, thiêng liêng nguyên sơ trong sáng. Lấy cảm hứng từ những tuyệt phẩm của Pauxtôpxki, Thì thầm mưa đầy chất trữ tình và ngẫu hứng là một tác phẩm tiêu biểu: “Ào ạt và ăm ắp những cảm xúc thăng hoa, lóe sáng và bùng nổ. Nghèn nghẹn nước mắt và chan chứa tình người. Rồi cái đẹp lại gieo mầm cho cái đẹp tiếp tục sinh sôi. Từ giọng hát đẹp của Minh Quang, sự trân trọng, nâng niu cái đẹp của nàng thiếu nữ văn khoa mộng mơ và tấm chân tình của Châu La Việt mà Thì thầm mưa ra đời. Như một chất kích thích tố, nó lại chắp cánh cho bài thơ Với tác giả Thì thầm mưa , một thi phẩm hay của Phạm Thu Yến để bạn đọc được chứng kiến một cuộc chơi văn hóa liên hoàn thật thú vị. Còn cách ứng xử ân tình, nồng hậu của vợ chồng nghệ sỹ nhân dân Trần Hiếu đã giúp cho chàng trai nghèo xứ Thanh trở thành giọng ca vàng hàng đầu của dòng nhạc đỏ Việt Nam (Đơn giản tên ông là Trần Hiếu). Chính những lời động viên khích lệ của của viên sỹ quan an ninh thi sỹ và tấm gương vượt lên số phận của anh bạn thân đã truyền cảm hứng mà Ngọc Tân không gục ngã, ngược lại đã bình tĩnh đứng dậy, tiếp tục cống hiến cho công chúng những ca khúc để đời... Toàn bộ những ký chân dung hay của anh đều được viết bằng trái tim thi nhân nồng ấm, chan chứa nhân văn. Chúng rất hấp dẫn bởi được dệt bằng những hoài niệm đẹp với muôn vàn nỗi nhớ: nhớ anh Duật, Nhớ chị Mai Hương, nhớ Ngọc Tân, Nhớ Quang Lý, Nhớ Lê Dung… Nhớ những kỷ niệm đẹp với ba Khánh căn, với Trần Tiến, với Đỗ Chu, với mẹ và ba Thơ, với Hứa Vĩnh Sước, với Hoàng Nhuận Cầm, với Minh Quang và Phạm Thu Yến . Lấy lòng mình để hiểu lòng người, anh luôn tìm thấy cái đẹp sau mỗi tâm hồn nghệ sĩ mà anh đã gặp và được sẻ chia: cô Nhâm, giáo sư tiến sỹ Đình Quang, vợ chồng Tất Bình - Lan Hương, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Thúy Quỳnh, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận, Trường Phước và Thái Kế Toại (Lê Hoài Nguyên).

Cái tình còn biểu hiện ở cách anh hết lòng vì họ : mới quen đã chở Hứa Vĩnh Sước (Y Phương) tới nhà hát, bác Tuệ vừa ngỏ ý cần một ca kịch anh lập tức thức trọn đêm để viết. Thật cảm động và trân trọng cái tình của Châu La Việt với thầy Thanh, giáo vụ khoa Văn, một người rất yêu thơ. Anh đã lặn lội về Thái Bình tìm thầy, in cho thầy tập một thơ, mang đến cho người thầy giáo già một niềm hạnh phúc bất ngờ . Anh lên Cao Bằng gặp Y Phương, Anh mong có ngày về Kim Bảng (Hà Nam) tìm mẹ Tân Nhàn. Anh vô cùng lo lắng, tìm mọi cách(cả vật chất và tinh thần) để cứu giám đốc nhà hát Tuổi Trẻ Trương Nhuận khi con người tài hoa ấy mắc bệnh nan y: “Em đã một lần bằng những trang văn mà vượt nghịch cảnh vươn lên, tạo lập nên một cuộc sống vững vàng, một sự nghiệp có thể thành đạt rực rỡ… Bây giờ trong cuộc chiến đấu mới này, em cũng hãy bằng những trang sách mà vững vàng đứng lên em nhé…”. Còn chất văn toát ra từ mỗi cái tên tác phẩm. Có cái tít âm vang như một bản nhạc. Có cái tít là một câu hỏi tu từ, với những dấu chấm hỏi (?), chấm than (!), chấm lửng (…). Có cái tít ăm ắp nhớ thương. Có cái tít ám ảnh người đọc trong nỗi khắc khoải không nguôi: Giai điệu mùa đông, Làm sao về được mùa đông? Nhớ Ngọc Tân, Lê Dung ơi, tháng sáu, nhớ bạn…, Chim én của anh, bay đi, bay mãi đi, Khúc hát cuối cho một cuộc tình buồn, Thì thầm mưa… Văn chảy tràn trong từng con chữ, truyền cảm hứng và dẫn người đọc đi từ trạng thái cảm xúc này sang trạng thái khác. Đây là bức thư định mệnh của người cha gửi con trai yêu quý sau 35 năm chưa hề gặp mặt: “Suốt 35 năm trời nay, con luôn ở trong ký ức của ba, trong trái tim ba, trong tâm hồn ba. Nhất là trong tâm hồn ba. Phải, dù phải xa con trong không gian, trong thời gian, dù phải xa con trong gì giò đi nữa ba luôn nghĩ tới con ở bất cứ thời điểm nào…Sự muộn màng nào để hiểu nhau cũng đau thương, nhưng sự muộn màng nào cũng đẹp. Đó là sự muộn màng trong tiểu thuyết, sự muộn màng trong cuộc đời như tiểu thuyết của chúng ta” Văn đọng trong những tứ thơ dịu dàng, da diết buồn mà thi nhân đã vô tình lại đánh rơi vào trang văn: “Quang Lý đi nhé, chim én hiền lành. Bay đi cùng ngàn mây trắng nhé”…

