Vợ chồng nhà tư sản Đỗ Đình Thiện: Một lòng yêu nước và cách mạng (kỳ 1)

(VHNT) - Tháng 8 năm 1943, nhà cách mạng Nguyễn Lương Bằng vượt ngục Sơn La, về hoạt động ở Hà Nội. Trong Đảng, đồng chí được giao phụ trách tài chính, tức là nắm “tay hòm chìa khóa” của đoàn thể.

Nhưng vấn đề đầu tiên là… tiền đâu? Thông qua ông Vũ Đình Huỳnh, một trí thức cách mạng và là chỗ thân quen với gia đình Đỗ Đình Thiện, một trong những nhà tư sản giàu có nổi tiếng Hà Thành thời bấy giờ, ông Bằng nhắn tin cho hai ông bà, ngỏ ý muốn gặp. Được tin nhắn, ông bà Thiện nhận lời ngay, hẹn gặp tại nhà riêng ở 54 phố Hàng Gai, Hà Nội.

Hôm ấy, ông Bằng đóng vai một người buôn tơ tìm đến. Nghe ông Bằng nói về những khó khăn tài chính của Đảng, ông bà Đỗ Đình Thiện lập tức ủng hộ 3 vạn đồng Đông Dương, một số tiền lớn đến mức ông Bằng cũng phải ngỡ ngàng, như chính lời ông kể lại sau này.Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, trong một lần tiếp bà Đỗ Đình Thiện vào năm 1972, cũng nhắc lại sự kiện trên và cho biết thêm: “Khi chúng tôi nhận được số tiền 3 vạn đồng Đông Dương anh chị gửi cho qua anh Nguyễn Lương Bằng, quỹ Đảng chỉ còn 24 đồng”!...

Cặp trai tài gái sắc

Những nghĩa cử với cách mạng của ông bà Đỗ Đình Thiện, có thể nói, là những dấu son trong cuộc đời đẹp và lạ lùng như huyền thoại của họ. Trước hết là về ông.

Ông Đỗ Đình Thiện sinh năm Giáp Thìn (1904) tại Hà Nội. Thân sinh ông là cụ Đỗ Viết Bình, quê ở làng Noi, nay là phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Sinh thời, cụ Bình từng làm thư kí cho một chủ đồn điền người Pháp ở Tuyên Quang nhưng chẳng may bị bệnh mất sớm. Ra đi khi mới 30 tuổi, cụ để lại cho vợ một cách bốn con nhỏ, trong đó cậu út Đỗ Đình Thiện mới tròn 3 tháng tuổi.

Góa chồng từ năm 28 tuổi, cụ Trần Thị Lan, thân mẫu ông Thiện, ở vậy thờ chồng nuôi con. Vốn chịu thương chịu khó, cụ buôn tơ, ướp chè sen, chế rượu chối... và dần dần gây dựng nên cơ nghiệp. Cụ mở một tiệm buôn tơ khá lớn ở số nhà 72-74 Hàng Gai, Hà Nội. Tuy không giàu sang, nhưng cũng đủ để nuôi các con ăn học.

Cụ Lan rất chăm lo làm phúc. Cụ từng xây cầu, xây quán cho làng, gây dựng cho nhiều bà con họ hàng lên tỉnh làm ăn. Cụ cũng đã ủng hộ tiền cho Đông Kinh nghĩa thục, và sau này cho tờ báo Le Travail (Lao động) của Đảng Cộng sản. Với tiếng thơm ở cả hai quê, hai họ, cụ được bà con, họ hàng trân trọng gọi là “Cụ Ký Hàng Gai”.

