Xuân Diệu - người ảnh cả của báo chí văn nghệ hiện đại Việt Nam

(Arttimes) - Xuân Diệu (1916-1985) từng được biết đến là một nhà thơ lớn, một nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh), một nhà khảo cứu - phê bình văn học tài danh, một dịch giả. Xuân Diệu còn là một nhà báo tài năng.

Trên hết và cuối cùng, bằng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngoài sáng tác văn chương (như viết báo, biên tập, đứng đu về tổ chức nội dung bài trong cơ quan báo chí, phê bình, nói chuyện thơ, v.v), Xuân Diệu là một nhà văn hóa lớn, có nhiều đóng góp quan trọng từ những năm 30 của thế kỷ XX khi ông còn trai trẻ cho đến khi ông “lìa cõi thực để vào hư”. Xuân Diệu viết báo, làm báo trên cơ sở một nhà văn hóa lớn ở chính ông.

Xuân Diệu - người ảnh cả của báo chí văn nghệ hiện đại Việt Nam - 1
Nhà thơ Xuân Diệu (ảnh phải)

Một đời báo năm mươi năm tâm huyết, nỗ lực

Ngay từ năm 1935, khi bắt đầu ra Hà Nội học Tú tài phần thứ nhất tại trường Trung học Bảo hộ, Xuân Diệu đã gửi bài thơ đầu tiên đến báo Phong hóa và được đăng. Từ đó, Xuân Diệu, với tư cách là cộng tác viên, đã góp bài cho Phong hóaNgày nay, hai tờ báo của một tổ chức văn học sáng giá mà sau một thời gian, ông trở thành một thành viên, đó là Tự lực văn đoàn. Tâm huyết nỗ lực suốt đời, tròn năm mươi năm sau, sát ngày mất (18/12/1985), Xuân Diệu còn viết, có bài chỉ kịp công bố bằng lời đọc của người khác, khi tác giả vừa qua đời (bài Sự uyên bác với việc làm thơ, đọc ở Hội nghị nhà văn trẻ lần thứ III, tháng 12/1985).

Khi là cộng tác viên, khi là biên tập viên và thư ký tòa soạn, Xuân Diệu đã gắn bó mật thiết suốt nửa thế kỷ với nhiều báo, tạp chí, trước tiên là hai báo Phong hóaNgày nay. Đáng chú ý hơn hết, Xuân Diệu là người anh cả của báo chí văn nghệ hiện đại Việt Nam khi ông viết báo, làm báo từ năm 1948 trở đi. Mở đầu là tạp chí Tiên phong (cơ quan vận động văn hóa mới của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam, tiền thân của báo Văn nghệ), với nhiều bút danh như: Gió Mai, Dân Chúng Thật, Dân, Triều Mai, Việt Dân, Lời Thật. Sau đó là mười lăm năm liên tục làm việc các báo và tạp chí như: tạp chí Văn nghệ (của Hội Văn nghệ Việt Nam, 1948 - 1954), báo Văn nghệ (1954-1957), tạp chí Văn nghệ (1957- 1963), báo Văn và báo Văn học (1957-1963), báo Văn nghệ (từ 1963 đến 1985). Xuân Diệu còn là cộng tác viên “ruột” (phần văn học) của Đài Tiếng nói Việt Nam ngay từ những ngày đầu của cơ quan báo nói lớn nhất cả nước này tại chiến khu Việt Bắc. Trong chín năm liền, ông phụ trách mỗi tuần một Câu chuyện văn hóa (mỗi bài là một tùy bút), về sau tập hợp in thành cuốn Việt Nam trở dạ, 1948). Những bài trong mục Tiếng thơ do Xuân Diệu phụ trách và viết đăng liên tục 11 bài trên tạp chí Văn nghệ được đọc thường xuyên trên Đài Tiếng nói Việt Nam, mục này trở thành tiền thân của mục cùng tên của Đài này, tồn tại suốt hơn tám mươi năm qua.

Bạn nghề báo gần gũi bên Xuân Diệu là những văn nghệ sĩ, nhà báo tên tuổi: Nhất Linh, Tú Mỡ, Thạch Lam, tiếp theo là Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Trần Huy Liệu, Thế Lữ, Hoài Thanh, Hải Thanh, Bùi Công Trừng, Hải Triều, Nguyễn Đình Thi, Tô Ngọc Vân, Văn Cao, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Phạm Văn Đôn, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Thâm Tâm, Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Học Phi, Như Phong, Trần Huyền Trân, v.v.