Văn trong những câu văn miêu tả cơn mưa nước mắt huyền ảo, anh diễn tả cuộc trùng phùng giữa hai nghệ sĩ tài danh: ca sĩ Khánh Ly và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “trận mưa rào nước mắt, một thứ mưa được kết tụ từ đám mây xa xứ, từ những kỷ niệm thần tiên của một thời phiêu lãng hồn nhiên, như cơn mưa từ thiện của sự trong lành, mưa và tâm hồn được rửa sạch... Chao? Trên đời này có những tình yêu cao hơn cả tình yêu, có những ánh sáng tâm hồn huyền ảo lung linh hơn cả ánh sáng của tình yêu, có những cuộc đời chỉ cần sống như những gì người kia muốn, và cũng có những cuộc đời là cả một tấm lòng “Dù không để làm gì cả, dù chỉ để gió cuốn đi” Anh là người đặc biệt hiếu thảo với mẹ, người mà anh tôn thờ như một thần tượng. Yêu mẹ, anh yêu tất cả những gì liên quan đến mẹ và luôn dành những gì tốt nhất cho mẹ. Mà mẹ Tân Nhân của anh tài, sắc, đức hạnh vẹn toàn. Mẹ là một nghệ sĩ suốt đời “Ngậm từng chữ, nhả từng câu, đau như lòng tằm và quý phái như tấm lụa tơ tằm. Say mê tột cùng và thương nhớ cũng tột".Tấm lòng mẹ đẹp: thánh thiện và bao dung, nhân hậu với mọi người. Mẹ không hận ba Thơ mà luôn nhớ những kỷ niệm ngọt ngào về ba, mẹ không trách mà còn biết ơn bà Thúy Nga, người vợ sau của chồng, khi ba ra đi bà nhắc nhở các con sang bờ Tây nước Mỹ thắp lên mộ ông một nén tâm hương. Dù đã ốm đau bà vẫn làm hết sức để những nhạc phẩm của ông được phép lưu hành để trả lại sự trong sạch cho ông. Bà ra đi thanh thản trong những hồi ức càng đẹp. Yêu mẹ, anh yêu quý tất cả những gì gắn với mẹ, anh dành tất cả những gì tốt nhất cho mẹ. Anh yêu quý Trương Nhuận như em ruột thịt không chỉ bởi sự thấu cảm của những người cùng cảnh ngộ,mà còn vì thằng em cùng họ Trương với mẹ Tân Nhân. Yêu mẹ, anh luôn phấn đấu để hoàn thiện chính mình, để trở thành một người tử tế. Và sự tử tế ấy đã mang lại những may mắn cho anh trong suốt cuộc đời.

Có thể nói, ký chân dung của Châu La Việt là những tác phẩm văn chương đáng đọc bởi trong đó có những tác phẩm ký hấp dẫn và tràn đầy cảm xúc, nơi đã lưu giữ nhiều ký ức đẹp. Từ miền ký ức ánh sáng của anh, chân dung những nghệ sĩ (trong đó có anh), chân dung cả một lớp thanh niên thời đại Hồ Chí Minh đã được dựng lại một cách chân thực nhưng lung linh và cực kỳ lãng mạn. Với tâm hồn tinh tế và nhạy cảm anh không chỉ phát hiện ra cái đẹp mà còn có khả năng bất tử hóa nó. Dường như chúng ta ai cũng biết, cuộc đời cậu bé Lê Khánh Hoài (tên lúc khai sinh của Châu La Việt) đâu có êm chèo mát mái, nhưng chàng thanh niên ấy vẫn giữ được cho mình một trái tim nồng ấm, vẫn nhìn đời bằng một đôi mắt tin yêu, không một lời trách cứ, luôn cố gắng vươn lên để trở thành một con người có lý tưởng và suốt đời thủy chung với lý tưởng của mình. Tiếp cận cuộc sống từ phía ánh sáng, qua cái đẹp bằng cái đẹp, những tác phẩm của anh luôn truyền cảm hứng cho bạn đọc, đã “đốn tim “bao người đọc. Đến với ký chân dung của Châu La Việt, độc giả có cảm giác yêu đời hơn, thấy cuộc đời này đáng sống hơn. Lịch sử đã chứng minh, con người càng có nhiều ký ức được lưu giữ thì càng có khả năng đứng vững trong hiện tại và càng có động lực để vươn tới tương lai. Ký ức đẹp đã giúp bút lực của người viết thật sung mãn còn bút hồn ngày càng được tăng cường. Chẳng thế mà giờ đây, năm nào anh cũng đều đều trình làng vài cuốn sách...

Viết bằng trái tim nồng ấm và chan chứa nhân văn… - 1
PGS, TS Trần Thị Trâm và các bạn khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ngày ấy

PGS, TS Trần Thị Trâm

Tin liên quan

Tin mới nhất