Hồi nhỏ, ông Thiện là một cậu bé gầy yếu, biếng ăn. Cụ Lan rất thương cậu út sớm mất cha, nên đặc biệt chăm chút cho cậu. Do các anh lớn hơn đã theo Tây học, nên cụ muốn cho cậu học chữ Nho để sau này giúp cụ đọc các giấy tờ, văn tự. Bốn năm ông Thiện theo học chữ Nho là bốn năm bị đọa đày, do ông phải học với một ông thầy đồ rất khắc nghiệt, dạy thì ít mà đánh phạt học trò thì nhiều.Cuối cùng, ông Thiện được mẹ cho chuyển sang học chữ quốc ngữ ở trường Hàng Vôi, Hà Nội. Nhiều cá tính của ông đã hình thành chính từ thời kì này, khi còn trên ghế nhà trường: thẳng thắn, trung thực, kiên quyết bảo vệ lẽ phải, bênh vực kẻ yếu, không chịu để ai cậy sức bắt nạt mình (mặc dù người nhỏ thó). Trong phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh (1926), ông Thiện đã tham gia tích cực, do đó bị đuổi học, phải xuống Nam Định học tiếp.

Một năm sau, 23 tuổi, ông Thiện quyết chí xin mẹ cho đi Pháp học. Cụ Lan không muốn xa con, nhưng tôn trọng ý định của lớp trẻ, nên đành ưng thuận. Song cụ tính hỏi vợ cho con trước đã, để thêm mối ràng buộc với gia đình. Và lại trong thâm tâm, cụ vẫn hi vọng có vợ rồi, ông Thiện và quyến luyến vợ mới cưới sẽ từ bỏ ý định du học. Thế là cụ nghĩ ra một kế, và đến đây bắt đầu sự xuất hiện của bà Thiện.

Thời bấy giờ có hình thức chơi họ. Một số gia đình quen biết, tin tưởng nhau, mỗi tháng để ra một số tiền, để cho một nhà sử dụng toàn bộ số tiền góp đó. Cứ thế luân phiên, nhà nào đến lượt mình cũng sẽ có được một món tiền lớn để giải quyết công việc cần thiết. Cụ Lan ở Hàng Gai, vẫn để ý đến một cô gái ở phố Hàng Mắm, thường tới để thu tiền họ. Cô tên là Trịnh Thị Điền, người mảnh mai, xinh xắn, nói năng dịu dàng.

Chuyện kể rằng, có ngày, mới sáng sớm, cụ Lan đã đột xuất đến “thăm” để xem cô Điền có dậy sớm không, nhà cửa có ngăn nắp không... Ưng người, ưng nết, cụ quyết định dạm hỏi cô cho con mình. Một ngày đẹp trời, chàng trai Đỗ Đình Thiện và cô gái Trịnh Thị Điển đã chính thức gặp mặt. Qua trao đổi chuyện trò, hai người đều có thiện cảm với nhau và xin thuận theo sự sắp đặt của hai bên gia đình. Tuy nhiên, ông Thiện vẫn không từ bỏ ý định du học; họ thỏa thuận đính ước nhưng việc cưới hỏi thì để sau khi ông đi học về.Tại Pháp, ông Thiện theo học trường Kĩ sư canh nông Toulouse. Năm 1928, ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, tham gia các hoạt động hưởng ứng phong trào cách mạng trong nước. Nhưng rồi ông bị mật thám Pháp bắt tại nhà ga Matabiau ở Toulouse vì tội in và phát truyền đơn cho binh sĩ người Việt trong quân đội Pháp. Những tờ truyền đơn đó kêu gọi họ, khi trở về nước hãy “bất tuân thượng lệnh và hưởng ứng phong trào cách mạng”. Tòa án Toulouse đã xử ông Thiện bốn tháng tù giam, sau đó trục xuất về nước và những hoạt động “gây nguy hại cho chính quốc”.

Về phần bà Điền, hai năm sau khi đính ước đã dấn thân hoạt động cách mạng. Tháng 1/1929, qua sự giới thiệu của một người em họ, bà gia nhập Đảng Tân việt, cùng hoạt động trong chi bộ Phố Huế với ông Nguyễn Tạo và một số người nữa. Năm 1930, sau khi ba đảng cộng sản hợp nhất thành Đảng Cộng sản Đông Dương, bà thoát li gia đình, tham gia công tác cách mạng ở Hải Phòng, Hòn Gai, Hà Nội.