Ngoài hệ thống báo văn hóa - văn nghệ, Xuân Diệu còn viết cho các báo và tạp chí chính trị - xã hội, tham gia cổ động cho công cuộc kháng chiến, cứu quốc, như: báo Thanh niên (của Phong trào Thanh niên dân chủ Sài Gòn, những năm 1944- 1945, do Huỳnh Tấn Phát làm chủ nhiệm), tạp chí Độc lập (1945, của Đảng Dân chủ) với bút danh Trảo Nha (mượn tên một xã quê hương tác giả thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, có nghĩa là Răng và Vuốt), báo Sự thật (1946, của Đảng Cộng sản).

Như đã nêu, nhà báo Xuân Diệu không chỉ là một cộng tác viên ở ngoài hoặc một biên tập viên ở trong cơ quan báo chí, mà ông còn giữ những cương vị, vai trò quan trọng trong cơ quan báo chí nói riêng (đứng đầu tổ chức nội dung) và trong hoạt động nghề nghiệp của tổ chức báo chí nước nhà nói chung. Tháng 5/1956, với tư cách đại biểu giới nhà báo, Xuân Diệu tham gia phái đoàn Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do đồng chí Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, sang Pa-ri đàm phán với chính phủ nước Cộng hòa Pháp. Xuân Diệu từng là Thư ký tòa soạn tạp chí Tiên phong. Suốt mười lăm năm làm việc ở tạp chí Văn nghệ (1948-1954) và báo Văn nghệ (1954- 1963), Xuân Diệu tham gia biên tập từ những số đầu tiên đến những số cuối cùng, từng luân phiên cùng các nhà văn, nhà báo tên tuổi khác đảm nhiệm công việc Thư ký tòa soạn, tương đương Tổng biên tập hiện nay, ở Tạp chí Văn nghệ (1948-1954) và ở tạp chí cùng tên (1957-1963).

Từ năm 1945 trở về nước, Xuân Diệu đã có khá nhiều bài đăng, ở đây, chỉ xin nêu một số bài làm nên những dấu mốc nghề báo, nghề văn của ông.

Bài viết về thơ Huy Cận đăng báo Ngày nay (số 166,17/6/1939). Trước đó, năm 1938, Xuân Diệu đăng truyện ngắn Người học trò dốt trên báo Ngày nay. Tác phẩm nói vui về cách dạy của một thầy giáo Quy Nhơn, nhưng lại bị nhiều bạn đọc địa phương ấy coi là tác giả đưa các thầy giáo ở quê mình ra chế giễu. Chuyện đến tai ông cụ thân sinh nhà thơ, cụ rất buồn, nhắn thư trách con trai. Tất nhiên, Xuân Diệu cũng sững sờ, ngạc nhiên về hậu quả tai hại này. Tuy nhiên, Ban biên tập báo lại có ý kiến khác, có lợi cho Xuân Diệu, nêu rõ đặc thù của văn chương sáng tạo, hư cấu. Trong ý kiến đó, có câu: “Mong cho có đơn kiện, chúng ta sẽ trả lời các thầy giáo và sẽ lại có dịp tuyên truyền cho văn học, và tuyên truyền riêng cho nhà thơ kiêm nhà viết truyện ngắn Xuân Diệu, và làm cho mọi người rõ thế nào là chuyện thực đời, và thế nào là chuyện trong văn chương, thế nào là đời làm tư liệu cho văn chương”.

Nhà nghiên cứu, PGS. TS. Lưu Khánh Thơ, trong một bài viết về bộ sách Toàn tập Xuân Diệu (tạp chí Văn hóa - nghệ thuật, 2-//2003) cũng nêu một số bài báo của Xuân Diệu có giá trị cao về học thuật và tư liệu. Đó là bài Thơ ra đời lời đưa duyên của tác giả (Ngày nay, số 142, 12/1938) bày tỏ quan niệm nghệ thuật của Xuân Diệu. Hoặc bài Tính cách An nam trong văn chương (Ngày nay, số 147, 1/1939) lưu ý giới viết văn về bản sắc dân tộc trong văn nghệ. Với bài Một vài kỷ niệm về yêu thơ Tản Đà (tạp chí Tao đàn, 17/1939), Xuân Diệu là tác giả đầu tiên đề cao thơ Tản Đà ngay sau khi nhà thơ bậc đàn anh qua đời.

Đối với Xuân Diệu, năm mươi năm làm thơ thì cũng bằng ấy năm viết báo, làm báo một cách tâm huyết, nỗ lực và đạt nhiều thành tựu. Ông đã công bố nhiều trăm bài, trong đó, ngoài thơ, truyện, bút ký là tiểu luận, kịch hoạt cảnh, đọc sách, tường thuật, v.v. Một phần trong số ấy do có giá trị lâu dài hoặc chúng là khảo cứu, phê bình cho nên đã được chọn để soạn sửa in thành sách.