Cuối tháng 3 năm 1931, bà Trịnh Thị Điền bị thực dân Pháp bắt ở Hải Phòng. Ban đầu, bà bị giam giữ ở Sở mật thám Hải Phòng rồi chuyển về Hà Nội. Dù bị tra tấn dã man, bà dũng cảm chịu đựng, không khai nhận điều gì. Bà còn tuyệt thực suốt một tuần liền để phản đối việc tra tấn, ngược đãi phụ nữ. Thực dân Pháp đã phải chịu thua, chuyển bà sang nhà thương Phủ Doãn để dưỡng thương. Không khai thác được gì và cũng không có đủ chứng có buộc tội, tháng 11/1931 thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho bà Điền. Chính trong thời gian bị giam giữ này, bà đã quen biết nhà cách mạng Nguyễn Lương Bằng.

Sau khi ra tù, bà Điền luôn tìm cách tiếp tế cho các đồng chí còn bị giam. Một lần, bà đã giấu hai lưỡi cưa sắt nhỏ vào đế một đôi dép dừa gửi vào cho các ông Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo, khi ấy đang bị giam tại khu biệt giam ở nhà thương Phủ Doãn. Và các ông đã vượt ngục thành công ngay trong đêm Noel 1932.

Vợ chồng nhà tư sản Đỗ Đình Thiện: Một lòng yêu nước và cách mạng (kỳ 1) - 1Nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện. Ảnh Bộ Tài chính Vợ chồng nhà tư sản

Năm 1932, ông Thiện bị trục xuất về nước, bà Điền cũng đã ra khỏi tù. Thủy chung với lời hẹn ước xưa, họ làm đám cưới. Đám cưới được tổ chức, nhưng hai người không đăng kí kết hôn để tỏ thái độ bất hợp tác với chính quyền bảo hộ.

Mang “tiền án” và bị kiểm soát gắt gao, hai ông bà không thể trực tiếp hoạt động cách mạng được nữa. Cặp vợ chồng chuyển sang làm kinh tế, trước là để nuôi sống gia đình, sau để ủng hộ cách mạng khi có thời cơ. Qua bao thăng trầm, họ dần dần đi lên, nhờ vào chữ tín mà ngày một phát đạt. Đến đầu những năm 1940, ông bà Đỗ Đình Thiện trở thành chủ sở hữu của nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất: tiệm buôn tơ Cát Lợi ở 54 Hàng Gai, Hà Nội, nhà máy dệt ở Gia Lâm, và đồn điền Chi Nê ở Hòa Bình.

Đồn điền này nguyên của hai chú cháu người Pháp thuộc dòng họ Borel. Họ đã khai khẩn trong suốt 40 năm, mở mang một cơ ngơi có chiều dài 13 km, chiều rộng 9 km, với diện tích canh tác 2.000 mẫu ruộng. Sản phẩm chính của đồn điền là cà phê và gia súc (khoảng 4.000 con trâu, bò, cừu, dê...). Sau khi tham khảo ý kiến của ông Nguyễn Lương Bằng, năm 1943 ông bà Đỗ Đình Thiện đã mua lại đồn điền Chi Nê với giá đến một triệu đồng Đông Dương (tương đương 2.000 lượng vàng). Đồn điền này về sau được ông bà sử dụng vào nhiều việc thiết thực cho cách mạng và kháng chiến.

Hết lòng vì cách mạng

Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước được độc lập, ông bà Đỗ Đình Thiện càng có điều kiện đóng góp cho chế độ mới dân chủ nhân dân. Đặc biệt, trong những ngày đầu, chính phủ gần như tay trắng, mọi thứ chi dùng - từ tiền, gạo cho đến chỗ ở và làm việc đều phải dựa vào dân, nhất là các nhà tư sản yêu nước ở Hà Nội.

Nếu như trước Cách mạng Tháng Tám, nhà ông bà Đỗ Đình Thiện ở 54 Hàng Gai từng là cơ sở cưu mang cán bộ cách mạng, thì lúc này đã trở thành một thứ giống như “Nhà khách Chính phủ”. Nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Chính phủ, như các ông Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Bùi Lâm, Bùi Công Trừng, Dương Bạch Mai, Trần Văn Giàu, Phạm Ngọc Thạch..., đã thường xuyên qua lại, làm việc, tiếp khách, nghỉ ngơi, may quần áo tại đây. Nhiều cán bộ từ miền Nam ra, trong đó có phái đoàn Phụ nữ Nam Bộ, cũng đã được chủ nhà 54 Hàng Gai đón tiếp rất chu đáo.