Tuy nhiên, hiện nay có rất ít bài báo, tiểu luận đề cập trọn vẹn và lỹ lưỡng hoạt động báo chí của Xuân Diệu. Bộ sách 5 cuốn Toàn tập Xuân Diệu (Nxb Văn học, 2001) bỏ sót nhiều bài báo có giá trị tư liệu quí. Cuốn Xuân Diệu, về tác gia tác phẩm (Nxb Giáo dục, 2001, tái bản lần thứ ba) trong phần niên biểu không nhắc đến những năm tháng Xuân Diệu làm báo.

Xuân Diệu làm việc tạp chí và báo Văn nghệ nhiều năm, có thời gian ông giữ chức Thư ký tòa soạn cả tạp chí và báo. Sau này, khi chuyển nơi công tác và nghỉ hưu, ông vẫn gắn bó với báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam bằng những bài đăng, bằng mối quan hệ thân tình. Xuân Diệu có bốn người em nuôi thì ngoài Hoàng Cát và Chử Văn Long, có hai người báo Văn nghệ, đó là Hữu Nhuận và Bế Kiến Quốc, một người ở báo Người Hà Nội là Chử Văn Long. Bằng cả tình thân yêu anh - em, thầy - trò, cộng tác viên - biên tập viên, Xuân Diệu đã góp phần giúp những người em làm báo của mình trưởng thành về nghề nghiệp.

Một biên tập viên vững vàng về kỹ năng nghề nghiệp, tận tụy, cẩn trọng, kỹ tính

Ngay từ thời trẻ trai mới bước vào làng văn, làng báo, Xuân Diệu đã rất quan tâm đến ngôn ngữ, cụ thể là cách dùng từ làm sao cho đúng, chính xác, súc tích và hay. Càng về sau, nhiều bài báo, tiểu luận, ông càng nhắc đi nhắc lại việc làm trong sáng và giàu có ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ báo chí, cũng như lời ăn tiếng nói hằng ngày. Xuân Diệu đăng bài Hàng bia Văn Miếu trên báo Ngày nay (1938) mỉa mai các bậc khoa cử ngày xưa, phê phán một số văn sĩ viết tiếng Tây. Ý kiến của nhà thơ có thể có đôi chỗ chưa thấu tình đạt lý, chưa kín cạnh mọi nhẽ. Tuy nhiên, bài báo được nhiều bạn đọc rất tán thưởng, bởi vì mục đích chính của tác giả là nhằm bảo vệ tiếng mẹ đẻ, suy tôn văn hóa dân tộc.

Bản thảo của Xuân Diệu khá sạch, hầu hết là chép tay, dù số trang nhiều đến đâu. Chữ Xuân Diệu đẹp, to rõ, khá giống chữ Huy Cận, vừa thoáng đãng lại vừa mềm mại, bay bướm. Không ít khi Xuân Diệu thêm bớt, gạch xóa rất tỉ mỉ, nhưng chỗ nào cũng rõ ràng, dứt khoát, dễ đọc. Khi duyệt bài, nhà thơ dùng một loại bút có màu mực riêng dành cho mỗi lần gạch xóa, thêm bớt, nhằm tránh lẫn với các lần biên tập trước và sau, do bản thân hoặc những người khác thực hiện. Một biên tập viên kể lại rằng có lần anh nhận được bản thảo do Xuân Diệu  đưa lại, ở đó có ba lần biên tập của nhà thơ: lần đầu chữ màu tím, lần sau đỏ, cuối cùng là xanh lá mạ. Nhà phê bình Trường Lưu cho biết: “Xuân Diệu có thói quen là mỗi lần duyệt bài, ông thường nhắm mắt và chăm chú nghe biên tập viên đọc mảng bài do mình phụ trách, sau khi đã chọn lọc và biên tập, chuẩn bị bài cho số tạp chí sắp đến. Ông tinh tường đến mức mỗi khi nghe chỗ nào có sạn (câu, chữ, ý hay chất lượng bài…) là ông bắt dừng lại, cho ý kiến sửa chữa hoặc trao đổi, và sau đó biên tập viên tự hoàn chỉnh mảng bài đó”.

Nhà thơ, nhà phê bình Vũ Quần Phương là người cũng rất cẩn thận, kỹ tính về câu chữ. Khi còn làm biên tập Ban Văn nghệ đài Tiếng nói Việt Nam, ông đã có chung kỷ niệm với nhà thơ, nhà phê bình bậc đàn anh Xuân Diệu khi biên tập bài để đọc trên sóng phát thanh. Ông đã học tập được khá nhiều ở nhà thơ lớn kiêm nhà báo lão thành. Vũ Quần Phương kể: “Viết cho đài phát thanh, bao giờ anh cũng đòi đọc kỹ, ốm cũng cố đi, chỉ sợ người khác- khi đọc để phát trên sóng- nhấn nhá không đúng vào câu chữ của mình. Anh có lối viết (lối nói nữa) cựa quậy vào trong từng chữ, thí dụ: “Một chiếc xe, đạp băng vào bóng tối”. Ai đọc: “Một chiếc xe đạp, băng vào bóng tối”, anh khổ lắm. Công nhân thu thanh thuộc Xuân Diệu như thuộc một phát thanh viên thực thụ. Và anh cũng tự nhiên, mùa nóng vào phòng thu, cởi trần ra, ngồi đọc” (sách Xuân Diệu, con người và tác phẩm, nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1987, trang 174).

Nhiều nhà thơ đã nhận được từ Xuân Diệu những lời khuyên và sự hướng dẫn rất cụ thể và bổ ích về cách dùng từ ngữ trong sáng tạo thơ. Khi nói chuyện hoặc viết bài phê bình thơ, Xuân Diệu cũng chú ý nhiều đến ngôn ngữ, ông dừng lại lâu lâu khi chê hoặc khen về cách dùng từ, đặt câu, chọn hình ảnh, gieo vần, tạo nhịp điệu. Bài viết của ông về thơ Thế Lữ là một thí dụ tiêu biểu. Ngoài ra, Xuân Diệu còn có riêng những bài nói đến tiếng Việt và ngôn từ thơ như: Sự trong sáng của tiếng Việt trong thơ, Sự tương xứng trong ngôn từ thơ (sách Công việc làm thơ, Nxb Văn học, 1984) và Tâm sự với các em về tiếng Việt (sách Và cây đời mãi mãi xanh tươi, Nxb Văn học, 1971).Nhập dẫn lời

Xuân Diệu - người ảnh cả của báo chí văn nghệ hiện đại Việt Nam - 2
Từ trái sang Các nhà văn Thép Mới, Huy Cận, Xuân Diệu viết bài cho Báo Nhân Dân tại Trụ sở Báo Nhân Dân - năm 1972. Ảnh T.L

Nhiều nhà trong một Xuân Diệu

Trên báo Thơ (số 12, 6/2004), nhà lý luận, phê bình Hà Minh Đức viết về Xuân Diệu bốn nhà. Chuyện là thế này, có lần Xuân Diệu nói vui với ông: “Nên nhớ, mình không phải chỉ là nhà thơ mà là bốn nhà: nhà thơ, diễn giả về thơ, nhà phê bình - nghiên cứu về thơ và dịch giả về thơ. Nếu ngồi vào mâm mình có quyền gắp bốn miếng, nhưng chỉ dè dặt gắp một lần thôi”. Thật ra, Xuân Diệu còn là nhà báo nữa, tức là Xuân Diệu năm nhà. Tại mỗi khu vực sáng tạo nêu trên đây của Xuân Diệu đều có tính độc lập tương đối và mỗi hoạt động sáng tạo tinh thần lại có một đóng góp riêng đáng kể.

Đối với những tác giả nào đó, các phần việc mà họ tham gia có thể tách rời, mức độ liên quan, tác động và ảnh hưởng vào nhau không nhiều. Còn đối với Xuân Diệu, có thể nói: ông làm báo để làm thơ và ở nhiều trường hợp, làm thơ như viết báo; viết báo cũng tức là viết nghiên cứu - phê bình, viết nghiên cứu - phê bình để trau dồi kinh nghiệm sáng tác thơ.