Hồ Chủ tịch và ông Võ Nguyên Giáp đã từng nghỉ đêm tại ngôi nhà này, do yêu cầu phải thay đổi chỗ ở thường xuyên để đảm bảo bí mật. Cụ Hồ cũng đã từng nhiều lần được bà Thiện đảm nhận việc làm cơm để tiếp khách, như khi Người tiếp cụ Huỳnh Thúc Kháng ở miền Trung ra tham gia Chính phủ, hay tiếp các tướng Tàu Tiêu Văn, Lư Hán đại diện Đồng minh vào giải giáp quân Nhật...

Khó có thể kể hết những gì ông bà Đỗ Đình Thiện từng đóng góp cho cách mạng những ngày này, chỉ biết rằng họ luôn có mặt trong những sự kiện lớn, được lịch sử ghi nhận. Quỹ Độc lập được mở, ông Thiện được cử giữ chức Trưởng Quỹ Độc lập trung ương, bản thân ông bà ủng hộ vào Quỹ này 10 vạn đồng Đông Dương. Tuần lễ Vàng được phát động trong khuôn khổ của Quỹ Độc lập, riêng ông bà Thiện hiến 100 lượng vàng.

Một bức chân dung Hồ Chủ tịch được đem bán đấu giá để ủng hộ công cuộc kháng chiến kiến quốc, ông bà Thiện đã mua với số tiền kỉ lục 1 triệu đồng Đông Dương. Ngay sau khi mua, ông Thiện tuyên bố tặng lại bức chân dung cho Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội. Thế là cuộc đấu giá biến thành một đám rước chân dung Hồ Chủ tịch về treo tại trụ sở Ủy ban.

Sự kiện này đã gây một tiếng vang lớn, cổ vũ lòng kính yêu của nhân dân đối với lãnh tụ. Đặc biệt, khi Chính phủ lâm thời thiếu cơ sở in giấy bạc - những đồng tiền của chế độ mới - ông bà đã bỏ tiền ra mua lại một nhà in để hiến cho Chính phủ; đó là nhà in Taupin thuộc loại hiện đại nhất khi ấy của một chủ người Pháp ở gần Cửa Nam...

Thư kí của Bác - “nhân vật thứ tư”

Một ngày tháng 5 năm 1946, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đến 54 Hàng Gai gặp ông Đỗ Đình Thiện và truyền đạt: “Cụ Hồ muốn anh tháp tùng Cụ đi Pháp.” Không khỏi bất ngờ trước lời đề nghị của vị Chủ tịch - ông Thiện là doanh nhân, đâu phải nhà ngoại giao hay chính khách - ông trả lời bằng cách hỏi lại: “Tôi có thể không đi được không?" “Nếu anh tìm được người đủ tin cậy thay anh thì anh có thể quyết định lại” - ông Bằng đáp.

Ngày 31/5/1946, Hồ Chủ tịch lên đường sang Pháp với tư cách thượng khách của nước Pháp. Mục đích của chuyến đi là để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Pháp đối với nền độc lập của Việt Nam, đồng thời hậu thuẫn cho phái đoàn Việt Nam tham dự cuộc hội đàm với Pháp tại Fontainebleau, do ông Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn. Đi theo Người có hai tùy tùng một thư kí riêng là ông Đỗ Đình Thiện, và một sĩ quan cận vệ là ông Vũ Đình Huỳnh.

Chuyến đi này đã được ông Thiện ghi chép tỉ mỉ trong “Nhật kí làm việc của Hồ Chủ tịch bốn tháng ở Pháp”, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Nhờ đó mà ngày nay chúng ta biết được nhiều điều về lịch trình làm việc của Bác trong thời gian đó (22/6 - 17/9/1946).