Sáng tác thơ của Xuân Diệu sau năm 1945, tùy theo những kiểu cách, sắc thái riêng từng tác phẩm, mang đậm tính báo chí. Thật ra, ai làm báo cũng biết, xét đơn thuần về mặt hình thức, bất cứ bài nào đăng trên báo cũng là bài báo. Tuy nhiên, nhìn cụ thể và xét sâu vào bản chất loại hình, thì có những sáng tác văn chương đăng báo ít tính báo chí, nếu hiểu báo chí chủ yếu là phục vụ kịp thời (nhất là báo, còn tạp chí thì tính thời sự co dãn hơn nhiều).Có thể nói rất nhiều bài thơ (trừ thơ tình) của Xuân Diệu đăng từ sau năm 1945 trở đi cho đến khi nhà thơ ngừng viết, là thơ thời sự, tức là những sáng tác đậm tính báo chí, cũng có thể gọi chúng là những bài báo giàu chất thơ, mượn hình thức thơ của văn học để tồn tại. Quan niệm mới về sáng tạo văn chương của các nhà văn sau năm 1945 cùng ý thức công dân của họ, do hoàn cảnh xã hội - chính trị qui định, đã tạo nên hiện tượng (hoặc tình trạng) này tồn tại cho đến trước thời kỳ đổi mới - mà Xuân Diệu là một trường hợp tiêu biểu. Chỉ đọc lướt qua nhan đề các bài thơ cũng thấy rõ ngay chất thời sự của báo chí: Anh cán bộ trẻ về làng (tập Mẹ con), Ta chào Việt Bắc về xuôi (tập Ngôi sao), các phần “Những vần thơ xây dựng”, “Những bài thơ thời sự” (tập Riêng chung), Bà má Năm Căn, Một tên Mỹ bị sập hầm chông (tập Mũi Cà Mau), Núi Ba Vì với Hồ suối Hai, Trưa ở Thịnh Lang (tập Một khối hồng), Chị Tạ Thị Kiều thăm vườn hoa Thống Nhất (tập Hai đợt sóng), Con chim và xác chiếc tàu bay Mỹ (tập Tôi giàu đôi mắt), Trên đồi thông Bắc Cạn (tập Hồn tôi đôi cánh), Một lần nữa chúng tôi lại chống quân xâm lược (tập Thanh ca), v.v. Tiếc rằng, nhiều bài thơ “chân chân chân, thật thật thật” của Xuân Diệu đã bị thời gian đào thải.

Những bài báo khác của Xuân Diệu (ngoài thơ và một số bút ký) hầu hết là tiểu luận về văn hóa, văn học, bám sát các sự việc, sự kiện của đời sống, mang tính thời sự cao. Là nhà thơ, Xuân Diệu tập trung viết về thơ. Bên cạnh những bài khảo luận về thơ của các bậc cổ nhân như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Nguyễn Đình Chiểu, Đào Tấn, có đăng (hoặc trích đăng), sau đó gom lại đưa vào sách Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (hai tập), Xuân Diệu còn viết rất nhiều tiểu luận đăng báo, phát trên sóng đài Tiếng nói Việt Nam, phục vụ kịp thời, sau đó tuyển chọn vào sách. Mở đầu các cuốn sách loại này là Dao có mài mới sắc (nhà xuất bản Văn học, 1963). Bạn đọc thấy rõ một Xuân Diệu nhà thơ trong vai một nhà báo kiêm một nhà nghiên cứu, phê bình khi đọc những bài của ông khuyến khích, động viên quần chúng công nhân, nông dân, bộ đội, những tác giả trẻ làm thơ ca. Rồi những bài tường thuật lời phát biểu trong cuộc tranh luận văn nghệ ở Việt Bắc năm 1948. Xuân Diệu còn là thành viên Ban giám khảo các cuộc thi thơ, thi ca dao do báo tổ chức, trong đó có cuộc thi thơ 1960-1961 góp phần đánh dấu một bước phát triển của thơ Việt Nam giai đoạn sau kháng chiến chống Pháp đến đầu hòa bình.

Xuân Diệu là vậy. Năm mươi năm nhà báo Xuân Diệu say mê, nỗ lực viết báo, làm thơ, viết phê bình, ở lĩnh vực nào ông cũng có thành tựu đáng nể. Riêng về báo chí văn nghệ, Xuân Diệu là một nhà báo tâm huyết, tài năng, có đóng góp lớn. Đời Xuân Diệu là yêu, là lao động, là gắn bó với nhân dân, đất trời, tuổi trẻ, mùa xuân, luôn luôn muốn được sống hết lòng trong hiện tại, như mấy câu thơ của ông:

     Lòng yêu cuộc sống với nhân dân Mạnh mẽ vươn xa lại tỏa gần

     Đêm hóa làm sương ôm mát đất Ngày làm nắng ấm giục mùa xuân.

Phạm Đình Ân

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Cuốn nhật ký “Con đường Văn sĩ” là tác phẩm không chỉ dành cho những ai yêu văn chương của Nguyễn Huy Tưởng mà đó còn là kho tư liệu quý giá để hiểu về ông và rộng hơn là thế hệ nhà văn tiền chiến. Cuốn sách đặc biệt hướng đến độc giả trẻ tuổi – những người đang háo hức và băn khoăn, quả quyết và khắc khoải bước vào đời với những khát khao giống như bậc tiền nhân