Ngoài việc thực hiện các nghi lễ ngoại giao, Hồ Chủ tịch đã có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các tổ chức, các đảng phái, cá nhân, trong đó có những danh nhân thế giới như vợ chồng nhà bác học Joliot Curie, danh họa Picasso, nhà văn Nga Ilya Ehrenbourg… Là người đã có nhiều năm sống và học tập tại Pháp, am hiểu về đất nước và con người nơi đây, ông Đỗ Đình Thiện đã giúp được Bác không ít trong các nghi lễ ngoại giao cũng như tại các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc.

Không chỉ đảm nhiệm công việc thư kí cho Hồ Chủ tịch, ông Thiện còn chăm lo sinh hoạt, sức khỏe của Người. Nhất cử nhất động của vị thượng khách đều được Sở Cảnh sát Paris “quan tâm”. Đỗ Đình Thiện, người luôn theo sát Hồ Chí Minh ở mọi nơi, mọi lúc, cũng luôn trong tầm ngắm của họ. Tại Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại của nước Pháp đặt ở Aix-en-Provence, hiện còn lưu tập hồ sơ về ông Thiện do cảnh sát Pháp lập.

Trong đó, quãng thời gian ông tháp tùng Hồ Chủ tịch đi Pháp có liệt kê đến từng chi tiết những lần ông đưa Người đi khám ở bệnh viện, hay vào nhà bằng Indochine rút tiền... Trong mắt người Pháp, ông Thiện là một nhân vật tối quan trọng: đứng thứ tư trong 14 thành viên của Tổng bộ Việt Minh, Tổng Thủ quỹ Tài chính Xứ bộ Bắc Kì (Trésorier générale et Membre de la Commission des Finances de la Section du Nord - Vietnam).

Trong gần bốn tháng Hồ Chủ tịch thăm và làm việc tại Pháp, Người đã chụp nhiều bức ảnh, cả chính thức và kỉ niệm. Tất cả - khoảng một trăm bức - đều được ông Thiện lưu giữ và ghi chú ngày giờ, nơi chụp cũng như nội dung mỗi ảnh. Khi Hồ Chủ tịch kết thúc chuyến đi trở về Tổ quốc, ông Thiện đã đem theo về. Trong suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, ông bà Thiện đã cẩn thận giữ gìn, bảo quản các bức ảnh đó; hiện còn 86 bức được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3.

Vượt lên trên ý nghĩa về tư liệu liên quan đến Hồ Chủ tịch, những hình ảnh và nhật kí về Người do ông Thiện lưu giữ hoặc trực tiếp ghi chép còn có giá trị lịch sử vô cùng to lớn. Chúng ta biết rằng cuộc hội đàm chính thức giữa phái đoàn Việt Nam và phái đoàn Pháp đã không đạt được kết quả mong muốn. Kết thúc cuộc hội đàm, ông Phạm Văn Đồng cùng phái đoàn về nước.

Hồ Chủ tịch còn ở lại với mong muốn đi đến một sự thỏa thuận với Pháp để kéo dài những ngày hòa bình nhằm có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Đó chính là bản Tạm ước kí ngày 14/9/1945 giữa Hồ Chủ tịch và Marius Moutet, Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại. Sự kiện lịch sử này đã được ông Thiện ghi lại trong nhật kí, phản ánh phần nào sự khẩn trương, căng thẳng của Bác trong những ngày cuối cùng ở Paris:

14/9/1946 - 17g Cụ đi gặp ô. Moutet. - 18g Cụ đi gặp ô. Bidauld. - 19g45 Cụ về khách sạn. - 12g rưỡi đêm Cụ đi gặp ô. Moutet. 15/9/1946 - 16g ô. Mesmer tới đưa giấy Cụ Chủ tịch kí vào hồi gần 5 giờ, có a. Giám ở đấy. - 17g30 Cụ đi nói truyền thanh Pháp và Việt nghe. - 19g20 ô.b. [ông bà] Sainteny đến chào Cụ. 16/9/1946 Sáu ngày nay, Cụ bận suốt ngày đêm (tiếp khách đến thăm chào, đi thăm chào và thứ nhất đi công việc). Anh em trong Tùy tùng thu dọn tài liệu, đóng đồ đạc đề gửi đi, đem về, viết thư, gửi thiếp chào và cáo từ các nhà chức trách, các người thân biết. Suốt ngày đêm, công việc, khách khứa tấp nập, rộn rịp. Đêm 15, anh em thức đến 2g sáng và Cụ 3g sáng, mà sáng nay 5g đã dậy sửa soạn ra ga. 6g30, Cụ đi Hôtel Se Anne để gặp anh Mai, 7g30 Cụ về giục đi ngay kẻo trễ, bỏ cả ăn sáng...

Tạm ước được kí kết, hòa bình được vãn hồi, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chưa thể về nước ngay. Vì Pháp bố trí cho Người về bằng tàu thủy, và trên đường đi còn ghé thăm một số nơi. Ngày 19 tháng 9 năm 1946. Cụ Hồ và những người cùng đi rời cảng Toulon về nước trên chiếc thông báo hạm “Dumont d'Urvile”. Ngoài thư kí Đỗ Đình Thiện và cận vệ Vũ Đình Huỳnh, lần này còn có thêm bốn nhà trí thức Việt kiều theo Bác về giúp nước. Đó là kĩ sư đúc - luyện kim Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước, kĩ sư mỏ Võ Đình Quỳnh và kĩ sư Phạm Quang Lễ (sau được Bác đổi tên thành Trần Đại Nghĩa).

Chuyến đi dài ngày cũng là dịp để các nhà trí thức chuẩn bị tinh thần, tìm hiểu tình hình đất nước trước khi bước vào cuộc đời mới. Những câu chuyện giữa Chủ tịch và những người cùng đi về cội nguồn và truyền thống Việt Nam, về vận mệnh đất nước và công cuộc kháng chiến kiến quốc... diễn ra thật tự nhiên nhưng cũng chứa đựng biết bao bài học nhập môn cách mạng” cho các nhà trí thức dấn thân, trong đó có ông Đỗ Đình Thiện.

Thời gian dường như cũng vì thế mà trôi nhanh hơn. Sau một tháng lênh đênh trên biển, ngày 20/10/1946 tàu cập cảng Hải Phòng. Tình hình gấp rút đòi hỏi phải khẩn trương từng ngày từng giờ, Hồ Chủ tịch về Hà Nội ngay, ông Đỗ Đình Thiện còn ở lại tiếp đoàn thủy thủ con tàu. Về đến nơi, Cụ Hồ đã cho gọi ngay bà Thiện lên gặp và nói vui: “Bác đưa chú Thiện về trả cô nguyên vẹn rồi đấy nhé.”

Mặc dù sự thiện chí và nỗ lực của phía Việt Nam, đặc biệt là của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tránh để xảy ra chiến tranh, cuộc Toàn quốc Kháng chiến đã bùng nổ đêm 19/12/1946. Ông bà Thiện, với cương vị là Phó chủ tịch và Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính khu Hoàn Kiếm, Hà Nội đã tình nguyện ở lại tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô, sau khi gửi cả bốn người con còn nhỏ tới nhà một người bạn ở Vân Đình.

Sau 10 ngày đêm tham gia chiến đấu, ông bà Thiện được giao đưa 300 cán bộ và nhân dân rút ra vùng tự do. Cuộc rút lui qua đường gầm cầu Long Biên đầy gian nan nguy hiểm. Trong một phút gay go, ông bà Thiện đã nói nhỏ với nhau: “Trong hai người, phải cố sống ít nhất một để nuôi con!” Thật may cả hai ông bà đều thoát được và tiếp tục cống hiến cho đất nước bằng tất cả đức độ, tài năng và trí tuệ.

(Còn nữa) Nguyễn Quốc Tín - Nguyễn Huy Thắng - Nguyễn Như Mai

>>> Vợ chồng nhà tư sản Đỗ Đình Thiện: Một lòng yêu nước và cách mạng (kỳ 2)

None

Tin liên quan

Tin mới nhất